Hà Nội có anh

Lần đầu bước chân lên Hà Nội, có người đã tự hỏi: Không biết thành phố này có gì để người ta bám trụ nhiều đến thế? Xô bồ, khói bụi, ồn ào, đắt đỏ… dường như thành phố quá chật để ta có thể nới rộng tâm hồn. Rồi một ngày nào đó, nỗi lo vật chất sẽ cuốn đi mọi rung cảm tinh thần. Thủ đô liệu có phải chỉ dành cho những ai nhiều tiền, lắm của?

Những ngày này 4 năm về trước, khi đất trời dần chuyển sang thu, tôi chân ướt chân ráo ra Hà Nội nhập học. Ba đứa trẻ chuyên Văn vốn mang đầy mơ mộng lần đầu được biết thế nào là cuộc sống tự lập tự lo với chuỗi ngày lang thang tìm trọ, tính toán sinh hoạt phí. Hồi ấy, chúng tôi tự nhủ, 4 năm sau chắc chắn sẽ về quê. Hà Nội xô bồ quá, ồn ào đến đau đầu.

Nhưng rồi thời gian trôi đi, nhiều sự kiện xảy ra và kỷ niệm được bồi đắp từng ngày để chúng tôi hiểu và gắn bó với thành phố này nhiều hơn. Chúng tôi, mỗi đứa đều bắt đầu có cho riêng mình những tình yêu. Tình yêu thuở thiếu thời trong trẻo như hương ngọc lan đầu hạ, ngọt ngào mà cũng thật mong manh. Tôi cũng kịp có cho mình một mối tình…

Những ngày này 3 năm về trước, tôi mới quen anh được vài tháng. Anh và tôi đều là sinh viên năm 2 và là tình đầu của nhau. Trong thế giới quan của người mới yêu, mọi cảm xúc đều đẹp tựa thiên đường. Nhờ đó mà Hà Nội hiện lên trong mắt tôi tình và thơ hơn bao giờ hết. Thành phố vừa thức giấc, anh đã đợi tôi dưới chân phòng trọ, giữa khu chợ mà chỉ vài tiếng nữa thôi sẽ chen chúc hàng rau, hàng thịt, hàng xôi.

Ảnh minh hoạ.

Anh đưa tôi đến trường, đến chỗ làm thêm, đi hết một vòng hồ Tây hay nắm tay tôi dạo bước dưới hàng cây già của đường Phan Đình Phùng thơ mộng. Khi chiếc lá vàng khẽ cựa mình từ giã sự sống với cành cây, anh nhón chân trao nụ hôn thắp lên ấm áp làm hai má tôi ửng đỏ. Anh ôm ấp sự yếu đuối trong dây thần kinh tôi, xoa dịu cơn đau đầu vẫn thường ghé thăm làm tôi khó chịu. Có ai đó nói, người cùng bạn đi hết một vòng hồ Tây sẽ cùng bạn đi hết cuộc đời. Chúng tôi thì không. Nhưng mỗi khoảnh khắc bên nhau đã tròn đầy viên mãn để dù chẳng đi hết cuộc đời thì vẫn có kỷ niệm để sau này được nhớ về.

Bức tranh Hà Nội dần được hoàn thiện trong tôi như vậy, với những hạnh phúc và kỷ niệm cùng anh. Thành phố xoay vòng xuân - hạ - thu - đông, nhiều thứ mất đi và nhiều thứ còn đó. Chúng tôi cũng có những vụn vỡ, những bận tâm, những chia xa… Có những ngày chúng tôi không ở Hà Nội, nhưng hình bóng về một đô thị di sản văn minh với một con người ấm áp vẫn thường trực. Ra trường, anh đi khắp dọc miền đất nước theo các dự án mở đường. Tôi cũng lên rừng xuống biển theo lịch trình công tác của công ty. Có những ngày ở Phú Yên, anh bảo mình chưa quen cuộc sống ở đó, còn tôi càng rời xa thành phố thân thuộc này lại càng thấy nhớ anh.

Đường Phan Đình Phùng đầy thơ mộng. Ảnh: Dân Việt.

Lần chia xa thứ nhất, tôi có chuyến đi thực tế dọc miền Trung. Trên đường đổ đèo từ Buôn Ma Thuột lên Đà Lạt, trong lúc tâm trí rung lắc vì say xe, tôi nhớ đến anh, hai lọ thuốc say xe và tờ 200 ngàn polymer anh đưa.

Lần chia xa thứ hai, tôi lang thang nhiều nơi, anh cũng bôn ba công trường vì công việc. Ngồi sau xe anh, tôi khẽ vòng tay ôm lấy anh. Ánh đèn đô thị hắt trên lòng đường nhựa long lanh như ánh pha lê, còn chúng tôi sống trọn vẹn trong khoảnh khắc ấm áp tròn đầy. Thủ đô ôm chúng tôi vào lòng mà hát bản tình ca lãng mạn. Tôi khẽ ngân nga câu ca của Uyên Linh: "Dưới cơn mưa phùn nhẹ có hai kẻ khờ chen xe lướt nhanh…và em nói yêu anh…".

Thủ đô còn dành cho những trái tim chân thành. Ảnh minh hoạ.

Lần chia xa này thật lâu, lâu đến mức tưởng như sẽ không gặp lại. Chúng tôi vẫn đang bám trụ lại Thủ đô, nhưng mỗi người một cuộc sống. Những đêm mùa đông, thành phố cũng như lạnh lùng hơn vì một mối tình đứt quãng.

Thời gian dần trôi, chúng tôi kết nối lại với nhau như hai người bạn thân. Rồi tôi lại yêu lại từ đầu, vẫn là yêu anh nhưng là anh ở một phiên bản khác. Hà Nội ở thời điểm hiện tại như quê nhà thứ hai của chúng tôi, nơi có những con đường quen, những con người, câu chuyện và cảm xúc khiến tôi trân trọng. Những ngày cùng nhau lang thang bờ Hồ, cùng “chia ngọt sẻ bùi” có thể không tiếp diễn, nhưng nó chắc chắn sẽ còn lưu lại mãi trong tâm trí những người trẻ chúng tôi. Thủ đô không chỉ dành cho ai nhiều tiền, lắm của. Thủ đô còn dành cho những trái tim chân thành.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?