Sau 15/4, SIM rác, cuộc gọi rác có bị xóa bỏ?

Sau hơn một năm các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, người dân vẫn liên tục phải nhận các tin nhắn, cuộc gọi rác làm phiền thậm chí là lừa đảo. Các nhà mạng cũng đã bị xử phạt do không kiểm soát được thông tin thuê bao. Ngày mai (15/4), thêm một biện pháp nữa có hiệu lực, với mục tiêu dẹp bỏ hoàn toàn SIM rác, cuộc gọi rác, nhưng liệu liều thuốc mới này có đủ mạnh để "khai tử" SIM rác?

"Tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi quảng cáo dù tôi đã chặn rất nhiều lần nhưng chặn rồi lại có số khác gọi đến. Tôi rất mong sẽ có biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi đó".

"Thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ bảo hiểm, chứng khoán thấy phiền phức. Thường khi nhận được những cuộc gọi đó thì tôi sẽ bảo tôi đang bận"

"Dùng SIM chính chủ sẽ giúp mọi người tránh bị cuộc gọi làm phiền của những sim rác nhưng hiện tại em thấy vấn đề này vẫn chưa được giải quyết".

"Tôi cảm thấy phiền phức, tốn thời gian của bản thân khi phải trả lời cuộc gọi mà mình không có nhu cầu như vậy".

"Đôi khi đang làm việc có cuộc gọi không cần thiết, không liên quan tới công việc làm ngắt quãng gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc; nhiều khi các cuộc gọi khiến mình rất ức chế"…

Đó là những chia sẻ của một số người dân được phóng viên Đài Hà Nội phỏng vấn ngẫu nhiên về cảm giác của họ khi nhận những cuộc gọi rác.

Phiền phức, bức xúc, ức chế... là cảm giác chung của những người thường xuyên phải nhận những cuộc gọi rác.

Phạt nhưng chưa đủ răn đe

Tình trạng SIM rác quấy nhiễu, các cuộc gọi quảng cáo, tư vấn… làm phiền không chỉ có các cá nhân được hỏi ở trên gặp phải, mà có lẽ hầu hết người dùng điện thoại đều đã từng phải nhận các cuộc gọi tương tự.

Thời gian qua, với quyết tâm xử lý và ngăn SIM rác, các cuộc gọi rác, nhiều biện pháp đã được Bộ TT&TT, các cơ quan quản lý đưa ra như: việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử phạt hành chính các doanh nghiệp, nhà mạng vi phạm… Song thực tế, nhiều người dùng vẫn bị mất thời gian, bị làm phiền bởi các cuộc gọi không mong muốn từ vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác.  

Theo Nghị định Nghị định 49 năm 2017 của Chính phủ, từ tháng 4/2023, các thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị các doanh nghiệp viễn thông sẽ tạm dừng hoạt động. Vậy nhưng, sau gần 1 năm triển khai, vẫn còn rất nhiều thuê bao chưa thực hiện quy định này, nhất là khi mốc thời gian sau ngày 15/4/2024, thời điểm chính thức khai tử của SIM rác đã cận kề. 

Theo quy định hiện hành, mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM trên một nhà mạng viễn thông.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết, qua rà soát trong khoảng thời gian từ 1/3 đến hết 31/3/2024 thì hiện có khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng khoảng 7,9 triệu SIM thuộc tổng thuê bao có giấy từ 4-9 SIM. Hiện theo thống kê, các nhà mạng đã nhận được khoảng 6 triệu lượt tin nhắn kèm giấy tờ để kiểm tra thông tin của mình. Đến nay, có khoảng 1.000 khách hàng phản ánh tới các doanh nghiệp thắc mắc về số điện thoại mình đang sở hữu.

Ngày hôm qua (13/4), Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị xử phạt hành chính 3 nhà mạng gồm: Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom mỗi đơn vị 140 triệu đồng do vi phạm quy định về chống cuộc gọi rác. Cụ thể: 3 nhà mạng này đã để phát sinh tổng số trên 590.700 cuộc gọi quảng cáo đến gần 180 nghìn thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. 

Trong số này, nhà mạng Viettel có gần 1.170 cuộc gọi quảng cáo đến 921 thuê bao; CMC Telecom có khoảng 63.400 cuộc gọi đến gần 41.920 thuê bao, trong đó có 2 cá nhân và 18 tổ chức là khách hàng có thuê bao cố định; FPT Telecom để gần 526.160 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao. Ngoài ra, các nhà mạng cũng chưa thực hiện đầy đủ việc thống kê, cập nhật số liệu cuộc gọi rác.

Cục viễn Thông cũng đề nghị, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng đối với các thuê bao vi phạm.

Đến nay, có 1.200 thuê bao đã được các doanh nghiệp loại khỏi danh sách mà khách hàng đã phản ánh và thực hiện khóa thuê bao 1 chiều, 2 chiều đối với những thuê bao không đúng tên của mình, giấy tờ của mình - ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết thêm.

Dù các cơ quan hữu trách đã triển khai thực hiện nhiều pháp song hành, tuy vậy, nhiều người vẫn lo ngại, tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác liệu có được xóa bỏ? Bởi theo quy định hiện hành, mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM trên một nhà mạng viễn thông. Với 5 nhà mạng, một người có thể đăng ký 15 đầu số. Như vậy, chỉ với một cơ sở, đơn vị với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để “dội bom” người dùng. 

SIM điện thoại có nhiều ưu điểm như dễ phổ cập, tiếp cận, giá thành rẻ… là một trong những công cụ mà các đối tượng sử dụng để thực hiện các cuộc gọi rác, lừa đảo.

