Điện nhà trọ - bắt chẹt người thuê

Mặc dù Nhà nước đã có quy định cụ thể về cách tính và mức giá bán điện cho người ở trọ, nhưng nhiều chủ nhà trọ ít khi tuân thủ các quy định này mà tự đưa ra giá điện với mức cao hơn so với giá điện sinh hoạt Nhà nước quy định.

Người thuê trọ trả tiền điện cao hơn cả tiền nhà

Người ở trọ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn nên chưa có nhà, lao động nhập cư, công nhân, học sinh... Giá điện cao hơn quy định mà chủ nhà thường tính cho họ khiến những người thuê trọ vốn có thu nhập thấp lại thêm gánh nặng.

Tại một khu nhà trọ ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), người thuê nhà chủ yếu là công nhân và người lao động. Mỗi một phòng trọ được lắp một công tơ điện riêng. Giá thuê trung bình mỗi phòng là 600 nghìn đồng/tháng. Gia đình chị Nguyễn Thị Yến đã thuê ở đây nhiều năm. Ban đầu giá điện chủ nhà đưa ra là 3.500 đồng/1 kWh, nhưng từ hơn một năm nay giá điện đã tăng lên thành 4.000 đồng/1 kWh… khiến tiền điện có khi gấp đôi, thậm chí vào tháng hè còn gấp 3 lần tiền thuê nhà.

Giá điện 4.000 đồng/kWh cao hơn hẳn giá điện sinh hoạt bậc 6 gần 1.000 đồng lại đang là giá chung được hầu hết các chủ nhà trọ đưa ra. Với mức lương công nhân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, mức giá tiền điện như trên thực sự là gánh nặng đối với người thuê trọ. Nhưng họ dường như không có lựa chọn nào khác.

Trên thực tế, nhiều giao dịch thuê trọ không có hợp đồng mà chỉ là thỏa thuận miệng. Có những trường hợp lúc hỏi thuê chủ nhà nói tiền điện một mức giá, rồi khi vào ở lại là một mức giá khác và người thuê trọ phải chấp nhận thực tế đó.

Bạn Nguyễn Văn Thái, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện đang thuê trọ trên phố Trần Quý Kiên (quận Cầu Giấy) cho biết bên cạnh vô vàn mức phí khác khi thuê phòng, nhiều sinh viên – đối tượng chủ yếu phụ thuộc kinh tế vào gia đình, cũng đang phải gánh mức tiền điện cao hơn so với bình thường.

Theo quy định pháp luật, sinh viên và người lao động thuê nhà trọ, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nhưng thực tế nhiều khu nhà trọ không áp dụng quy định này. Với cách tính giá điện tùy tiện, những ông chủ, bà chủ của các khu nhà trọ đang khiến người thuê nhà "méo mặt". Cuộc sống đã bấp bênh càng thêm khốn khó với nỗi ám ảnh giá điện.

Với cách tính giá điện tùy tiện, những ông chủ, bà chủ của các khu nhà trọ đang khiến người thuê nhà "méo mặt".

Quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bộ Công Thương

Tại Phụ lục của Quyết định số 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt có 2 cách áp dụng như sau:

- Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà); trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Bộ Công Thương quy định nếu chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt, cứ 4 người thuê nhà được tính là một hộ sử dụng điện.

- Trường hợp không thể kê khai được số người, sẽ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3, tức tối đa 2.125 đồng/số cho toàn bộ lượng điện tiêu thụ.

Các mức giá điện trên chưa bao gồm thuế VAT.

Các mức giá điện sinh hoạt theo quy định của Nhà nước.

Nhiều chủ nhà trọ thu giá điện quá mức quy định

Như vậy, theo quy định của Bộ Công Thương, tuỳ vào thời hạn hợp đồng, số kWh điện sử dụng, số người ở trong một phòng trọ, thì sẽ có những mức giá điện khác nhau, tính ra tối đa là chưa tới 3.000 đồng/1 kWh. Tuy nhiên, giá tối đa này là giá của nhà nước, còn giá mà nhiều người thuê nhà trọ đang phải chịu được gọi là "giá chung" tại nhiều khu trọ.

Chỉ cần vào các trang quảng cáo cho thuê nhà trọ trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những nơi cho thuê phòng có giá điện đắt hơn giá quy định của Bộ Công Thương. Bài đăng nào cũng để giá khoảng từ 3.500 - 4.000 đ/số điện, điều này dẫn đến việc mức "giá chung" dần trở thành mức giá "hợp lý" mà giá quy định bỗng nhiên trở thành "giá rẻ".

