Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và những ẩn số

Năm 2024, thế giới sẽ chứng kiến con số kỷ lục với 57 quốc gia, đại diện cho hơn 50% dân số toàn cầu, tổ chức các cuộc bầu cử. Trong đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xem là một trong những cuộc bỏ phiếu có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Tương tự như các cuộc bầu cử trước đây, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 dự kiến sẽ cam go và khó đoán định, khi liên tục xuất hiện các nhân tố và diễn biến mới.

Nguy cơ hiệu ứng domino trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Colorado đã trở thành bang đầu tiên của nước Mỹ tước quyền xuất hiện của cựu Tổng thống Donald Trump trên lá phiếu bầu cử sơ bộ của bang này, cho rằng ông "không đủ tư cách giữ chức vụ Tổng thống theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ", vì đã kích động vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6-1-2021.

Ngay sau phán quyết trên, đội ngũ tranh cử của cựu Tổng thống Trump tuyên bố phán quyết này là “hoàn toàn sai lầm”, khẳng định sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao liên bang Mỹ. Một số chính trị gia và học giả cũng chỉ trích phán quyết của tòa án Colorado. Họ cho rằng việc ngăn ông Trump trở thành tổng thống nên để các cử tri quyết định chứ không phải tòa án.

Ông Chris Christies, cựu Thống đốc bang New Jersey nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, ông Donald Trump không nên bị ngăn cản tranh cử Tổng thống bởi bất kỳ Tòa án nào. Cử tri Mỹ mới là người có quyền ngăn cản ông ấy.”

Giáo sư Jessica Levinson, Trường Luật Loyola có chung quan điểm: “Cử tri Mỹ thậm chí còn chưa bỏ phiếu. Tôi không nghĩ Tòa án Tối cao Mỹ sẽ ra một phán quyết mà có vẻ như đang tước bỏ quyền bầu cử của cử tri trước khi họ cân nhắc bầu chọn Tổng thống tiếp theo sẽ là ai. Tôi cho là Tòa án Tối cao sẽ đảo ngược phán quyết."

Trong trường hợp kháng cáo thất bại, giới quan sát cho rằng, phán quyết của tòa án Colorado cũng chỉ có hiệu lực ở bang này, đồng nghĩa ông Trump vẫn có thể tranh cử tại các bang khác. Bên cạnh đó, tình huống cũng được đánh giá là không quá nghiêm trọng với một ứng cử viên đảng Cộng hòa như ông Trump, vì Colorado vốn dĩ là “bang xanh”, có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là liệu “hiệu ứng Colorado” có lan nhanh sang các bang khác nghiêng về đảng Dân chủ hay không. Hiện nay, nhiều tiểu bang, trong đó có California cũng viện dẫn Tu chính án thứ 14 để ngăn ông Trump tranh cử, một số bang khác có các vụ kiện tương tự của các nhóm cử tri, song đã bị tòa bác bỏ trước đó.

Về phía Đảng Cộng hòa, quyết định của Tòa án Colorado hay lời đe dọa của bang California được xem như một màn đấu đá chính trị, trong bối cảnh ông Trump đang dẫn trước đương kim Tổng thống Joe Biden - ứng cử viên của Đảng Dân chủ - trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Đảng Cộng hòa cũng đe dọa sẽ “xóa tên” Tổng thống Joe Biden khỏi phiếu bầu sơ bộ.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, việc Tòa án của một bang do Đảng Dân chủ kiểm soát ra phán quyết bất lợi cho ông Trump cũng có thể tạo hiệu ứng ngược. “Làn sóng xanh" của Colorado có thể là chất xúc tác giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump vận động thêm nhiều nguồn tài trợ, đồng thời giúp chính trị gia 77 tuổi này giành được thiện cảm hơn từ cử tri.

Được biết, trước phán quyết của Colorado, ông Trump chưa bị Tòa án nào kết tội kích động nổi dậy hoặc bị truy tố tội danh này liên quan tới vụ bạo loạn Tòa Nhà Quốc hội. Ông từng bị Hạ viện Mỹ luận tội vì cáo buộc kích động bạo loạn nhưng được Thượng viện tha bổng sau đó. Trong bối cảnh như vậy, dư luận Mỹ đang hướng cái nhìn về phía Tòa án tối cao Mỹ với mong muốn, tránh biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thành một cuộc tẩy chay nhau bằng Tòa án, đưa nó về với đúng quỹ đạo của một cuộc đối đầu bằng lá phiếu của cử tri.