Chưa dám tin vào mốc 15/4/2024

SIM điện thoại có nhiều ưu điểm như dễ phổ cập, tiếp cận, giá thành rẻ… là một trong những công cụ mà các đối tượng ở Việt Nam cũng như thế giới lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả cuộc gọi lừa đảo giả danh.

Nhiều người hy vọng thời điểm 15/4/2024 sẽ là mốc “khai tử” của SIM rác, cuộc gọi rác nhưng cũng chưa dám tin 100% sau những gì vừa diễn ra trong một năm qua. Biện pháp tạm thời của người dân là chặn các số lạ nhưng cũng không thực sự hiệu quả vì chặn được số này, lại có số khác gọi tới làm phiền.

Bức xúc, phiền phức, mệt mỏi, đây là những cảm xúc của anh Nguyễn Đức Đại (quận Long Biên) khi liên tục bị các SIM rác, cuộc gọi rác làm phiền bất kể ngày hay đêm. Những cuộc gọi này nhiều tới mức anh cảm thấy ám ảnh, nỗi e sợ phải nghe máy mỗi khi số lạ gọi tới. 

Anh Đại cho biết, trung bình một ngày anh thường phải nhận từ 4-5 cuộc gọi từ SIM rác, điều đó gây khá phiền phức với anh. Dù anh đã nhiều lần chặn các SIM hay gọi tới làm phiền, tuy nhiên, tình trạng các cuộc gọi rác cũng không giảm.

Bức xúc nói trên của anh Đại có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhiều người khi bị những SIM rác, cuộc gọi rác gọi tới mỗi ngày với tần suất liên tục. Việc có thể làm duy nhất hiện tại chỉ có thể là… chặn số. Tuy nhiên, chặn số này rồi lại có số khác gọi tới.

Chị Nguyễn Thị Thương (quận Đống Đa), một người rất bận rộn với công việc học hành và đi làm thêm ngoài giờ dạy múa cho các em nhỏ, nhiều lần, khi đang trong giờ dạy, chị phải nhận một những cuộc gọi rác làm phiền, khiến chị bị gián đoạn công việc. Điều đó khiến chị rất khó chịu và sẽ chặn luôn số điện thoại đó.

Ngày mai (15/4) sẽ là thời điểm “khai tử” của SIM rác, cuộc gọi “rác”, tuy nhiên nhiều người hiện vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này.

Theo quy định, ngày mai (15/4) sẽ là thời điểm “khai tử” của SIM rác, cuộc gọi “rác”, tuy nhiên nhiều người hiện vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này và lo ngại tình trạng bị làm phiền vẫn sẽ tiếp diễn.

Bản thân mình băn khoăn và rất sợ, sợ những số lạ sẽ tiếp tục làm phiền gọi đến cho mình và ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc và học tập. Mình mong nhà mạng đưa ra hình thức xử phạt cao hơn, mạnh hơn để tránh ảnh hưởng - chị Nguyễn Thị Thương (quận Đống Đa) bày tỏ mong muốn.

Biện pháp phản ánh, ngăn chặn cuộc gọi rác, lừa đảo

Hiện nay, người dùng mạng viễn thông không chỉ bị các cuộc gọi rác làm phiền đơn thuần là quảng cáo, tư vấn, mời chào các loại dịch vụ, mà các cuộc gọi rác đã biến tướng tinh vi thành các cuộc gọi mang tính chất lừa đảo. Thực tế thời gian qua, đã có nhiều người trở thành nạn nhân của các cuộc gọi này. Có người đã mất số tiền lên tới hàng tỷ đồng, chỉ vì trót nghe, tin và làm theo hướng dẫn của các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại. 

Để hạn chế các cuộc gọi rác, lừa đảo, cách đây hơn 1 năm, từ ngày 1/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo đầu số 156 sẽ được sử dụng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền và phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. 

Bởi vậy, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách sau: gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156, để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156

Cách thứ nhất: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách thứ hai: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Nghị định 49 của Chính phủ, sẽ áp dụng các biện pháp như: tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Với những biện pháp mạnh mẽ từ cơ quan quản lý và các nhà mạng, hi vọng, sau ngày 15/4, người dùng điện thoại sẽ không còn bị làm phiền bởi các tin nhắc rác, cuộc gọi rác, giúp họ yên tâm sử dụng một môi trường mạng an toàn, minh bạch thông tin.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 22/11, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng khen thưởng 3 nhân viên quán bia trên phố Ngô Thì Nhậm nhanh trí dập tắt ngọn lửa cháy tại nhà dân trong đêm 21/11.

Các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO vừa cho biết sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa để phục vụ người dân trong cao điểm dịp Tết Ất Tỵ.

Sáng 22/11, World Bank kết hợp cùng Đại sứ quán Úc đã công bố báo cáo và các đề xuất cho lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam.

Liên quan đến việc phát hiện hàng trăm bộ hài cốt trong khi thi công dự án tại ngõ 167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, tính đến thời điểm này, đơn vị thi công đã phát hiện hơn 150 bộ hài cốt. Theo xác minh ban đầu, đây là hài cốt của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.

Dù lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã nhấn mạnh, tiếp tục duy trì kế hoạch tập trung xử lý các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, song trên thực tế, một bộ phận các em học sinh vẫn thiếu ý thức chấp hành, ngang nhiên vi phạm luật giao thông và tìm cách đối phó với lực lượng chức năng.

Từ ngày 1/7/2027, xe gắn máy hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 thay vì mức 2 như hiện nay. Các loại xe mô tô hai bánh sẽ được áp nâng mức tiêu chuẩn khí thải sớm hơn 1 năm.