Học Bác suốt đời

Dâng hiến trọn vẹn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình vì Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Cho dù Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng cho tới tận hôm nay và mãi mãi sau này, tư tưởng của Người sẽ luôn là ngọn đuốc sáng soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đi tới tương lai.

Được học Bác, làm theo Bác, tu dưỡng mình theo đạo đức của Bác luôn là nhu cầu khao khát của mỗi người con nước Việt, từ những thứ tưởng chừng đơn giản nhất như: lối sống giản dị, nói phải đi đôi với làm, hay những nhận thức cao hơn “hết lòng vì nước vì dân, vì sự nghiệp cách mạng nước nhà, vì sự tiến bộ của xã hội”.

Một thế hệ vàng người Việt thưở đầu cách mạng đã đi theo Bác, học Bác, làm theo sự chỉ bảo, răn dạy của Bác trên những hành trình cách mạng khó khăn, gian khổ của dân tộc và đã góp phần công sức của mình làm nên thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam thuở đầu dựng nước, để rồi có được cơ đồ đàng hoàng, to đẹp như hôm nay.

*

Đồng tiền vàng đúc nổi hình chân dung Bác, do chính tay Bác trao tặng những thành viên chính phủ lâm thời thưở đầu cách mạng, hay chiếc đồng hồ đeo tay có in hình Bác, được Bác dành tặng cho các thành viên đoàn đàm phán sau khi Hội nghị Fontainebleau kết thúc là những kỷ vật thiêng liêng, vô giá mà các con cháu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên giờ đây đang trân trọng lưu giữ tại bảo tàng tư nhân mang tên cha ông mình.

Những hiện vật đã lưu dấu quãng thời gian Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên được làm việc bên Bác, được Bác giáo dục, rèn luyện để có thể làm tốt công tác của mình. Nhưng đặc biệt hơn cả, trong rất nhiều kỷ vật đang lưu giữ tại bảo tàng cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên này là lá đơn xin vào Đảng của giáo sư Nguyễn Văn Huyên và bức tâm thư ông gửi Bác để đề đạt nguyện vọng cá nhân của mình.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã tự mình viết đơn xin gia nhập Đảng, nhưng lá đơn chứa đầy tâm huyết của vị Bộ trưởng giáo dục không bao giờ là một phần tài liệu trong hồ sơ cán bộ của ông. Giờ đây lá đơn ấy là một kỷ vật vô giá, một minh chứng tiêu biểu rõ nét cho tầm nhìn chiến lược, toàn diện trong công tác cán bộ, trong sự nghiệp phát triển cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên làm đơn xin gia nhập Đảng vào năm 1959. Tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị chủ trương ông "ở ngoài Đảng thì có lợi cho cách mạng hơn".

Lời Bác dạy, giáo sư Nguyễn Văn Huyên luôn khắc cốt ghi tâm. Gần 30 năm ở cương vị lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục nước nhà, ông đã dành trọn tài năng tâm huyết của mình và cùng với một thế hệ những nhà tri thức, những nhà giáo dục mẫu mực đặt tiền đề vững chắc cho nền giáo dục nước nhà thưở đầu khởi dựng.

Lời Bác dạy “việc gì có lợi cho dân, cho cách mạng thì làm” đã giúp giáo sư Nguyễn Văn Huyên có nhiều những quyết sách quan trọng trong điều hành lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam, vượt qua nhiều thách thức để có được những thành quả quan trọng ban đầu. Tiêu biểu nhất phải kể đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy các bậc học vô cùng sáng tạo và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Hay việc ông cương quyết thay đổi cách dạy học bằng tiếng Việt, thay vì bằng tiếng Pháp như đã tồn tại. Chính với quyết định khó khăn nhưng quan trọng ấy, chúng ta mới có nền giáo dục đại học tiên tiến như hôm nay.

Được gần Bác, luôn có được sự chỉ dạy của Bác ngay từ thưở đầu cách mạng thành công, người tri thức Hà thành Nguyễn Văn Huyên đã lưu lại dấu ấn của mình trong sự nghiệp cách mạng nước nhà với tư cách một vị bộ trưởng ngoài Đảng lãnh đạo ngành giáo dục lâu nhất. Những lời dạy của Bác đã soi sáng suốt chặng đường gần 30 năm lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà của ông và đã lưu lại một dấu ấn Nguyễn Văn Huyên trong sự nghiệp giáo dục nước nhà nói riêng, sự nghiệp cách mạng dân tộc nói chung.

