Đề xuất định danh số nhà còn nhiều ý kiến

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà, xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.

Cùng là một con ngõ nằm ở phường Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm nhưng con ngõ này có đến bốn tên gọi khác nhau như: ngõ xóm Hạ Hồi, ngõ xóm Hà Hồi, xóm Hà Hồi, ngõ Hà Hồi khiến nhiều người thắc mắc không hiểu đâu là tên địa danh hành chính chuẩn xác.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp số nhà và địa chỉ còn lộn xộn gây khó cho người dân. Và đây cũng là băn khoăn của nhiều người trong cách thức triển khai việc định danh số nhà. Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại có thể gây thêm thủ tục hành chính và tốn kém cho người dân khi thực hiện.

Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc công ty Luật Inteco cho biết: “Chúng ta biết rằng một địa chỉ gắn liền với rất nhiều giấy tờ, rất nhiều tài liệu và nhiều vấn đề khác. Nếu đánh số có thể phát sinh một loạt các thủ tục hành chính khác, dẫn đến người dân gặp cản trở từ các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, trước đề xuất này cần phải có sự chuyển đổi và không làm phát sinh nghĩa vụ thực hiện thủ tục hành chính.”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mã số định danh có vai trò kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân với các dữ liệu chuyên ngành liên quan khác. Hiện nay, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) đều có tên, số CCCD (là mã số định danh) người sở hữu. Vì thế, cơ quan quản lý chỉ cần cập nhật lên hệ thống, khi tra cứu mã số định danh sẽ biết người đó đứng tên sở hữu bao nhiêu BĐS. Thậm chí, thông tin BĐS còn chi tiết, chính xác hơn cả số nhà khi hiển thị số tờ bản đồ, số thửa, tọa độ, quy hoạch.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết: “Định danh, xong lúc người ta ở nhà này, lúc người ta ở nhà khác, chưa chắc chúng ta đã quản lý được. Nhưng nếu chúng ta thực thi ngay thì nguồn lực, định danh công khai rất nhạy cảm.”

Với xu hướng phát triển của xã hội trong ứng dụng công nghệ, kết nối dữ liệu dân cư với các thông tin về nhân thân, cũng như xu hướng chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, việc kết nối liên thông dữ liệu về thông tin nhân thân cá nhân với các tài sản là điều tất yếu. Tuy nhiên, số hóa thông tin, định danh BĐS được thực hiện theo lộ trình nào, dự kiến chi phí, nhân lực, công nghệ như thế nào cho phù hợp để bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý, tránh phiền hà cho người dân.

Ông Trịnh Xuân An – Đại biểu Quốc hội Khoá XV – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Địa chỉ của chúng ta rất lộn xộn, cần phải có một sự chuẩn hóa, chuẩn hóa phải có quy định, vậy quy định ở đâu, do cơ quan nào cần phải luật hóa.”

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho biết, sắp tới, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cũng sẽ có những quy định cụ thể hơn về vấn đề BĐS nhưng muốn xác định được BĐS thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các BĐS đó. Việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản. Đây cũng là một hình thức để giám sát tài sản của cán bộ, công chức và người nhà của cán bộ, công chức. Khi thực hiện xong định danh số nhà thì mọi người đều phải trung thực, công khai, minh bạch mọi thứ.

Việc định danh số nhà, quản lý chặt chẽ bất động sản là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức; cần tích hợp để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian, đồng thời tuyên truyền phổ biến để người dân nắm được sự cần thiết, những lợi ích mà người dân có thể có được khi định danh số nhà, đặc biệt quá trình thực hiện cần đảm bảo an toàn bảo mật thông tin cho người dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield cho biết giá thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tiếp tục tăng trong hai năm tới.

Sau 20 năm, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tại Khu đô thị mới Chi Đông (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đang được tháo gỡ.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố. Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ nay đến ngày 31/12/2025.

Trong phiên họp giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.

Triển khai Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành công văn số 4255 yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia tổ chức đấu giá quyền sử dụng 11 thửa đất tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt vào ngày 19/12. Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 100 đến 155m²/thửa, giá khởi điểm 1.515.000 đồng/m².