Lưu luyến mùa thu tháng Mười

Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.

Tháng Mười là thế, đủ tự tin để dặn lòng mình mạnh mẽ bước đi trên chặng đường phía trước, nhưng cũng đủ dịu dàng để cho ta luyến tiếc một mùa yêu mới đó thôi mà bây giờ đã cũ.

Một sáng tháng Mười đi trên đường Điện Biên bất chợt ngước nhìn lên Cột cờ Hà Nội, trong lồng lộng gió thu phấp phới tung bay lá cờ đỏ thắm mà lại thấy lòng rạo rực pha lẫn bâng khuâng nhớ về tháng Mười năm ấy.

Đã 70 năm trôi qua mà hào khí của một cuộc hành binh lịch sử, những đoàn quân chiến thắng qua năm cửa ô tiến vào Hà Nội như vẫn còn đây. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng vô bờ, người dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời, cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng.

Hình ảnh tái hiện đoàn quân chiến thắng qua năm cửa ô tiến vào Hà Nội giải phóng Thủ đô.

Những giờ phút hào hùng và rưng rưng niềm vui ấy sẽ mãi là những hình ảnh, những dấu ấn hạnh phúc và đầy tự hào của thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Để rồi mỗi khi tháng Mười đến lại thấy tâm hồn mình chộn rộn mà thênh thang quá đỗi.

Tháng Mười cho ta được đong đầy ký ức và tâm sự với các thế hệ cha anh, những bậc sinh thành đã trọn đời cống hiến cho người, cho đời, nhưng vẫn còn đồng hành và dõi theo những ước mơ xanh.

Ngày mở đầu của tháng Mười không phải ngẫu nhiên lại là ngày của người cao tuổi, ngày của những thế hệ đã đi qua gần hết chặng đường đời, có một ngày để cho chúng ta tri ân, cho chúng ta tôn vinh trong niềm tự hào về những thế hệ đã vì tương lai mà sống, mà dâng hiến cả cuộc đời.

Tháng Mười cho ta thể hiện lòng biết ơn và sẻ chia bằng tình cảm chân thành và kính trọng. Cho ta hứa một điều sẽ sống để không hổ thẹn với cha anh. Tháng Mười cho ta niềm hân hoan trong tình yêu và hạnh phúc, cho ta dâng những bó hoa tươi thắm nhất cho mẹ, cho chị, cho em, một nửa thế giới yêu thương của nhân loại.

Chúng ta tôn vinh những người phụ nữ cũng chính là tôn vinh niềm hạnh phúc của mình. 20/10 ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày của yêu thương và khát vọng, khát vọng được sinh ra tự mạch nguồn, tự thuở hồng hoang và sẽ mãi mãi là dòng chảy bất tận. Mẹ là nơi cho ta khao khát tìm về, cho ta gửi gắm những niềm vui và cả những nỗi buồn, cho ta tìm thấy sự bình yên và ấm áp. Mẹ cho ta biết dâng hiến cho đời và cho ta biết phải hy sinh.

Ngày 20/10 tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam.

Tháng Mười, một dấu mốc cho ta hiểu rằng ta đã đi qua hai phần ba chặng đường của một năm, cho ta nhìn lại để nghĩ suy và để vững tin bước tiếp chặng đường về đích. Những dự cảm của tâm hồn, những dự định của cuộc sống, những phần việc còn dở dang... Để rồi kết thúc một năm, một chặng đường, một mục tiêu đã định, ta sẽ nhẹ nhàng, khoan khoái khi đã hoàn thành mỹ mãn những gì ta mong muốn.

Tháng Mười về cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau. Cảm xúc tự hào, cảm xúc của yêu thương chân thành và kính trọng, cảm xúc của những suy tư và lắng đọng tâm hồn. Những cung bậc cảm xúc đủ để cho ta nói lời cảm ơn tháng Mười nhiều lắm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.