Khôi phục, phát triển hành trình 'Bát cảnh Tây Hồ'
Tây Hồ bát cảnh - danh thắng Thăng Long xưa
Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề Đồng Cổ, Tượng Phật say Thụy Chương, Sâm cầm hồ Tây, Cánh đồng hoa Nghi Tàm, Làng Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung là 8 địa danh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của Kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các thơ ca.
Trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu thế kỷ XVIII, 8 điểm đến huyền thoại của vùng đất Tây Hồ đã được nhắc tới.
Theo đó, điểm đến đầu tiên là Bến trúc Nghi Tàm. Xa xưa, làng Nghi Tàm có trồng giống trúc ngà, thân vàng xung quanh làng. Nhìn từ xa, hàng ngàn, hàng vạn cây trúc đứng trước gió, phản chiếu ánh sáng vàng tạo nên cảnh sắc độc đáo. Chính tại nơi này, chúa Trịnh Giang đã cho mở một bến tắm để hàng năm vào mùa hè sẽ lên đó tắm mát và nghỉ ngơi.
Rừng bàng Yên Thái là thắng cảnh thứ hai trong “Bát cảnh Tây Hồ". Xưa kia, tại làng Yên Thái có một núi đất cao 400-500 trăm thước, rộng chừng một mẫu. Chúa Trịnh Giang cho trồng nhiều cây bàng để lấy bóng râm cho nơi nghỉ mát. Từ trên đỉnh nhìn xuống, hàng ngàn, hàng vạn cây, cây nào cũng tỏa ra cành lá xum xuê, sắc lá theo từng mùa thay đổi. Nhìn từ xa như những chiếc lọng đỏ, lọng xanh rất đẹp mắt.
Đàn thề Đồng Cổ là thắng cảnh thứ ba được các thi nhân đề cập. Đàn thề Đồng Cổ được lập trước cửa đền Đồng Cổ trên bờ hồ thuộc làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông. Đàn được xây hai tầng, tầng trên thờ thần, tầng dưới vua ngự, mỗi năm hai kỳ xuân thu, nhà vua ra đó làm lễ tế, rồi hạ lệnh trăm quan văn võ đứng trước đàn thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, bất hiếu bất trung, thần minh giết chết”. Về sau đàn thề trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, hằng ngày có nhiều người đặc biệt là thanh niên nam nữ đến trước đàn thề nguyền, xin thần linh minh chứng cho lòng chung thủy của mình. Năm nay, phường Bưởi, quận Tây Hồ đã tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 996 năm Hội thề Trung hiếu. Hàng trăm người dân tại phường Bưởi đã tham gia lễ thề, đề cao giá trị "trung" và "hiếu" trong Lễ hội đền Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992 và Hội thề Trung hiếu tại đây đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2023.
Tượng Phật say làng Thụy Chương cũng đi vào văn chương. Tương truyền vào thời Lê Trung Hưng có ngôi chùa, nơi đây chỉ có mỗi một pho tượng tay chống gậy, chân có vẻ bước liêu xiêu. Người ta gọi tượng là Phật say làng Thụy, mỗi tháng hai kỳ khách thập phương thi nhau mang rượu đến lễ. Sau này, pho tượng không còn nữa.
Sâm cầm Hồ Tây là một trong "Bát cảnh Tây Hồ" trước kia. Ở Hồ Tây, cứ vào khoảng tháng Chạp và tháng Giêng lại có từng đàn hàng trăm, hàng nghìn con chim sâm cầm từ đâu bay đến, bơi lội khắp mặt hồ, người ta cho rằng đó là loài chim ở phương Bắc hàng năm tránh rét sang nước ta tạo thành cảnh “sâm cầm rợp bóng”. Chim ấy chỉ ăn sâm nên thịt rất bổ, vì vậy nghề đánh bắt chim đã trở thành một nghề của mấy làng xung quanh hồ. Đến thời Nguyễn vẫn có lệ cống sâm cầm nhưng lo sợ sự phản ứng dữ dội của dân Thăng Long trước lệ cống gây sách nhiễu cho cuộc sống nhân dân nên sau này vua Nguyễn phải bãi bỏ lệ này.
Cánh đồng hoa Nghi Tàm có được nhờ những vùng trồng hoa Nghi Tàm, được chọn làm hoa tiến vào Phủ Chúa và Cung Vua đã tạo nên hương sắc độc đáo, thu hút các tao nhân, mặc khách đến với Tây Hồ.
Cùng với đó là Làng Khán Xuân bên bờ phía Nam hồ Tây. Đời chúa Trịnh Giang, nơi đây lập một ly cung và những dãy nhà như quán hàng ở xung quanh, để hằng năm vào mùa hè ra đó nghỉ mát. Đêm đến, nội thần và cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, hát xướng làm vui. Những đêm mở chợ, làng Khán Xuân lại sáng rực một góc thành.
Tiếng đàn Hành cung là điểm đến thứ tám được nhắc tới của Tây Hồ. Tương truyền, Hành cung được đặt ngay tại chùa Trấn Quốc vào thời chúa Trịnh. Nơi đây hằng đêm vẫn rộn tiếng đàn của các cung nữ làm người trông coi chùa, trở thành nguồn cảm hứng thi ca của tao nhân mặc khách khi đến vãn cảnh hồ Tây.
