Nếu bà Harris làm Tổng thống?

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 giữa Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang ở thế quyết liệt khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Cục diện bầu cử vẫn là sự bất phân thắng bại giữa hai ứng viên. Nếu Kamala Harris giành chiến thắng, bà sẽ làm nên lịch sử theo nhiều cách.

- Nữ tổng thống đầu tiên: Bà Harris sẽ phá vỡ rào cản vô hình, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ cao nhất tại trên chính trường Mỹ,

- Người phụ nữ da màu đầu tiên làm Tổng thống: Nếu Kamala Harris chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, bà sẽ trở thành nữ Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

- Tổng thống thứ hai đến từ bang California: Bà Harris sẽ là Tổng thống thứ hai đến từ bang California, sau ông Richard Nixon.

Chính sách đối ngoại nếu bà Harris đắc cử

Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ bắt đầu tham gia đường đua vào Nhà Trắng từ hồi tháng 7, nhưng đã nhanh chóng san bằng cách biệt về tỷ lệ ủng hộ với cựu Tổng thống Donald Trump, vực dậy niềm tin bên trong đảng Dân chủ. Nếu thắng cử, bà Harris được cho là sẽ tiếp nối nhiều chính sách đối ngoại từ người tiền nhiệm Joe Biden, tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đồng minh, đối tác.

Thực tế cho thấy, quan điểm chính sách đối ngoại của bà Harris khá tương đồng với cách tiếp cận theo chủ nghĩa quốc tế mà Tổng thống Biden theo đuổi, song tiến bộ hơn ở một số lĩnh vực.

Bà coi các thể chế và chuẩn mực toàn cầu do Mỹ dẫn dắt sau Thế chiến II là thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất mà đất nước đạt được và đã cảnh báo về những lời kêu gọi Mỹ thu hẹp các cam kết của mình trên trường quốc tế. Trong thời gian làm Phó Tổng thống, bà Harris đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hơn 10 lần. Bà thay mặt Tổng thống Biden tại ba Hội nghị An ninh Munich thường niên, một trong những hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế quan trọng nhất.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Las Vegas, bang Nevada. Ảnh: AP.

Tại hội nghị năm nay, bà Harris cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine "cho đến chừng nào còn cần thiết". Theo một số nguồn tin, Phó Tổng thống Harris cũng đã giúp đàm phán thỏa thuận trao đổi tù nhân mang tính bước ngoặt hồi tháng 8 giữa Mỹ và Nga trong cuộc họp kín với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich năm nay. Bà Harris mô tả NATO là "liên minh quân sự vĩ đại nhất mà thế giới từng biết", kiên quyết phản bác lại lời đe dọa của ông Trump rằng nếu đắc cử, ông sẽ rút Mỹ khỏi khối này. Ngoài ra, bà Harris cũng đặt nhiều ưu tiên đối ngoại giống Tổng thống Biden, trong đó có cam kết mạnh mẽ của ông với các đồng minh Mỹ ở châu Á.

Mặt khác, với tư cách Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris vẫn tạo ra được chỗ đứng riêng trong các vấn đề đối ngoại. Ví dụ, bà đã dành thời gian cho những mối quan hệ mà Mỹ từng không dành nhiều sự chú ý ở Đông Nam Á. Bà thay mặt Tổng thống Biden dự nhiều hội nghị thượng đỉnh khu vực, như các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Mỹ - ASEAN hồi năm 2023. Bà Harris cũng thay mặt ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2022 và có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong vấn đề Gaza, bà được nhận xét là có cách tiếp cận "đồng cảm" hơn so với ông Biden. Bà Harris là một trong những tiếng nói cấp cao đầu tiên trong chính quyền kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza hồi tháng 3. Bà mô tả số người dân thường thiệt mạng ở Gaza là một "thảm họa nhân đạo". Ở hậu trường, bà được cho là đã thúc giục Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Kinh tế Mỹ ra sao nếu bà Harris đắc cử?

