Malaysia nối lại cuộc tìm kiếm MH370 sau 10 năm mất tích
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anthony Loke cho biết, Công ty Ocean Infinity có trụ sở tại Texas đã đề xuất phương án rà soát đáy biển, mở rộng phạm vi tìm kiếm từ địa điểm ban đầu đã tìm kiếm vào năm 2018 với lời cam kết: “không tìm thấy, không trả tiền”. Ông đã mời công ty đến gặp để đánh giá bằng chứng khoa học mà công ty có để tìm ra điểm rơi cuối cùng của máy bay. Nếu bằng chứng đáng tin cậy, ông sẽ xin phép Nội các để ký hợp đồng mới với Ocean Infinity về việc tiếp tục cuộc tìm kiếm.
“Chính phủ quyết tâm tìm được vị trí MH370, và chi phí không phải là vấn đề”, ông Loke phát biểu tại một sự kiện tưởng niệm nhân kỷ niệm 10 năm ngày máy bay mất tích. “Chúng tôi thực sự hy vọng cuộc tìm kiếm có thể tìm thấy chiếc máy bay và cho người thân của hành khách biết sự thật vụ việc.”
Chiếc máy bay Boeing 777 chở 239 người, chủ yếu là công dân Trung Quốc, từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đến Bắc Kinh, đã biến mất khỏi radar ngay sau khi cất cánh vào ngày 8 tháng 3 năm 2014. Dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc máy bay đã đi chệch khỏi đường bay và được cho là đã đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương.
Malaysia, Trung Quốc và Australia trước đó đã kết thúc cuộc tìm kiếm dưới nước kéo dài hai năm không có kết quả trị giá 200 triệu đô la Úc (130,46 triệu USD) vào tháng 1 năm 2017. Cuộc tìm kiếm đa quốc gia tốn kém đã không đem lại bất kỳ manh mối nào, mặc dù một số mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển phía đông châu Phi và các đảo ở Ấn Độ Dương. Một cuộc tìm kiếm riêng vào năm 2018 của Ocean Infinity cũng không thấy gì, nhưng thảm kịch đã thúc đẩy những động thái nhằm tăng cường an toàn hàng không.
K.S. Nathan, một thành viên của nhóm Voice MH370 bao gồm những người thân của nạn nhân, cho biết Ocean Infinity ban đầu lên kế hoạch tiến hành cuộc tìm kiếm mới vào năm ngoái nhưng đã bị trì hoãn do việc giao đội tàu và tài sản mới. Nay việc tìm kiếm đang chuẩn bị được nối lại.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anthony Loke từ chối tiết lộ mức phí mà Ocean Infinity đề xuất nếu tìm thấy chiếc máy bay vì khoản phí này còn phải thương lượng. Ông khẳng định chi phí tài chính không phải là vấn đề và ông không thấy bất kỳ trở ngại nào đối với việc tìm kiếm nếu mọi việc suôn sẻ.
Sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 là một thách thức lớn đối với cộng đồng an toàn hàng không, và cũng từng dẫn đến nhiều tin đồn như máy bay bị tên lửa của Triều Tiên bắn rơi, hay chiếc máy bay được giấu trong nhà chứa máy bay ở Kazakhstan. Nhưng những tin đồn này sau đó nhanh chóng bị bác bỏ.
Vô vàn những câu hỏi khác cũng được đặt ra: Có phải số hành khách trên máy bay nhiều hơn 239 người khi chiếc Boeing cất cánh từ Kuala Lumpur? Liên lạc với kiểm soát không lưu bị mất, có thể là do cố ý: có ai đó đã cố tình chuyển hướng máy bay và đâm chiếc 777 xuống biển không? Hay nó chỉ đi chệch hướng và hết nhiên liệu?
Việc xác định vị trí chiếc máy bay bị mất có thể giúp giải quyết bí ẩn. Nhưng sau 10 năm và hai cuộc tìm kiếm công phu dưới đáy biển ở một khu vực Ấn Độ Dương đã được triển khai, nhưng chỉ tìm thấy những mảnh vụn rải rác trôi dạt vào các bãi biển.
Phân tích dữ liệu radar và vệ tinh cho thấy máy bay đột ngột đổi hướng, bay ngược qua bán đảo Malaysia, rẽ về hướng nam Penang về phía tây bắc rồi hướng về phía nam Ấn Độ Dương. Chiếc máy bay cuối cùng đã hết nhiên liệu và rơi xuống Ấn Độ Dương, phía tây Australia, cách điểm đến dự kiến hàng nghìn km.
Từ một căn cứ không quân Australia ở phía bắc Perth, các chuyến bay trinh sát đã bắt đầu tiến hành tại khu vực được cho là nơi xảy ra vụ tai nạn. Các kế hoạch đã được thực hiện cho hai cuộc đào xới đáy biển chưa từng có và cuối cùng không thành công.
Như vậy, cuộc tìm kiếm dưới nước lớn nhất trong lịch sử do Cục An toàn Giao thông Australia điều phối kéo dài 2 năm đã bị hủy bỏ vào tháng 1 năm 2017. Sau đó, công ty Ocean Infinity của Mỹ đã dành vài tháng trong năm 2018 để tìm kiếm một khu vực đáy biển khác. Song kết luận của mười chín điều tra viên là: “Nhóm nghiên cứu không thể xác định nguyên nhân thực sự dẫn đến sự biến mất của MH370”.
Các chuyên gia nghĩ gì về sự biến mất của MH370?
Ông Martin Dolan, người đứng đầu cuộc tìm kiếm dưới đáy biển kéo dài hai năm của Cục An toàn Giao thông Australia, cho biết hành động này đã được lên kế hoạch cẩn thận: “Đây là hoạt động có chủ ý và được chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài”.
Chuyên gia về an ninh hàng không, Philip Baum, đồng tình: “Hầu hết các cơ quan đều tin tưởng rằng vụ mất tích MH370 là kết quả của một hành vi tội phạm và chiếc máy bay đã bị cố tình chuyển hướng khỏi lịch trình bay dự định của nó.”
Đến nay, vụ biến mất của MH370 đã trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Hàng loạt giả thuyết được đưa ra, nhưng nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay MH370 vẫn còn là một ẩn số.
(Nguồn : The Independent và Al Jazeera)
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi ban lãnh đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bằng cách sa thải giám đốc hiện tại và đưa một cựu đặc vụ giàu kinh nghiệm và trung thành với chương trình Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông vào vị trí đứng đầu cơ quan này.
Ngày 22/11, một người đàn ông đã tử vong và một người khác phải nhập viện sau khi một chiếc trực thăng rơi ở một vùng xa xôi của Australia.
Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.
Tân Hoa xã hôm 21/11 đưa tin, Cục địa chất tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xác nhận một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc.
Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Đức xác nhận sẽ đề cử ông Olaf Scholz làm ứng cử viên thủ tướng vào ngày 25/11 tới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ định bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida làm lãnh đạo Bộ Tư pháp thay thế ứng cử viên Matt Gaetz vừa rút lui.
0