Cuộc thi 'Tiếng hát Hà Nội - 2024'

Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), 70 năm thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội (14/10/1954 – 14/10/2024), Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội 2024”.

 I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA:

Tiếp nối thành công của năm 2023, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tiếp tục tổ chức cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội 2024” với tầm vóc và dấu ấn mới về quy mô tổ chức và chất lượng nghệ thuật. 

Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ  tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương - đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật. Đặc biệt, cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ, tìm kiếm những gương mặt, giọng ca mới, giàu triển vọng tham gia các chương trình nghệ thuật trên sóng phát thanh, truyền hình Hà Nội, phục vụ các sự kiện tuyên truyền trong các dịp kỷ niệm, dịp lễ lớn của Thành phố.

Tiếng hát truyền hình Hà Nội là cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình mang dấu ấn đặc trưng riêng, quy tụ và lựa chọn ra những gương mặt, giọng ca xuất sắc, tài năng. Nhiều giọng ca bước ra từ cuộc thi,  đã trưởng thành, thành danh với con đường nghệ thuật trở thành các nghệ sĩ, ca sĩ  nổi tiếng được công chúng mến mộ như NSND Mai Hoa, Tiến sĩ - Giảng viên thanh nhạc Anh Thơ, NSND Hồng Hạnh, Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh,  NSUT Minh Quang, Tô Minh Thắng, Phạm Văn Giáp, NSUT Phương Anh, Kasim Hoàng Vũ, NSUT Minh Thu, NSUT Vũ Thắng Lợi, Hoàng Quyên..v..v..

Dấu ấn từ cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội, nay là Tiếng hát Hà Nội không chỉ là “dấu son” trên bước đường nghệ thuật của các nghệ sĩ, mà còn tạo đà, giúp cho các giọng ca xuất sắc có chỗ đứng trong lòng công chúng khán giả. Không ít người đã trở thành các nhà quản lý tại các đơn vị nghệ thuật lớn của đất nước, như NSND Hồng Hạnh - hiện đang là Giám đốc Nhà hát CMN Quân Đội, cùng nhiều giảng viên uy tín, các nghệ sĩ nổi tiếng tại các trường đào tạo nghệ thuật khác nhau như: Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, và các nhà hát, các đoàn  ca múa nhạc chuyên nghiệp trong cả nước…

Tiếng hát Hà Nội không chỉ là cuộc thi giọng hát của những công dân Thủ đô, mà còn là cơ hội của những giọng hát từ mọi miền Tổ quốc muốn hát về Hà Nội và hát từ Hà Nội.  Với tiêu chí đề cao các yếu tố chuyên môn, tài năng, những giá trị thẩm mỹ về âm nhạc, cuộc thi đã trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho các giọng ca triển vọng, tạo cơ hội để các bạn trẻ yêu ca hát được tự tin, toả sáng, phát huy sở trường và năng khiếu thanh nhạc của mình, qua đó góp phần làm phong phú và phát triển  đời sống văn hóa nghệ thuật của thủ đô. Thông qua cuộc thi này sẽ phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc, từ đó tạo ra một lớp nghệ sĩ kế cận, có chất lượng, có chuyên môn, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong đời sống  văn hóa tinh thần của người Hà Nội.

Tiếng hát Hà Nội qui tụ đội ngũ Ban Giám khảo và cố vấn chuyên môn gồm các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi, cùng các chuyên gia thanh nhạc hàng đầu cùng tham gia như: NSND Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Mai Hoa, Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Nhạc sĩ Giáng Son…

Với tiêu chí là cuộc thi thanh nhạc uy tín, nơi phát hiện và tìm kiếm các tài năng âm nhạc trẻ đến từ khắp mọi miền, Tiếng Hát Hà Nội 2024 sẽ là sân chơi nghệ thuật uy tín, chất lượng, là sự kiện đặc biệt tạo dấu ấn trong đời sống Văn hóa Nghệ thuật thủ đô.  

