Sông Hồng từ những trận lũ tới quá trình dụ thủy

Trong đời sống người Việt, sông Hồng là con sông giữ vị trí vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống cư dân, là không gian sinh tồn không chỉ của riêng người dân Thăng Long - Hà Nội mà còn cả vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn của đất nước.

Những hình ảnh nước lũ dâng lên tại sông Hồng

"Sông Hồng dài một dải

Nước đục tựa bùn pha

Thác trên cao đổ xuống

Dốc đứng như mái nhà"

Đây là những câu thơ trong bài "Hồng Giang" của danh tướng Nguyễn Quang Bích thời phong trào Cần Vương. Ông miêu tả sông Hồng dài một dải, nước đục, láng như bùn. Và quả thực những câu thơ này tả rất thực hình ảnh sông Hồng với màu nước đỏ đục ngầu và cuồn cuộn dòng lũ dữ trong thời điểm đỉnh lũ năm Giáp Thìn 2024 này.

Ngoài dòng chảy chính đi qua Hà Nội, sông Hồng còn có nhiều chi lưu làm nên một châu thổ trù phú: đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nền văn minh sông Hồng cũng hình thành từ đây, qua hàng ngàn, hàng vạn năm.

Sông Hồng còn có tên goi sông Mẹ, sông Cả, sông Cái; lại còn có tên gọi Hồng Hà, Nhị Hà... Tên gọi Hà Nội ngày nay, xuất phát từ vị trí của vùng đất phía trong con sông. Con sông đem đến sự đa dạng văn hoá trong tiến trình phát triển lịch sử của người Việt.

Trong vòng 100 năm (kể từ năm 1901), đồng bằng sông Hồng đã trải qua gần 30 trận lũ lớn, đặc biệt là trận đại hồng thủy năm 1971. Trận lũ năm 1971 được xem là trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc Việt Nam và nó đã đi vào ký ức, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ người dân sinh sống nơi lưu vực con sông này.

Tổng hợp những trận lũ lịch sử trên sông Hồng

Những ngày này sông Hồng đang ở trong giai đoạn lũ đạt đỉnh cao nhất trong vòng 16 năm trở lại đây. Trước tình hình này, người dân Hà Nội ở khu vực nguy hiểm đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán di chuyển đến nơi an toàn.

Năm 1945

Đúng vào thời điểm lệnh phát khởi nghĩa (quân lệnh số 1) được ban ra từ căn cứ địa Tân Trào ngày 13/8/1945 cũng là lúc con đê đầu tiên ở Đồng bằng Bắc Bộ bị vỡ tại địa phận thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Đỉnh lũ tại đây đã đạt kỷ lục trong lịch sử.

Ngày 18/8/1945, mực nước sông Hồng tại Long Biên đạt tới cao độ 12,33m.

Ngày 19/8/1945 mực nước sông Hồng lên đỉnh cao nhất 12,68m.

Tổng diện tích đất canh tác bị ngập lụt là 312.000ha. Hàng triệu dân vùng đồng bằng bị ảnh hưởng trực tiếp của ngập lụt. Thiệt hại tương đương với 14,3 triệu tấn thóc

Năm 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết trên Báo Nhân Dân ngày 4/7/1968 kêu gọi quân và dân ta phải hoàn thành tốt công tác phòng và chống lụt, bão năm 1968. Năm 1968 cũng là năm ghi nhận mức lũ lịch sử với mực nước dâng cao 34,42m.

Năm 1971

Năm 1970, lũ sông Hồng lên mức 12,5m nhưng hệ thống đê Bắc Bộ vẫn được giữ vững. Tháng 8/1971, sông Hồng xảy ra tổ hợp lũ của hai hệ thống sông Hồng - Thái Bình, trở nên cực kỳ hung dữ.

Theo những số liệu thống kê được lưu lại, ngày 20/8/1971, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13 m, vượt mức báo động 3 là 2,63m. Mức đỉnh lũ này được duy trì trên mức báo động 3 trong 8 ngày. Hơn 20 vạn ha lúa, màu bị mất trắng, 62 xí nghiệp trung ương và 122 xí nghiệp địa phương phải ngừng sản xuất. Nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân bị ngập lụt, hư hỏng, giao thông đình trệ.

