Điện ảnh - Truyền hình Hà Nội và dự án phim về Hà Nội

Ngày 16/9/2024, tập đầu tiên của của bộ phim "Mật lệnh hoa sữa" do Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội sản xuất đã lên sóng, đánh dấu sự trở lại trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình của Đài Hà Nội.

"Mật lệnh hoa sữa" là bộ phim truyền hình thuộc dự án phim "Vì tình yêu Hà Nội" gồm 40 tập,  lên sóng đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Ông Nguyễn Kim Khiêm - TGĐ, TBT Đài Hà Nội trao quyết định thành lập đoàn làm phim “Mật lệnh hoa sữa”.

Chuyện phim “Mật lệnh hoa sữa” kể về những chiến sĩ của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của thành phố Hà Nội. Kịch bản phim "Mật lệnh hoa sữa" được chuyển thể từ hai truyện ngắn "Đối mặt" và "Người tù của ngày xưa" của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, đề cập một chuyên án của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.

Bên cạnh câu chuyện phá án, những hy sinh thầm lặng, bộ phim mong muốn mang đến cái nhìn đa chiều về hình ảnh người chiến sĩ công an thông qua việc khai thác những chi tiết đời sống, qua đó thấy được hình ảnh một người Hà Nội với đầy đủ những phẩm chất trí tuệ, tài hoa, nhân ái, tràn đầy tình yêu với thành phố và con người nơi đây.

"Mật lệnh hoa sữa" cũng là bộ phim truyền hình đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tất Kiên. Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng thực hiện series phim truyền hình thực tế "Tôi yêu Hà Nội" nhưng với đạo diễn Nguyễn Tất Kiên, bộ phim hình sự tái hiện góc nhìn đa chiều về nhịp sống Hà Nội cũng là một thách thức không nhỏ.

Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên và đoàn làm phim "Mật lệnh hoa sữa".

Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên cho biết, đoàn làm phim sẽ cố gắng ghi được hình ảnh đẹp của Hà Nội, từ những góc máy khuôn hình được đầu tư, và từ những thiết bị flycam ở tầm cao về Hà Nội đang phát triển, nhưng vẫn là Hà Nội nghìn năm văn hiến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.

Những tập đầu tiên của “Mật lệnh hoa sữa” khi được khởi chiếu ngay lập lập tức đã được khán giả đón nhận nhiệt tình, với nhiều lời khen ngợi.

Trước đó, ngày 1/8/2023, Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội (tiền thân là Ban Biên tập phim truyện) được thành lập được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Với chức năng chính và quan trọng nhất là sản xuất, liên kết sản xuất các bộ phim truyền hình, phim điện ảnh, qua đó khai thác và phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, nhà làm phim… tài năng của Thủ đô.

Đông đảo diễn viên tham gia casting dự án phim đặc biệt về Hà Nội.

Sự quay trở lại mảng sản xuất phim truyền hình của Đài Hà Nội do Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội thực hiện đang tạo nên hiệu ứng tích cực mạnh mẽ đối với công chúng yêu điện ảnh của Thủ đô cũng như trên cả nước.

Mở đầu là dự án phim truyền hình dài tập “Vì tình yêu Hà Nội”, gồm 2 phần Mật lệnh hoa sữa” và “Hà Nội trong mắt em. Mặc dù có cách khai thác nội dung tưởng chừng khác biệt nhưng bản chất 2 phần vẫn chung một mạch truyện, một dòng thông điệp: đó là tình yêu sâu thẳm với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội hào hoa.

Ông Nguyễn Kim Khiêm - TGĐ, TBT Đài Hà Nội trao quyết định thành lập đoàn làm phim “Hà Nội trong mắt em”.

“Vì tình yêu Hà Nội” do đạo diễn Đào Thanh Hưng đảm nhận. Câu chuyện phim xung quanh 5 cô gái, đại diện cho 5 tính cách và 5 vẻ đẹp khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu với Hà Nội. Mỗi người một số phận nhưng vô tình gặp gỡ và tạo nên những mối quan hệ đan xen. Từ đó, nảy sinh nhiều tình huống bất ngờ, phức tạp, vừa hài hước tinh tế vừa lãng mạn, sâu sắc. Qua đó, một Hà Nội được hiện ra thật tươi mới, và nhiều màu sắc.

MC Thu Hòa (Đài Hà Nội) diễn cùng NSND Bùi Bài Bình trong buổi casting phim “Hà Nội trong mắt em”.
NSND Lan Hương trong buổi casting phim “Mật lệnh hoa sữa”.
Đạo diễn Đào Thanh Hưng cùng đoàn làm phim thực hiện những cảnh quay đầu tiên của bộ phim “Hà Nội trong mắt em”.
Một cảnh quay trong phim "Hà Nội trong mắt em".

Đặc biệt, dự án phim có sự tham gia của dàn nghệ sĩ tên tuổi, là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực diễn xuất như: NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương, NSND Trần Lực… Đây cũng chính là những nghệ sĩ gạo cội, cùng đạo diễn Đào Thanh Hưng làm Ban Giám khảo, tìm kiếm trong các thí sinh những gương mặt sáng giá cho dự án phim đặc biệt.