**

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh thưở đầu hình thành nhiếp ảnh Việt Nam. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất may mắn được ở gần Bác, phục vụ Bác và ghi lại những khoảnh khắc công việc đến cuộc sống đời thường của Bác trong suốt 17 năm, từ những ngày đầu kháng chiến gian khổ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đầu năm 1947 theo đoàn quân Trung đoàn thủ đô rút lên căn cứ Việt Bắc, chàng thanh niên Hà thành Đinh Đăng Định lại có cơ hội phát huy năng khiếu nhiếp ảnh của mình. Với chiếc máy ảnh trong tay, ông ghi lại đươc những khoảnh khắc quý giá của buổi đầu kháng chiến trên chiến khu. Trong một triển lãm cá nhân được ông tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, một người bí thư của Bác tham quan, nhận thấy biệt tài sáng tạo nhiếp ảnh của Đinh Đăng Định đã chuyển ông về công tác tại Văn phòng chính phủ với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh của Vị Chủ tịch nước kính yêu trong công việc cũng như trong đời sống. Sự kiện đó đã đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định bước sang trang mới của cuộc đời với 17 năm liên tục được sống gần Bác, ghi lại những hình ảnh quý giá về Vị Chủ tịch nước kính yêu và hơn cả 17 năm đặc biệt ấy, ông đã học được từ Bác nhiều điều, được Bác chỉ dạy cho nhiều những bài học quý giá để ông sau này bước đi trên con đường nghệ thuật phục vụ cách mạng với nhiều thành công và đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của cách mạng nước nhà.

17 năm làm việc, tu dưỡng dưới sự chỉ dạy của Bác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã lưu dấu hình ảnh Bác trong lịch sử cách mạng Việt Nam vô cùng đặc biệt. Nhiều tác phẩm ảnh ông chụp về Bác đến giờ vẫn là những khoảnh khắc kinh điển ghi dấu vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng nước nhà. Những tấm hình có một không hai về Bác ấy đã in đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam về tình cảm bao la, sự quan tâm của Bác tới từng giới, từng ngành, từng lĩnh vực đời sống xã hội.

Những năm kháng chiến gian khổ trên chiến khu Việt Bắc, lưu dấu một sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được tổ chức ở đây. Những tấm hình hiếm hoi về sự kiện đặc biệt này của cách mạng nước nhà cũng lại là những nỗ lực sáng tạo, nỗ lực vượt khó của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. Những bài học quý giá ấy đã trau dồi được nhờ những ngày được ở bên Bác kính yêu.

Hình ảnh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951) tại chiến khu Việt Bắc dưới góc máy NSNA Đinh Đăng Định.

Quãng thời gian 17 năm được sống làm việc bên Bác là đoạn đường đời vô cùng ý nghĩa không thể phai mờ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. 17 năm ý nghĩa đó đã giúp ông có được bản lĩnh sống ý nghĩa với nhân sinh quan cao đẹp. Đó là tiền đề quan trọng để những chặng đường đời tiếp sau này người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy có thể vững vàng bước tiếp với tài năng tâm huyết luôn hướng về cách mạng, luôn phục vụ nhân dân, cho dù ở những cương vị, vị trí công tác khác nhau. Những giá trị cao quý ấy ông có được nhờ những năm tháng quý báu ông vinh dự được bên Bác, học tập Bác và tu dưỡng mình bằng những giá trị cao đẹp ông thấm được từ Bác kính yêu.

***

Cuốn tiểu thuyết "Búp Sen Xanh" cho tới giờ vẫn là tác phẩm văn học duy nhất viết thành công nhất về tuổi thơ của Bác kính yêu, cho dù nó đã ra đời cách nay hơn 4 thập kỷ. Cuốn sách cũng xác lập kỷ lục được tái bản đều đặn hàng năm và tái bản nhiều nhất, được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ nhất. Đặc biệt hơn nữa, tác phẩm văn học ấy được ra đời bởi một người thương binh nặng hạng1/4 và chỉ còn 19% sức khoẻ. Ông là nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.

Giờ cái tên Sơn Tùng đã là một dấu son đậm nét trong dòng chảy văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà với hàng chục đầu sách viết thành công về đề tài Bác kính yêu và về đề tài danh nhân dân tộc. Ông chọn cho mình con đường làm nghệ thuật, phần vì yêu thích từ thưở đầu đời, phần vì ông quyết tâm học những điều Bác đã răn dạy những người đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường như ông: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Nhà văn Sơn Tùng có may mắn là người con trên quê hương xứ Nghệ, thưở đầu đời tham gia cách mạng với tư cách cán bộ tỉnh đoàn, ông lại hữu duyên được quen biết, gần gũi với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Cả Khiêm là chị gái và anh trai Bác Hồ. Nhà văn được bà Thanh và ông Cả Khiêm kể nhiều chuyện về tuổi thơ của Bác kính yêu. Chính những may mắn đó đã thôi thúc ông dành cả cuộc đời mình đi tìm hiểu và viết đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, để những thế hệ không chỉ hôm nay mà cả mai sau hiểu nhiều hơn về một con người vĩ đại của dân tộc.

Những ngày đầu thủ đô được giải phóng thì cũng là giai đoạn chàng thanh niên Sơn Tùng gắn bó mảnh đất Hà Thành với công việc làm báo. Ông may mắn được nhiều lần đi cùng Bác trong các chuyến công tác đi thực tế. Những năm tháng quý báu ấy ông đã thấm trong mình những đạo lý cao đẹp từ Bác.

Năm 1967 nhà báo Sơn Tùng vượt Trường Sơn vào Nam phụ trách tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thanh niên miền Nam. Trong một trận càn của giặc Mỹ, ông bị thương nặng với thương tật 81%.

Rời chiến trường ra Bắc điều trị thương tật với chỉ 19% sức khoẻ, nhiều mảnh đạn còn găm trong sọ não, cánh tay phải, cánh tay cầm bút thì bị co quắp không thể cầm bút viết. Những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi ấy đã dần dần được nhà văn hóa giải, bởi trong ông luôn văng vẳng lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Vượt qua bao hạn chế về thân thể bởi thương tật, những khó khăn của một thương binh nặng 1/4, nhà văn Sơn Tùng lặn lội vào Nam ngay sau những ngày thống nhất để gặp những người quen của Bác, tìm hiểu, sưu tầm tư liệu nghe kể những câu chuyện về Bác với quyết tâm thoả mong ước viết về Bác thật đầy đủ, thật sâu sắc về vị Lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh.

Những trang sách của nhà văn Sơn Tùng luôn cho người đọc có được cái nhìn thấu đáo về con người cách mạng Hồ Chí Minh với một hệ tư tưởng lớn mang tầm thời đại, trong mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội. Và hơn thế, con người vĩ đại mà giản dị Hồ Chí Minh còn để lại một di sản vô cùng to lớn về đạo đức, về nhân cách sống., điều đã khiến Người hơn hẳn những nhà tư tưởng cùng thời. Và đó cũng là sự khác biệt đặc trưng trong sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài Bác kính yêu của nhà văn Sơn Tùng.

Tìm hiểu và viết về Bác, học tập Bác, làm theo Bác cả cuộc đời mình, nhà văn Sơn Tùng đã tu dưỡng đạo đức, và hơn thế ông cũng luôn mong muốn ngày càng có nhiều hơn thế hệ người Việt thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những buổi nói chuyện về Bác mỗi khi có dịp.

Với những người bạn, đồng nghiệp văn chương không may mắn như mình khi đã phải để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, ông cũng hết sức động viên, giúp đỡ. Bằng chính nghị lực sống, nhân cách sống của mình, ông đã cảm hoá, khích lệ những người cùng cảnh ngộ vượt qua khó khăn để có đươc những thành công trên con đường nghệ thuật mà họ đã và đang đi.

Nằm lòng lời Bác dạy, cả cuộc đời nhà văn Sơn Tùng đã tu dưỡng theo lời Bác. Ông đã hiện thực hoá thành những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt xuất sắc về đề tài Bác kính yêu để không chỉ hôm nay mà mãi mãi mai sau hiểu thấu hơn về một người con vĩ đại của dân tộc - một vị lãnh tụ đã hiến trọn đời mình vì nước, vì dân.

Những nỗ lực của người thương binh tàn nhưng không phế Sơn Tùng đã không chỉ khẳng định mình trong dòng chảy văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam, mà hơn thế, những đóng góp quý báu ấy của ông đã góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà.

Ông và một thế hệ văn nghệ sĩ, những nhà tri thức thưở đầu cách mạng đã đi theo Bác, dành trọn cả cuộc đời để tu dưỡng đạo đức, tư tưởng của Bác và đã góp phần tạo nên những thành quả của cách mạng nước nhà, để Việt Nam được được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.

Thực hiện: Lê Đức Minh
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay (22/11), Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á lần thứ 12 (ICAPP) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Với tư cách khách mời đặc biệt của Đảng Nhân dân Campuchia, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam và cam kết đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chung của ICAPP.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, trong buổi thảo luận tại tổ về hai dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nội dung được các đại biểu quan tâm là việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình để đảm bảo sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và phát biểu chính sách tại Trường Đại học Malaya.

Tối ngày 21/11, giờ địa phương, tức sáng ngày 22/11 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Santo Domingo nước Cộng hòa Dominica, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 2024 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica.

Trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11, nội dung được các đại biểu quan tâm là việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo lộ trình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều 21/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary chủ trì Lễ khánh thành công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia.