Lửa bạo lực lan sang Bờ Tây

Chiến dịch quân sự tàn khốc của Israel vào Gaza đã cướp đi sinh mạng hơn 40.000 người, gây sự phẫn nộ của quốc tế. Đến nay, ngọn lửa bạo lực đã lan sang Bờ Tây.

Hành động leo thang nghiêm trọng

Quân đội Israel đã tiến hành các cuộc đột kích và không kích ở nhiều khu vực của Bờ Tây bị chiếm đóng vào sáng sớm thứ Tư 28/8, ít nhất 11 người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công mà theo Israel đánh giá là cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều năm qua vào vùng đất này. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố họ đã phát động một chiến dịch chống khủng bố lớn với Cơ quan An ninh Israel (ISA) tại các khu vực Jenin và Tulkarem ở phía bắc Bờ Tây. Bạo lực bùng phát trở lại song song với cuộc chiến tàn khốc ở Gaza.

Hàng trăm binh lính Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm Jenin, Tulkarem và trại tị nạn Far’a gần Tubas. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy đó là một chiến dịch lớn và có phối hợp của Israel, bao gồm máy bay không người lái và máy ủi, lực lượng quân đội và an ninh, bốn tiểu đoàn Cảnh sát Biên phòng Israel và một đơn vị tinh nhuệ gồm các binh lính bí mật. Bờ Tây bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Mặc dù các hoạt động quân sự của Israel ở Bờ Tây diễn ra hàng ngày, nhưng hiếm khi được tiến hành đồng thời ở nhiều thành phố như hiện nay. Các hoạt động của Israel ở Bờ Tây tập trung vào phía Bắc của lãnh thổ, nơi các nhóm vũ trang chống lại Israel hoạt động mạnh.

Hàng trăm binh lính Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Bờ Tây bị chiếm đóng
Hàng trăm binh lính Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Bờ Tây bị chiếm đóng.

Israel khẳng định rằng chiến dịch quy mô lớn ở Bờ Tây nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng và tiêu diệt khủng bố. Quân đội Israel đã công bố video vào thứ Năm cho thấy cảnh bên trong một nhà thờ Hồi giáo được các chiến binh sử dụng để chế tạo thuốc nổ ở Far'a, một thị trấn ở Thung lũng Jordan ở Bờ Tây.

Một chiến binh Palestine tại trại Far'a cho biết: "Họ vào đây theo cách chưa từng có - họ được trực thăng thả xuống xung quanh trại, sau đó đi bộ vào và đột kích trại từ nhiều hướng khác nhau, họ cố gắng đánh lừa chúng tôi nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Có thương vong và mất mát, nhưng tạ ơn Chúa là họ đã thất bại. Như thường lệ, họ nhắm vào cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà cửa và cho nổ tung một nhà thờ Hồi giáo. Những gì đang xảy ra cho thấy đây là một cuộc chiến tranh tôn giáo, không phải là cuộc chiến chống lại lực lượng kháng chiến hay chống lại người Palestine, trại tị nạn hay tấn công vào Gaza".

Lực lượng Hamas gọi chiến dịch đang diễn ra của Israel ở Bờ Tây là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm mở rộng cuộc chiến tại Dải Gaza, đồng thời cáo buộc sự ủng hộ của Mỹ với Israel là nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang. Nhóm này kêu gọi người dân Palestine ở Bờ Tây nổi dậy, đồng thời vận động lực lượng an ninh trung thành với Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas hưởng ứng. Người phát ngôn viên Chính quyền Palestine lên án chiến dịch của Israel ở Bờ Tây là "hành động leo thang nghiêm trọng" và kêu gọi Mỹ can thiệp. Tổng thống Abbas thông báo rút ngắn chuyến thăm Arab Saudi và quay trở lại Bờ Tây, nơi chính quyền của ông đặt trụ sở, để xử lý tình hình.

Chính quyền Palestine lên án chiến dịch của Israel ở Bờ Tây là hành động leo thang nghiêm trọng
Chính quyền Palestine lên án chiến dịch của Israel ở Bờ Tây là "hành động leo thang nghiêm trọng" .