Cầu Đuống trong trận đại hồng thủy 1971.
Cầu Đuống trong trận đại hồng thủy 1971.

Theo số liệu thống kê vào thời điểm ấy, đã có 594 người thiệt mạng, 20 xã và 1 huyện bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại của trận lụt này gây thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng (tính theo tỷ giá năm 2023 thì vào khoảng hơn 13.000 tỷ đồng).

Độ nguy hiểm của trận lụt này lớn đến mức nó được coi là trận lũ lụt lớn nhất trong hơn 250 năm qua (tính ở thời điểm đó) tại miền Bắc trong hơn và 100 năm tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Năm 2008

Từ đêm 30/10/2008, Hà Nội cùng nhiều tỉnh ở miền Bắc phải hứng chịu trận mưa lớn nhất trong lịch sử 100 năm, gây lũ lụt trên diện rộng. Đợt mưa lớn trái mùa và vượt quá mọi dự báo này đã gây ra một trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Chỉ sau đêm mưa đầu tiên, nhiều khu vực trong nội ngoại thành Hà Nội đã ngập sâu. Cơn mưa lớn kéo dài tới 4/11/2008 mới chấm dứt, khiến Thủ đô chìm trong biển nước.

Trong trận mưa lịch sử này, Hà Nội có 17 người thiệt mạng. Tuyến đê sông Hồng bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa tràn nước. Nước ngập khiến nhiều hoạt động gần như tê liệt. Năm ngày sau khi tạnh mưa Hà Nội mới thoát ngập. Ước tính thiệt hại ban đầu ít nhất khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội.
Trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội.

Sông Hồng trong đỉnh lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hầu hết tại các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ đều xuất hiện lũ và ngập lụt trên diện rộng. Đặc biệt là trên lưu vực sông Thao thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và Yên Bái là khu vực trọng tâm. Những ngày vừa qua, hầu hết các trạm đo đều xuất hiện mực nước lũ lịch sử.

Ngoài ra, khu vực dưới vùng hạ lưu như: sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam đã xuất hiện lũ trên mức báo động 3, gây ngập lụt trên rất diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Nước sông Hồng dâng cao và chỉ còn cách mặt cầu Long Biên vài mét.
Nước sông Hồng dâng cao và chỉ còn cách mặt cầu Long Biên vài mét.

Trong khi đó, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên tới mức đỉnh, trên mức báo động 2, mức cao nhất kể từ năm 2008. Như vậy là đã 16 năm kể từ trận lũ lịch sử 2008, sông Hồng lại một lần nữa dâng lên ở mức báo động.

Còn tại thôn Vạn Thắng Lợi xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, hơn 30 hộ dân sẽ phải di dời khỏi vùng nước sông Hồng đang lên cao gần nhà. Trước đó, xã Hồng Hà đã bố trí chỗ ở cho 37 hộ với 240 nhân khẩu đến nơi ở tạm an toàn.

Tại các điếm canh đê huyện Đan Phượng đang ứng trực bảo vệ an toàn trước mưa lũ. 7 xã của huyện Đan Phượng có tuyến đê trong phòng chống lũ sông Hồng đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều. Lực lượng tuần tra, canh gác đê tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân dừng mọi hoạt động ngoài bãi sông để bảo đảm an toàn khi có báo động lũ.

Dự báo từ nay đến hết ngày 12/9 mưa vẫn còn và tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ và có thể giảm sau đó. Lũ trên sông Hồng vẫn có thể tăng nên công tác phòng chống ứng phó với mưa lũ từ sông Hổng vẫn tập trung cao giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Sông Hồng và quá trình đắp đê trị thủy

Con người đã sống ở đồng bằng sông Hồng cách đây khoảng 25 ngàn năm. Ước vọng chế ngự lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng của dân Việt được thi vị hóa qua truyền thuyết Sơn Tinh thắng Thủy Tinh. Hệ thống đê sông ở châu thổ sông Hồng Việt Nam đã có lịch sử trên 2 ngàn năm.

