Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho Vành đai 4
Tổ chức 11 mũi thi công
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, song các dự án thành phần và các nhiệm vụ trong Dự án Vành đai 4 đang được các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ ở tất cả các khâu.
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, tính đến ngày 8-9, toàn thành phố đã phê duyệt và thu hồi đất được 706,22/793,80 ha, đạt 87,93%. Tổng số mộ đã di chuyển là 6.332/10.059 ngôi, đạt 62,95%. Đến nay, Ban Quản lý đã tiếp nhận 638,35 ha đất đã thu hồi, phần còn lại sẽ thực hiện bàn giao trong tháng 9-2023. Đến nay, 7 khu tái định cư đã được khởi công và thực hiện tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín.
Về tiến độ dự án thành phần 1.1 (di chuyển tuyến đường dây diện cao thế từ 110kV đến 500kV), Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán theo ý kiến góp ý của liên ngành. Sở Công Thương đang thẩm định và dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2023, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 10-2023; phê duyệt và đấu thầu, ký hợp đồng trong tháng 11-2023.
Đối với dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành, các nhà thầu đã tổ chức 11 mũi thi công; trong đó đã bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 10km, đắp nền K95 khoảng 1,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu; đồng thời, đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 16 cầu vượt sông, kênh mương trên tuyến...
Mỏ xa giá quá cao, mỏ gần chưa thể khai thác
Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến tình hình thi công dự án đường Vành đai 4 là nguồn vật liệu đất, cát. Đây là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì những vướng mắc về cơ chế, tiêu biểu như dự án đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường dự kiến phục vụ Dự án Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh gồm: Đất đắp K98, K95, đắp bao: 9,656 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu: 7,5 triệu m3. Trong đó, nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 trên địa phận Hà Nội gồm: Đất đắp K98, đắp bao: 1,872 triệu m3; cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu: 5,532 triệu m3.
Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc, 4 mỏ tại Thái Nguyên. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa có mỏ đất có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng; qua khảo sát chỉ có 3 mỏ đất (chưa quy hoạch) với tổng trữ lượng khoảng 7,127 triệu m3, nhưng lại nằm trong quy hoạch rừng sản xuất hoặc đã có đề án đóng cửa mỏ, đang đề nghị tiếp tục khải thác. Bên cạnh đó, 32 mỏ cát cũng đã được khảo sát với tổng trữ lượng 75,55 triệu m3, trong đó có 24 mỏ tại Hà Nội. Trong số các mỏ này, 7 mỏ có giấy phép còn hiệu lực, trong đó có 3 mỏ không khai thác, không hoạt động; 4 mỏ đang hoạt động khai thác. Ngoài ra, có 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng 16,373 triệu m3; nếu thực hiện theo đúng quy trình thì phải mất hằng năm mới có thể đưa vào khai thác; nên cũng cần tính toán để áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định khai thác.
Nhìn chung, nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công đường Vành đai 4 tại Hà Nội đang khó khăn. Các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp (không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội). Đặc biệt, đến nay, chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa (không phải trên địa bàn Hà Nội), nên giá quá cao so với đơn giá nhà nước. Hiện nay, để thực hiện theo cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1, nhà thầu Vinaconex đã đăng ký khai thác mỏ đất đồi Gò Đỉnh, mỏ cát Chu Phan; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đăng ký khai thác mỏ cát Thạch Đà 1, mỏ cát Chu Phan 1.
Vận dụng cơ chế đặc thù, tập trung tháo gỡ trong tháng 9
Sau khi nghe các đơn vị trao đổi, thảo luận làm rõ các bất cập, vướng mắc, kết luận chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị liên quan trước hết là Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố bao gồm các mỏ đã có, đã giao và các mỏ mới bảo đảm trữ lượng, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
“Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, vừa đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công”, Bí thư Thành ủy nói, đồng thời yêu cầu thời hạn tập trung hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này là trong tháng 9-2023.
Trong đó, Biw thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa khai thác, UBND thành phố phải triển khai thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND thành phố hoặc Kỳ họp HĐND thành phố trong tháng 9 này, yêu cầu bảo đảm đầy đủ tính pháp lý.
Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị giao Công an thành phố vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các quận, huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, tập trung cao độ cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư; sẵn sàng phương án hỗ trợ tạm cư. Ban Quản lý Dự án phối hợp với các quận, huyện, các nhà thầu thi công, lực lượng chức năng nhanh chóng bàn giao, quản lý chặt chẽ phần diện tích đã giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu thi công bố trí máy móc, phương tiện, con người sẵn sàng tổ chức thi công khẩn trương ngay khi được tháo gỡ về thủ tục và nguồn cung vật liệu.
Bên cạnh hệ thống giao thông liên huyện, các trục tỉnh lộ và quốc lộ liên tục được nâng cấp, cải tạo, thời gian qua, huyện Phú Xuyên cũng chú trọng vào các dự án giao thông nội đồng, các trục liên xã.
Sáng 21/12, nhân kỷ niệm 52 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức lễ cầu siêu và dâng hương tại Đài tưởng niệm phố Khâm Thiên.
Thực hiện phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trên toàn TP. Hà Nội, sáng 21/12, Ban Tổ chức và 16 thí sinh tham dự vòng Chung kết “Tiếng hát Hà Nội 2024”, cùng CTCP Công nghệ xanh GODA đã tham gia tổng vệ sinh sân chơi Công viên rừng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).
Từ đầu tuần qua, đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đã được toàn Đảng bộ thành phố triển khai sâu rộng.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương.
Sáng 21/12, Quận ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam và tri ân những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
0