Tác phẩm dự thi được lựa chọn theo 3 phong cách biểu diễn âm nhạc là: Thính phòng cổ điển, Dân gian và Nhạc nhẹ, trong đó tập trung các ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là các ca khúc gắn với sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô.  

 II. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CỦA TIẾNG HÁT HÀ NỘI 2024

1. Thời gian dự kiến

Thời gian đăng ký dự thi: Từ ngày 1/10 - 19/11/2024.

Vòng Sơ khảo 1: Từ 15/11 - 19/11/2024. 

Vòng Sơ khảo 2: Từ ngày 23/11 - 25/11/2024.

Vòng Bán kết: Từ ngày 10/12 - 12/12/2024.

Đêm Chung kết: Ngày 25/12/2024 tại nhà hát Hồ Gươm

2. Hình thức đăng ký

- Thí sinh đăng ký dự thi qua App Hanoi On.

3. Yêu cầu chung đối với thí sinh:

Người đăng ký tham dự cuộc thi phải đáp ứng được các điều kiện sau: 

3.1. Là công dân Việt Nam không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, có sức khỏe, ngoại hình phù hợp; có độ tuổi từ 18 tuổi đến 32 tuổi tính đến ngày tổ chức vòng thi chung kết (tuổi đối chiếu theo căn cước công dân).

3.2. Không có tiền án, tiền sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không nằm trong đối tượng điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật, có đạo đức, lối sống lành mạnh và phải chịu trách nhiệm về những khai báo đầy đủ, trung thực trên hồ sơ cá nhân của mình gửi Ban Tổ chức.

3.3. Trình độ văn hoá của các thí sinh: Trình độ Trung học Phổ thông hoặc tương đương trở lên.

3.4. Thí sinh đạt một trong các thành tích sau sẽ được đặc cách vào thẳng vòng Bán kết (miễn vòng sơ khảo) cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024:

- Thí sinh lọt vào vòng Chung kết Tiếng hát Hà Nội năm 2023 (trừ thí sinh được giải Nhất).

- Thí sinh lọt vào vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi Sao Mai 2022.

- Thí sinh đạt giải Nhất các cuộc thi Giọng hát hay, Tiếng hát truyền hình các địa phương cấp tỉnh, tính từ năm 2022 trở lại đây.

* Lưu ý:

- Tất cả các thí sinh đặc cách phải nằm trong đối tượng từ 18 - 32 tuổi và đáp ứng các tiêu chí khác trong Quy chế cuộc thi.

- Các thí sinh được đặc cách vẫn đăng ký dự thi theo đúng quy định của BTC đúng thời hạn cùng với các thí sinh thi vòng sơ khảo, khi dự thi mang theo chứng nhận thành tích phù hợp với tiêu chí kể trên.

4. Quy trình tuyển chọn:

- Vòng Sơ khảo 1: 

Thí sinh sẽ hát thử giọng bài hát theo phong cách biểu diễn âm nhạc tự chọn (Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ) cùng với 1 đàn Organ đệm hoặc nhạc beat do thí sinh chuẩn bị. Ban Giám khảo sẽ sơ tuyển, chấm loại trực tiếp về giọng hát và hình thức để lựa chọn 150 thí sinh có hình thức phù hợp và giọng hát đạt yêu cầu vào vòng sơ khảo 2. 

- Vòng Sơ khảo 2: 

Mỗi thí sinh đăng ký hát 1 bài hát trọn vẹn với theo phong cách biểu diễn âm nhạc tự chọn (Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ) cùng với 1 đàn Organ đệm hoặc nhạc beat do thí sinh chuẩn bị. Ban Giám khảo sẽ lựa chọn 60 thí sinh có giọng hát và phong cách trình diễn tốt để tiếp tục vào vòng thi Bán kết (bao gồm thí sinh đặc cách).

