Hội đàm Nga - Mỹ và vấn đề an ninh Biển Đen

Các cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ tập trung giải quyết xung đột Ukraine và an ninh hàng hải ở Biển Đen kết thúc sau hơn 12 giờ.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration -:-
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -:-
1x

Nga và Ukraine vẫn chưa đối thoại trực tiếp

Các quan chức Mỹ và Nga đã một lần nữa ngồi vào bàn đàm phán tại Ả rập Xê út hôm 25/3, sau khi Mỹ đàm phán với Ukraine không lâu trước đó cũng tại Ả rập Xê út. Để đặt nền tảng cho những cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm riêng rẽ với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước. Mục tiêu là đạt được tiến triển hướng tới lệnh ngừng bắn rộng rãi ở Ukraine. Ngoài ra, Washington còn đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn trên biển Biển Đen riêng biệt trước khi đạt được một thỏa thuận rộng hơn.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ là ông Andrew Peek, Giám đốc Cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và ông Michael Anton, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao.

Dẫn đầu phái đoàn Nga là ông Grigory Karasin, một cựu nhà ngoại giao hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga và ông Sergei Beseda, Cố vấn cho Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

Các cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ tập trung vào việc giải quyết xung đột Ukraine và an ninh hàng hải ở Biển Đen đã kết thúc tại thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út sau hơn 12 giờ. Ông Grigory Karasin, một nhà ngoại giao kỳ cựu và là Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế của quốc hội, thành viên phái đoàn Nga, đã mô tả các cuộc đàm phán ở Riyadh là “sáng tạo” nhưng cũng “mang tính kỹ thuật”.

Các cuộc đàm phán chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đen và triển vọng khôi phục Sáng kiến Biển Đen.

Ông Karasin nói với các phóng viên: “Không phải mọi cuộc đàm phán đều mang lại một văn bản hoặc thỏa thuận có giá trị cao. Điều quan trọng là duy trì liên lạc và hiểu được lập trường của nhau. Về vấn đề này, chúng tôi đang thành công”.

Một ngày trước cuộc đàm phán Nga - Mỹ, Mỹ và Ukraine cũng đã tổ chức một cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út. So với cuộc đàm phán kéo dài hơn 12 giờ giữa Nga và Mỹ, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine có vẻ ngắn hơn nhiều, chỉ khoảng 5 giờ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Umerov đã công bố tóm tắt nội dung cuộc đàm phán trên mạng xã hội vào tối ngày 23/3 giờ địa phương. Ông cho biết, các cuộc đàm phán "có kết quả" và hai bên đã thảo luận về các vấn đề chính, bao gồm năng lượng.

Theo Hãng thông tấn quốc gia Ukraine, các thành viên của phái đoàn Ukraine tham gia cuộc đàm phán ngày hôm đó bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Umerov, các Phó Giám đốc Văn phòng Tổng thống Pavel Paliza và Igor Zhovkova, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Alexander Karasevich và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mykola Kolesnik.

Mặc dù Nga, Mỹ và Ukraine có mặt tại cùng một khách sạn ở Riyadh, Ả rập Xê út để đàm phán về xung đột Nga - Ukraine, nhưng hai bên vẫn chưa tiến hành đối thoại trực tiếp, trong khi đó, cuộc đối đầu giữa hai bên trên chiến trường ngày càng trở nên căng thẳng. Cả hai bên đều cáo buộc nhau thiếu sự chân thành khi đàm phán. Sau khi kết thúc vòng đàm phán riêng rẽ này với Ukraine và Nga, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch "ngoại giao con thoi" của mình.

Phân tích của Bloomberg cho rằng, Tổng thống Trump đã hứa sẽ nhanh chóng giải quyết cuộc chiến kéo dài ba năm giữa Nga và Ukraine kể từ trước khi nhậm chức, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nhà Trắng đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 20/4, nhưng thừa nhận rằng thỏa thuận này có thể bị trì hoãn do lập trường khác nhau của hai bên.

Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đen

Một trọng tâm của các cuộc đàm phán lần này là đạt được lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, để hàng hoá có thể được lưu thông tự do, mặc dù khu vực này không phải là địa điểm diễn ra các hoạt động quân sự dữ dội trong những tháng gần đây. Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế to lớn đối với cả Nga và Ukraine. Nhưng các quốc gia khác giáp với Biển Đen - đặc biệt là các thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania cũng chú trọng đến vùng biển này. Điều này khiến việc bảo đảm an ninh Biển Đen trở thành vấn đề quan trọng trong khu vực.

Biển Đen là cửa ngõ quan trọng ở sườn phía Nam của Nga. Đây là bàn đạp để Nga có thể phát huy ảnh hưởng của mình ở Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

Trung tâm quân sự của Nga trong khu vực là Hạm đội Biển Đen có trụ sở chính tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea từ năm 1793. Được sáp nhập vào năm 2014, cơ sở này có ý nghĩa đặc biệt đối với Moscow vì đây là một cảng nước sâu hiếm hoi có thể được sử dụng cho mục đích quân sự ngay cả trong mùa đông.

