Chiến sự 30/11: Ukraine để ngỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/11 đã lần đầu tiên tuyên bố nước này có thể tạm thời nhượng lãnh thổ để đổi lấy sự bảo vệ từ NATO.

Trả lời phỏng vấn tờ Sky News, ông Zelensky nêu rõ việc NATO gửi thư mời đề nghị Ukraine gia nhập khối này trong khi Ukraine cho phép Nga tạm thời giữ lại phần lãnh thổ của nước này mà Nga đang kiểm soát có thể là giải pháp để chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc xung đột kéo dài 33 tháng qua.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn truyền thông Pháp ở Rivne, Ukraine, ngày 30/7/2024. Ảnh: KT

Tuyên bố của Tổng thống Ukraine đưa ra chỉ ít giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha, trong một bức thư gửi tới NATO, đã thúc giục các đối tác thuộc khối quân sự này đưa ra lời mời Ukraine trở thành thành viên NATO trong cuộc họp dự kiến diễn ra tại Bỉ vào tuần tới. Bức thư phản ánh nỗ lực mới của Ukraine nhằm đảm bảo lời mời gia nhập NATO và đây là một phần của kế hoạch chiến thắng được Tổng thống Zelensky đề ra vào tháng trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Những động thái trên thể hiện sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Ukraine. Sự thay đổi này diễn ra khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức với lời hứa sẽ chấm dứt xung đột ngay trong ngày đầu tiên. Trong khi đó, sự ủng hộ về một thỏa thuận hòa bình cũng đang gia tăng trong số các đồng minh châu Âu.

NATO trước đó đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh và quốc gia Đông Âu này đang trên con đường không thể đảo ngược để trở thành thành viên. Tuy nhiên, họ chưa đưa ra lời mời chính thức hoặc đưa ra mốc thời gian. Các nhà ngoại giao NATO cho biết hiện không có sự đồng thuận giữa các thành viên liên minh để mời Ukraine tham gia NATO vào thời điểm này. Bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ yêu cầu sự đồng ý của tất cả 32 quốc gia thành viên của khối.

Ukraine tăng cường quân lực và vũ khí cho mặt trận Donetsk

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết lực lượng Ukraine đồn trú gần thị trấn Pokrovsk và Kurakhove thuộc tỉnh Donetsk sẽ được cung cấp thêm quân dự bị, vũ khí và nhiều thiết bị quân sự khác.

Tuyên bố của ông Syrskyi được đưa ra trong bối cảnh Nga đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường. Các quan chức Ukraine ngày càng lo ngại về khả năng Nga sẽ tiến quân vào khu vực Zaporizhzhia ở phía Nam, trong khi lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến về phía Đông, tập trung vào Pokrovsk và Kurakhove. Theo hãng tin độc lập Agentstvo của Nga, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 234,79 km2 lãnh thổ Ukraine trong tuần qua, phá vỡ kỷ lục được thiết lập trước đó trong năm 2024.

Ukraine tuyên bố phá hủy hệ thống radar của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine cho biết họ đã phá hủy thành công hệ thống radar phản pháo Zoopark-1 của Nga ở khu vực Donetsk, giáng một đòn đáng kể vào khả năng quân sự của Nga trong cuộc xung đột hiện nay. Mỗi hệ thống như vậy có giá khoảng 24 triệu USD.

Hệ thống radar 1L219M Zoopark-1 của Nga. Ảnh: Reuters

Đoạn phim được quay bằng máy bay không người lái đăng tải trên trang web của Cơ quan Tình báo Ukraine (GUR) ngày 29/11 cho thấy một phương tiện được xác định là hệ thống radar 1L219M Zoopark-1 của Nga đã bị Ukraine tấn công khi đang di chuyển trong khu vực Donetsk. Tờ Pravda của Nga sau đó cũng xác nhận thông tin này.

Zoopark-1 là một hệ thống radar phản pháo tiên tiến, được thiết kế để phát hiện và chống lại các cuộc tấn công bằng pháo binh của đối phương bằng cách theo dõi quỹ đạo của các đầu đạn đang bay tới và xác định chính xác vị trí phóng của chúng.

Việc phá hủy hệ thống Zoopark-1 này được xem là một thắng lợi đối với Kiev trong việc nhắm mục tiêu vào các tài sản quân sự có giá trị cao của Nga.

Newsweek ngày 28/11 đưa tin các lực lượng Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy một thiết bị radar khác của Nga trị giá 5 triệu USD trong một cuộc tấn công ở Crimea. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết GUR đã phá hủy thành công hệ thống radar “Podlyot” được bố trí ở phía tây Crimea, tuy nhiên, họ không nêu rõ cách thức phá hủy thiết bị.

Theo trang web Army Recognition, Podlyot-K1 là hệ thống radar di động có thể phát hiện tới 200 mục tiêu trên không cùng lúc, có phạm vi hoạt động lên tới 288km. Hệ thống này được thiết kế riêng để phát hiện các mục tiêu ở độ cao thấp, chẳng hạn như máy bay không người lái mà Ukraine thường sử dụng trong suốt cuộc chiến. Được phát triển lần đầu tiên vào năm 2009, công nghệ này đã được Lực lượng Phòng không Nga sử dụng rộng rãi kể từ năm 2015.