 - Vòng Bán kết: 

60 thí sinh dự thi, mỗi thi sinh đăng ký hát 1 bài hát trọn vẹn với theo phong cách biểu diễn âm nhạc tự chọn (Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ) cùng với ban nhạc. Ban Giám khảo sẽ lựa chọn các thí sinh có giọng hát, phong cách trình diễn tốt và các thí sinh có số lượt bình chọn cao nhất trên App HanoiOn; có hiệu suất phát triển kênh Youtube cao nhất vào vòng Chung kết.

- Vòng Chung kết: 

Có 12 thí sinh đại diện cho 3 phong cách âm nhạc vào vòng chung kết. Mỗi thí sinh sẽ biểu diễn 2 bài hát với ban nhạc (01 bài hát theo phong cách âm nhạc tự chọn, 01 bài hát về Hà Nội gắn với chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, không trùng lặp với các vòng thi trước). 

Lưu ý:

- Ban Tổ chức sẽ bố trí cho các thí sinh luyện tập với Ban nhạc trước vòng Bán kết và Chung kết. Các thí sinh có nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi các chuyên gia về thanh nhạc và diễn xuất.

- Sau khi đã đăng ký mà thí sinh muốn thay đổi bài hoặc phong cách âm nhạc đã đăng ký thì phải được sự đồng ý của BTC.

III.  BAN GIÁM KHẢO VÀ QUY CHẾ CHẤM ĐIỂM

Mỗi vòng thi sẽ có Ban giám khảo gồm 5-7 thành viên là những nhạc sĩ, nghệ sĩ danh tiếng, các giảng viên, các nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc. Thành viên BGK có mặt đầy đủ ở mỗi buổi thi và chấm điểm trực tiếp ngay sau khi thí sinh kết thúc phần thi.

Quy chế chấm điểm: BGK chấm thi theo thang điểm 10 (tính đến 0,5 điểm) đối với mỗi thí sinh dự thi ở từng phong cách âm nhạc. Điểm bình quân của BGK tính đến 0,25 điểm cho mỗi thí sinh ở mỗi vòng thi là căn cứ xếp hạng để thí sinh tiếp tục tham gia ở các vòng tiếp theo. 

Điểm giữa các Giám khảo không được chênh lệch nhau quá 02 điểm, nếu vượt quá 02 điểm thì yêu cầu cả 2 Giám khảo có số điểm thấp nhất và cao nhất điều chỉnh lại điểm. Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau thì Trưởng ban Giám khảo là người quyết định cuối cùng.

IV. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

- 01 Giải Đặc biệt có giá trị lớn

- 03 Giải Nhất, mỗi giải trị giá 100.000.000 đồng

 - 03 Giải Nhì, mỗi giải trị giá 50.000.000 đồng

 - 03 Giải Ba, mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng

- 05 Giải Chuyên đề mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng gồm:

+ Thí sinh thể hiện ca khúc Hà Nội hay nhất

+ Thí sinh có phong cách trình diễn ấn tượng nhất

+ Thí sinh trẻ có triển vọng

+ Thí sinh có lượng khán giả bình chọn cao nhất trên nền tảng Hanoi On

+ Thí sinh có lượt xem, yêu thích cao nhất trên nền tảng Youtube…

Đặc biệt, sau khi vượt qua vòng sơ khảo, các thí sinh sẽ được Ban Tổ chức (BTC) tạo kênh Youtube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình giành danh hiệu. Thí sinh đăng tải các buổi luyện tập luyện, các video giới thiệu giọng hát, các hoạt động chuẩn bị cho cuộc thi... định vị giọng hát và phong cách của mình với khán giả. Lượt xem, lượt yêu thích và các tương tác trên kênh sẽ là cơ sở để BTC đánh giá và tìm ra thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Thí sinh được khán giả bình chọn cao nhất trên App HanoiOn và thí sinh có hiệu suất phát triển kênh Youtube cao nhất sẽ được lựa chọn vào dự thi vòng chung kết. 

Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi, khi khán giả sẽ là đồng giám khảo từ vòng bán kết, giúp thí sinh không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, kỹ thuật trình diễn mà còn có nhận thức về "người của công chúng" khi xây dựng hình ảnh hoàn thiện mình trước khán giả.

V. QUY CHẾ CHUNG:

1. Thí sinh phải tuân thủ các yêu cầu về tổ chức và chuyên môn do Ban Tổ chức quy định. Trước khi tham cuộc thi, các thí sinh phải đọc kỹ quy chế và các quy định của Ban Tổ chức. Việc thí sinh gửi hồ sơ đến Ban Tổ chức cuộc thi được coi như đã đương nhiên đồng ý chấp nhận/cam kết thực hiện các quy định, quyết định, quy chế của Ban Tổ chức.

2. Trong thời gian diễn ra các vòng thi, thí sinh phải có mặt trước thời gian quy định:

    - Vòng sơ khảo: Thí sinh có mặt tại địa điểm thi trước 01 buổi để ghép nhạc hoặc chuẩn bị âm thanh chuyển cho bộ phận kỹ thuật (trường hợp sử dụng nhạc beat) và ở buổi thi chính thức thí sinh phải có mặt trước giờ thi ít nhất là 60 phút để chuẩn bị. 

     - Vòng bán kết và chung kết: Thí sinh phải có mặt liên tục 1 tuần trước thời gian diễn ra chương trình để tập luyện bài dự thi cùng ban nhạc, tham gia vào các hoạt động bên lề để ghi hình phát sóng và chỉ được phép rời khỏi khu vực tập trung khi có sự cho phép của BTC.

Ngoài phần trình diễn ca khúc, nếu thí sinh sử dụng các minh họa cho tác phẩm như múa, vũ đạo… thì phải đăng ký với BTC và chịu trách nhiệm về kinh phí dàn dựng, đảm bảo về chất lượng nghệ thuật. 

3. Đối với những thí sinh đã được chọn vào vòng Bán kết và Chung kết, các thí sinh không được tự ý bỏ thi nếu không có lý do chính đáng hoặc sự đồng ý của Ban Tổ chức. Thí sinh bỏ thi trái với quy định này sẽ phải bồi thường mọi chi phí cho Ban Tổ chức.

4. Thí sinh không được sử dụng các nhạc cụ riêng hoặc yêu cầu các nhạc cụ chuyên biệt, hay sử dụng ban nhạc riêng vì lý do cá nhân. Thí sinh muốn sử dụng bản phối khí riêng phải đăng ký với Ban Tổ chức, các thí sinh không có sẽ được Ban Tổ chức hỗ trợ về bản phối khí. 

5. Trong khi tham dự cuộc thi, trang phục của thí sinh phải phù hợp với nội dung tác phẩm trình diễn, trang phục gọn gàng, lịch sự, không sử dụng trang phục (hoặc có hình ảnh, chữ) có yếu tố nhạy cảm chính trị, hoặc có in ấn logo hoặc các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc in chữ nước ngoài, không để lộ các hình xăm trổ và các hình ảnh phản cảm trên cơ thể. 

6. Ban Tổ chức có quyền sử dụng hình ảnh, bản ghi âm, ghi hình, thông tin của thí sinh trong suốt quá trình tham gia cuộc thi để phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền; Video và hình ảnh của Thí sinh sẽ thuộc bản quyền của Ban Tổ chức.

7. Về vấn đề bản quyền các ca khúc biểu diễn: Thí sinh tự chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm âm nhạc, bản phối khí sử dụng trong quá trình tham gia cuộc thi và tự xin phép chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, bản phối khí. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo tính pháp lý cho cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ yêu cầu thí sinh cung cấp xác nhận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Mọi phát sinh đến vấn đề bản quyền, Ban Tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm.

8. Ban Tổ chức có quyền loại bất cứ cá nhân nào có những hành vi, phát ngôn hay có những vấn đề cá nhân về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng, phương hại đến uy tín của cuộc thi hoặc Đài PT-TH Hà Nội. Trong trường hợp này, thí sinh phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại nếu Ban Tổ chức yêu cầu.

