Nga kết nối sức mạnh qua Diễn đàn Kinh tế phương Đông

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 là sự kiện tạo nền tảng quan trọng để Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông được Nga đề ra từ hơn một thập kỷ trước, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”.

Viễn Đông – vùng đất nhiều tiềm năng

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024) được tổ chức từ ngày 3 đến 6/9 tại thành phố Vladivostok (Nga) với chủ đề “Viễn Đông 2030: Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới” là sự kiện tạo nền tảng quan trọng để Moscow thúc đẩy chính sách hướng Đông được Nga đề ra từ hơn một thập kỷ trước, với trọng tâm là chuyển hướng tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á.

EEF 2024 diễn ra tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông thuộc thành phố Vladivostok của Nga không chỉ là cơ hội để Nga đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế, giới thiệu các cơ hội đầu tư và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của vùng Viễn Đông, mà còn là sự kiện quốc tế quan trọng nhằm thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư của Nga và thế giới, qua đó giúp Moscow phá thế cô lập ngoại giao cũng như nâng cao vị thế chính trị ở khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn năm nay thu hút sự tham dự của hơn 6.000 đại biểu từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chủ đề “Viễn Đông 2030 - Kết hợp sức mạnh để tạo ra tiềm năng mới”, Diễn đàn năm nay gồm khoảng 100 sự kiện với nhiều chủ đề khác nhau, tập trung thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển của vùng Viễn Đông.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9. Ảnh: EEF.

Ngoài ra, EEF 2024 cũng đề cập đến quan hệ hợp tác và liên kết trong nhóm BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu, chú trọng vào các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, công nghiệp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Kể từ khi Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, diễn đàn này đã trở thành một “sân chơi” để Nga thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông, tìm kiếm các đối tác mới nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông, góp phần thoát sự cô lập của phương Tây.

Ưu tiên trong chính sách của Nga là đưa Viễn Đông trở thành trung tâm kinh tế - xã hội bởi đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như có vị thế về địa lý kinh tế, với diện tích chiếm 36% nước Nga, 27% dự trữ khí đốt và 17% trữ lượng dầu mỏ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hoạt động thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông cũng được xem như chất xúc tác để Nga mở rộng quan hệ với các nước, khai thác những tiềm năng hợp tác còn tiềm ẩn.

Tổng thống Nga Putin phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ảnh: Reuters.

Đặc biệt, với vai trò là cửa ngõ liên kết Nga với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Viễn Đông được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc đưa hàng hoá từ Nga tới biên giới Trung Quốc rồi từ đó đến các quốc gia khác trong khu vực.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của EEC 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập đến việc chuyển hướng hàng hóa từ Tây sang Đông thông qua tuyến đường biển phía Bắc.

Năm 2014, chỉ có 4 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển dọc theo tuyến đường biển phía Bắc, năm ngoái đã lên tới hơn 36 triệu tấn. Con số này cao gấp năm lần so với kỷ lục thời Liên Xô. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lưu lượng hàng hóa, chuyển hướng hàng hóa từ Tây sang Đông bằng cách tăng cường quá cảnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dự kiến, tại Diễn đàn năm nay sẽ có nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, viễn thông, kinh tế kỹ thuật số, giáo dục, nhà ở và dịch vụ công cộng. Một số nhà quan sát dự đoán giá trị các hợp đồng được ký kết sẽ đạt tới 4.500 nghìn tỷ ruble, so với mức 3.800 tỷ của năm ngoái.

Cầu nối phương Đông với phương Tây

Vùng Viễn Đông có diện tích đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nằm trong châu Á - Thái Bình Dương với nhiều quốc gia đang phát triển mạnh mẽ.

Nhờ vậy, vùng Viễn Đông có thể đóng vai trò đòn bẩy để Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, đẩy mạnh phát triển vùng này, qua đó tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của Nga.

Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ phát triển Viễn Đông, đưa vùng này và toàn bộ vùng Siberia về lâu dài trở thành trung tâm của nước Nga về hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế, thu hút nhân lực và đầu tư. Chuyển hướng sang phía Đông càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Nga đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây.

