Rò rỉ tin nhắn tuyệt mật và bài học đắt giá
Vụ rò rỉ thông tin gây chấn động
The Atlantic đã công bố đoạn tin nhắn trên ứng dụng Signal mang tên "Houthi PC small group" vào ngày 13/3. Nhóm này bao gồm 18 thành viên, trong đó đáng chú ý có Phó Tổng thống JD Vance, Cố vấn An ninh quốc gia Michael Waltz, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) John Ratcliffe.
Ông Goldberg cho biết đã nhận được yêu cầu kết nối từ một người tên Mike Waltz vào ngày 11/3 và hai ngày sau ông được thêm vào nhóm chat này. Chính bản thân ông Goldberg đã rất bất ngờ và không tin vào điều này. Ông cho rằng, đây có thể là một hoạt động tình báo nước ngoài hoặc một tổ chức muốn gài bẫy các nhà báo hoặc mớm tin cho họ.
Trong nhóm chat, các thành viên đã tranh luận gay gắt về việc Mỹ có nên tiến hành cuộc không kích vào lực lượng Houthi ở Yemen hay không.
Ông Goldberg khẳng định, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã tiết lộ thông tin về mục tiêu, vũ khí và trình tự tấn công của Mỹ.
Nhóm chat dường như không ai để ý sự tham gia của ông Goldberg khi thảo luận chi tiết kế hoạch tấn công vào Yemen, bao gồm loại vũ khí, mục tiêu và thời gian, thậm chí danh tính của một nhân viên tình báo. Ông Goldberg đã rất kinh ngạc khi Mỹ thật sự không kích nhóm Houthi vào ngày 15/3, chỉ hai giờ sau khi kế hoạch được chốt trên nhóm trao đổi.
Sau khi nhận ra nhóm chat này là có thật, ông đã tự rời khỏi nhóm và viết bài để phơi bày lỗ hổng an ninh.
Sau khi bài viết của ông Goldberg được xuất bản và gây chấn động, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bác bỏ thông tin trên. Ông Hegseth tuyên bố: “Không ai nhắn tin kế hoạch tác chiến”.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes đã xác nhận sự tồn tại của nhóm chat.
Trước sức ép từ dư luận, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc CIA John Ratcliffe đã ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, khẳng định không có tài liệu mật nào được chia sẻ. Theo ông Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz đã lập nhóm chat trên Signal để điều phối các thông tin không phải là mật.
“Tôi nghĩ rõ ràng điều này phản ánh rằng Cố vấn an ninh quốc gia coi nhóm chat này là cơ chế để phối hợp giữa các quan chức cấp cao, nhưng nó không thay thế cho việc sử dụng các kênh giao tiếp bảo mật cho các thông tin mật. Tôi nghĩ đó chính xác là những gì đã xảy ra”.
Ông John Ratcliffe, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ
Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ nhóm an ninh của mình, khẳng định chính quyền sẽ xem xét lại việc sử dụng Signal nhưng bác bỏ trách nhiệm của cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz - người được cho là đã vô tình thêm Tổng biên tập Goldberg vào nhóm trò chuyện.
“Theo những gì tôi biết, không có thông tin mật nào được chia sẻ cả. Họ chỉ sử dụng một ứng dụng mà rất nhiều người trong chính phủ và truyền thông cũng sử dụng. Nhưng tôi nghĩ việc chỉ trích ông Mike Waltz là không công bằng. Những cáo buộc này có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ai mà biết được”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News trước đó, cố vấn Mike Waltz nhận trách nhiệm về sự cố dù nhấn mạnh không có thông tin mật nào bị lộ.
“Như Tổng thống đã nói, nếu có thể, chúng tôi muốn tất cả các cuộc thảo luận diễn ra trong một phòng họp bảo mật tuyệt đối. Ứng dụng này đã được CIA mã hóa và cài đặt từ lâu. Nó cũng được sử dụng trong nhiều cơ quan khác", ông Mike Waltz nói.
Đồng thời, ông Mike Waltz cũng khẳng định không quen biết và chưa từng gặp hay liên lạc với nhà báo Goldberg. Ông Waltz cũng giải thích rằng sự cố này có thể là do ông vô tình lưu số điện thoại của nhà báo Goldberg dưới một tên khác.
Tranh cãi về việc vi phạm luật
Vụ rò rỉ thông tin trong nhóm chat Signal đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với sự chỉ trích về cách xử lý thông tin nhạy cảm về chính sách đối ngoại. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sau vụ lùm xùm lộ tin mật. Trong khi đó, tương lai của Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz cũng đang bị để ngỏ.