Ngọn lửa âm ỉ bùng cháy

Bờ Tây sông Jordan, một vùng lãnh thổ nằm giữa Israel và Jordan, là nơi sinh sống của 3,3 triệu người Palestine dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel. Ở đây còn có hàng trăm nghìn người Do Thái Israel bắt đầu định cư cách đây khoảng 57 năm. Israel bắt đầu chiếm đóng Bờ Tây sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khi đó Israel chiếm được Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordanie, chiếm Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập và chiếm Cao nguyên Golan từ Syria. Ngay sau đó, họ bắt đầu thành lập các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Bờ Tây, nhưng theo luật pháp quốc tế, các khu định cư này là bất hợp pháp. Israel nói rằng chiến dịch quân sự lớn lần này nhằm trấn áp các nhóm vũ trang do Iran ủng hộ để chống phá Israel, nhưng ở đây còn những lý do sâu xa khác. Sự bất công mà người Palestine phải chịu đang là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều nhóm kháng chiến mới chống lại Israel.

Năm 1967, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và các vùng lãnh thổ khác trong một cuộc chiến với các quốc gia Ả rập láng giềng. Hầu hết người Israel vẫn gọi nơi này bằng tên trong Kinh thánh là Judea và Samaria.

Israel dần dần bắt đầu cho phép công dân của mình xây dựng và mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, nhưng họ chưa bao giờ chính thức sáp nhập lãnh thổ này, vì lo sợ cả những hậu quả ngoại giao và những vấn đề nội bộ. Dần dần, một hệ thống hai tầng được phát triển ở Bờ Tây. Công dân Israel sống ở đó có quyền tham gia các cuộc bầu cử của Israel và nhìn chung được hưởng các quyền và đặc quyền như người dân trong nước. Trong khi đó, những người Palestine sống dưới sự quản lý của quân đội Israel, họ chưa bao giờ có quyền bỏ phiếu cho chính phủ Israel, cho dù những quyết định của chính phủ định hình cuộc sống hàng ngày của họ.

Trong những năm 1990, các nhà lãnh đạo Palestine đã ký Hiệp định Oslo, cho phép thành lập chính quyền Palestine mới. Họ hy vọng chính quyền này sẽ trở thành nền tảng cho một nhà nước Palestine có chủ quyền trong tương lai.

Năm 1967, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và các vùng lãnh thổ khác trong một cuộc chiến với các quốc gia Ả rập láng giềng.
Năm 1967, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và các vùng lãnh thổ khác trong một cuộc chiến với các quốc gia Ả rập láng giềng.

Theo các thỏa thuận, Bờ Tây được chia thành ba vùng phân mảnh. Ở vùng lớn nhất - bao gồm 60 phần trăm Bờ Tây - Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát trực tiếp. Các quan chức Palestine sẽ nắm giữ các mức độ tự chủ khác nhau ở hai vùng còn lại cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nhà nước tương lai đó chưa bao giờ thành hiện thực và cả hai bên đều chỉ trích nhau vì không đạt được thỏa thuận tiếp theo. Các nhà lãnh đạo Palestine khẳng định rằng, Israel chưa bao giờ nghiêm túc trong việc đạt được thỏa thuận và lưu ý rằng hầu hết các chính trị gia Israel hiện nay đều từ chối trao cho họ một quy chế quốc gia độc lập.

Trên thực tế, quân đội Israel nắm quyền kiểm soát an ninh tối cao đối với các thành phố của Palestine và có tiếng nói cuối cùng về việc ra vào khỏi lãnh thổ. Các viên chức của chính quyền Palestine vẫn quản lý một số vấn đề địa phương: thu gom rác, giáo dục, bệnh viện và trường học. Họ cũng có lực lượng an ninh địa phương riêng, phối hợp với các đối tác Israel nhưng thẩm quyền bị hạn chế.

"Vấn đề chính ở đây là sự miễn trừ truy tố. Đã có những cuộc tấn công của những người định cư, của lực lượng an ninh Israel cũng như của người Palestine ở Bờ Tây và nhìn chung không ai truy tố họ. Đã có một số rất ít cuộc điều tra nhưng hầu hết không đem lại công lý cho các nạn nhân và cả thủ phạm. Có những báo cáo về việc lực lượng an ninh Israel đứng nhìn khi các cuộc tấn công diễn ra. Thậm chí còn có báo cáo về việc vũ khí được phân phối cho những người định cư. Vì vậy, rõ ràng là có trách nhiệm của nhà nước trong vấn đề này".

