5 chiêu trò phổ biến để "lách luật" trong đấu thầu
Tham gia thảo luận trước Quốc hội sáng 8/11, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, qua theo dõi các vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu trong thời gian qua, thấy nổi lên 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong đấu thầu. Đó là: chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để chèn thầu quen; thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.
Chiêu trò thứ nhất, theo đại biểu, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, nhất là đối với những trường hợp cấp bách hoặc đối với những khoản chi nhỏ, Luật Đấu thầu đã quy định các trường hợp được chỉ định thầu, quy định các hạn mức để được áp dụng chỉ định thầu, loại dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỷ. Tuy nhiên, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra rất phức tạp trên thực tế và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận điều tra các vụ án, vụ việc.
Đại biểu lấy ví dụ về một trường hợp được nêu nhiều trong thời gian vừa qua liên quan đến một bệnh viện đa khoa của tỉnh. Kết luận thanh tra của tỉnh đã chỉ rõ là tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu. Bên cạnh đó, lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần. Hoặc có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại để tạo thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể mới có thể đáp ứng được, để từ đó tránh được những thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.
Chiêu trò thứ hai theo bà Thủy là cài cắm các điều khoản mớm thầu để dành cho người quen, chèn người lạ. “Đây là chốt chặn để ngăn các nhà thầu không mong muốn. Trên thực tế thời gian qua, không ít các chủ đầu tư đã cố ý cài cắm các điều khoản để hướng đến các nhà thầu thân hữu, loại bỏ các nhà thầu khác, từ đó biến đầu thầu rộng rãi thành gói thầu hạn chế”, đại biểu Thủy nói.
Theo nữ đại biểu, thực tế các vụ án đầu thầu vừa qua, cơ quan chức năng xác định được là ngay từ đầu các đối tượng đã bắt tay ngầm, đi đêm, thông đồng, cùng nhau xây dựng tiêu chí thầu, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu. Bên cạnh đó, có những tiêu chí được xây dựng là phải có bằng khen của Bộ Tài chính về việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, mà chỉ có doanh nghiệp cụ thể mới có được.
Thứ ba là thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ để quây thầu, vây thầu. Đó là một mảng tối trong đầu thầu thời gian vừa qua đã tạo ra sự cục bộ, thiếu tính cạnh tranh.
“Có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi thầu chỉ để trượt, tạo điều kiện góp phần cho nhà thầu đã được chỉ định sẵn trúng thầu. Và có tình trạng với sự tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư đã tạo ra cuộc đấu thầu trở thành một vở kịch với sự tham gia của những quân xanh, quân đỏ để sau đó nhà thầu đường đường chính chính trúng thầu. Hệ lụy là khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính trượt thầu, mất đi cơ hội đầu tư kinh doanh. Đặc biệt nghiêm trọng là mất đi tiền của đầu tư của Nhà nước, tạo ra những công trình kém chất lượng”, đại biểu Thủy nêu thực trạng.
Chiêu trò thứ tư được đại biểu nêu là tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, chỉ khi đi sâu vào phá án thì mới phát hiện được sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu đã thổi giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định. Đại biểu lấy ví dụ về vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá của mỗi một stent nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ từ 8 đến 11 triệu nhưng giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36 đến 42 triệu/1 stent, tức là tăng từ 28 đến 31 triệu. Đến nay cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đều đã bị khởi tố.
"Rất nhiều vụ án khác liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian vừa qua đã phải khởi tố, tuyên án phạt tù cả với các thẩm định giá, với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, cũng có thể thấy pháp luật đã trao cho tổ chức thẩm định giá chức năng quá lớn, trong khi các quy định về hậu kiểm kết quả thẩm định còn rất hạn chế" - đại biểu phát biểu.
Cuối cùng là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật, tình trạng lách các quy định pháp luật đều tiềm ẩn hướng tới nguy cơ trục lợi.
“Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 25% doanh nghiệp phải chủ động chi trả các chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu; 10,3% doanh nghiệp phải chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu và đáng lưu ý có đến 58,9% doanh nghiệp cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức trở thành luật bất thành văn”, đại biểu Thuỷ dẫn lại số liệu.
Đại biểu Thuỷ cho rằng, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi và liên tiếp các vụ án liên quan đã phản ánh việc này.
Từ thực tế trên, đại biểu nêu 2 kiến nghị. Cụ thể, đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Mặt khác, theo đại biểu, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp, sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng đi đêm trong đấu thầu vừa qua. Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể lách luật như trong thời gian vừa qua.
Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu, do đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.
Sáng nay (22/11), Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á lần thứ 12 (ICAPP) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Với tư cách khách mời đặc biệt của Đảng Nhân dân Campuchia, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam và cam kết đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chung của ICAPP.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, trong buổi thảo luận tại tổ về hai dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nội dung được các đại biểu quan tâm là việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình để đảm bảo sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và phát biểu chính sách tại Trường Đại học Malaya.
Tối ngày 21/11, giờ địa phương, tức sáng ngày 22/11 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Santo Domingo nước Cộng hòa Dominica, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 2024 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica.
Trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11, nội dung được các đại biểu quan tâm là việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều 21/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary chủ trì Lễ khánh thành công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia.
0