Tấn công bằng thiết bị liên lạc: vi phạm luật quốc tế?

Những người ủng hộ nhân quyền đang kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về các vụ máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ ở Liban và Syria và cho rằng các vụ nổ có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế nếu những thiết bị này được chế tạo thành bẫy mìn.

Các vụ nổ đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, trong đó có nhiều thành viên của nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Đến nay, Israel vẫn chưa xác nhận hoặc phủ nhận sự liên quan.

Một chiếc bộ đàm phát nổ bên trong một ngôi nhà ở Baalbek, miền Đông Liban vào ngày 18/9/2024

Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc và một số nhóm ủng hộ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích, lập luận rằng các cuộc tấn công đã được thực hiện một cách “bừa bãi” vì gần như không thể biết ai đang cầm các thiết bị hoặc chúng ở đâu khi chúng phát nổ.

“Phải có một cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch về hoàn cảnh của những vụ nổ hàng loạt này và những kẻ ra lệnh và thực hiện một cuộc tấn công như vậy phải chịu trách nhiệm”, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc, Volker Türk, cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các vụ nổ đã được nhắm mục tiêu chính xác vì các thiết bị đã được phân phối cho các thành viên Hezbollah.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ dân thường và những người không tham chiến khác trong xung đột và có mục tiêu giữ thái độ trung lập cho rằng, “sẽ mất thời gian để có thể thiết lập một ý kiến ​​pháp lý” trong vụ việc này.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế từ chối bình luận công khai về việc liệu các vụ tấn công có vi phạm luật nhân đạo quốc tế hay không, một luật khó thực thi và đôi khi bị các quốc gia phớt lờ.

Luật pháp quốc tế chưa bao giờ đề cập đến việc nhắm mục tiêu vào các thiết bị liên lạc mà mọi người mang trên người. Công ước Geneva, cung cấp một bộ quy tắc để bảo vệ thường dân trong xung đột đã được thông qua từ cách đây 75 năm, rất lâu trước khi máy nhắn tin, điện thoại di động và máy bộ đàm được sử dụng rộng rãi ở nơi công cộng. Tính pháp lý càng trở nên phức tạp hơn nữa do Hezbollah là một nhóm vũ trang phi nhà nước hoạt động bên trong Liban, một thành viên có chủ quyền của Liên hợp quốc.

Liệu các thiết bị có phải là bẫy mìn không?

Câu hỏi về cách áp dụng các quy tắc quốc tế cho cuộc tấn công dường như chủ yếu tập trung vào việc liệu một chất nổ bí mật được cài trong một thiết bị điện tử cá nhân có thể được coi là bẫy mìn hay không?

Theo Điều 7 của Công ước về một số loại vũ khí thông thường năm 1996 mà Israel đã thông qua, bẫy mìn được định nghĩa là “bất kỳ thiết bị nào được thiết kế hoặc cải tiến để gây sát thương, hoạt động bất ngờ khi một người làm phiền hoặc tiếp cận một vật thể dường như vô hại”.

Nghị định thư này cấm bẫy mìn “hoặc các thiết bị khác dưới dạng vật thể di động dường như vô hại được thiết kế và chế tạo đặc biệt để chứa vật liệu nổ”.

Bà Lama Fakih, giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Luật nhân đạo quốc tế thông thường cấm sử dụng bẫy mìn - những vật mà dân thường có khả năng bị thu hút hoặc liên quan đến việc sử dụng hàng ngày của dân thường - chính xác là để tránh gây nguy hiểm nghiêm trọng cho dân thường và tạo ra những cảnh tượng tàn khốc vẫn đang diễn ra trên khắp Liban hôm nay”.

“Việc sử dụng một thiết bị nổ mà vị trí chính xác không thể biết được một cách đáng tin cậy sẽ là hành động bất hợp pháp, sử dụng phương tiện tấn công không thể nhắm vào mục tiêu quân sự cụ thể và do đó sẽ tấn công các mục tiêu quân sự và dân thường mà không có sự phân biệt”. “Cần phải tiến hành ngay một cuộc điều tra nhanh chóng và công bằng về các cuộc tấn công này”, bà Fakih kêu gọi.

Một người bị thương do máy nhắn tin cầm tay phát nổ được đưa đến bệnh viện ở Beirut, Liban, ngày 17/9/2024

Công ước về một số loại vũ khí thông thường năm 1996 cũng đặt ra các quy tắc về việc sử dụng mìn, tàn tích của bom chùm và các chất nổ khác. Luật này cấm sử dụng các loại “đạn dược lắp thủ công” khác, chẳng hạn như các thiết bị nổ tự chế “được thiết kế để gây sát thương và được kích hoạt thủ công, bằng thiết bị điều khiển từ xa hoặc tự động sau một khoảng thời gian”.

