Hoài niệm Trung thu thời bao cấp
Hoài niệm Trung thu thời bao cấp
Có những năm may mắn xin được vài lon sữa bò, nhờ người rạch thành từng đường nhỏ, ép cho ống sữa phình ra. Đêm Trung thu, mấy anh em thắp nến vào ống bơ đi chơi. Điểm đặc biệt của loại đèn này là có thể đẩy nó đi, quay vòng, phát ra tiếng kêu leng keng và đốm sáng.
Chập tối đêm rằm Trung thu, đám con nít trong xóm nô nức cầm đèn nối đuôi nhau đi rước đèn. Năm đó chị Thùy mới 5 tuổi cũng lon ton theo anh chị. Bị một bạn hàng xóm giật đèn, Thùy khóc lớn. Anh chị mải chơi đành dẫn Thùy về trước cổng nhà.
"Mặt mũi lem luốc, tôi về mách bố. Bố dỗ tôi rồi giật mo cau trước nhà cắt thành cái mặt nạ. Nhìn cái mặt nạ xấu xí tôi càng khóc to. Lạ lùng là hôm nay bố không nghiêm khắc như mọi khi, ông cưng nựng, cho tôi lên chân cần cẩu. Hai bố con nằm ngoài sân ngắm ánh trăng to tròn vằng vặc. Ông kể chuyện chị Hằng, chú Cuội, cây đa. Mùi hoa cau bên sân trong trẻo...", chị chia sẻ.
Mắt hoe đỏ, chị hồi tưởng: "Khi các anh chị đi rước đèn về, một mâm cỗ gồm bưởi, hồng, chuối, bỏng ngô và những thỏi kẹo vừng nóng hổi mẹ vừa làm đã bày trước mặt. Dưới đất cái đèn dầu lung linh, trên trời trăng to như cái nong phơi thóc, nhà tôi phá cỗ cười giòn tan. Tôi chơi mệt nằm trong lòng bố ngủ tự khi nào. Giờ đây mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn tự nhủ mình được bố thương nhất nhà".

Đèn ông sao giấy gợi nhớ những mùa trăng xưa.
Với anh Hải (49 tuổi), Trung thu xưa là dịp trổ tài, thi đua của đám con trai trong xóm. Từ đầu tháng 8, Hải đã cùng các bạn chuẩn bị bao nhiêu trò cho đêm Trung thu. Anh cố kiếm những cây nứa bánh tẻ tự làm đèn lồng, ai cũng cố làm những cây đèn ngoại cỡ.
"Có năm tôi tự hào làm được cây đèn to nhất, có thể thắp được vài cây nến kia. Quan trọng nhất khi làm đèn ông sao là phải làm chốt cắm nến cẩn thận. Có hai thanh nứa 2 bên để kẹp không nến đổ nghiêng. Khối đứa đi rước đèn chọc nhau, nến rớt, đèn cháy, chỉ còn biết khóc nhè, tiếc ngẩn ngơ quyết mùa sau phục thù", anh kể.
Ngoài ra, anh Hải cùng các bạn còn đốt củi xoan, lấy than bọc đất sét làm pháo. Đặc điểm của than xoan là sáng, nổ, phát ra nhiều bụi lấp lánh như pháo hoa. Để làm trò này cần lấy than xoan tán nhỏ, bọc đất sét bên ngoài, luồn một mẩu giấy xoắn hay dây dù vào giữa, rồi phơi khô. Đến đêm Trung thu là thi nhau đốt. Pháo của đứa nào nổ to, bắn ra nhiều đốm sáng sẽ được tung hô nhất.

Lớp học thời chiến vui lễ Trung thu.
Còn chị Bích (40 tuổi), Trung thu ở khu tập thể cũ trên đường Bưởi (Hà Nội) đã thấm sâu trong trí nhớ, để rồi mỗi lần nôn nao nhớ về chị lại tiếc nuối cho các con, các cháu của mình.
Chị Bích kể, ngày đó trẻ con còn nô nức Trung thu hơn cả Tết cổ truyền. Để chuẩn bị cho đêm phá cỗ rước đèn, trước rằm cả tháng, đám con nít trong khu tập thể chạy ra chợ Bưởi, thậm chí ra cả những bãi rác nhặt từng hạt bưởi tí tẹo. Sau đó đem về rửa cho hết nhớt, bóc vỏ cho đến khi được cái hạt trắng nõn, xâu kim, phơi khô. Ai cũng lo lỡ dính tí mưa, hạt bưởi mốc hết sẽ thua kém bạn bè.
Đến đêm Trung thu ngoài đi rước đèn, nhận bánh kẹo, buổi tối ở khu tập thể tắt hết điện để ngắm trăng. Đây mới là lúc để đám con nít khoe quà bánh, đồ chơi. Đứa nào có nhiều đồ chơi thì y rằng mặt vênh lên như bánh đa nướng. "Vui nhất là đốt pháo hạt bưởi, nổ xè xè, phát sáng lung linh. Những xâu hạt bưởi dài ngắn khác nhau chứa bao nhiêu niềm mơ ước của con trẻ. Đám nhóc tha hồ hát "Ông trăng ơi xuống đây mà chơi...".
Ngày đó thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn. Nhà chị Bích may mắn có một mảnh đất ở ngoại thành. Rằm tháng 8 cũng là thời điểm lúa nếp bánh tẻ. Mẹ chị thường làm vài cân cốm dẹp, chế biến thành nhiều món ăn, trong đó ngon nhất món cốm dẹp trộn dừa.
"Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi luôn mong chờ nhất giây phút được phá cỗ. Tôi chẳng thích ăn đâu nhưng cứ đòi mẹ gọt bưởi, để mẹ đặt cái mũ bưởi lên đầu cưng nựng. Giờ thì ánh trăng xưa không còn nhưng tôi vẫn cố mang đến cho con mùa Trung thu tuổi thơ ngọt ngào", chị Bích chia sẻ.
Chương trình tổng duyệt trình diễn 10.500 thiết bị bay không người lái (drone) nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra trên khu vực bờ sông Sài Gòn, tối ngày 28/4.
Sau thời gian chỉnh lý, phục hồi nguyên trạng, sáng 28/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khai trương, mở cửa trở lại Di tích lịch sử Nhà và hầm D67 và triển lãm “Con đường thống nhất".
Chương trình cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" tối ngày 27/4 đã lan tỏa ý nghĩa lớn lao của Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Chương trình diễn ra tại ba điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 có hơn 5.000 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm gần 70% trong tổng số hơn 7.500 chuyến bay nội địa dự kiến khai thác trên cả nước.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 diễn ra dài ngày là thời điểm lượng người và phương tiện lưu thông rất lớn, đặc biệt tại các tuyến vành đai, cửa ngõ ra vào Thủ đô, các bến xe, điểm du lịch công cộng.
Đơn vị quản lý tuyến đang triển khai đồng loạt 11 gói thầu sửa chữa lớn trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
0