Nỗi lo đảm bảo an ninh lương thực
Trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Indonesia đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2024, đồng thời đa dạng hoá thói quen ăn uống, sử dụng các loại tinh bột khác thay thế gạo.
Indonesia lo khủng hoảng lương thực vì hạn hán
Indonesia thường trải qua hạn hán kéo dài trong mùa khô diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Tình hình mùa khô năm nay được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino cực đoan đang làm gián đoạn sản xuất lúa gạo tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Bộ Nông nghiệp Indonesia đã triển khai chương trình phân phối 20.000 máy bơm đến các vùng trồng lúa khô hạn trên khắp cả nước để hỗ trợ nông dân khai thác nước tưới từ sông và nguồn nước ngầm.
Trong nhiều tháng qua, chị Nurlaila, một nông dân ở tỉnh Aceh, miền Tây đảo Sumatra ra thăm đồng với một can dầu, để nạp nhiên liệu cho những chiếc máy bơm nước. Máy bơm nước đã trở thành hy vọng duy nhất của chị Nurlaila và nhiều người nông dân Indonesia khác để ngăn chặn nguy cơ mất mùa do hạn hán.
Năm 2023, khoảng 2/3 diện tích Indonesia - bao gồm cả đảo Java, đảo lân cận Sumatra - đã trải qua mùa khô khắc nghiệt nhất kể từ năm 2019. Cùng với nhiều đợt nắng nóng trong năm nay, thời tiết khô hạn khiến diện tích gieo trồng lúa của Indonesia giảm 36,9%, xuống còn 6,55 triệu hecta trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024.
Diện tích gieo trồng giảm kéo theo năng suất lúa gạo - lương thực chính của người dân Indonesia giảm theo. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Indonesia chỉ ra rằng, một cuộc khủng hoảng lương thực có thể khiến 7 -16% dân số rơi vào tình trạng thiếu đói. Với dân số hiện nay khoảng 281,6 triệu người, Indonesia sẽ có khoảng 19-45 triệu người có nguy cơ thiếu lương thực.
Để giải quyết khó khăn, chính phủ Indonesia đã tăng hạn ngạch nhập khẩu lên 3,6 triệu tấn gạo và nhiều khả năng có thể phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo trong năm nay. Ngoài ra, giới chức Indonesia còn khuyến khích người dân chuyển sang ăn các loại ngũ cốc khác khi giá gạo đang lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt.
Về lâu dài, nhà kinh tế học môi trường Romauli Panggabean của Viện Tài nguyên thế giới Indonesia cho rằng, chính phủ Indonesia nên tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng tưới tiêu, bao gồm cải tạo các kênh đào hiện hữu và đào các kênh mới; song song đó là hướng dẫn nông dân các tập quán canh tác trong điều kiện hạn hán và các kỹ thuật bảo tồn nước, lưu trữ sau thu hoạch. Công nghệ cũng được khuyến khích áp dụng nhiều hơn, như dùng thiết bị bay không người lái và bộ cảm biến để theo dõi mùa màng, độ ẩm trong đất...
Philippines giảm mạnh thuế nhập khẩu để kiềm chế giá gạo
Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang tiến hành cắt giảm thuế nhập khẩu đối với lương thực thiết yếu từ 35% xuống còn 15% cho đến năm 2028, để kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giá gạo.
Động thái này được đưa ra vào thời điểm giá gạo tăng cao đang là vấn đề lớn đối với những gia đình thu nhập thấp ở Philippines, làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Gạo chiếm 9% chỉ số giá tiêu dùng của Philippines, nhưng trong những tháng gần đây, mặt hàng chủ lực này đã chiếm hơn một nửa tỷ lệ lạm phát.
Tại một khu chợ ở thủ đô Manila, giá gạo đã được điều chỉnh nhiều lần, lần sau cao hơn lần trước. Loại gạo được người dân Manila mua nhiều nhất hiện nay dao động trong khoảng 59 đến 62 Peso Philippines (tức 1,01 đến 1,06 USD) mỗi kg. So với tháng 9 năm ngoái, giá gạo đã tăng hơn 40%.
Giá gạo liên tục tăng ở Philippines có thể một phần là do các yếu tố bên ngoài như hiện tượng El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách trong nước cũng là một vấn đề.
