Uy lực của Sarmat - tên lửa Nga có sức mạnh hủy diệt nhất thế giới
Ngày 27/11, hãng tin TASS dẫn bài báo của Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (RVSN) Sergei Karakaev đưa tin, Nga đang tiếp tục công việc để đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat vào trực chiến.
Trong một bài viết trên Bản tin Giáo dục Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga, tướng Karakaev cho biết, RVSN đã hiện đại hóa hơn 88% công nghệ tên lửa, với các hệ thống tiên tiến như Yars và Avangard hiện đang trong trạng thái sẵn sàng.
Chương trình tái trang bị này nằm trong kế hoạch quốc phòng nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm khả năng chiến đấu của Nga. Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với NATO và cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng leo thang.
Được nhiều phương tiện truyền thông gọi phổ biến bằng cái tên Satan II, RS-28 Sarmat là vũ khí được ca ngợi là “tên lửa uy lực nhất thế giới”, làm dấy lên mối lo ngại do khả năng hủy diệt được cho là khủng khiếp của lại tên lửa này.
Tên lửa RS-28 Sarmat được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân tấn công mục tiêu cách xa hàng chục nghìn km, có thể vươn tới châu Âu hoặc Mỹ. Tuy nhiên, quá trình phát triển vũ khí này bị chậm vì một số trục trặc trong thử nghiệm.
Theo Euronews, tháng 9 năm nay, các chuyên gia vũ khí nói rằng Nga dường như thất bại trong vụ thử mới nhất, tạo ra một hố sâu ở địa điểm phóng.
Những bức ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp vào ngày 21/9 cho thấy, một hố rộng khoảng 60m tại hầm phóng ở Plesetsk Cosmodrome thuộc miền Bắc nước Nga.
Có khả năng phá hủy cả nước Pháp hoặc bang Texas (Mỹ)
Tên lửa RS-28 Sarmat dài 35m, trọng lượng phóng hơn 208 tấn và có tầm bắn 18.000 km, cho phép nhắm tới hầu hết mọi vị trí trên Trái Đất.
Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 giai đoạn sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) và có thể mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn.
Loại tên lửa có thể được trang bị 10-15 đầu đạn hoặc kết hợp giữa đầu đạn và các công cụ chống đánh chặn như đầu đạn giả, nhằm đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Mỗi đầu đạn của RS-28 Sarmat ước tính có sức công phá lên tới 750 kiloton, có khả năng san bằng một khu đô thị lớn. Để so sánh, các quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 có sức nổ lần lượt là 15 và 21 kiloton.
Trong một bài viết, Tạp chí Military Watch Magazine (Mỹ) cho rằng, hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat của Nga có khả năng phá hủy một khu vực rộng lớn hơn cả nước Pháp hay bang Texas của Mỹ.
Ngoài ra, Sarmat có thể mang theo tới 20 phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard (HGV), biến nó trở thành một vũ khí đáng gờm hơn nữa.
RS-28 Sarmat được trang bị động cơ RD-274 ở giai đoạn đầu và các đầu đạn trên Sarmat có thể lao tới mục tiêu ở vận tốc Mach 20,7 (tức khoảng 25.500 km/giờ), với quỹ đạo bay phức tạp, gần như không thể đánh chặn.
Chuyên gia Vladimir Degtyar, kỹ sư trưởng tại Cục Thiết kế Tên lửa Makeyev, nơi phát triển RS-28 Sarmat chia sẻ: "Hệ thống điều khiển đường bay của Sarmat có khả năng điều chỉnh quỹ đạo thông qua GLONASS (hệ thống định vị toàn cầu dựa trên vệ tinh GPS, Galileo và BeiDou của Nga), giúp đảm bảo độ chính xác cao, kể cả sau khi bị tên lửa phòng không tác động. Thậm chí, Sarmat rất khó bị phát hiện ra vì chúng được thiết kế để ẩn mình khi đang bay, cả trong lẫn bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất".
Đầu năm 2024, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ sớm trình tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat làm nhiệm vụ chiến đấu tại các căn cứ được triển khai.
“Có ý nghĩa chính trị đối với ông Putin”
Matt Korda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nói với Euronews rằng, RS-28 Sarmat được thiết kế để thay thế RS-20V Voevoda, một loại tên lửa được chế tạo cách đây hơn 30 năm.
“Nga từ lâu đã có kế hoạch thay thế mọi hệ thống phóng tên lửa thời Chiến tranh Lạnh bằng các phiên bản mới hơn và RS-20V Voevoda là loại tên lửa liên lục địa cuối cùng thuộc loại này còn lại trong kho vũ khí của nước này”, ông Matt Korda nói.
Nhà nghiên cứu Korda cho rằng, việc đưa tên lửa RS-28 Sarmat vào biên chế sẽ có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với Tổng thống Putin, vì đây là hiện thân cho việc Nga hoàn thành quá trình chuyển đổi được mong đợi từ lâu này.
RS-28 được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2014 tại một cuộc họp báo ở Moscow.
Vào thời điểm đó, các quan chức Nga cho biết, tên lửa này sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Việc sản xuất sau đó đã bị trì hoãn nhiều lần do các vấn đề về sản xuất, chế tạo và thử nghiệm.
Ông Korda cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, RS-28 Sarmat vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Còn theo hãng tin Sputnik, tổng cộng có 46 tên lửa RS-28 Sarmat dự kiến sẽ được sản xuất, chiếc đầu tiên đã được triển khai vào năm 2023.
Giới chuyên gia nhận định, một khi RS-28 Sarmat được triển khai, hệ thống này sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu vô cùng phức tạp. Đây sẽ là nhân tố chính trong năng lực răn đe hạt nhân của Nga và là lý do để nối lại các cuộc đàm phán thực sự về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Liban có hiệu lực từ ngày 27/11. Tuy nhiên, ngày 28/11 cả Israel lẫn Hezbollah cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tại Busan, Hàn Quốc, vòng đàm phán thứ 5 và cũng là vòng cuối cùng của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ về ô nhiễm nhựa đang diễn ra. Đây là nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, sau bốn vòng đàm phán trước đó chưa mang lại kết quả tích cực.
Một số ứng cử viên được đề cử vào nội các trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bị đe dọa đánh bom. Thông tin trên được bà Karoline Leavitt, người phát ngôn nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra trong cuộc họp báo hôm qua.
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Al Thani khẳng định hai nước đang tăng cường tham vấn nhằm thúc đẩy đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza càng sớm càng tốt.
Ba Lan và các nước Bắc Âu - Baltic đã nhất trí tăng cường hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng và đầu tư sản xuất đạn dược. Cam kết được đưa ra trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu - Baltic diễn ra tại thành phố Harpsund của Thụy Điển.
Còi báo động vang khắp Ukraine, trong khi tập đoàn Điện lực Ukrenergo cắt điện khẩn cấp ở nhiều khu vực trong nỗ lực bảo vệ hệ thống năng lượng khỏi cuộc tấn công của Nga.
0