Sự cố lần này không chỉ làm dấy lên tranh cãi về việc sử dụng ứng dụng mã hóa trong chính phủ, mà còn đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của thông tin khi các quan chức cấp cao không sử dụng hệ thống bảo mật chính thức. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã gọi việc sử dụng Signal để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia là trái pháp luật và yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện.
“Thông tin mật tuyệt đối không được thảo luận trên hệ thống không bảo mật, nhưng điều đáng lo ngại hơn là có rất nhiều quan chức cấp cao trong cuộc trò chuyện đó mà không ai kiểm tra tính bảo mật. Đây là nguyên tắc an ninh cơ bản. Những người tham gia cuộc trò chuyện đó là ai? Trong nhóm còn có cả một nhà báo và dù Bộ trưởng Quốc phòng có cố gắng xem nhẹ sự hiện diện của nhà báo đó như thế nào, thì ít nhất ông ta cũng có đạo đức nghề nghiệp để không công khai mọi thứ mình nghe được. Đây không chỉ là hành vi cẩu thả mà còn vi phạm nghiêm trọng mọi quy trình an ninh. Nếu thông tin này bị lộ, sinh mạng người dân Mỹ có thể bị đe dọa”.
Ông Mark Warner, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ
Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng tỏ ra quan ngại. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune cho biết, Ủy ban Quân vụ Thượng viện sẽ mở cuộc điều tra về cách thức các quan chức chính quyền Tổng thống Trump sử dụng Signal cũng như các ứng dụng nhắn tin mã hóa khác trong việc trao đổi thông tin quan trọng.
Một cựu quan chức Mỹ cho biết, các chi tiết về hoạt động quân sự thường là tài liệu mật, được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ được truy cập qua hệ thống máy tính bảo mật cao, không kết nối với mạng Internet thông thường.
Việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Signal để trao đổi thông tin mật đang làm dấy lên tranh cãi về khả năng vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ. Tuy nhiên, liệu có ai thực sự bị truy tố hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Theo Đạo luật Gián điệp, hành vi xử lý thông tin an ninh quốc gia một cách “cẩu thả nghiêm trọng” đến mức khiến dữ liệu rơi vào tay những người không được phép có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Về lý thuyết, điều này có thể gây lo ngại cho những người đã nhắn tin về kế hoạch quân sự của Mỹ cho một nhà báo.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump khẳng định, nội dung các tin nhắn không được phân loại là tài liệu mật. Dù vậy, theo nhà báo Jeffrey Goldberg, tuyên bố này khó có thể phù hợp với những gì ông nhìn thấy, bao gồm thông tin về mục tiêu, vũ khí và thời gian các cuộc tấn công dự kiến của Mỹ.
Do Đạo luật Gián điệp có phạm vi rất rộng và có thể xung đột với Tu chính án Thứ nhất về quyền tự do ngôn luận, các công tố viên thường không truy tố những trường hợp rò rỉ thông tin không có chủ đích. Tuy nhiên, những sự cố như vậy vẫn có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của những người liên quan.
"Nếu một người lính đánh mất một vật dụng nhạy cảm, làm mất kính nhìn ban đêm, làm mất vũ khí, chắc chắn rằng người lính đó phải chịu trách nhiệm. Các tiêu chuẩn tương tự và bình đẳng phải được áp dụng cho các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao".
Ông Sean Parnell, Người phát ngôn Lầu Năm Góc
Năm 2015, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton từng bị điều tra vì trao đổi thông tin mật bằng email cá nhân và bị ông Trump chỉ trích thậm tệ. Sau nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng bị điều tra liên quan đến việc đem tài liệu mật ra khỏi Nhà Trắng.
Kevin Carroll, một luật sư Mỹ chuyên về các vụ án an ninh quốc gia cho rằng, cuộc trò chuyện trong nhóm Signal có vẻ đã vi phạm luật liên bang về xử lý thông tin mật. Theo các quan chức tư pháp, thông thường một sai lầm như thế này sẽ bị FBI và Bộ Tư pháp Mỹ điều tra. Tuy nhiên, nhiều khả năng điều đó sẽ không xảy ra vì một số quan chức cấp cao của những cơ quan đó cũng có mặt trong nhóm trao đổi.
Rủi ro khi thông tin mật bị rò rỉ
Signal được nhiều chuyên gia an ninh mạng coi là một trong những ứng dụng nhắn tin an toàn nhất thế giới. Không giống như các ứng dụng khác như WhatsApp hay Telegram, Signal không thu thập siêu dữ liệu và không lưu trữ nội dung trò chuyện trên máy chủ. Điều này khiến nó trở thành một trong những nền tảng giao tiếp an toàn nhất hiện nay, miễn là không có sai sót từ phía người dùng. Tuy nhiên việc vô tình tiết lộ thông tin từ nhóm chat Signal của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên những lo ngại về cách bảo vệ bí mật quốc gia trong thời đại kỹ thuật số.