Thách thức bủa vây cựu Tổng thống Trump

Phán quyết của Tòa án Colorado không phải là vụ việc duy nhất gây rắc rối cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Truyền thông nước này hồi cuối tuần qua đã công bố đoạn ghi âm cuộc điện thoại cho thấy ông Trump đề nghị quan chức bầu cử bang Michigan không công nhận chiến thắng năm 2020 của Tổng thống Joe Biden. Cùng với đó, cựu thị trưởng thành phố New York - ông Rudy Giuliani - đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nộp đơn xin phá sản. Ông Rudy Giuliani bị Tòa án yêu cầu bồi thường hơn 148 triệu USD cho hai cựu nhân viên bầu cử bang Georgia mà ông đã cáo buộc gian lận, sau khi ông Donald Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Trang tin Detroit News ngày 22/12 đăng tải đoạn ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại vào ngày 17/11/2020 giữa ông Trump với hai quan chức bầu cử của đảng Cộng hòa ở quận Wayne, bang Michigan. Ông Trump hối thúc các quan chức này không ký chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020, hay nói cách khác là không công nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden. Ông hối thúc họ phải "đấu tranh vì đất nước".

Khi được hỏi về thông tin do Detriot News đăng tải, một người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, ông Trump chỉ hành động theo nghĩa vụ của một người đứng đầu chính phủ nhằm đảm bảo tính liêm chính trong bầu cử.

Trong khi đó, ông Guiliani, người được mệnh danh là “thị trưởng nước Mỹ” vì đã lãnh đạo thành phố New York sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, phải đối mặt với hàng loạt khoản nợ bắt nguồn từ công việc luật sư thay mặt cho cựu Tổng thống Trump. Trước đó, trong phiên tòa kéo dài 4 ngày, hai cựu nhân viên bầu cử Ruby Freeman và Shaye Mosscho ở Atlanta, Georgia cho biết, họ đã bị đe dọa nghiêm trọng sau khi ông Giuliani quy kết họ “cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử” ở bang Georgia cách đây hơn 3 năm, một cách vô căn cứ. Ông Giuliani tiếp tục lặp lại những cáo buộc đó sau phán quyết buộc bồi thường ngày 15/12 của bồi thẩm đoàn ở Washington, mặc dù ông đã thừa nhận trước tòa rằng, các phát biểu đó mang tính chất phỉ báng. Động thái khiến hai cựu nhân viên bầu cử nộp đơn kiện ông lần thứ hai.

Trong hồ sơ nộp lên Tòa án New York, ông Giuliani cho biết, bản thân có các khoản nợ từ 100 - 500 triệu USD, trong khi tài sản cá nhân chỉ từ 1 - 10 triệu USD. Động thái mới của ông Giuliani sẽ giúp tạm dừng tất cả các vụ kiện dân sự nhằm vào ông. Tuy nhiên, việc đó dường như vẫn không thể giúp ông Giuliani né tránh số tiền phải bồi thường cho hai cựu nhân viên bầu cử.

Theo các nhà phân tích, tình cảnh khó khăn của cựu luật sư Giuliani cho thấy, những rắc rối sẽ còn tiếp tục bủa vây cựu Tổng thống Trump khi ông đang đối diện hàng loạt thách thức pháp lý nghiêm trọng khác. Ông Guiliani và ông Trump hiện cùng bị truy tố hình sự ở bang Georgia vì những cáo buộc liên quan can thiệp bầu cử Tổng thống năm 2020 tại bang này.

Bất chấp các thách thức, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã đón tin vui từ Tòa án Tối cao Mỹ, khi các thẩm phán từ chối đẩy nhanh quy trình ra phán quyết liệu ông Trump có được hưởng quyền miễn trừ liên quan cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020 hay không. Tòa án tối cao Mỹ cho biết, sẽ xử lý vụ việc theo tiến trình bình thường. Theo tờ The New York Times, quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao được xem là một chiến thắng đối với vị cựu Tổng thống này, vì các vụ xét xử hình sự đối với ông nhiều khả năng sẽ không thể tiến hành trước cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024. Một khi ông Trump chính thức trở thành ứng viên Tổng thống, các vụ kiện pháp lý sẽ phải dời lại cho đến khi bầu cử kết thúc. Nếu tái đắc cử, ông Trump còn có thể ký sắc lệnh ân xá cho chính mình.

Chính sách đối ngoại ảnh hưởng lá phiếu cử tri

Thông thường, trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cử tri nước này chủ yếu quan tâm tới các vấn đề kinh tế và đối nội. Tuy vậy, trong bối cảnh hàng loạt cuộc xung đột từ Ukraine tới Trung Đông - thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở quy mô toàn cầu, một số nhà phân tích nhận định rằng, đối ngoại có thể trở thành một trong những trọng tâm của cuộc bầu cử năm 2024.