Các thành viên của nhóm vũ trang Hezbollah tại Liban đã sử dụng máy nhắn tin, nhưng không có gì đảm bảo rằng các thành viên sẽ cầm các thiết bị khi chúng phát nổ. Nhiều người thương vong là dân thường đang tham gia các hoạt động dân sự rộng lớn của Hezbollah, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Shiite ở Liban.

Trong khi đó, Giáo sư Laurie Blank hiện công tác tại Trường Luật Emory ở Atlanta, một chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế và luật xung đột vũ trang, cho biết luật chiến tranh không cấm hoàn toàn việc sử dụng bẫy mìn, nhưng đặt ra giới hạn đối với chúng. Bà tin rằng cuộc tấn công “rất có thể vẫn hợp pháp theo luật pháp quốc tế”.

Bà cho biết bẫy mìn có thể được sử dụng để nhắm vào lực lượng thù địch trong hoặc gần mục tiêu quân sự, bao gồm cả hệ thống liên lạc mà các chiến binh Hezbollah sử dụng.

“Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ đây có phải là kịch bản bẫy mìn hay không. Ví dụ, nếu cuộc tấn công nhằm vào chính máy nhắn tin, thì đó không phải là vấn đề về bẫy mìn,” bà Blank viết trong một email.

Cuộc tấn công ‘bừa bãi’

Các chuyên gia cho biết vụ nổ máy nhắn tin cho thấy một hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu và được tiến hành cẩn trọng, có thể được thực hiện bằng cách xâm nhập vào chuỗi cung ứng và gắn thuốc nổ vào các thiết bị trước khi chúng được chuyển đến Liban.

“Không có lý do nào để biện minh cho việc hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ, không phải là một cuộc tấn công bừa bãi vi phạm luật pháp quốc tế” bà Mai El-Sadany, người đứng đầu Viện Tahrir về Chính sách Trung Đông, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, đã viết trên X.

“Những người giữ máy nhắn tin rải rác khắp các khu vực dân sự, từ các trung tâm mua sắm đến những con phố đông đúc và các tòa nhà chung cư đến bệnh viện, xung quanh là phụ nữ, trẻ em và đàn ông”, bà Mai El-Sadany nói với hãng tin AP. “Một cuộc tấn công như thế này không thể lường trước được người qua đường vô tội nào ở khu vực bị ảnh hưởng hoặc đứa trẻ vô tư nào nhấc máy nhắn tin khi nó kêu bíp”.

Cảnh sát kiểm tra bên trong một chiếc xe ô tô có máy nhắn tin cầm tay phát nổ ở Beirut, Liban, ngày 17/9/2024

Luật sư người Anh Geoffrey Nice, người đã truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Rõ ràng đây là tội ác chiến tranh. Và chúng ta nên lên án hành vi này”. Nhưng ông lưu ý đến hành vi phạm tội ở cả hai bên trong cuộc xung đột Israel-Hamas, ám chỉ đến các cuộc tấn công bằng tên lửa của các chiến binh Hamas vào Israel và thương vong do hoạt động quân sự của Israel ở Gaza kể từ ngày 7/10 năm ngoái.

Israel đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng quốc tế về phản ứng quân sự ở dải Gaza và gần đây hơn là ở Bờ Tây kể từ sau các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.

Vào tháng 5/2024, công tố viên hàng đầu tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cũng như các nhà lãnh đạo Hamas đứng sau các cuộc tấn công, vì hành động của họ trong cuộc chiến.

Cũng trong tháng 5, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra lệnh cho Israel “ngay lập tức” ngừng hoạt động quân sự gây tranh cãi ở thành phố Rafah, phía Nam Gaza.  Tuy nhiên, Israel đã phớt lờ yêu cầu này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hai ngày sau khi xảy ra hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Liban, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã tiến hành không kích vào Beirut, khiến nhiều chỉ huy cấp cao của Hezbollah thiệt mạng.

Tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã buộc nhiều hãng hàng không quốc tế phải điều chỉnh lịch trình bay, thậm chí tạm dừng hoàn toàn chuyến bay đến khu vực này.

Những người ủng hộ nhân quyền đang kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về các vụ máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ ở Liban và Syria và cho rằng các vụ nổ có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế nếu những thiết bị này được chế tạo thành bẫy mìn.

Những người đam mê Apple tại hai quốc gia tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ đã kiên nhẫn xếp hàng chờ hàng chục tiếng đồng hồ bên ngoài một cửa hàng Apple để tận tay sở hữu dòng điện thoại đời mới hiện đại nhất của hãng.

Thời gian gần đây, lưu vực sông Amazon đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến nước tại nhiều sông, hồ cạn trơ đáy. Hồ Tefe, nơi sinh sống của quần thể cá heo nước ngọt, đã khô cạn, gây ra nguy cơ mất môi trường sống cho loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Nga canh báo Liên minh châu Âu đang đi vào con đường tự hủy hoại khi phân bổ thêm kinh phí viện trợ quân sự cho Ukraine.