Signal là một ứng dụng nhắn tin mã hóa đầu cuối, cung cấp các tính năng như nhắn tin văn bản, gọi thoại, gọi video, trò chuyện nhóm, tin nhắn tự hủy và chia sẻ tệp. Ứng dụng này được phát triển bởi tổ chức phi lợi nhuận Signal Foundation và là mã nguồn mở, giúp bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra mã lập trình để đảm bảo tính bảo mật. Cơ chế này ngăn chặn mọi bên thứ ba, bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ và chính phủ truy cập nội dung tin nhắn hoặc nghe lén cuộc gọi.
Mặc dù Signal được coi là ứng dụng nhắn tin mã hóa an toàn, điện thoại cài ứng dụng này có thể bị xâm nhập. Các quan chức trong chính quyền ông Joe Biden cũng thường xuyên sử dụng Signal để thảo luận về kế hoạch hậu cần và đôi khi với các đối tác nước ngoài. Dù Signal có các tính năng mã hóa bảo mật, chỉ một sai lầm nhỏ như chọn nhầm người liên lạc, cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
"Signal được coi là rất, rất an toàn. Nhiều chuyên gia bảo mật coi nó là một nền tảng đáng tin cậy. Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa đây là nơi lý tưởng để chuyển bất kỳ loại bí mật nào. Và tất nhiên, bất kỳ nền tảng nào cũng luôn có một số loại lỗ hổng tiềm ẩn. Trong trường hợp của Tạp chí Atlantic mà chúng ta đã thấy, thách thức chủ yếu xoay quanh lỗi của con người hơn là lỗi công nghệ".
Ông Ben Wood, Nhà phân tích chính của CCS Insight
Việc dùng Signal cho kế hoạch quân sự gây rủi ro với an ninh quốc gia Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng và một số quan chức cấp cao phủ nhận rằng không có thông tin mật nào được chia sẻ trong nhóm nhắn tin thảo luận về kế hoạch tấn công Houthi ở Yemen vào ngày 15/3, The Atlantic đã chia sẻ toàn văn các cuộc trò chuyện, bao gồm cả ảnh chụp màn hình, nhấn mạnh rằng họ đã nhận được thông tin rất cụ thể hơn hai giờ trước khi bắt đầu vụ đánh bom. Tạp chí nhấn mạnh rằng, thông tin này và đặc biệt là thời gian chính xác máy bay Mỹ cất cánh đến Yemen sẽ khiến các phi công và nhân viên Mỹ khác gặp nguy hiểm lớn hơn nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Mặc dù Signal được biết đến với khả năng bảo mật cao, các chuyên gia khẳng định ứng dụng này không được Bộ Quốc phòng Mỹ phê duyệt để trao đổi thông tin về các chiến dịch quân sự.
Giáo sư Reese của Đại học NYU cảnh báo trên The Independent rằng, ngay cả khi chưa có báo cáo về việc Signal bị tấn công, điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn an toàn. Tính bảo mật cao của Signal khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tác nhân độc hại, vì họ cho rằng người dùng sẽ chia sẻ nhiều dữ liệu nhạy cảm hơn ở đây.
Các vụ rò rỉ thông tin ngoài ý muốn, từ sự cố nhóm chat Signal của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là lời cảnh báo về tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ thông tin mật, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của đào tạo, công nghệ kiểm soát và quy trình bảo mật nghiêm ngặt hơn. Vụ việc đã đã làm dấy lên các câu hỏi lớn hơn về an ninh quốc gia, việc sử dụng các ứng dụng mã hóa và trách nhiệm của các quan chức trong việc bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam không quản ngại khó khăn, tiếp tục quá trình tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt sau trận động đất lịch sử tại Myanmar.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế thương mại toàn diện đối với các đối tác thương mại của Mỹ, vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia và khu vực, gây lo ngại về nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu các đối tác thương mại của Mỹ quyết định thực hiện các biện pháp đáp trả.
Tường nhà nứt toác, đổ sập, thiếu phương tiện và nhân lực cứu nạn, người dân và bệnh nhân ngủ ngoài trời - đây là tình hình sau động đất ở thành phố Mandalay.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước NATO nhóm họp trong hai ngày 3-4/4 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu, đặc biệt liên quan đến vấn đề chi tiêu quốc phòng và cam kết bảo vệ đồng minh.
Đại diện Bộ An ninh Giảm nhẹ và Tái định cư Myanmar đã cảm ơn và bày tỏ ấn tượng với năng lực cứu hộ của Việt Nam, trong cuộc làm việc với Đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.
Các biện pháp thuế quan của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng.
0