Với chiến lược hướng Đông bắt đầu được tiến hành cách đây một thập kỷ, Tổng thống Nga Putin muốn tận dụng sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế toàn cầu sang châu Á để hội nhập vùng Viễn Đông với những nền kinh tế phát triển hơn ở khu vực. Ông cũng mong rằng Viễn Đông là cầu nối giữa phương Đông với phương Tây.

Vùng Viễn Đông có thể đóng vai trò đòn bẩy để Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, đẩy mạnh phát triển vùng này, qua đó tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của Nga. Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh ấy, Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay nhấn mạnh hợp tác quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thư chào mừng gửi tới các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, trong nhiều năm hoạt động, Diễn đàn đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng của Nga với các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả các đối tác quan tâm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế “công bằng và dân chủ hơn, dựa trên sự bình đẳng thực sự”.

Cố vấn của Tổng thống Nga, kiêm thư ký điều hành Ban Tổ chức EEF Anton Kobykov cho biết Diễn đàn Kinh tế phương Đông đã trở thành một nền tảng quan trọng để thảo luận về các sáng kiến của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong các cấu trúc quốc tế như BRICS và SCO.

Diễn đàn EEF cũng là dịp để Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với quan chức nước ngoài cấp cao bên lề sự kiện.

Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính bên lề Diễn đàn.

Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã đạt đến “mức độ chưa từng có”, hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng tới.

Ông Putin cũng bày tỏ hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Kazan của Nga vào khoảng thời gian từ 22 - 24 tháng 10 và đề xuất tổ chức một cuộc họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc trong sự kiện này.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác toàn diện với các đối tác Nga để thực hiện các thỏa thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được, góp phần cải thiện liên tục quan hệ hợp tác song phương.

Chúng ta hiện đang phải đối mặt với môi trường bên ngoài phức tạp và những thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của nguyên thủ hai nước, hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa chúng ta sẽ tiếp tục tiến triển. Thương mại Trung Quốc - Nga đã cho thấy động lực mạnh mẽ trong hai năm qua, với khối lượng thương mại vượt mốc 200 tỷ USD sớm hơn chúng ta mong đợi.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin đã tiếp Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin. Ông cho biết Nga sẵn sàng thảo luận về việc hợp đồng cung cấp khí đốt với Serbia sẽ hết hạn vào tháng 3 năm 2025.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin cho biết Belgrade không chỉ là đối tác chiến lược mà còn là đồng minh của Nga. Serbia sẽ không bao giờ gia nhập NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) 2024.

TTổng thống Nga Putin cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, trong đó ông cho biết hiện nay, trao đổi thương mại giữa Nga và Malaysia đạt khoảng 3,5 tỷ USD và hai bên vẫn còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác kinh tế.  Tổng thống Nga khẳng định Moscow rất coi trọng phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á và các nước ASEAN.

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia đồng tình với nhận xét của Tổng thống Nga Putin về tiềm năng của quan hệ hợp tác song phương, đồng thời cho biết hai bên đã quyết định mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Mông Cổ trải thảm đỏ đón Tổng thống Nga Putin

Với nội dung bao trùm qua các kỳ diễn đàn thường niên, Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày càng thể hiện ý nghĩa chính trị rõ rệt và trở thành công cụ bổ trợ đắc lực cho chính sách hướng Đông của Nga.

Trong bối cảnh chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã đẩy mạnh xoay trục sang châu Á nhằm phá thế cô lập cũng như nâng cao vị thế chính trị ở khu vực. Chuyến công du tới Mông Cổ mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ trong hai ngày 2 và 3/9.

Theo giới quan sát, chuyến thăm của ông Putin tới Mông Cổ là sự tiếp nối chính sách “Xoay trục sang phương Đông” của Nga và nhằm mục đích tăng cường hợp tác kinh tế với các nước láng giềng trong bối cảnh phương Tây liên tục gây sức ép với Moscow do xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại Thủ đô Ulaanbaatar ngày 3/9. Ảnh: Reuters.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnagiin Khurelsukh, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh mối quan hệ với Ulaanbaatar là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow ở châu Á. Ông Putin cho biết hai bên có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khí đốt.