Nga tấn công cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự của Ukraine

Các lực lượng Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự, cũng như các địa điểm cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/11 cho biết trong một tuyên bố.

“Các máy bay chiến thuật, máy bay không người lái, lực lượng tên lửa và pháo binh Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự và địa điểm năng lượng đảm bảo hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, cũng như quân đội và thiết bị của đối phương tại 132 khu vực”, tuyên bố cho biết.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ một tên lửa tầm xa Neptune, một tên lửa HIMARS và 45 máy bay không người lái cánh cố định của Ukraine trong ngày qua.

Nga công bố tổn thất của Ukraine tại khu vực Kursk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/11 cho biết trong 24 giờ qua, quân đội Ukraine đã mất hơn 250 quân nhân ở khu vực Kursk. Các lực lượng Nga đã phá hủy 2 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh, một xe chiến đấu bọc thép, 4 xe cơ giới và hai súng cối của Ukraine.

Binh sỹ Ukraine vận hành pháo lựu D-30 thời Liên Xô gần thị trấn Toretsk ở tỉnh Donetsk, Ukraine, vào ngày 09 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Getty Images.

Kể từ khi bắt đầu nổ ra giao tranh ở khu vực Kursk, Ukraine đã mất hơn 36.850 quân nhân, 225 xe tăng, 160 xe chiến đấu bộ binh, 123 xe bọc thép chở quân, 1.202 xe chiến đấu bọc thép, 1.060 xe cơ giới, 305 khẩu pháo và 40 hệ thống tên lửa phóng loạt, bao gồm 11 bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất và 6 bệ phóng MLRS, 13 bệ phóng tên lửa, 7 xe vận chuyển-nạp đạn, 70 hệ thống tác chiến điện tử, 13 radar phản pháo và 4 radar phòng không.

Nga cân nhắc khôi phục hoạt động thử hạt nhân

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga đang xem xét nối lại các vụ thử hạt nhân trong bối cảnh Mỹ theo đuổi những chính sách leo thang.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS về việc liệu Nga có nối lại các vụ thử hạt nhân để đáp trả các chính sách leo thang của Mỹ hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay: “Tôi không muốn nói trước điều gì, chỉ có thể nói rằng tình hình khá phức tạp. Chúng tôi đang liên tục xem xét toàn bộ các yếu tố và mọi khía cạnh của vấn đề này”.

Hồi tháng 2, Vladimir Yermakov, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát vũ khí và Chống phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết có một số dấu hiệu gián tiếp cho thấy Mỹ có thể nối lại các vụ thử hạt nhân toàn diện. Lãnh đạo Nga khi đó cảnh báo rằng nếu Mỹ đi theo con đường này, Moscow sẽ buộc phải đáp trả tương xứng.

Lần gần đây nhất Moscow tiến hành thử hạt nhân là cuối năm 1990, khi đó nước Nga vẫn thuộc Liên bang Xô viết. Bãi thử hạt nhân của Nga nằm trên quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương. Liên Xô đã tiến hành hơn 200 cuộc thử hạt nhân tại đây.

Tháng trước, ông Andrei Sinitsyn, người đứng đầu bãi thử hạt nhân của Nga tại Novaya Zemlya, nói rằng cơ sở đã sẵn sàng để tiếp tục thử nghiệm trên quy mô lớn.

Năm 2023, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật rút ​​lại việc Nga phê chuẩn hiệp ước toàn cầu cấm thử vũ khí hạt nhân. Ông cho biết động thái này nhằm đưa Nga vào vị thế giống như Mỹ, quốc gia đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc, một trận động đất có độ lớn 6,8 đã làm rung chuyển huyện Dingri ở thành phố Xigazê (hay còn gọi là Shigatse) thuộc khu tự trị Tây Tạng.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin các công tố viên Hàn Quốc quyết định truy tố Thiếu tướng Moon Sang-ho, Tư lệnh Tình báo quốc phòng, với cáo buộc đóng vai trò then chốt trong vụ nổi loạn và lạm quyền liên quan đến lệnh thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi tháng trước.

Thẩm phán Tòa án New York Juan Merchan đã bác đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hoãn tuyên án trong vụ làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến nghi vấn chi khoản tiền bịt miệng trước cuộc bầu cử năm 2016.

Sáng 7/1 theo giờ Việt Nam, Quốc hội Mỹ khóa 119 đã chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử hôm 5/11/2024 trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ, mở đường cho ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ đang hoàn thiện các bước để xóa bỏ rào cản trong quan hệ đối tác hạt nhân dân sự với các công ty Ấn Độ, nhằm tạo động lực mới cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai nước.

Một nhóm các nhà hoạt động thanh niên, trong đó có Lova Renee, 14 tuổi, một đại sứ nhiệt huyết của UNICEF Madagascar, đã mang lại niềm vui cho các em nhỏ khuyết tật tại một trại trẻ mồ côi.