Nhiều năm về trước, Đài Hà Nội đã thành công với nhiều bộ phim được sản xuất, như Sông Hồng reo, Sống mãi với Thủ đô, đặc biệt là bộ phim Sóng ở đáy sông của đạo diễn Lê Đức Tiến, sản xuất năm 1998-1999 đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Việc tái khởi động mảng sản xuất phim truyền hình và điện ảnh mở đầu với series phim “Vì tình yêu Hà Nội” đã cho thấy bước đi rất mạnh dạn của Đài Hà Nội để phục vụ công chúng.

Đài Hà Nội khi quyết định triển khai sản xuất series phim "Vì tình yêu Hà Nội" chỉ có một suy nghĩ đơn giản: tất cả chúng ta đều có sự gắn bó, đều có tình yêu với Hà Nội. Chúng ta đang sống ở Hà Nội hoặc đang hướng về Hà Nội. Hà Nội là nguồn cảm xúc của rất nhiều loại hình nghệ thuật: âm nhạc, điện ảnh, thi ca... Vậy thì Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, một phần trong các thiết chế văn hóa của Thủ đô không có lý do gì lại không trở thành một phần trong sự phát triển của văn hóa Hà Nội, không có lý do gì để không sáng tạo, sản xuất các nội dung, đóng góp vào sự phát triển của công nghệ Điện ảnh Hà Nội.

Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Hà Nội

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các nghệ sĩ làm lễ khởi quay của dự án phim “Vì tình yêu Hà Nội”.

Sự quay trở lại trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình của Đài Hà Nội phục vụ khán giả Thủ đô và cả nước, được lãnh đạo Lãnh phố và các bộ ngành đánh giá rất cao. Trước đó, khi tham dự buổi khởi quay series phim “Vì tình yêu Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Dự án phim được Đài Hà Nội tâm huyết triển khai, nhằm mang đến cho khán giả những thước phim chân thực và cảm động về Thủ đô yêu dấu, là câu chuyện về những con người gắn bó với từng nhịp thở của đời sống Thủ đô. Phim đưa khán giả đến với những mảnh ghép đầy màu sắc của cuộc sống, từ những người chiến sĩ công an nhân dân ngày đêm gìn giữ sự bình yên cho Thủ đô, đến những bạn trẻ đang nỗ lực xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại và đầy sức sống. Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an, những câu chuyện về gia đình, tình yêu, và cuộc sống đời thường sẽ tạo nên một bức tranh sinh động, chân thực về Hà Nội – một Thủ đô đáng đến và lưu lại đáng sống và cống hiến.”

Dự án phim “Vì tình yêu Hà Nội” quy tụ nhiều NSND, NSƯT.

Bà Trần Thái Thủy, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội cho biết: "Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội khi quyết định triển khai sản xuất series phim "Vì tình yêu Hà Nội" chỉ có một suy nghĩ giản dị, mộc mạc và trực diện như chính tên gọi của dự án phim.

Mỗi người trong chúng ta đang sinh sống ở Hà Nội, có người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được Hà Nội nuôi dưỡng, có người từ phương xa về đây lập nghiệp và xây dựng Thủ đô, nhưng tất cả có một điểm chung là tình yêu lớn lao đối với mảnh đất này.

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là một cơ quan văn hóa của Thủ đô, vì vậy, không có lý do gì lại không trở thành một phần trong sự phát triển của văn hóa Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh còn nhiều tiềm năng khai phá".

Bên cạnh phim điện ảnh và phim truyền hình, Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội còn tổ chức sản xuất các chương trình tiểu phẩm, hài kịch, sitcom. Điển hình là series phim sitcom “Chuyện quanh ta” với 240 tập phát sóng năm 2023, gần 300 tập năm 2024.

Trung tâm cũng đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ đánh giá, đề xuất mua bản quyền các bộ phim hay, giàu tính nhân văn, hấp dẫn khán giả, phù hợp với yêu cầu tuyên truyền chung của Đài; qua đó góp phần nâng cao chất lượng nội dung phim phát sóng trên các kênh của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả Thủ đô và cả nước.

Ngoài ra, Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội còn có trách nhiệm tổ chức dịch thuật, biên tập giới thiệu, quảng bá các bộ phim truyền hình trong nước và nước ngoài phát sóng trên các kênh chương trình và các nền tảng số của Đài. Điều này không chỉ tăng thêm tính phong phú cho kho tàng phim ảnh trên sóng truyền hình mà còn duy trì, chia sẻ những giá trị sống, giá trị văn hóa vượt thời gian, vượt không gian, những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật tới đông đảo công chúng. Có thể kể đến khung sóng “Phim của một thời” mới được ra mắt tháng 6/2024 đã làm sống lại những di sản điện ảnh, văn hóa có giá trị sâu sắc và bền vững.

Cho tới nay, ngành công nghiệp phim của Hà Nội vẫn là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng, cần thúc đẩy phát triển. Với sự ra đời của Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đã khẳng định quyết tâm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Thủ đô một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả. Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà làm phim, góp phần tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội, góp phần lan tỏa hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến đến với công chúng trong nước và quốc tế. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.