Mọi người ơi! Đừng đốt rác nữa!

Việc đốt rác một cách tùy tiện vẫn diễn ra trên địa bàn Thủ đô, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là môi trường. Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ cháy tại bãi rác hoặc điểm đặt rác tự phát trên địa bàn thành phố. Có những vụ cháy bãi rác có tính chất nguy hiểm khiến việc xử lý thường mất thời gian, phải huy động nhiều người và phương tiện, điều đó dấy lên hồi chuông cảnh báo về nạn đốt rác bừa bãi của 1 bộ phận người dân.

Những tiếng nổ, cột khói đen bốc lên, dễ khiến chúng ta giật mình nghĩ đến một đám cháy nhà hay công trình gì đó rất nghiêm trọng. Nhưng thực ra đó chỉ là một đám cháy rác do người dân đốt ở khu vực Trung Văn. Đám cháy rác này đã phải cần đến hai xe cứu hỏa cùng lực lượng PCCC đến để dập tắt. Dù không nghiêm trọng và nguy hiểm, nhưng đã tốn biết bao công sức, thời gian của lực lượng chức năng. Nhiều người dân thì đã trải qua một phen hú vía.

Hay như vụ cháy bãi phế liệu tại gầm cầu Thăng Long thuộc địa phận huyện Đông Anh xảy ra năm ngoái. Chỉ trong ít phút, đám cháy tạo cột khói bốc cao, bao trùm từ gầm cầu Thăng Long lên mặt đường khiến các phương tiện qua lại gặp khó khăn. Lực lượng cứu hỏa đã phải huy động 5 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến làm nhiệm vụ.

Với những đám cháy rác thải, dù là cháy to hay cháy nhỏ thì vốn dĩ những bãi rác chứa nhiều vật dễ cháy nên khi dập tắt trên bề mặt thì ở dưới vẫn còn cháy âm ỉ, do đó lực lượng chức năng không chỉ dập tắt bên ngoài mà còn phải huy động máy xúc để đào bới rác lên, phun nước xuống sâu bên dưới để dập tắt tận gốc, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.

Lực lượng chức năng cho biết, có những ngày, 1 đơn vị đã phải 5 lần xuất phương tiện, cùng cán bộ, chiến sĩ xử lý sự cố cháy do người dân đốt rác, cho thấy sự tùy tiện của người dân rất đáng báo động.

Đốt rác tùy tiện mọi lúc, mọi nơi

Hiện tượng đốt rác bừa bãi có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi. Tại Khu Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, hàng cây sau sau trước đây vốn xanh tươi, là địa điểm chụp ảnh ưa chuộng của nhiều bạn trẻ. Lá cây sau sau có hình dạng khá giống lá phong, phát triển xanh tốt tại khu vực này. Sau cơn bão số 3 (Yagi), một số cây xanh bị gãy đổ, người dân thu gom những cành gãy để đốt. Do không trông coi kiểm soát ngọn lửa, lửa cháy lan và hậu quả là nhiều cây sau sau bị xém lá.

Dọc sông Tô Lịch, tình trạng đốt rác bừa bãi diễn ra vào cả sáng sớm và chiều tối. Các điểm rác mỗi ngày một vun cao. Người dân tiêu hủy rác bằng việc đốt. Đổ rác tùy tiện, đốt rác cũng tùy tiện, gây hậu quả kép, vừa tác động đến không khí, môi trường vừa ảnh hưởng cảnh quan đô thị.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì, việc đốt rác bừa bãi đang khiến môi trường sống của người dân ở một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Trần Văn Nam (xã Tứ Hiệp) cho biết: "Ngày xưa ở chỗ này là khu vực chợ đầu mối, sau đó thì đã được chính quyền giải tỏa rồi, bây giờ trở thành nơi tập kết rác thải của người dân. Chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh đốt rác ở đây, đặc biệt vào mùa khô hanh này nữa, tình trạng này diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân cư gần đây".

Ông Nguyễn Thế Bình (xã Tứ Hiệp) cho biết: "Tối đến, rác thải các nơi coi như đổ về đây, khi đốt, các loại mùi bốc lên rất khó chịu, nhiều hôm ban đêm bọn tôi không ngủ được. Mùi rất khét, cứ đến chiều là lại bắt đầu đốt".

