Sáng kiến 'Vành đai và con đường' chuyển mình trước thách thức| Nhìn ra thế giới| 18/10/2023

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 3 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Cùng nhau phát triển và thịnh vượng chung", sự kiện có sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế. Số lượng đông đảo các quốc gia tham dự là dấu hiệu cho thấy tác động lớn mà sáng kiến trị giá hàng nghìn tỷ USD này đã mang lại trên toàn cầu.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 gồm 2 trụ cột là Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, nhằm xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi và xa hơn nữa dọc theo các tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ xưa.

Trong một thập kỷ qua, BRI đã phát triển một cách nhanh chóng cả về mức độ phức tạp về mặt địa lý và lĩnh vực hợp tác. Theo Sách Trắng về BRI do Trung Quốc công bố mới đây, tính đến nay, sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nước, tức hơn 3/4 quốc gia trên thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ. Đến cuối năm 2021, GDP của hơn 150 quốc gia ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc là 20,03 nghìn tỷ USD, chiếm 23% GDP toàn cầu. Tổng dân số 3,68 tỷ người, chiếm 47% tổng dân số thế giới.

Trong 10 năm kể từ khi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được thực hiện, những “cây cầu kết nối”, “cảng thịnh vượng” và “con đường hạnh phúc” được xây dựng ở nhiều quốc gia đã mang lại sự kết nối toàn cầu và sự phát triển chung. 

Một số dự án mang tính bước ngoặt như tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Tàu cao tốc Jakarta-Bandung là tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia cũng là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á với tốc độ 350 km/h.”, Tổng thống Indonesia Widodo nói.

Có tên gọi Whoosh, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Indonesia vừa được khai trương đầu tháng 10 kết nối thủ đô Jakarta với Bandung, một địa điểm du lịch nổi tiếng. Với tốc độ 350km/h, các chuyến tàu Whoosh giúp giảm thời gian di chuyển từ ba giờ xuống chỉ còn 40 phút.

 - Còn tại Lào, tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn với thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc khai trương vào năm 2021 đã giúp giảm thời gian di chuyển từ Viêng Chăn đến biên giới Trung Quốc-Lào xuống chỉ còn ba giờ, giúp hành khách đến Côn Minh chỉ trong vòng một ngày.

Chủ tịch nước Lào Thongloun Sishoulith đánh giá: “Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đã viết nên một chương huy hoàng trong lịch sử giao thông vận tải của đất nước chúng tôi. Đúng vậy, ở Lào đã có tàu cao tốc. Vì vậy, tại lễ khai trương tuyến đường sắt, tôi đã nói giấc mơ của người dân Lào đã thành hiện thực”

Các khoản đầu tư cho BRI đang giảm xuống trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến giai đoạn phục hồi trở nên khó khăn hơn đối với các nước đang phát triển, trong khi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược. Tốc độ tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và thị trường bất động sản gặp khó khăn là những nguyên nhân khiến Bắc Kinh phải hạn chế các khoản vay dành cho các nước đang phát triển.

Tại châu Phi, số lượng và giá trị các khoản vay theo sáng kiến BRI đã giảm sút. Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, kể từ những năm trước đại dịch 2017 - 2019 đến giai đoạn hậu đại dịch 2020 - 2022, mức cho vay trung bình đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD. Về các khoản cho vay, con số này đã giảm từ 184 xuống còn 32 trong thời kỳ hậu đại dịch. 

Hơn nữa, kể từ Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ hai năm 2019, phương Tây đã tăng cường các nguồn lực để cạnh tranh với Sáng kiến BRI của Trung Quốc. Hàng loạt sáng kiến nhằm đối trọng với BRI đã được các nước phương Tây thúc đẩy như “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của Mỹ hay “Cửa ngõ toàn cầu” của châu Âu. Hiện Italy - thành viên duy nhất của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển G7 tham gia BRI, đã phát tín hiệu cho thấy ý định sẽ rút lui khỏi sáng kiến. 