Trước những biến động lịch sử và thời gian, "Bát cảnh Tây Hồ" đến nay chỉ còn lại trên những thư tịch cổ. Phục dựng lại 8 điểm đến đã đi vào thi ca của Tây Hồ được coi là một ý tưởng độc đáo để tăng sức hấp dẫn của vùng đất Tây Hồ và tạo dựng một thương hiệu du lịch độc đáo, riêng có của Thủ đô.
Ý tưởng 'Bát cảnh Tây Hồ' có trở thành hiện thực?
Ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ” nhằm tạo ra những “điểm đến” hấp dẫn có thể coi là hướng đi độc đáo mà quận Tây Hồ đang dày công nghiên cứu để tăng sức hấp dẫn của Tây Hồ trong lòng du khách. Tuy nhiên ý tưởng này liệu có thành hiện thực?
Trong 8 cảnh đẹp huyền thoại của vùng đất Tây Hồ đã được nhắc tới trong thơ ca thì phường Bưởi của quận Tây Hồ có hai cảnh đẹp được tưởng tượng để phục dựng là: Đàn thề Đồng Cổ và rừng bàng Yên Thái. Tuy nhiên, ông Vũ Duy Thiệp (86 tuổi) là người dân làng Yên Thái của phường Bưởi cho rằng, ông có được nghe là vườn bàng Yên Thái chứ không có tên gọi là rừng bàng.
Ông Vũ Duy Thiệp bày tỏ quan điểm, nếu phục dựng lại, cần tìm người có hiểu biết về 8 cảnh đẹp đó, đồng thời phải nghiên cứu kỹ vì không còn dấu tích. Theo ông Thiệp, nếu phục dựng thì nên phục dựng nghề làm giấy Yên Thái và di tích lịch sử của làng cổ Yên Thái.
Việc biến ý tưởng thành hiện thực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự nghiên cứu kỹ lưỡng yếu tố văn hoá của từng địa phương và sự cam kết tham gia của các nhà quản lý và ban cố vấn chuyên môn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi (quận Tây Hồ) chia sẻ: Với làng Yên Thái và phường Bưởi thì nhân dân rất là quan tâm, đặc biệt là làng Yên Thái có hội trai làng và gái làng thường xuyên đầu tư kinh phí và tâm sức để phục dựng lại những mô hình làng nghề trong làng Yên Thái cũng như các di tích ở trong làng Yên Thái để gìn giữ được nét "làng trong phố", phù hợp với xu hướng phát triển nhưng vẫn giữ được cái nét cổ của đất Kinh kỳ Thăng Long. Theo bà Ngọc, trong thời gian tới và nếu được phục dựng "Bát cảnh Tây Hồ" thì đối tượng được thụ hưởng chính là người dân và người dân của phường Bưởi cũng rất mong muốn ý tưởng này sẽ được hiện thực hóa.
Ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây (quận Tây Hồ) cho biết: Hồ Tây thì có lịch sử rất lâu đời, bởi vậy, để hiện thực hóa ý tưởng phục dụng "Bát cảnh Tây Hồ", các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học và các CLB những người yêu Hà Nội, người dân các làng nghề quanh Hồ Tây để có thông tin rõ ràng về dư địa chí của Hồ Tây, từ đó tập hợp và đưa vào đề án cho phù hợp và thuyết phục nhất.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần thận trọng trong phục hồi ý tưởng "Bát cảnh Tây Hồ" vì nhiều yếu tố; và không bắt chước cái cũ áp đạt vào hiện tại, cần có dấu ấn gìn giữ giá trị lịch sử văn hóa, cảnh đẹp Tây Hồ.
Ý tưởng phục dựng "Bát cảnh Tây Hồ" để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực. Phục dựng không chỉ giúp duy trì các di tích quan trọng, mà còn góp phần bảo vệ và nâng cao bản sắc văn hóa của Hà Nội cần có bước đi thận trọng và khả thi.
Xã Hồng Vân thuộc huyện Thường Tín từ lâu được biết đến là làng nghề sinh vật cảnh vô cùng độc đáo. Tại vùng quê trù phú này, mỗi cây cảnh đều là một tác phẩm nghệ thuật mang trong mình hơi thở của thiên nhiên và dấu ấn sáng tạo của các nghệ nhân.
Đúng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, chiều nay, 23/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đây được xem là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ chế mới để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững, đồng thời khuyến khích sự đồng hành của toàn xã hội trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc.
Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam vừa tái bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, được đánh giá một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Mông Cổ mang tên “Sông Thami trong xanh”.
Đình Tự Nhiên ở huyện Thường Tín được xây dựng từ năm 1702. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng được nhà nước xếp hạng bởi kiến trúc độc đáo gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử.
Trong bối cảnh nhiều hình thức giải trí mới lên ngôi, các sân khấu kịch buộc phải thay đổi để bắt kịp xu hướng và thu hút khán giả. Từ việc đầu tư vào kịch bản, dàn dựng đến các hình thức quảng bá, các sân khấu kịch TP.HCM không ngừng nỗ lực thổi luồng sinh khí mới, gần gũi và hấp dẫn hơn.
Hội Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức buổi triển lãm tranh của nhóm họa sĩ Ngẫu hứng Sài Gòn, mang đến cho công chúng những hình ảnh đa sắc màu về con người và cuộc sống qua góc nhìn mới mẻ của những người từng tham gia kháng chiến.
0