Khói bốc lên mù mịt từ những đống rác đang cháy mang theo mùi hôi khó chịu. Những đám khói ngột ngạt bao trùm. Đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của việc đốt rác thải tự phát. Rác đốt tạo ra chất độc hại, tạo khói bụi cản trở giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy vậy, tình trạng đốt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra và khó kiểm soát.

Tại sao vẫn đốt rác?

Với những người dân sinh sống hai bên đường Kim Giang, khẩu trang, khăn bịt che khói, bụi là thứ không thể thiếu. Bầu không khí trong lành đang trở nên khan hiếm với mọi người trong gia đình bà Hồng, khi hàng ngày phải đối diện với đống rác được đốt tự phát bốc khói đen nghi ngút.

Bà Nguyễn Thị Hồng (đường Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) cho biết: “Không biết làm sao nhưng cứ sau mấy ngày tự dưng lại thấy đốt rác, khói bụi mù mịt. Tôi thỉnh thoảng thấy nhưng không biết ai đốt, từ mùi cao su đến nilong, người ta cứ mang ra kia đốt. Suốt ngày phải đóng cửa đấy, tối muốn mở ra một tý cho mát nhưng khói rồi mùi rác từ bên này và bên kia sông hắt sang, khó chịu lắm. Cứ khi nào đổ rác, tôi lại phải bịt kín mặt như thế này, không thì mùi độc hại lắm. Mặc dù biết là thế nhưng không biết nói ai để dừng tình trạng này, họ rất vô ý thức và không có ý nghĩ muốn bảo vệ môi trường gì cả".

Theo tìm hiểu, hầu hết các phế liệu được đốt tự phát tại đây đều trong tình trạng quá khổ, khó có thể di chuyển đến nơi tập kết rác. Và họ chọn cách đốt.

Một người tiện nhưng trăm người phiền. Nhiều hộ dân sinh sống tại đây phải chấp nhận cửa đóng then cài cả ngày vì sợ khói bay vào nhà. Họ tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của con em mình, khi không xa nơi đốt rác chính là trường học.

Một người dân sống tại đường Kim Giang cho biết: “Những loại rác cồng kềnh khó di chuyển như bàn ghế, cái tủ, cái gường... thì họ cứ đem ra kia họ đổ xong đốt, bây giờ khổ quá không biết làm thế nào. Như sáng nay tôi phải chuyển bớt rác ra chỗ này không khói nó bay vào trường học độc vô cùng, các cháu không thở được".

Ông Nguyễn Đình Hùng (đường Kim Giang ) cho biết: “Ngay bây giờ, khói nó bay về đây đã ngửi thấy mùi khó chịu rồi, kể cả trên tầng phải đóng cửa kín hết còn nếu không thì không thở được. Nghĩ đến ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ và người lớn tuổi vì phổi họ yếu, dễ bị ho...".

Dù tình trạng này đã diễn ra trong suốt mấy năm nay, nhưng vẫn chưa có một phương án nào để chấm dứt, trả lại bầu không khí trong sạch cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Đình Hùng bảo: “Kể cả nhắc nhở cũng chưa có chứ đừng nói đến là phạt".

“Tôi mong muốn Nhà nước, cơ quan chức năng quy hoạch như thế nào, lên kế hoạch xử lý rác ở đây để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân", bà Nguyễn Thị Hồng đề đạt.

Ứng xử văn minh với rác thải

Mấy năm trước, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nơi có sân bay quốc tế Nội Bài, vẫn xảy ra tình trạng người dân đốt rơm rạ, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng không.

Sau một thời gian áp dụng mô hình xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ bón cho cây trồng thì tình trạng này đã giảm hẳn. Từ nguồn rơm rạ, riêng Hội LHPN xã Phù Linh đã làm được 30 tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thắm - Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, cho biết: “Đối với người dân địa phương thì việc xử lý cây trồng sau khi thu hoạch bằng cách đốt đã là thói quen từ rất lâu rồi. Chính vì vậy, để chúng tôi có thể thực hiện được những nội dung này, bắt buộc phải trải qua thời gian dài để làm sao tuyên truyền đến người dân để họ hiểu, ngoài ra cũng cần sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế. Lúc đó sẽ tạo ra được thói quen mới. Giải pháp mà Hội LHPN đang hướng tới, ngoài việc tập huấn hướng dẫn cho người dân, thì Hội cũng kết nối với những hộ gia đình không có nhu cầu sử dụng phụ phẩm làm từ rơm rạ, để cho những hộ gia đình khác có nhu cầu sử dụng cùng những đơn vị bộ đội địa phương để tái sử dụng thành thức ăn chăn nuôi hoặc trồng trọt, phương pháp này đã chứng minh hiệu quả nhất định".