Chính sách của bà Harris có thể giúp tăng nguồn cung nhà và giảm giá thực phẩm, nhưng cũng sẽ khiến môi trường kinh doanh tại Mỹ kém hấp dẫn.

Trong chiến dịch tranh cử, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris xây dựng hình ảnh là người bảo vệ tầng lớp trung lưu. Bà nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế của mình sẽ giúp cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng đang là mối quan tâm của cử tri. Theo Time, bức tranh kinh tế Mỹ cũng sẽ có nhiều thay đổi nếu bà Harris trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước này.

Phó Tổng thống Harris tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở bang Illinois ngày 22/8. Ảnh: AFP.

Chính sách cắt giảm thuế từ thời cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến hết hiệu lực đầu 2025. Vì vậy, Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách thuế. Bà Harris kêu gọi chỉ gia hạn một phần chính sách giảm thuế mà ông Trump thông qua từ năm 2017. Bà cũng cam kết không điều chỉnh thuế thu nhập với những người kiếm được dưới 400.000 USD một năm, đồng thời thúc giục Quốc hội rút lại chính sách giảm thuế cho nhóm giàu nhất và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Bà cũng muốn giảm thuế cho người lao động nuôi con nhỏ và doanh nghiệp nhỏ.

Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ ước tính, việc tăng thuế doanh nghiệp sẽ mang lại cho Mỹ khoảng 1.400 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp thấp là cần thiết để giữ sự cạnh tranh cho kinh tế Mỹ và thu hút các công ty đa quốc gia.

Bà Harris cũng đã đề xuất tăng thuế thặng dư vốn từ 20% lên 28% với người có thu nhập trên 1 triệu USD. Bà đồng thời sẽ áp thuế tài sản với những người có tài sản ròng ít nhất 100 triệu USD. Harris có thể sử dụng nguồn thu từ tăng thuế để chi trả cho các chính sách như hỗ trợ thuế cho các gia đình mới sinh con.

Về chi phí y tế, chính quyền của bà Harris có thể tiếp nối nỗ lực giảm chi phí chăm sóc sức khỏe đang được chính quyền Biden thực hiện. Ngoài ra, bà đề xuất thêm một số biện pháp nhằm giúp người Mỹ tiết kiệm chi phí điều trị, như mở rộng quyền đàm phán giá thuốc của chính phủ, tăng hỗ trợ thuế để bù đắp phí bảo hiểm và mở rộng quyền lợi chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Bên cạnh đó, theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Biden thông qua năm ngoái, chính phủ có thể đàm phán giá trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Bà Harris đã cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán đó để chi phí của nhiều loại thuốc giảm nhanh hơn.

Lãi suất ở mức cao đang khiến người Mỹ ngần ngại mua nhà. Nguồn cung nhà trên thị trường thứ cấp cũng khan hiếm, khi chủ ngại bán vì đang được hưởng mức lãi suất cũ dễ chịu hơn.

Phó Tổng thống Harris tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở bang Illinois ngày 22/8. Ảnh: AFP.

Bà Harris đã đề xuất hỗ trợ 25.000 USD tiền trả trước cho khoảng 400.000 người mua nhà lần đầu. Số này gấp 2,5 lần so với đề xuất giảm trừ thuế (10.000 USD) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3. Chiến dịch của Phó Tổng thống Harris cho biết kế hoạch này sẽ giúp được khoảng 1 triệu người mỗi năm.

Bà cũng sẽ đề xuất lập một quỹ đổi mới trị giá 40 tỷ USD. Quỹ này giúp chính quyền địa phương cấp tài chính cho các giải pháp về xây nhà và hỗ trợ phương pháp "sáng tạo" trong cấp vốn xây dựng. Một số khu đất liên bang đủ điều kiện cũng được tái thiết cho các dự án nhà ở mới.