Cách nay mấy ngàn năm, đồng bằng Bắc bộ hiện nay còn là một vùng đất thấp được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng. Hàng năm, khi nước sông dâng cao, nhiều khu vực sinh sống của cư dân bị ngập lụt, gây nhiều thiệt hại cho nhà cửa và hoa màu.

Vì thế, hệ thống đê điều là hình thức bảo vệ đầu tiên mà tổ tiên ta đã nghĩ đến để phòng tránh, hạn chế sự tàn phá của thiên tai bão lụt. Qua một quá trình dài hàng ngàn năm, đê điều và việc quản lý đê điều có những thay đổi nhất định tùy theo mỗi triều đại.

Trên đê sông Hồng đầu thế kỷ 20.
Trên đê sông Hồng đầu thế kỷ 20.

Nhiều ý kiến đánh giá hệ thống trị thủy của đồng bằng sông Hồng là một trong những công trình thủy lợi được thiết lập cổ xưa nhất trên thế giới. Mặc dù không có những công trình xây dựng tân tiến như nhiều nước trên thế giới, nhưng hệ thống đê sông và đê biển dọc dài vùng châu thổ sông Hồng, từ công sức người dân và bằng những vật liệu của địa phương, đã chứng tỏ tính hữu hiệu trong vấn đề ngăn chặn lũ lụt.

Sau hàng ngàn năm thiết lập và củng cố hệ thống đê điều, từ vùng đầm lầy đồng bằng sông Hồng đã trở thành một vựa lúa quan trọng của Việt Nam, mang đến ấm no thịnh vượng cho dân Việt, đủ sức mạnh kinh tế để sinh tồn, chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi.

Từ thời vua Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, nhà Lý và cả các triều đại sau này đều ban hành nhiều sắc lệnh, chủ trương trị thủy - cũng chính là dụ thủy sông Hồng, thôi thúc việc đắp đê bảo vệ nội thành Hà Nội.

Vua tôi nhà Trần cho đắp đê (Ảnh minh họa)

Tháng 3 năm Mậu Thân (1248), vua Trần Thái Tông sai quan ở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông Hồng từ đầu nguồn tới biển, gọi là đê Quai Vạc. Có thể nói rằng hệ thống đê sông Hồng được hoàn chỉnh dưới thời vua Trần Thái Tông, cách nay hơn 750 năm.

Trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải pháp phân lũ bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng.

Trong thời nhà Nguyễn, một bộ phận quan lại và dân chúng vùng Hà Nội xin phép nhà vua để họ đắp kè lấp đá cho một số đê dọc sông Hồng nơi họ cư trú.

Bảo vệ Thủ đô Đại La/Thăng Long/Hà Nội là ưu tiên của các triều vua qua các thời đại. Hàng loạt đê cao, có nơi cao 15m, được đắp từ hàng thế kỷ trước. Ngày nay, có nhiều nơi lòng sông cao hơn mặt đất đồng ruộng, làng mạc.

Khoảng 6 văn bản điều trần của các quan ở triều đình và địa phương hiện còn lưu trữ cho thấy lợi ích của hệ thống đê sông và đê biển ở đồng bằng sông Hồng.

Các thế hệ người Việt luôn coi trong lợi ích của hệ thống đê điều. Tuy nhiên sau mỗi trận bão lũ đi qua, ngoài những hậu quả nghiêm trọng, chính bão lũ cũng mang tới những yếu tố cùng những tác động tích cực.

Sau mỗi một trận bão lũ đi qua là phù sa gửi lại, bồi đắp cho ruộng đồng, vườn tược, tạo nên những mùa màng tươi tốt đồng thời cũng khôi phục lại hệ sinh thái hai bên bờ sông. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì đất phù sa sông Hồng được coi là đất “bờ xôi, ruộng mật” tốt nhất Việt Nam.