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia sinh học nông nghiệp, rơm rạ sau khi thu hoạch được tập kết thành đụn lớn, phun chế phẩm sinh học, ủ kín. Sau 45 ngày, rơm rạ hoai mục thành phân hữu cơ có giá trị cho cây trồng và hoa màu. Gia đình bà Nguyễn Thị Én đã sử dụng thành phẩm hữu cơ này để chăm bón vườn rau nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Én, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Vệ Linh, cho biết: "Phân bón hữu cơ tự nhiên sẽ giúp giảm sâu bệnh, bên cạnh đó giảm chi phí cho bà con đỡ phải mua thêm phân bón và đặc biệt tận dụng được nguồn rơm rạ ngoài đồng, tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người xung quanh".

Ông Nguyễn Công Huấn, trưởng thôn Vệ Linh, cho biết: “Từ việc đất đã bị bạc màu, sau khi nạp chế phẩm Mo, thì bà con nông dân đã được hưởng lợi chính đáng. Bà con bớt được 1 ngày công lao động, không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, và hiệu quả kinh tế nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, việc không ô nhiễm môi trường đã làm bà con nông dân rất hào hứng và ủng hộ".

Từ thành công của mô hình, Hội LHPN đang triển khai rộng tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất vụ đông. Bà Phạm Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sóc Sơn, cho biết: “Chúng tôi nhận thức được trên địa bàn huyện Sóc Sơn chúng tôi có bãi rác Nam Sơn, do đó khi chúng tôi chứng kiến lượng rác thải hàng ngày nhiều như vậy, chúng tôi cũng phải nghĩ ra những mô hình bảo vệ môi trường giúp giảm tải cho các Xí nghiệp xử lý rác thải, bảo vệ mỹ quan đô thị".

Đoàn kết và hợp tác giữa các ngành, đoàn thể trong bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Chúng ta có thể triển khai các giải pháp sáng tạo như: tái chế, chuyển hóa thành năng lượng tái tạo, trồng cây xanh… Mỗi hành động nhỏ, khi được lan tỏa, sẽ góp phần làm cho Thủ đô thêm xanh - sạch – đẹp.

Các nước ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ

Người nông dân đốt ruộng của họ sau mùa thu hoạch để dọn sạch đất, nhưng khói từ đám cháy gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguy hiểm cho sức khỏe con người. Với nhiều quốc gia, ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ ngoài trời được coi là một nhiệm vụ then chốt trong cuộc chiến phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí.

Mùa đông cũng trùng với thời điểm đốt ruộng của người nông dân Ấn Độ sau vụ thu hoạch. Khói bụi khiến nhiều thành phố ở miền Bắc nước này, trong đó có thủ đô New Delhi trong tình trạng ô nhiễm nhất thế giới. Nhưng hiện nay, ở ngôi làng Jaitu, bang Punjab, nơi sản xuất lúa mì lớn nhất Ấn Độ, người ta đang chứng kiến những sự đổi thay đáng mừng.

Với sự giúp đỡ của tổ chức nông nghiệp sạch và hữu cơ Kheti Virasat Mission, những người nông  dân làng Jaitu  từ bỏ việc đốt rơm rạ mà sử dụng chúng để che phủ cho đất. Chiếc máy kéo được gắn máy gieo hạt và máy băm nhỏ rơm rạ. Khi máy hoạt động, hạt giống được gieo xuống đất và đồng thời một lớp rơm rạ cũng được phủ lên trên giúp đất duy trì độ ẩm và tăng độ phì nhiêu của đất.

Ông Baljinder Singh, nông dân làng Jaitu, cho biết: “Ngay cả nông dân cũng muốn từ bỏ việc đốt rơm rạ, gốc cây. Họ đang thử các giải pháp thay thế, nhưng hiện nay thì phương pháp che phủ là giải pháp tốt nhất”.