Biển Đen có vai trò vô cùng quan trọng đối với thương mại của Nga. Nga xuất khẩu một lượng lớn ngũ cốc, phân bón và các hàng hóa khác qua các cảng Biển Đen. Vai trò của tuyến đường thương mại này cũng tăng lên nhanh chóng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, vì nó cung cấp quyền tiếp cận cho các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Biển Đen thậm chí còn có vai trò quan trọng hơn đối với Ukraine. Trong thời bình, hơn 50% tổng lượng xuất khẩu của Ukraine đi qua Odesa, cảng Biển Đen lớn nhất của đất nước này. Là một trong những vùng sản xuất ngũ cốc quan trọng nhất thế giới, đây là mặt hàng xuất khẩu chính trước khi thỏa thuận ngũ cốc với Nga kết thúc vào giữa tháng 7. Trước năm 2022, Nga và Ukraine cùng nhau xuất khẩu gần 24% lượng lúa mì và khoảng 19% lượng lúa mạch của thế giới, cùng với 60% lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu.

Tuyến đường biển nối Đông - Tây này cũng ngày càng trở nên quan trọng đối với Liên minh châu Âu. EU có hai quốc gia thành viên nằm trên bờ Biển Đen: đó là Romania và Bulgaria. Các quan chức EU ngày càng coi Biển Đen là một hành lang quan trọng để vận chuyển hàng hóa và năng lượng giữa châu Á và châu Âu.

Khi EU tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga, các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Kavkaz đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

NATO cũng rất quan tâm đến khu vực Biển Đen. Từ năm 1997 cho đến khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, liên minh quân sự gồm 31 thành viên này đã tổ chức các cuộc tập trận lớn ở đó hàng năm. Tuy nhiên, chỉ có ba lực lượng hải quân NATO - Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ - thường xuyên hiện diện ở Biển Đen. Điều này bắt nguồn từ Công ước Montreux năm 1936, đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ có chủ quyền hoàn toàn đối với eo biển Bosporus và Dardanelles quan trọng, những lối thoát duy nhất từ Biển Đen ra Địa Trung Hải. Ngay sau khi nổ ra xung đột Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng các lối đi này đối với tất cả các tàu chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực thông qua NATO, điều này khiến mối quan hệ của nước này với Nga trở nên đặc biệt quan trọng. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều coi Biển Đen là ưu tiên hàng đầu.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Nga và Ukraine nhiều lần nhắm mục tiêu chiến lược vào các tàu buôn của nhau trên Biển Đen. Nga đã phong tỏa Biển Đen, trong khi Ukraine thả thủy lôi vào cảng của mình. Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc về cơ bản đã bị dừng lại, gây tổn hại đến nền kinh tế của Ukraine.

Vào tháng 8/2022, Nga và Ukraine đã lần đầu tiên đạt được Sáng kiến Biển Đen, còn gọi là thỏa thuận ngũ cốc thông qua trung gian là Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Để thuyết phục Nga đồng ý dỡ bỏ phong tỏa 3 cảng Biển Đen để Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, Liên hợp quốc đồng ý giúp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Tuy nhiên, Nga đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 7/2023, với lý do phương Tây không thực hiện được nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.

"Trước hết là về sự an toàn của tàu thuyền. Nếu bạn nhớ lại (phiên bản gốc) của thỏa thuận, có những nghĩa vụ quan trọng đối với chúng tôi nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Điều này vẫn là một phần của chương trình nghị sự".

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov

Ông Peskov cũng nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ý tưởng xem xét lại thỏa thuận ngũ cốc như một phần trong nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn rộng rãi hơn giữa Moscow và Kiev.

Mục tiêu cuối cùng của Nga và Mỹ

Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện mà chỉ là những mảnh ghép riêng lẻ, như lệnh ngừng bắn một phần vào hạ tầng năng lượng của nhau, tiếp theo là lệnh ngừng bắn trên biển Đen. Các nhà quan sát nhận thấy đang diễn ra hai quá trình song song. Cùng với lệnh ngừng bắn là quá trình cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Việc Washington xích lại gần với Moscow, nhằm chấm dứt xung đột Ukraine và bình thường hóa quan hệ song phương, cho thấy sự công nhận mối quan ngại về an ninh của Nga và vai trò của nước này như một nhân tố hàng đầu ở châu Âu. Dấu hiệu kết thúc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Nga thông qua vấn đề Ukraine cũng cho thấy NATO không thể mở rộng đến biên giới của Nga, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Ukraine như một “vùng đệm” giữa Nga và phương Tây.

Cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn chưa thể chấp nhận những đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn toàn diện, bởi vì nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, Ukraine phải từ bỏ tư cách thành viên NATO, giảm đáng kể quy mô quân sự của mình, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Nga trong phạm vi biên giới của mình. Ông Putin cũng gây sức ép buộc ông Trump ngừng hỗ trợ quân sự và tình báo nước ngoài cho Ukraine.