Theo khảo sát mới nhất được tờ Wall Street Journal công bố đầu tháng 12, có 5% số cử tri Mỹ được hỏi coi chính sách đối ngoại là vấn đề quyết định lá phiếu của họ trong năm 2024. Về tổng thể, đối ngoại đứng thứ bảy trong danh sách ưu tiên của người Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với khảo sát được thực hiện 4 tháng trước đó, số cử tri lựa chọn đối ngoại đã tăng gấp đôi, từ 2% lên 5%, giúp lĩnh vực này nhảy 4 bậc khỏi vị trí xếp chót danh sách ưu tiên.

Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên thấp không có nghĩa người Mỹ hoàn toàn không quan tâm tới đối ngoại. Khảo sát của Bloomberg và Morning Consult cho thấy có tới 39% người Mỹ coi quan hệ Mỹ - Trung là vấn đề "rất quan trọng" trong lá phiếu bầu Tổng thống năm 2024.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng nhận được sự quan tâm gần tương tự: 43% coi đây là vấn đề "rất quan trọng”.Các chuyên gia nhận định rằng, cử tri Mỹ không chỉ quan tâm đến chính sách của các ứng viên Tổng thống trong từng vấn đề đối ngoại cụ thể, mà từ chính sách đối ngoại, cử tri muốn có được đánh giá rộng hơn. Họ muốn biết ứng viên đó có đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia và đối phó với các đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế hay không.

Ngoài ra, sự khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng cho thấy, nước Mỹ có thể đứng trước bước ngoặt lớn về chính sách đối ngoại trong ít nhất 4 năm tới. Trong khi cựu Tổng thống Trump là người có xu hướng từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, ưu tiên củng cố lợi ích của Washington, thì Tổng thống Biden có quan điểm chính trị truyền thống hơn và muốn tăng cường ảnh hưởng của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác trên toàn cầu.

Robot trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tranh cử ở Mỹ

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận động tranh cử đang dần trở nên phổ biến tại Mỹ, đến mức dư luận nước này đã quen thuộc với cụm từ “cuộc bầu cử AI đầu tiên”. Mới đây, một thành viên đảng Dân chủ là Shamaine Daniels đã gây chú ý khi sử dụng robot AI để thực hiện các cuộc đàm thoại chất lượng cao với cử tri trên quy mô lớn. Bà Shamaine Daniels hy vọng, robot này sẽ giúp cho bà và đảng Dân chủ có nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2024.

Robot AI hỗ trợ tranh cử có tên là Ashley, do Công ty Civox có trụ sở tại London phát triển. Không giống các robot thông thường, Ashley không có câu trả lời nào được ghi âm trước. Công ty Civox cho biết, Ashley là nhân viên trực điện thoại đầu tiên được hỗ trợ bởi công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI, phục vụ cho chiến dịch bầu cử. Ashley có khả năng thực hiện vô số cuộc trò chuyện trực tiếp cùng một lúc.

Bà Shamaine Daniels, thành viên Đảng Dân chủ Mỹ cho biết: “Mục tiêu của tôi khi sử dụng robot AI là nhằm mở rộng đối tượng có thể tham gia vào quá trình vận động tranh cử. Nếu người gọi điện trả lời theo hướng không phù hợp, Ashley có khả năng kết thúc cuộc trò chuyện đó. Về phía chúng tôi, chúng tôi đảm bảo rằng Ashley không thể nói dối về tôi. Bất cứ điều gì Ashley chia sẻ sẽ là sự thật."

Ashley là một trong những ví dụ đầu tiên về cách AI đang mở ra một kỷ nguyên mới của chiến dịch tranh cử. Đối với một số người, đây là một công cụ mới thú vị để tiến hành các cuộc trò chuyện chất lượng cao trên quy mô lớn. Những người khác lo ngại, điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn nạn tin giả do AI tác động, vốn đã là vấn đề gây tranh cãi từ lâu ở Mỹ.

Theo kết quả thăm dò, hơn 50% người Mỹ được hỏi tin rằng những thông tin sai lệch do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử năm 2024. Hơn 30% cho biết, vì những tác động của AI nên họ nghi ngờ các kết quả bầu cử hơn.

Kết quả thăm dò dư luận về mức độ tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện đang bám đuổi nhau ở khoảng cách sít sao. Các diễn biến mới nhất về cuộc đua vào Nhà Trắng là dấu hiệu cho thấy, cuộc cạnh tranh giữa hai đảng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ rất khốc liệt. /.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần trong nỗ lực đảo ngược chính sách cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) về giảm rủi ro từ Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai bên chưa giảm. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – châu Âu.

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.