Tại một số khu nhà trọ ở Hà Nội như Mai Dịch, Dịch Vọng (quận Cầu Giấy); Đình Thôn, Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm); Tương Mai (quận Hoàng Mai) và một số khu công nghiệp (KCN) như Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai), KCN Thăng Long… giá tiền điện người thuê nhà phải chịu cao từ 15 - 30% so giá điện sinh hoạt theo quy định.

Trong vai người có nhu cầu thuê trọ, lần theo số điện thoại trong một bài đăng, phóng viên đã đến tận nơi để khảo sát giá tiền điện tại khu nhà trọ trên địa bàn phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) - khu vực tập trung đông sinh viên và công nhân lao động. Chủ nhà trọ đã đưa ra mức giá phòng trọ là 2 triệu đồng/tháng và giá điện là 4.000 đồng/kWh. Khi PV có ý thắc mắc mức giá điện như vậy là quá cao và giá quy định của Nhà nước chỉ có 2.900 đồng/kWh, thì được chủ nhà trọ lý giải: "giờ tiền điện nó còn tăng.... Tiền điện 4.000 đồng/kWh giá chung rồi, còn hao hụt, càng dùng nhiều càng đắt, nó còn nhiều cái chứ ai người ta thu thế...".

Tiếp tục tìm đến một nhà trọ khác ở phường Mỹ Đình (quận Bắc Từ Liêm), PV cũng được chủ nhà trọ đưa ra mức giá 4.000 đồng/kWh và theo họ đó cũng là mức giá "hợp lý" và là giá chung ở khu vực này trong nhiều năm nay.

Giá tiền điện người thuê nhà phải chịu hiện cao từ 15-30% so với giá điện sinh hoạt theo quy định.

Ai xử lý việc thu tiền điện sai quy định?

Xử lý nghiêm chủ nhà trọ thu tiền điện sai quy định - đó là yêu cầu của lãnh đạo từ Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các thành phố. Nhưng trên thực tế các địa phương đều khó nắm bắt được tình trạng trên.

Hiện nay, ở nhiều địa phương của thành phố Hà Nội, chính quyền phường, xã chủ yếu đang áp dụng biện pháp tuyên truyền đến các chủ nhà trọ về việc thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với giá điện.

Ví dụ như ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), địa bàn mà hầu hết người dân sống chủ yếu bằng việc cho thuê trọ, đến nay chưa từng xử lý trường hợp chủ nhà trọ nào thu tiền điện giá cao hơn so với quy định. Với một địa bàn rộng, có hàng chục nghìn dân cư, thì việc nắm bắt giá điện của các chủ cho thuê nhà là rất khó.

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm của mình về tình trạng các chủ nhà trọ đang thu tiền điện vượt quá quy định, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội, cho rằng tình trạng này xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do người cho thuê nhà không biết các quy định của Nhà nước nên chủ trọ thu tiền điện của người thuê nhà theo mức giá cao nhất, vượt khung quy định của ngành điện; thứ hai, có những chủ nhà vừa hưởng lợi ích ưu đãi của Nhà nước về giá điện dành cho người thuê, đồng thời lại tính theo mức giá cao nhất dành cho các đối tượng khác (không phải người thuê trọ). TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đây là một hiện tượng không lành mạnh và vi phạm các quy định của Nhà nước cũng như vi phạm về đạo đức kinh doanh.

Để kiểm soát tình trạng chủ nhà trọ tự ý tăng giá tiền điện đối với người đi thuê trọ, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần rất nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là vai trò của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành điện; đồng thời, cần có chính sách kiểm soát việc tính giá điện của chủ nhà trọ; bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền để người thuê nhà nắm được chính sách ưu đãi mà họ được hưởng để từ đó làm căn cứ thương lượng, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình ký hợp đồng và thanh toán tiền theo hợp đồng thuê nhà.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 22/11, Công an thành phố Hà Nội thông tin, khoảng 22 giờ 15 phút ngày 21/11, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố nhận được tin báo xảy ra cháy nhà dân tại tổ 12 phường Thạch Bàn (quận Long Biên).

Chiều 21/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khai trương Dự án chính quyền số thành phố Hải Phòng và khai mạc triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ năm 2024.

Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22/12, tuyến tàu điện này sẽ bắt đầu chạy thương mại.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực huy động nhân lực và xuồng máy tìm kiếm trên đoạn sông ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, nơi xảy ra vụ tai nạn xe chở rác va vào lan can cầu treo và rơi xuống sông, làm 2 người trên xe mất tích vào sáng 21/11.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ đã tiếp nhận, đưa 5 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Hiện sức khỏe của các thuyền viên đều ổn định.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa phối hợp với Cục An Toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.