Trong tập thơ của danh tướng Nguyễn Quang Bích có những câu viết về sông Hồng miêu tả sự bồi lắng phù sa có đoạn:

Vạn suối trong, riêng khác một dòng

Nước như son thắm gọi sông Hồng

Dọc bờ cát mịn màu tươi đỏ

Bến bãi sông ngòi cũng sắc chung.

Những câu thơ trong "Hồng Giang" của Nguyễn Quang Bích đẹp, thơ mộng và tươi thắm với hình ảnh nước thắm như son, dọc đôi bờ cát đỏ, bến bãi cũng vậy, chất phù sa thật màu mỡ, khác hẳn với màu nước đục "láng như bùn", có thác lớn dữ dằn như ở bài "Hồng Giang" trước.

Bên cạnh đó, 95% phù sa của hai hệ thống sông Hồng và Thái Bình được bồi đắp dọc duyên hải, lấn biển hàng trăm mét mỗi năm, tạo nhiều cồn, đảo phù sa phía xa bờ, nới rộng lãnh thổ thêm hàng chục km2/năm. Cũng chính khối phù sa này làm vịnh Bắc Bộ phong phú thủy sản.

Trục sông Hồng, biểu tượng phát triển mới của Thủ đô

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, với Hà Nội của Việt Nam, sông Hồng được xác định có giá trị rất lớn về văn hóa và kinh tế. Bởi vậy những chủ trương của thành phố Hà Nội từ trị thủy là một quá trình, để dòng sông Hồng trở nên an lành và hiền hòa sau mỗi trận lũ, trở thành trục phát triển quan trọng của Thủ đô trong tương lai gần.

Vị trí quan trọng của sông Hồng đã được cụ thể hóa rất rõ trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Giờ đây, với việc Luật Thủ đô được thông qua, Thành phố Hà Nội sẽ được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa.
Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa.

Nguồn lực đất đai khu vực hai bên sông cũng sẽ phát huy được tối đa giá trị và giúp Hà Nội xây dựng mô hình thành phố ven sông xứng tầm với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này thể hiện sự linh hoạt trong dụ thủy đối với sông Hồng, từ đó, đưa sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô.

Theo Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trục sông Hồng sẽ là không gian chủ đạo của đô thị trung tâm, với diện mạo mới xứng tầm một trong những Thủ đô lâu đời nhất châu Á. Sau hơn nghìn năm âm thầm bồi đắp, nuôi dưỡng và trải qua bao thăng trầm cùng mảnh đất kinh kỳ, sông Hồng sẽ lại chứng kiến một giai đoạn phát triển mới của Thủ đô.

Cụ thể, trục sông Hồng phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp. Trên cơ sở phương án phòng chống lũ lụt xác định hành lang thuộc chỉ giới thoát lũ cho phép xây dựng công trình hạ tầng, cầu, cảng, bến trên cột, không ảnh hưởng tới dòng chảy thoát lũ.

Sông Hồng sẽ trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô.
Sông Hồng sẽ trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô.

Có thể nói, kỳ vọng sông Hồng trở thành một "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô vừa là yêu cầu, vừa là thách thức, cũng vừa là động lực để phát triển Thủ đô. Tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" sẽ là động lực đề Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực và sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối "Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đến 17 giờ ngày 18/9, tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận được tổng số tiền là 1.432 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho ngư dân khi vào tránh trú, hiện nay các âu thuyền, cảng cá đang gấp rút triển khai hướng dẫn, nhắc nhở bà con neo đậu tàu thuyền đúng cách.

Sau khi vượt qua huyện đảo Hoàng Sa, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, tăng tốc lên 20km/h, di chuyển theo hướng Tây về phía vùng biển khu vực tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam. Trên đất liền các tỉnh miền Trung, gió bắt đầu mạnh dần lên cấp 6-7.

Áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh với sức gió cực đại 61km/h, biển động mạnh, sóng cao từ 2-4m. Bão đang di chuyển nhanh về phía Tây với tốc độ 20km/h

Dù áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão sẽ có cường độ không lớn nhưng sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, có nơi tới trên 600 mm.

Hồi 19 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc.