Israel - Iran, ai mạnh hơn?

Các chuyên gia phương Tây lo ngại phản ứng của Tehran có thể bao gồm việc sử dụng “tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái” nhằm vào các lợi ích của Tel Aviv ở Trung Đông. Vậy quân đội của nước nào được trang bị hệ thống phòng không tốt hơn cho một cuộc giao tranh quy mô lớn?

IRAN: MẠNG LƯỚI PHÒNG KHÔNG DÀY ĐẶC NHẤT TRUNG ĐÔNG

Iran được cho là đang sở hữu một trong những mạng lưới phòng không dày đặc nhất ở Trung Đông, nhờ phát triển và sản xuất nội địa một loạt hệ thống phòng không và radar tinh vi trong nhiều năm.

Sức mạnh hệ thống phòng không 9-Dey

Hệ thống phòng không tầm ngắn 9-Dey đã được thử nghiệm thành công trong cuộc tập trận của Lực lượng Không gian Vũ trụ thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi tháng 1/2024.

9-Dey được thiết kế để chống lại các mối đe dọa ở tầm thấp, bao gồm tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV), cũng như các loại vũ khí do máy bay đối phương bắn ra.

Được đặt trên khung gầm di động của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cơ động Sevom Khordad, 9-Dey đi kèm với  8 tên lửa phòng không, mỗi tên lửa nặng 200kg, tầm bắn lên tới 30km. Do đó, 9-Dey có thể đồng thời theo dõi tới 32 mối đe dọa trên không, hoạt động trong môi trường bị áp chế điện tử.

Hệ thống phòng không 9-Dey. Ảnh: Iran Defense.

Hệ thống chống tên lửa đạn đạo Arman

Được công bố vào tháng 2/2024, Arman được thiết kế để đối phó một loạt mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa chống bức xạ tầm ngắn, bom dẫn đường, UAV, trực thăng và máy bay chiến đấu hiện đại của Israel cũng như Mỹ.

Hệ thống này được cho là có radar tinh vi với góc quan sát 360 độ, khả năng xác định và theo dõi tới 24 mục tiêu ở phạm vi 200 km, đánh chặn trong phạm vi 150km ở độ cao lên tới 27km.

Hình ảnh về Arman cho thấy bệ phóng di động có thể mang theo từ 1 – 3 tên lửa đánh chặn Sayyad-2, Sayyad-3 và Sayyad-3F nặng 1.000 kg. Các tên lửa được phóng ở vị trí thẳng đứng. Hệ thống có thời gian phản ứng dưới 20 giây.

Hệ thống phòng không Arman được trang bị tên lửa Sayyad-3. Ảnh: BQP Iran.

“Thần sấm” Azarakhsh

Cũng được ra mắt vào tháng 2, hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm thấp dạng mô-đun Azarakhsh có kích thước nhỏ gọn, khối lượng nhẹ, có thể lắp đặt trên các phương tiện cơ giới hoặc tàu chiến.

Hệ thống đi kèm với tên lửa 70 kg đầu đạn HE-Frag 4,5 kg và tầm bắn lên tới 10 km. Azarakhsh có radar mảng pha với phạm vi hoạt động 50km, hệ thống theo dõi quang-điện tử và hồng ngoại có phạm vi hoạt động 25km.

Hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm thấp dạng mô-đun Azarakhsh đặt trên xe tải hạng nhẹ. Ảnh: KT.

Bavar-373 phiên bản nâng cấp

Hồi tháng 4, Iran trình làng phiên bản mới của Bavar-373 - hệ thống tên lửa đất đối không và chống đạn đạo tầm xa di động.

Một tổ hợp Bavar-373 tiêu chuẩn bao gồm hệ thống phóng thẳng đứng, 2 radar phát hiện và dẫn bắn, tên lửa Sayyad-4 và trung tâm chỉ huy điều khiển. Ngoài ra, tổ hợp này còn được trang bị cảm biến quang điện, máy ảnh và hệ thống liên kết dữ liệu được sử dụng để hỗ trợ phát hiện và theo dõi mục tiêu.

Radar trang bị trên tổ hợp phòng không này có khả năng chống chế áp điện tử và bom điện từ. Ngoài ra, nó còn có thể phát hiện tên lửa chống bức xạ. Bavar-373 phiên bản nâng cấp được cho là có tên lửa đánh chặn nhiên liệu rắn 2 tầng Sayyad-4B, đánh chặn các mục tiêu trên không trong phạm vi từ 300-400 km ở độ cao lên đến 120 km.

Hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 phiên bản nâng cấp. Ảnh: IMNA News.

Ngoài hệ thống phòng không tiên tiến, không quân Iran, với khoảng 37.000 quân được cho hiện chỉ sở hữu vài chục máy bay tấn công đang hoạt động, bao gồm cả tiêm kích do Nga sản xuất và các mẫu máy bay cũ của Mỹ mà họ thu mua được trước Cách mạng Iran năm 1979.

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, Anh thống kê, Tehran có một phi đội gồm 9 máy bay chiến đấu F-4 và F-5, một phi đội tiêm kích Sukhoi-24 do Nga sản xuất và một số máy bay MiG-29, F7 và F14.

SỨC MẠNH PHÒNG KHÔNG CỦA ISRAEL

Về phía Israel, nhà nước Do Thái có một hệ thống phòng không nhiều lớp, giúp bảo vệ nước này khỏi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran.

Hệ thống Arrow: Hệ thống này được phát triển với Mỹ, thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa. Arrow hiện được sử dụng để đánh chặn tên lửa do lực lượng Houthi phóng từ Yemen.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel. Ảnh: Inside Telecom.

Hệ thống David's Sling: Cũng được phát triển cùng với Mỹ, hệ thống này nhằm mục đích đánh chặn các tên lửa tầm trung, chẳng hạn như những tên lửa do Hezbollah sở hữu ở Liban.

Patriot: Hệ thống do Mỹ sản xuất này là thành phần lâu đời nhất trong tuyến phòng thủ tên lửa của Israel - được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để đánh chặn tên lửa Scud của Iraq. Patriot hiện được sử dụng để bắn hạ máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái.

Lá chắn “át chủ bài” Iron Dome (Vòm Sắt): Hệ thống này do Israel phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ, chuyên đánh chặn tên lửa tầm ngắn. Nó đã đánh chặn hàng nghìn quả tên lửa kể từ khi được kích hoạt vào đầu thập kỷ trước - bao gồm hàng nghìn lần đánh chặn trong cuộc chiến hiện nay chống Hamas và Hezbollah. Israel cho biết hệ thống này có tỷ lệ đánh chặn thành công trên 90%.

Những vệt sáng được phát hiện khi hệ thống Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza. Ảnh: BBC.

Ngoài ra, Israel đang phát triển một hệ thống mới có tên là Iron Beam để ngăn chặn các mối đe dọa bằng công nghệ laser. Israel cho biết hệ thống này sẽ là nhân tố "thay đổi cuộc chơi" vì vận hành rẻ hơn nhiều so với các hệ thống hiện có.

Cùng với hệ thống phòng không, Israel sở hữu lực lượng không quân tiên tiến, do Mỹ trang bị với hàng trăm máy bay chiến đấu đa năng F-15, F-16 và F-35. Những khí tài này đã góp phần bắn hạ các UAV được Iran sử dụng trong vụ tấn công trả đũa Israel hồi tháng 4.

Trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu đã đến Iran giữa lúc căng thẳng leo thang ở Trung Đông, trong chuyến thăm, làm việc theo kế hoạch nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực. Trong cuộc họp với ông Shoigu, Tổng thống Iran Pezeshkian cho biết "hành động tội phạm" của Israel ở Gaza và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran "là những ví dụ rõ ràng về hành vi vi phạm luật pháp và quy định quốc tế".

Tổng thống Pezeshkian nói với ông Shoigu rằng: "Nga là một trong những quốc gia đã sát cánh cùng Iran trong thời điểm khó khăn". Nga lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

New York Times ngày 5/8 dẫn lời các quan chức Iran cho biết Nga đã bắt đầu chuyển giao thiết bị phòng không và radar tiên tiến cho nước này, sau khi các quan chức ở Tehran yêu cầu Điện Kremlin cung cấp vũ khí.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tái khẳng định sẽ tiếp tục dành sự ủng hộ của Washington đối với an ninh của Israel và "quyền tự vệ trước các mối đe dọa từ Iran, Hezbollah, Houthi cũng như các nhóm vũ trang khác do Iran hậu thuẫn".

Nhiều người lo ngại rằng vụ trả đũa lần này của Iran nhằm vào Israel có thể nghiêm trọng hơn cuộc tấn công trả đũa xảy ra hồi tháng 4. Căng thẳng giữa hai bên có nguy cơ bùng phát thành cuộc chiến tổng lực nhấn chìm Trung Đông, khu vực vốn được coi là "thùng thuốc súng" tiềm ẩn mâu thuẫn suốt nhiều năm qua.

Cuộc chiến này có thể sẽ không còn là câu chuyện của riêng Israel và Iran, mà hai bên sẽ lôi kéo thêm các đồng minh vào cuộc, tác động đến an ninh khu vực và toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat của Nga, Thiếu tướng Apti Alaudinov vừa thông báo đã giành lại được hai ngôi làng ở phía Tây tỉnh Kursk.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin an ninh phương Tây cho hay quân đội Israel đã tham gia vào giai đoạn lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công nhằm vào Hezbollah kéo dài hơn một năm.

Sản lượng những vườn nho ở miền Tây nước nước Pháp sụt giảm đã tác động không nhỏ tới ngành sản xuất rượu vang, một ngành kinh tế quan trọng của nước này.

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi ong của Tunisia. Nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài đang đe dọa quần thể ong và sản lượng mật ong của nước này.

Hãng công nghệ SpaceX (Mỹ) vừa phóng thành công tên lửa Falcon 9 từ Trung tâm Không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Tên lửa mang theo sứ mệnh Galileo L13 của Ủy ban châu Âu lên không gian.

Ngày 18/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hàn - Trung, Kim Tae-nyeon tại thủ đô Bắc Kinh.