'Đào, Phở và Piano' được chiếu trên Đài Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Bộ phim "Đào, Phở và Piano" - một hiện tượng đặc biệt đã tạo nên cơn sốt phòng vé trong mùa phim Tết 2024. Đây là bộ phim do Nhà nước đặt hàng ăn khách nhất từ trước đến nay.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đài Hà Nội sẽ trình chiếu bộ phim chân thực, cảm động về Hà Nội hào hoa, kiêu hùng những ngày đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.

"Đào, Phở và Piano" – ngay tên phim đã gợi sự tò mò cho nhiều khán giả. "Đào, Phở và Piano" được cấu thành từ ba đặc trưng của Hà Nội xưa. Trong đó, hoa đào tượng trưng cho Tết tại miền Bắc bởi thời điểm chuyện phim diễn ra vào những ngày cận Tết; phở là món ăn thân thuộc của người Hà Nội; còn piano là âm điệu lãng mạn vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Thủ đô.

Tôi còn nhớ sau Tết Nguyên đán vừa rồi, từ những bài chia sẻ trên mạng xã hội, bộ phim "Đào, Phở và Piano" trở nên nổi tiếng. Nhưng do chỉ được chiếu duy nhất tại một cụm rạp nên việc săn vé trở nên vô cùng khó khăn, khán giả xếp hàng mới mua được xuất xem phim sau đó từ 2-3 ngày.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn, khi nói về cảm hứng làm nên "Đào, Phở và Piano" bộc bạch: "Tôi sinh ra trên mảnh đất Hà Thành - nơi chứa đựng vô vàn kỷ niệm về những người thân và bạn bè của tôi. Tôi yêu từng con phố, mái nhà cho đến những cái cây của Hà Nội, nhất là ở Bờ Hồ, nơi tôi có thể nhìn những cái cây theo thời gian mà ngả dần ra mặt nước. Đó là những thứ không thể miêu tả được mà chỉ có thể cảm nhận được. Tôi coi bộ phim như là món nợ mà tôi phải trả cho tất cả những gì mình đã nhận được ở nơi này. Vì thế, tôi đã làm một bộ phim về Hà Nội nói về những điều hay và đặc trưng của Hà Nội".

Bộ phim "Đào, Phở và Piano" để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng. Ảnh: Báo Dân Việt

"Đào, Phở và Piano" khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô Hà Nội năm 1946-1947, vào những ngày cuối cùng trước khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc. Các chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Với những thước phim được đầu tư kỹ lưỡng, cùng với phần âm nhạc sống động, "Đào, Phở và Piano" mang đến cho khán giả những trải nghiệm thị giác và âm thanh tuyệt vời. Bên cạnh đó, bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực, với những cái tên quen thuộc của điện ảnh Việt Nam như NSND Trung Hiếu, NSND Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, diễn viên Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng. Họ đã chuyển tải đầy đủ tinh thần của kịch bản bằng chính tình yêu với Thủ đô. Những chi tiết, tình huống cho phép các nhân vật thể hiện được cái chất Hà Nội không thể trộn lẫn.

"Đào, Phở và Piano" là một bộ phim điện ảnh được các nhà chuyên môn đánh giá cao, đoạt được nhiều giải thưởng danh giá, có sức hút đặc biệt với công chúng. Lý giải về sự thành công của bộ phim, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhìn nhận: "Ngay từ đầu tôi đã nghĩ phim này sẽ thu hút được sự quan tâm của khán giả vì vẻ đẹp đầy chất Hà Nội và góc nhìn vừa trẻ trung vừa đằm thắm của tác giả phim. Phim mô tả một hiện thực chiến tranh, nhưng bao phủ lên nó là tình yêu thủy chung giữa người với người, giữa người với mảnh đất họ đang sống. Kịch bản của phim dung dị nhưng cũng rất tinh tế. Tác giả chọn khoảnh khắc ngày cuối cùng của chuỗi 60 ngày đêm cầm chân giặc của người Hà Nội chỉ để nói lên một điều: Sự tận hiến của người Hà Nội cho mảnh đất của mình".

Những khoảnh khắc đắt giá trong bộ phim "Đào, Phở và Piano". Ảnh: Báo Dân Việt.

Với chi phí sản xuất 20 tỷ đồng, theo thống kê của Cục Điện ảnh, sau khi kết thúc trình chiếu ngoài rạp, phim thu về 23 tỷ đồng. "Đào, Phở và Piano" là bộ phim duy nhất do Nhà nước đặt hàng không thua lỗ và lần đầu tiên doanh thu được chuyển vào ngân sách. Tác phẩm từng giành Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt tháng 11/2023 và Cánh diều Bạc 2024 diễn ra vào đầu tháng 9 ở Nha Trang. Đặc biệt, bộ phim đã được chọn là đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển của giải Oscar 2025 ở hạng mục Phim truyện quốc tế. 

Mặc dù là một hiện tượng lúc công chiếu, nhưng đáng tiếc là khâu phát hành vẫn chưa được làm tốt nên rất nhiều khán giả đã bỏ lỡ bộ phim "Đào, Phở và Piano". Đài Hà Nội sẽ là đài đầu tiên phát sóng rộng rãi bộ phim này trên truyền hình, vào 20h ngày 9/10 trên kênh H1 và 11h30, 21h ngày 10/10 trên kênh H2 để phục vụ công chúng Thủ đô và cả nước dịp kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô.

Việc phát sóng bộ phim đúng vào mùa thu tháng 10 lịch sử là điều vô cùng ý nghĩa. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay, vì ý nghĩa 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Cục Điện ảnh ủng hộ đề xuất của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là chiếu bộ phim "Đào, Phở và Piano" vào ngày 9/10 và ngày 10/10 để nhân dân được xem bộ phim về 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô năm 1946 – 1947.

Khi được phát sóng rộng rãi trên Đài Hà Nội, bộ phim sẽ đến với công chúng rộng rãi hơn, từ đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, giá trị sống nhân văn cao đẹp tới đông đảo khán giả Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

"Đào, Phở và Piano" là một phim rất đẹp về Hà Nội mà tôi tin rằng với bất cứ ai đã có thời gian gắn bó với thành phố này đều sẽ có nhiều cảm xúc đặc biệt. Bạn có thể bật kênh truyền hình Hà Nội hoặc xem phim trên các nền tảng số của Đài Hà Nội để thêm hiểu, thêm yêu Thủ đô hào hoa và kiêu hùng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?