Mông Cổ cam kết mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác với nước láng giềng Nga trong khuôn khổ chính sách đối ngoại độc lập, cởi mở và đa trụ cột coi trọng hòa bình.

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh ký các thỏa thuận về cung cấp năng lượng và sản phẩm xăng dầu, xây dựng lại một nhà máy thủy điện và bảo vệ môi trường.

Tổng thống Putin mời Tổng thống Mông Cổ dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga vào cuối tháng 10 và ông Khurelsukh đã nhận lời.

Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga Putin thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga đến một quốc gia là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cơ quan từng ban hành lệnh bắt giữ ông vì cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia lễ chào đón tại sân bay ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, ngày 2/9. Ảnh: Sputnik.

Là một thành viên của ICC, Mông Cổ có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Putin khi ông đặt chân đến đất nước này. Tuy nhiên, thay vì bị bắt giữ, nhà lãnh đạo Nga đã được Mông Cổ đón tiếp trọng thị.

Điện Kremlin không công nhận lệnh bắt giữ của ICC còn Mông Cổ chọn cách phớt lờ nghĩa vụ phải bắt giữ nhà lãnh đạo Nga, bất chấp sức ép từ ICC, Ukraine và phương Tây.

Theo các nhà phân tích, sau khi bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đang tìm cách làm suy yếu áp đặt mà phương Tây đưa ra. Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Mông Cổ là một cách để đạt được điều đó.

Bà Elena Davlikanova, Trung tâm phân tích chính sách châu Âu, cho rằng: “Việc Mông Cổ chọn cách phớt lờ nghĩa vụ với ICC là ví dụ rõ ràng nhất cho sự bất lực của phương Tây trước Nga”.

Phát biểu sau khi Tổng thống Putin kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những tổ chức như ICC không thể hạn chế mối quan hệ của Nga với “số đông trên toàn cầu”.

Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin là bước đi quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Nga, nhằm củng cố quan hệ với Ulaanbaatar, thúc đẩy các dự án năng lượng chiến lược và khẳng định vị thế của Nga. Đây không chỉ là chuyến thăm mang tính lịch sử mà còn là động lực quan trọng cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Nga và Mông Cổ trong tương lai.

Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin là bước đi quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Nga. Ảnh: TASS.

Giai đoạn gần đây được coi là thời kỳ đặc biệt thành công của chính sách đối ngoại Nga, khi nhóm BRICS được mở rộng, tổ chức SCO có thành viên mới và sự hiện diện của Nga ngày càng tăng trên toàn cầu.

Các chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ, cùng với sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Nga và Iran, các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc và các cuộc tập trận hải quân do Nga tổ chức tại Đại Tây Dương cho thấy những ưu tiên mới trong chiến lược chính sách đối ngoại của Nga.

Trong đó, việc tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là trọng tâm của chính sách hướng Đông mà Nga theo đuổi. Cũng từ chính sách này, mối quan hệ giữa Nga với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố, uy tín của Nga được nâng lên, đồng thời vai trò cường quốc của Nga ngày càng được khẳng định.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Quốc phòng Nga mới thông báo đã bắn rơi ba máy bay tiêm kích của Ukraine trong vòng 24 giờ đồng hồ trước đó, bao gồm hai chiếc Su-27 và một chiếc MiG-29.

Người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết vào ngày 16 tháng 9, giờ địa phương, rằng Tổng Giám đốc WTO Iweala đã chính thức công bố ý định tái tranh cử.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/9 thông báo các lực lượng nước này đã đẩy lùi quân đội Ukraine theo nhiều hướng ở khu vực Kursk.

Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness vừa phát hành Sách kỷ lục thế giới Guinness phiên bản năm 2025, giới thiệu 2.115 thành tích trên khắp thế giới, trong đó có hơn 80% là thành tích mới.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho biết vào trưa ngày 16/9 ( giờ địa phương), đợt tiêm và uống vaccine phòng bại liệt đầu tiên ở Dải Gaza đã hoàn thành.

Giải vô địch lái xe điện lần thứ 11 đã được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức, với sự tham gia của 26 đội đến từ 21 quốc gia, với phần thưởng cao nhất là chiếc cúp dành cho đội lái xe điện xuất sắc nhất châu Âu.