“Mục tiêu cuối cùng là gì? Mục tiêu cuối cùng là lệnh ngừng bắn trong 30 ngày, trong thời gian đó chúng ta sẽ thảo luận về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Chúng ta không còn xa mục tiêu đó nữa, nhưng lệnh ngừng bắn trong 30 ngày là điều mà chúng ta phải tìm hiểu tình hình trên chiến trường, đó là lý do tại sao tôi bắt đầu với Kursk. Nhưng Kursk chỉ là khởi đầu, bởi vì đường biên giới giữa Nga và Ukraine dài 2000 km, tức là 1200 dặm. Dọc theo đó là, 50, 60, 70, có thể là 80 cuộc giao tranh khác nhau.”

Ông Steve Witkoff, Đặc phái viên của Mỹ

Việc ông Trump tiếp cận ngoại giao với ông Putin đã khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng, đặc biệt là ở châu Âu. Một số nhà lãnh đạo lo ngại lệnh ngừng bắn có giới hạn có thể có lợi cho Nga. Susan Colbourn, một chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Âu tại Trường Chính sách công Sanford của Đại học Duke, bình luận: "Thật đáng kinh ngạc khi ông Trump yêu cầu quá ít nhượng bộ từ phía Nga”.

"Ông Marco đang làm rất tốt và Steve Witkoff thật đáng kinh ngạc. Michael Waltz nữa, chúng tôi có một đội ngũ tuyệt vời đang làm việc về vấn đề này và họ dành phần lớn thời gian trong ngày để giải quyết những vấn đề thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi về mặt tiền bạc, vì chúng tôi đã cho rất nhiều tiền và giờ chúng tôi đang lấy lại. Trên thực tế, Scott đang nói với tôi rằng, thỏa thuận về đất hiếm sắp hoàn tất và sẽ sớm ký kết. Vì vậy, như bạn biết đấy, châu Âu gánh vác một phần rất nhỏ so với những gì chúng tôi phải gánh vác. Vấn đề đó ảnh hưởng đến họ nhiều hơn là ảnh hưởng đến chúng tôi. Điều đó thật bất công. Và điều quan trọng nhất là chấm dứt sự chết chóc đang diễn ra''.

Tổng thống Mỹ Donal Trump

Theo các nhà phân tích, Moscow sẽ được gì hay mất gì sau cuộc xung đột tại Ukraine là điều vẫn chưa thể tính toán được và sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán và các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Ví dụ, nếu Mỹ và Ukraine đạt thỏa thuận đất hiếm, Nga có thể phải chấp nhận sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine, điều mà ông Trump coi là thiết yếu đối với an ninh của Ukraine. Moscow sẽ tiếp cận các thỏa thuận như vậy một cách thận trọng. Nếu những nhượng bộ của ông Trump đối với Nga có thể nhằm mục đích làm suy yếu mối quan hệ Trung - Nga, thì Điện Kremlin khó có thể thỏa hiệp quyền tự chủ chiến lược của mình. Nga sẽ không hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc để cải thiện quan hệ với Mỹ.

Châu Âu dành cho Kiev sự ủng hộ yếu ớt, trong khuôn khổ một "liên minh tự nguyện", Ukraine vẫn thiếu đòn bẩy là sự hậu thuẫn của Mỹ. Con bài mặc cả duy nhất của Ukraine lúc này có thể là cung cấp tài nguyên đất hiếm để đổi lấy sự đảm bảo an ninh, trong khi ông Trump không muốn gì hơn ngoài sự hiện diện mang tính biểu tượng của Mỹ tại Ukraine. Mặc dù các động thái của ông Trump có vẻ mang tính giao dịch, nhằm mục đích đảm bảo lợi ích kinh tế, nhưng chúng cũng mang giá trị chiến lược.

Có những ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump đang nhượng bộ Tổng thống Putin, hay ông Putin đang đi những nước cờ khôn khéo hơn trên bàn cờ quốc tế. Nhưng có lẽ đúng hơn là họ đang có những tính toán riêng vì lợi ích quốc gia và gặp nhau ở một điểm chung là quyết tâm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tiến trình đàm phán nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng điều cần thiết bây giờ có lẽ là sự tin cậy tối thiểu để các bên có thể tiến tới đàm phán trực tiếp hơn và sâu rộng hơn chứ không chỉ là mang tính chất “kỹ thuật”. Chỉ có như vậy mới có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình thực chất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ làm rung chuyển các tòa nhà và làm sập một tòa nhà chọc trời đang được xây dựng tại Bangkok.

Số người thiệt mạng do trận động đất tại Myanmar đã tăng lên hơn 1.000 người, trong khi gần 2.400 người bị thương và con số vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Các hoạt động cứu hộ cứu nạn tại Bangkok và Mandalay đang được khẩn trương triển khai sau trận động đất kinh hoàng ngày 28/3.

Sân bay chính tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar phải đóng cửa tạm thời sau khi tháp kiểm soát không lưu sụp đổ do trận động đất ngày 28/3.

Giới chức Hàn Quốc cho biết cháy rừng đã bùng phát trở lại vào sáng 29/3 tại tỉnh Gyeongsang Bukdo.

Đến trưa 29/3, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất tại Myanmar lên tới 1.002 người, có 2.376 người bị thương và vẫn còn 30 người mất tích.