9. Ban Tổ chức có quyền thay đổi về quy trình, nội dung, kế hoạch hoặc quy định vào bất kỳ lúc nào để phù hợp với diễn biến thực tế của giải.

10. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các thiệt hại vật chất cá nhân của các thí sinh và các thành phần tham dự cuộc thi. Ban Tổ chức không trả lại các hồ sơ, giấy tờ các thi sinh đã nộp để tham dự cuộc thi.

11. Ban Tổ chức có quyền sửa đổi, bổ sung quy trình, nội dung, kế hoạch, Quy chế và Thể lệ cho phù hợp với tình hình thực tế tổ chức của cuộc thi hoặc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cuộc thi. Trong trường hợp phát sinh những vấn đề không được điều chỉnh bởi Quy chế và thể lệ cuộc thi, Ban Tổ chức có quyền tự quyết định nhưng phải đảm bảo không trái với các nội dung của Quy chế và thể lệ cuộc thi đã ban hành và các quy định pháp luật có liên quan.

12. Ban Tổ chức giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của thí sinh căn cứ trên quy chế, thể lệ của cuộc thi và các quy định pháp luật hiện hành. Ban Tổ chức không giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện (của thí sinh và bất cứ cá nhân, tổ chức nào) về kết quả chuyên môn hoặc những vấn đề cá nhân phát sinh được đề nghị giải quyết theo luật của các nước không phải Việt Nam.

13. Mọi quyết định của Ban Tổ chức là kết quả cuối cùng của cuộc thi.

14. Mọi thí sinh tham dự cuộc thi phải ký bản cam kết thực hiện các nội dung của Quy chế này và các quy định có liên quan của BTC đề ra trong quá trình thực hiện chương trình, tuân thủ các quy định về yêu cầu tập trung trong thời gian diễn cuộc thi.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

2 bộ phim “Hà Nội trong mắt em” và “Mật lệnh hoa sữa”, nằm trong dự án “Vì tình yêu Hà Nội” của Đài Hà Nội đã đi hơn nửa chặng đường. Hai bộ phim gây chú ý và nhận được sự quan tâm của truyền thông. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi cả hai đều là những dự án phim truyền hình được đầu tư kỹ lưỡng, với nội dung hấp dẫn và dàn diễn viên thực lực.

Thị trường phim Tết 2025 đang nóng lên với sự xuất hiện của hàng loạt dự án mới từ những đạo diễn, nhà sản xuất đình đám. Các bộ phim đa dạng về thể loại, câu chuyện gần gũi, ý nghĩa, phục vụ nhiều đối tượng khán giả.

Sau thời gian tập trung vào công việc kinh doanh và không xuất hiện tại các sự kiện giải trí, Nhật Kim Anh khiến người hâm mộ bất ngờ khi công bố chuẩn bị đón con thứ hai.

Giữ đúng lời hứa với fan trong một đêm nhạc tại Hà Nội vào ngày 14/12, sáng nay 17/12, Sơn Tùng M-TP gây sốt khi đăng tải loạt ảnh ngồi xích lô đi dạo hồ Tây.

Chắc hẳn nhiều khán giả 9x đã quen thuộc với giai điệu của “Tình yêu màu nắng” - bài hát gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Đoàn Thúy Trang. Và sau 5 năm vắng bóng, Đoàn Thúy Trang đã trở lại làng nhạc Việt với album “Hoa, Mây, Mưa”.

Ca sĩ Orange là một trong những giọng hát rất có duyên với các bản nhạc phim. Nhiều ca khúc của cô như "Tự sự", "Để trái tim cất lời",… được “chọn mặt gửi vàng” cho loạt phim điện ảnh trong nước. Mới đây nhất, nữ ca sĩ tiếp tục gây bất ngờ khi góp giọng trong bản OST chính thức của bộ phim hài lãng mạn Hàn Quốc “Mary you”.