Chính phủ Philippines cam kết sẽ bình ổn giá gạo ở mức 20 Peso/kg (tương đương 0,34 USD/kg). Tuy nhiên, chỉ số lạm phát tăng đã khiến giá gạo khó hạ nhiệt. Theo kết quả thăm dò do công ty thăm dò ý kiến Pulse Asia của Philippines công bố mới đây, ít nhất 76% người Philippines mong muốn chính phủ quyết liệt đối phó với lạm phát hơn và tập trung vào việc ổn định an ninh nội địa, trong đó có cả an ninh lương thực.
Trước tình hình này, Tổng thống Ferdinand Marcos hồi tháng 6 đã ký Sắc lệnh số 62 điều chỉnh giảm 20% thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có gạo với thời hạn áp dụng cho tới năm 2028. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho giá gạo trên thị trường giảm khoảng 6-7 pesos/kg, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia gọi mức thuế thấp hơn của Manila là “con dao hai lưỡi”, vì người tiêu dùng được hưởng lợi trong khi nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu rẻ hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này là 2,32 triệu tấn, tăng 24,7%. Dự kiến tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn.
Nhật Bản khan hiếm gạo
Sức nóng trên thị trường gạo không chỉ là câu chuyện riêng ở Indonesia hay Philippines. Tại Nhật Bản, người dân nước này cũng rơi vào một tình cảnh chưa từng xảy ra: thiếu gạo, khi lượng dự trữ gạo của khu vực tư nhân giảm 20% so với năm 2023, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Báo cáo thường niên của chính phủ Nhật Bản về ngành nông nghiệp công bố gần đây thừa nhận, an ninh lương thực của “đất nước mặt trời mọc” đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Tình hình thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và các đợt nắng nóng hay mưa lũ kéo dài không chỉ làm giảm chất lượng gạo, mà còn khiến sản lượng thu hoạch lúa chất lượng hàng đầu ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Những ngày này, nhiều cửa hàng, siêu thị ở Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm gạo. Tại các siêu thị lớn như Life, Frente và một số cửa hàng gạo ở thủ đô Tokyo, hầu hết các kệ hàng bán gạo và mì ăn liền đều trống hoàn toàn. Ngay cả gạo nếp tuy vẫn còn trên kệ nhưng lại hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua 1kg. Ông Hidehisa Shinohara, một chủ cửa hàng gạo ở Tokyo cho biết ông chưa bao giờ chứng kiến tình cảnh như vậy.
Nguồn cung thiếu hụt dẫn đến giá cả tăng cao. Số liệu mới được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản công bố cho thấy giá gạo đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Những chủ cửa hàng như ông Hideshita lo ngại về nguy cơ nguồn cung gạo sẽ vẫn bấp bênh trong thời gian tới, trong khi người tiêu dùng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính, khi gạo là nguồn lương thực chính của người dân Nhật Bản.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu gạo. Thứ nhất là tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường tại nước này, kéo dài từ năm ngoái đến năm nay khiến năng suất lẫn chất lượng gạo đều suy giảm. Thứ 2 là do lượng khách du lịch tăng đột biến, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng lên, nhu cầu gạo của khách du lịch trong nước tăng khoảng 31.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ 3 là do tình trạng người dân tích lũy gạo quá mức do lo ngại động đất, sóng thần trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu gạo hiện tại cũng là hệ lụy của chính sách “giảm diện tích trồng lúa” kéo dài hơn 50 năm qua tại Nhật Bản. Theo số liệu thống kê, số lao động trong ngành nông nghiệp tại Nhật Bản chỉ còn khoảng 1,16 triệu người vào năm 2023, giảm hơn 50% so với 2,4 triệu người vào năm 2000.
Tình trạng thiếu gạo ở Nhật Bản dự kiến sẽ giảm bớt vào tháng 9, khi đợt thu hoạch gạo mới sẽ bắt đầu và được chuyển đến tay người tiêu dùng, đồng thời chấm dứt hoàn toàn vào tháng 10 và 11. Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản tiếp tục thực hiện sáng kiến thu hồi đất của những người nông dân không thể sản xuất lúa do sức khỏe và tuổi tác, để thành lập các công ty sản xuất lúa gạo hoặc cánh đồng mẫu lớn; thúc đẩy ứng dụng khoa học tiên tiến và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp. Bên cạnh việc tăng cường nhập khẩu gạo thì Nhật Bản cũng phải tìm cách cải thiện sức chống chịu của các giống lúa trước tình trạng biến đổi khí hậu và nắng nóng ngày càng khốc liệt như hiện nay. Theo đó, ngành nông nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch sang các giống lúa chịu nhiệt. Giới chức tỉnh Niigata - một trong những vựa lúa lớn của Nhật Bản cho biết, giống lúa chịu nhiệt Shinnosuke do chính quyền tỉnh này phát triển đã được trồng trên 5.300 ha trong năm nay, tăng 20% so với năm trước.