Hiện chưa rõ những thách thức kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cho vay nước ngoài trong dài hạn, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy những thay đổi chiến lược. Các nhà phân tích đã ghi nhận sự chuyển hướng của các dự án BRI từ việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la sang các dự án nhỏ hơn với lợi nhuận tốt hơn, chẳng hạn như các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số. 

Trung Quốc cũng có thể sẽ chú trọng hơn đến các vấn đề môi trường và bảo vệ xã hội tốt hơn. Bắc Kinh đã cam kết ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển năng lượng sạch. 

Phát biểu khai mạc diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh những thành tựu sau một thập kỷ của BRI. Về định hướng hợp tác BRI thời gian tới, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh 3 nguyên tắc “cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả” và đề xuất 8 hành động trọng tâm gồm: thiết lập mạng lưới kết nối đa chiều; hỗ trợ xây dựng nền kinh tế thế giới mở; thực hiện hợp tác thiết thực; Đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ; Tăng cường giao lưu nhân dân; Thúc đẩy “hợp tác liêm chính” Vành đai và Con đường; và Củng cố thể chế hợp tác Vành đai và Con đường và Thúc đẩy phát triển xanh.

“Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng xanh và giao thông xanh, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho Liên minh Phát triển Xanh Quốc tế trong khuôn khổ BRI. Trung Quốc sẽ thực hiện Nguyên tắc đầu tư xanh cho Vành đai và Con đường, đồng thời cung cấp 100.000 cơ hội đào tạo cho các nước đối tác vào năm 2030.”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

Trước đó, tại lễ công bố Sách Trắng về BRI mới đây, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình nhấn mạnh: nước này sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại trong BRI ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Bắc Kinh sẽ mở cửa BRI cho nhiều lĩnh vực hợp tác hơn và cung cấp tài chính cho các dự án dựa trên nhu cầu và điều kiện của địa phương để tránh gây ra rủi ro nợ. Trung Quốc cũng sẽ bồi dưỡng những động lực tăng trưởng kinh tế mới, phối hợp thúc đẩy các dự án trọng điểm và dự án “nhỏ mà đẹp”.

Cụm từ “nhỏ mà đẹp” là một khái niệm mới dùng để miêu tả các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh sẽ tập trung vào các dự án nhỏ hơn và xanh hơn, nhưng có mục tiêu rõ ràng hơn. Hay nói một cách khác, nước này sẽ trở nên chọn lọc hơn trong các dự án theo đuổi và có thể sẽ tập trung vào các quốc gia có tầm quan trọng hơn

Trong số các quan khách từ hơn 140 quốc gia tham dự diễn đàn lần này, có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông chủ điện Kremlin tới một cường quốc trên thế giới kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc mời Tổng thống Nga Putin dự hội nghị, mặc dù Nga chưa chính thức đăng ký tham gia sáng kiến Vành đai và con đường, cho thấy sự liên kết giữa các ưu tiên chính trị của Trung Quốc và Nga, cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia. 

Bên lề diễn đàn, tối 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp ngắn. Ngày 18/10, hai nhà lãnh đạo tiếp tục tiến hành hội đàm. Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc trong 10 năm qua, cho biết lòng tin chính trị giữa hai nước đang ngày một sâu sắc hơn, hai bên đã duy trì hợp tác chiến lược mật thiết và hiệu quả, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao lịch sử, hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD đã đặt ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Tôi và Tổng thống Putin đã tổ chức 42 cuộc gặp kể từ năm 2013 và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nga để tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương”.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc về chính sách đối ngoại là rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn.

“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, sự phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ là đặc biệt cần thiết - đó là những gì chúng tôi đang làm và hôm nay chúng tôi cũng sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề này", Tổng thống Nga V.Putin nói.