Anh Gora Singh, một nhân viên của tổ chức Kheti Virasat Mission, cho biết dự án này nhằm mục đích hướng tới các phương pháp canh tác sạch hơn: “Khi nông dân đốt ruộng sẽ gây ô nhiễm và họ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng này. Vì vậy chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của nông dân về việc không đốt rơm rạ và thay vào đó áp dụng kỹ thuật che phủ để cứu trang trại của họ khỏi hỏa hoạn, bảo vệ môi trường và ngăn chặn tình trạng hủy hoại chất lượng đất”.

Các nông dân  ở khu vực Nam Mỹ  từ nhiều năm nay đã thực hiện canh tác theo phương pháp này giúp  làm giảm ô nhiễm không khí và tiết kiệm tới 66% lượng nhiên liệu. Brazil có 1 triệu ha đất canh tác che phủ vào năm 1990. Ngày nay, con số này đã tăng lên 31,8 triệu ha. Nhờ đó nước này đã tăng gấp đôi sản lượng ngũ cốc trong khi chỉ tăng diện tích đất canh tác thêm 9%.

Còn tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam, đã thực hiện một số biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt ruộng. Thành phố đã thành lập các công ty chuyên tái chế rơm rạ và đồng thời khuyến khích thành lập trung tâm trung chuyển rơm rạ cho mỗi khu đất nông nghiệp rộng 20.000 mẫu.

Chính quyền địa phương cũng mở rộng dần các cơ sở sử dụng rơm làm nhiên liệu rắn, giảm tỷ lệ đốt trực tiếp của nông dân, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị và quy trình mới cho việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

Còn tại nhiều địa phương của Pháp, việc đốt rác thải xanh  gồm cây khô hoặc ướt đều bị cấm dù bằng lò đốt trong vườn hay ngoài trời. Chất thải phải được ủ tại chỗ, nghiền nát hoặc đưa đến trung tâm tái chế. Trong trường hợp đặc biệt, việc đốt cây khô chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều vào tháng 12, tháng 1 và tháng 2 hoặc từ 10 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều vào tháng 3, tháng 10 và tháng 11.

Với Hà Nội, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí, và để thay đổi tình hình này, mỗi người dân sẽ phải có trách nhiệm chung tay thực hiện hành động nhỏ nhưng rất quan trọng như phân loại rác, không đốt rác bừa bãi và chấp hành nghiêm những quy định bảo vệ môi trường.

Theo luật quy định, hành vi đốt rác và đổ rác bừa bãi ở khu vực dân cư sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Một số ý kiến cho rằng chế tài xử phạt hiện nay còn rất nhẹ tay và ccần nâng cao hơn nữa các biện pháp, chế tài xử phạt đối với những hành vi này. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn tình trạng xả rác, đốt rác bừa bữa, vì một môi trường trong lành, bảo vệ sức khỏe con người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo ngày 3/1/2025, thời tiết tại khu vực Hà Nội khá dễ chịu với trạng thái có mây.

Tối 2/1, hàng nghìn người hâm mộ bóng đá ở TP.HCM xuống đường ăn mừng chiến thắng 2-1 của tuyển Việt Nam. Rộn rã kèn, trống khắp các tuyến đường trung tâm thành phố.

Trong dịp Tết Dương lịch 2025, Hà Nội đón khoảng 160.000 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Sau trận chung kết lượt đi giữa đội tuyển Việt Nam - Thái Lan kết thúc với tỷ số 2-1, tại Hà Nội, nhiều người hâm mộ đã đổ ra đường phố để ăn mừng chiến thắng, hàng nghìn lá cờ Tổ Quốc tung bay khắp các tuyến đường.

Tình trạng học sinh, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang có diễn biến phức tạp, không còn đơn thuần là vi phạm các quy định về an toàn giao thông, mà còn cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 2/1 là ngày làm việc đầu tiên của 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại Hà Nội sau ngày nghỉ Tết Dương lịch. Tại một số đơn vị mới sau sáp nhập, bộ máy hành chính mới vận hành thông suốt, các hoạt động diễn ra bình thường, cán bộ cơ sở làm việc với tâm thế thoải mái, thực thi công vụ nghiêm túc.