Bờ biển Ngà nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực
Gạo cũng là lương thực cơ bản ở nhiều nước Tây Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà. Mỗi năm, người dân Bờ Biển Ngà tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn gạo, trong khi sản lượng gạo trắng địa phương chỉ ở mức 1,4 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Bờ Biển Ngà chủ yếu nhập khẩu gạo từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan.
Trước tình hình nguồn cung thiếu hụt do biện pháp hạn chế từ một số nhà xuất gạo lớn, Bờ Biển Ngà đã đưa vào canh tác một loại giống lúa mới có khả năng chịu hạn, nhằm tăng năng suất và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, qua đó đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Ông Francois Kasse Yao, 52 tuổi, một nông dân ở Bờ Biển Ngà lâu nay phải vật lộn để kiếm sống do chỉ trồng được một vụ lúa mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào canh tác giống lúa mới, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khó lường, thu nhập của gia đình ông Kasse Yao đã cải thiện đáng kể.
Giống lúa mới này là một phần trong dự án đầu tư trị giá hơn 550 triệu đô la Mỹ do chính phủ Bờ Biển Ngà, các đối tác và khu vực tư nhân tài trợ, nhằm giúp quốc gia Tây Phi này tiến tới tự chủ về lương thực. Không chỉ ưu tiên trồng giống lúa mới, Bờ Biển Ngà còn đẩy mạnh cải tạo hệ thống tưới tiêu, cơ giới hóa quy trình thu hoạch sản xuất để hỗ trợ nông dân.
Hiện gạo thành phẩm từ giống lúa mới đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người tiêu dùng, với giá trung bình khoảng 1,09 đô la một kg. Theo các dự báo, đến năm 2027, Bờ Biển Ngà có thể sản xuất khoảng 2.200.000 tấn gạo, đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước.
Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng Hàng hóa Toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo trên thế giới sẽ tăng thêm khoảng 6% trong năm nay và sẽ khó hạ nhiệt trước năm 2025, do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng thời tiết El Nino. Do đó các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, chính phủ các nước cần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo ra hệ thống lương thực mạnh mẽ và tự chủ hơn, nhằm vững vàng trước các thách thức về an ninh lương thực.
Sau nhiều tuần chịu áp lực gia tăng,Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng sau khi đảng Tự do cầm quyền bầu được lãnh đạo mới. Động thái này đánh dấu kết thúc một chương dài trong sự nghiệp chính trị của ông Trudeau sau hơn 1 thập kỷ lãnh đạo đất nước Canada.
Trước sức ép từ chính nội bộ Đảng Tự do cầm quyền, ông Justin Trudeau đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng và vị trí Thủ tướng Canada, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên chính trường nước này.
Con số thương vong tiếp tục tăng mạnh sau trận động đất làm rung chuyển huyện Dingri thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc vào sáng nay. Theo hãng thông tấn nhà nước China News Service, đến nay ít nhất 106 người đã thiệt mạng và 174 người khác bị thương trong trận động đất.
Con số thương vong tiếp tục tăng mạnh sau trận động đất làm rung chuyển huyện Dingri thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc vào sáng nay. Theo hãng thông tấn nhà nước China News Service, đến nay ít nhất 106 người đã thiệt mạng và 174 người khác bị thương trong trận động đất.
Sau khi xảy ra hai vụ lao xe vào đám đông tại Mỹ và Đức khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, Bộ Nội vụ Pháp đã yêu cầu thắt chặt an ninh tại các sự kiện lớn được tổ chức trên toàn quốc nhằm đảm bảo an ninh cho người dân trong những ngày đầu Năm mới 2025.
Sau khi Quốc hội Mỹ đã có phiên họp chung để kiểm đếm số phiếu đại cử tri và chính thức xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới. Đây đã là nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Donald Trump, hứa hẹn một phiên bản hoàn toàn khác so với thời điểm cách đây 8 năm.
0