Chiến dịch của bà Harris cho biết 3 triệu căn dự kiến được xây mới trong 4 năm. Bà cũng lên kế hoạch ngăn các nhà đầu tư Phố Wall mua bất động sản hàng loạt và hỗ trợ thuế lên tới 10.000 USD cho người mua nhà lần đầu.

Một số nhà kinh tế cũng lo ngại kế hoạch của bà sẽ làm tăng nhu cầu trước khi nguồn cung có thể bắt kịp, từ đó tạo thêm áp lực lên giá cả.

Để ngăn giá cả cao, bà Harris đề xuất cấm các nhà cung cấp thực phẩm và cửa hàng tạp hóa tăng giá quá mức. Chiến dịch của Harris chưa công bố chi tiết về cách thức làm việc này và vẫn cần Quốc hội thông qua để trở thành luật. Hàng chục bang đã có luật cấm tăng giá quá mức, nhưng hiện tại chưa có luật liên bang nào quy định điều này.

Tuy nhiên, chính sách trên vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa và nhiều nhà kinh tế.

Về cuộc chiến thuế quan, mặc dù không có khả năng áp dụng thuế quan toàn diện đối với các đồng minh châu Âu, bà Harris vẫn có khả năng tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc. Năm nay, Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt thuế quan nhắm vào hàng nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân. Xe điện phải chịu mức thuế 100%. Mức thuế này được đặt ở mức 50% đối với pin mặt trời và 25% đối với pin EV, khoáng sản quan trọng, thép và nhôm. Chính quyền tiềm năng trong trường hợp bà Kamala Harris đắc cử có thể sẽ tiếp tục sử dụng thuế quan (chủ yếu là đối với Trung Quốc) để giải quyết những gì Mỹ coi là cạnh tranh không lành mạnh và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của Mỹ.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, nhập cư cũng là mối quan tâm hàng đầu ở Mỹ.

Nếu đắc cử, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết bà sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật an ninh biên giới do đảng Cộng hòa và Dân chủ soạn thảo vào đầu năm nay. Thỏa thuận thất bại đó đã trở thành trọng tâm trong các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Harris về vấn đề nhập cư và hé lộ cách tiếp cận có thể có của bà Harris đối với vấn đề nhập cư với tư cách là tổng thống.

Trong chuyến thăm khu vực biên giới giáp Mexico tại bang Arizona hồi tháng 9, bà Harris vạch kế hoạch siết hạn chế với người tị nạn. Quan chức chiến dịch của bà Harris cho biết bà dự định đề xuất mức thấp hơn để thực thi biện pháp hạn chế tiếp nhận đơn xin tị nạn. Đây được xem là nỗ lực đáng chú ý của bà Harris khi Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu vụ vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Bà Harris đã kêu gọi cải cách toàn diện chính sách nhập cư, bao gồm xây dựng lộ trình cho phép người nhập cư trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp, đặc biệt là trẻ em.

Hy vọng cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái

Phá thai từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi sâu sắc trong chính trường Mỹ, tuy nhiên mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Tòa án Tối cao nước này đảo ngược phán quyết Roe v. Wade vào năm 2022, dẫn đến việc chấm dứt quyền phá thai được hiến pháp bảo vệ gần 50 năm.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, quyền phá thai đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm.

Bà Kamala Harris đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền phá thai trong chiến dịch tranh cử, cam kết sẽ bảo vệ và mở rộng quyền tự do sinh sản.

Trong cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng viên hồi tháng 9, bà Harris khẳng định sẽ khôi phục quyền phá thai, nhấn mạnh đối thủ Donald Trump chắc chắn không có quyền ra lệnh cho phụ nữ phải làm gì với cơ thể mình.

Dù là một chính trị gia bị chỉ trích vì thay đổi lập trường trong một số vấn đề, bà Kamala Harris có một niềm tin bất di bất dịch với quyền phá thai trong nhiều năm qua.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.

Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.

Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.