Các nhà phân tích cho rằng, sự tham dự của Tổng thống Putin tại diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 3 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời đại mới. Điều này cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của Nga đối với BRI. 

Nga ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của BRI trong thập kỷ qua trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế Á-Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh bị bủa vây bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga hiện đang muốn đầu tư và sử dụng các hành lang Vành đai - Con đường không chỉ để thu phí quá cảnh và thu hút đầu tư, mà còn để chuyển hướng dòng chảy thương mại của chính nước này đến và đi từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Tổng thống Putin được cho cũng có thể để mắt tới các mục tiêu khác trong chuyến đi Trung Quốc lần này, chẳng hạn như kết nối Hệ thống chuyển thông điệp tài chính nội địa của Nga với nền tảng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc. Theo một báo cáo do Ngân hàng Trung ương Nga công bố hồi tháng 6, khoảng 25% hàng xuất khẩu và 34% hàng nhập khẩu của Nga hiện được tính bằng nhân dân tệ, và việc liên kết các hệ thống có thể tăng tốc và giảm chi phí thanh toán xuyên biên giới. 

Về phần mình, Trung Quốc cũng có thể quan tâm đến sự tham gia nhiều hơn ở Bắc Cực, đặc biệt là ở Tuyến đường biển phía Bắc dành cho vận tải hàng hải. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 190 tỷ USD trong năm ngoái.

Trong 10 năm qua, sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa Trung Quốc mà còn góp phần giúp nước này tăng cường ảnh hưởng trên thế giới, đồng thời thúc đẩy kết nối và phát triển chung. Trong thời gian tới, với những điều chỉnh trong giai đoạn mới, sáng kiến Vành đai và con đường được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, mang lại cơ hội phát triển cho cả Trung Quốc và các quốc gia tham gia sáng kiến. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

TikTok đã có những nỗ lực cuối cùng để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Ngày 16/12, công ty này đã gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok phải thoái vốn khỏi nền tảng này ở Mỹ trước ngày 19/1/2025.

Ngày 17/12, Trung tướng Igor Kirillov - Tư lệnh Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga cùng trợ lý của ông đã bị giết hại trong một vụ ám sát có chủ đích bên ngoài một tòa nhà chung cư ở thủ đô Moscow. Vụ việc đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, phản ánh sự leo thang của các hoạt động tấn công mục tiêu và chiến tranh phi đối xứng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/12 đã quyết định chọn ông Francois Bayrou, một chính trị gia trung dung kỳ cựu, làm người đứng đầu chính phủ mới, thay thế ông Michel Barnier buộc phải từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp. Ở tuổi 73, Thủ tướng thứ 4 của nước Pháp sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua.

Lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Syria, Israel những ngày qua đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm triệt tiêu tiềm năng quân sự, chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở quốc gia láng giềng. Các chuyên gia lo ngại, chiến lược của Israel ở Syria nhiều khả năng sẽ phức tạp và nhà nước Do Thái có thể tiến xa hơn trong việc chiếm giữ lãnh thổ của Syria.

Bối cảnh thị trường robot sẽ có những thay đổi đáng kể khi chúng ta kết thúc năm 2024. Dự đoán đến năm 2025, robot được trang bị AI sẽ tự động hóa 50% các tác vụ, tăng năng suất lên 30%. Việc tự động hóa sản xuất bằng AI và robot có thể đóng góp tới 1,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Vậy có những xu hướng nào đối với thị trường robot năm 2025?

Việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol không phải là hồi kết cho tình hình chính trị hỗn loạn ở Hàn Quốc, mà chỉ kết thúc một cuộc đối đầu giữa hành pháp và lập pháp xung quanh lệnh thiết quân luật. Sự gia tăng các cuộc điều tra cũng phơi bày những rạn nứt chính trị và thể chế sâu sắc, có thể dẫn đến hậu quả là đẩy nền chính trị Hàn Quốc vào sự bế tắc và phân cực sâu sắc hơn.