Bà Ravina Shamdasani - người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy viên Liên hợp quốc

Sự bất công gia tăng và niềm hy vọng về một giải pháp ngoại giao chấm dứt sự quản lý của Israel ngày càng trở nên mong manh hơn, điều đó đã làm gia tăng ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo như Hamas và Jihad Hồi giáo. Các lực lượng dân quân địa phương mới cũng đã xuất hiện, bao gồm những người Palestine trẻ tuổi - những người đã mất niềm tin vào một tiến trình hòa bình - tin rằng chỉ có bạo lực mới giúp họ hiện thực hóa mục tiêu của họ. Họ liên kết với các phong trào đã có từ lâu, nhưng phát triển các chiến lược riêng để chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Vào ngày 19/8, một vụ tấn công tự sát ở Tel Aviv do Hamas nhận trách nhiệm dường như đã làm dấy lên mối lo ngại trong cơ quan an ninh Israel. Nhà phân tích chính trị Abdaljawad Omar có trụ sở tại Ramallah nhận định “Đây là một tín hiệu cho thấy các nhóm người Palestine ở Bờ Tây đang chuyển từ bí mật sang tấn công công khai nhiều hơn”. Chính quyền Palestine “đang dần mất đi quyền kiểm soát đối với các tầng lớp xã hội, đặc biệt là ở phía bắc Bờ Tây, cùng với đó là sự trỗi dậy của một thế hệ người Palestine mới đang đấu tranh theo cách riêng của họ”. Omar cho biết điều này có thể khiến lực lượng Israel cảm thấy cần phải có "một chiến lược tấn công chủ động hơn"."Vì vậy Israel đã đưa quân vào tấn công, bắt giữ người và tiếp cận các khu vực đô thị đông đúc ở phía bắc Bờ Tây".

Theo quân đội Israel, khoảng 150 cuộc tấn công đã được tiến hành nhằm vào người Israel từ hai khu vực này trong năm qua. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz cho biết, chiến dịch quy mô lớn này được tiến hành nhằm "ngăn chặn cơ sở hạ tầng khủng bố Hồi giáo - Iran", đồng thời tuyên bố rằng Iran đang nỗ lực thiết lập một "mặt trận phía đông" chống lại Israel.

Nhà phân tích chính trị Abdaljawad Omar cho rằng, việc gắn cuộc tấn công với mục tiêu chống Iran chỉ để giúp Israel thoát khỏi mọi rắc rối; có những yếu tố hỗ trợ hậu cần cho các nhóm này đến từ bên ngoài Palestine, nhưng có rất nhiều yếu tố bản địa đằng sau sự trỗi dậy của các phong trào này.

Vào ngày 19/8, một vụ tấn công tự sát ở Tel Aviv do Hamas nhận trách nhiệm dường như đã làm dấy lên mối lo ngại trong cơ quan an ninh Israel.
Vào ngày 19/8, một vụ tấn công tự sát ở Tel Aviv do Hamas nhận trách nhiệm dường như đã làm dấy lên mối lo ngại trong cơ quan an ninh Israel.

Những tuyên bố nguy hiểm

Một số nhà phân tích tin rằng cuộc tấn công ở Bờ Tây được thúc đẩy bởi các chính trị gia cánh hữu, những người ngày càng có quyền lực và ảnh hưởng trong xã hội Israel. Dẫn đầu là Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich. Nhóm này đang thúc đẩy Israel tiến xa hơn ở Bờ Tây. Các nhà phân tích cho rằng đằng sau đó là kế hoạch nhằm sáp nhập hoàn toàn vùng đất này và di dời người Palestine.

Cả Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đều đưa ra những bình luận khiến cộng đồng quốc tế quan ngại do có thể làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân Palestine ở Dải Gaza đã và đang phải gánh chịu kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

"Như tôi đã nói, chính sách của chúng tôi là cho phép cầu nguyện. Tôi sẽ nói thêm một điều nữa: chúng ta phải chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng ta phải chiến thắng và không tham dự các hội nghị ở Doha hay Cairo, mà là đánh bại Hamas, khiến họ phải khuất phục".

