Người nghệ nhân chế tác dép cao su Bác Hồ
Đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ, một đồ vật tưởng chừng chỉ còn trong những viện bảo tàng hay trong ký ức của nhiều người. Nhưng dưới bàn tay nghệ nhân Phạm Quang Xuân, đôi dép cao su ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa.
Đối với gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân, mỗi sản phẩm được làm ra không chỉ là một đôi dép đơn thuần mà nó còn mang trong đó cả ý nghĩa lịch sử và xã hội. Hãy cùng tìm hiểu về hành trình gìn giữ di sản văn hóa và lịch sử qua những đôi dép lốp.
Trong khuôn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, một góc nhỏ trưng bày những đôi dép cao su đầy màu sắc, thu hút sự chú ý của du khách. Tại đây, họ có thể trực tiếp chứng kiến quá trình nghệ nhân tỉ mỉ làm các công đoàn khác nhau hoàn toàn thủ công để biến chiếc lốp xe ô tô, lốp máy bay xù xì, nặng chịch thành đôi dép cao su mang thương hiệu "Vua dép lốp".
Tiếng vang mà "Vua dép lốp" có được trước tiên là nhờ bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân. Ông là một trong số năm người thợ giỏi nhất được Bảo tàng Hồ Chí Minh mời tái tạo lại đôi dép Bác Hồ để trưng bày trong các bảo tàng và di tích lịch sử. Trong số những người thợ ấy, giờ đây chỉ còn mình ông gắn bó với công việc này.
Ông Phạm Quang Xuân sinh năm 1943 tại Hà Nội. Năm 1965, ông bắt đầu làm dép cao su tại Xí nghiệp Bách Hóa cấp hai, số 45 phố Hàng Bồ, Hà Nội. Sau khi đất nước giải phóng, do phải cạnh tranh với vô vàn sản phẩm mẫu mã đa dạng và tiện dụng, nghề làm dép lốp dần suy thoái, xí nghiệp giải thể. Dù có thời gian phải chuyển nghề khác để mưu sinh, nhưng chỉ bốn năm sau, tình yêu với những đôi dép cao su đã thúc giục nghệ nhân Phạm Quang Xuân quay trở lại với công việc.
Dù đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông Phạm Quang Xuân vẫn sẵn sàng làm dép nếu khách hàng có nhu cầu. Ông Xuân cho biết, công đoạn khó nhất để tạo nên đôi dép lốp là lên quai. Quai dép phải đủ độ cong, trơn nhẵn, ôm chân. Khi làm quai ông liên tục ướm thử vào chân đến khi êm ái vừa vặn là đạt yêu cầu. Khoảng 3 giờ đồng hồ miệt mài là ông cho ra đời một sản phẩm. Cầm đôi dép trên tay mới thấy được bao nỗ lực tâm huyết của người nghệ nhân.
Sau chiến tranh, những chiếc dép lốp dần biến mất do nhu cầu thị trường thay đổi, dép lốp trở thành một kỷ niệm lịch sử của dân tộc. Ông Phạm Quang Xuân là một trong số ít người còn duy trì làm nghề với số lượng ít ỏi. Với ông, đó không chỉ là đôi dép đơn thuần mà đó còn mang ý nghĩa lịch sử xã hội. Đôi dép lốp đã trở thành huyền thoại gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như bộ đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Lúc đầu, ông chỉ làm dép để đi và tặng bạn bè. Dần dần mọi người biết đến và hỏi mua nhiều hơn nên ông sản xuất để bán cho đến nay.
Không làm theo một kiểu mẫu có sẵn, ông Xuân thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những miếng cao su và đáp ứng những yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt ông đặt tên cho hai mẫu dép là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp. Chúng được mô phỏng theo đôi dép mà Bác Hồ và Bác Giáp từng sử dụng.
Những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, chịu nước, bảo vệ bàn chân kể cả khi dẫm lên mảnh chai, thép gai, lửa đỏ. Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Xuân đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kỹ càng hình mẫu đôi dép Bác Hồ cùng với những kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề để có thể mô phỏng chính xác đôi dép ấy.
Điều đặc biệt hơn nữa là từ năm 2012, mỗi đôi dép do gia đình ông Xuân làm ra lại được khắc vào lòng dép hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về cơ duyên ra đời của ý tưởng này, ông Xuân cho biết: "Tình cờ có khách du lịch nước ngoài biết và tìm đến nhà tôi để đặt làm một đôi dép. Khi làm xong thì họ đề nghị tôi khắc một hình kỷ niệm để nhớ về Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi nghĩ ngay ra hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hình ít thôi nhưng mà nói được nhiều. Họ thích lắm. Từ chỗ một người thích đó thì nhiều người thích".
Trải qua hơn nửa thế kỉ làm dép lốp, tình yêu bền bỉ của người nghệ nhân cao tuổi đã ngấm dần sang những người thân trong gia đình. Năm 2013, anh Nguyễn Tiến Cường, người con rể của ông đã quyết định từ bỏ vị trí phó giám đốc của một công ty công nghệ để phụ giúp ông Xuân xây dựng thương hiệu "Vua dép lốp".
Anh Cường tâm sự thời gian đầu, khi ngỏ ý muốn được truyền nghề, bố vợ anh đã nhiều lần gạt đi, vì sợ con rể đi theo cái nghề vất vả, lại chẳng nhìn thấy tương lai. Thế nhưng sau nhiều lần thuyết phục, nghệ nhân Phạm Quang Xuân cũng đồng ý.
Từ một nghề thủ công chẳng còn hưng thịnh thì nay đôi dép lốp hay còn gọi là dép cao su, đôi dép Bác Hồ của Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt. Kế thừa hành trình bền bỉ của nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người con rể của ông là anh Nguyễn Tiến Cường cũng đang góp phần khoác lên yếu tố thời đại cho những đôi dép lịch sử, góp phần kể câu chuyện di sản, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và những người thợ gắn bó với nghề.
Anh Cường chia sẻ muốn đưa đôi dép lốp cao su trở thành một di sản của Việt Nam, đồng thời muốn tạo ra một bảo tàng dép lốp để du khách ở khắp mọi nơi trên thế giới đến để biết về lịch sử oai hùng bộ đội cụ Hồ thông qua chặng đường của đôi dép lốp.
Câu chuyện dép cao su một lần nữa được kể lại dưới bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân và người học trò xuất sắc nhất của ông là anh Nguyễn Tiến Cường. Dù ở hai thế hệ khác nhau nhưng họ có chung tình yêu và mong muốn đưa thương hiệu dép cao su Việt Nam - đôi dép Bác Hồ vươn ra thế giới.
Trong những năm qua những đôi dép lốp của gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân đến tay hàng triệu khách hàng trên mọi miền tổ quốc và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Những đôi dép cao su, mà nhiều người còn gọi vui là "những đôi hài vạn dặm" làm từ lốp ô tô cũ mang trên mình hình dáng và cả chiều dài lịch sử đất nước đã đang và sẽ tiếp tục theo chân người Việt và bạn bè quốc tế đi khắp năm châu để kể cho thế giới nghe về câu chuyện bình dị mà phi thường của những người dân sống trên dải đất hình chữ S thân thương.
Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
0