"Cuộc chiến của chúng ta không chỉ chống lại Iran mà còn trên đường phố. Đây chính là lý do tại sao chúng ta trang bị vũ khí cho người dân Israel, hơn 150.000 giấy phép sử dụng súng (đã được cấp) trong tám tháng qua. Chúng ta đã mở hàng trăm đội phản ứng nhanh dân sự, tăng cường cảnh sát, chúng ta cũng làm việc trong các nhà tù để ngăn chặn những kẻ khủng bố đó".

Ông Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel

Ngày 29/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp lệnh trừng phạt lên tổ chức Hashomer Yosh và ba thành viên tổ chức này. Đây là tổ chức được tài trợ một phần bởi Chính phủ Israel và có liên quan đến ông Ben - Gvir và ông Smotrich. Nhà phân tích chính trị người Israel Akiva Eldar cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ là "quá ít và thậm chí có thể là quá muộn".

EU cũng đang xem xét trừng phạt một số bộ trưởng của Israel, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir. Cả hai quan chức này của Israel trước đó đều đưa ra những bình luận khiến cộng đồng quốc tế quan ngại do có thể làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân Palestine ở Dải Gaza đã và đang phải gánh chịu kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Trong những tháng gần đây, phe cực hữu ngày càng mạnh hơn dưới chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và họ đã lên tiếng bày tỏ mong muốn sáp nhập toàn bộ Bờ Tây.

Ông Netanyahu đã phải đối mặt với một số thách thức trong nước trong những tháng gần đây, bao gồm các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính phủ của ông, sự chỉ trích gay gắt từ gia đình những người bị bắt vì ông không đưa được con tin trở về và sự thất vọng ngày càng tăng từ những người Israel phải đi sơ tán.

Một tuyên bố của bộ trường ngoại giao Katz vào thứ Tư rằng Israel nên di dời người P1alestine sống ở phía bắc Bờ Tây giống như họ vẫn làm với người dân ở Gaza đã làm dấy lên thêm lo ngại về khả năng Israel sẽ chiếm Bờ Tây.

Ông Netanyahu đã phải đối mặt với một số thách thức trong nước trong những tháng gần đây
Ông Netanyahu đã phải đối mặt với một số thách thức trong nước trong những tháng gần đây, bao gồm các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính phủ của ông.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Tất cả những người bị thương cần được tiếp cận chăm sóc y tế. Các nhân viên hỗ trợ nhân đạo phải được tạo điều kiện đến với những người cần giúp đỡ. Những diễn biến nguy hiểm này đang thổi bùng tình hình vốn đã rất nóng ở Bờ Tây và làm suy yếu chính quyền Palestine.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến kéo dài của Israel trên nhiều mặt trận có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài. Cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra đã gặp phải nhiều trở ngại. Các nhà quan sát cũng không kỳ vọng nhiều vào cuộc đàm phán này. Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hezbollah và giờ đây cuộc tấn công mới nhất ở Bờ Tây đã nổ ra sau một thời gian căng thẳng âm ỉ kéo dài. Vào tháng 7, Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết rằng sự hiện diện liên tục của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng này là bất hợp pháp và phải chấm dứt. Các hoạt động quân sự leo thang ở Bờ Tây chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với cơ sở hạ tầng dân sự, cũng như gia tăng khả năng mở rộng các khu định cư.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.

Một chiếc trực thăng đã đâm vào một bệnh viện ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ nhật, khiến bốn người thiệt mạng, gồm hai phi công, một bác sĩ và một nhân viên trên máy bay. Không có ai bên trong tòa nhà hoặc trên mặt đất bị thương.

Cảnh sát Nigeria ghi nhận đã có ít nhất 13 người thiệt mạng trong hai vụ giẫm đạp nhận quà từ thiện tại nước này, đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế Mark Burnett làm đặc phái viên của ông tại Vương quốc Anh. Lựa chọn này cần được Thượng viện Mỹ phê duyệt.