Tăng giá khởi điểm, giảm nguy cơ bỏ cọc đấu giá đất

Các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây xuất hiện tình trạng “thổi giá” bất động sản. Nhiều trường hợp trả giá cao rồi bỏ cọc gây nhiễu loạn thị trường và khó khăn cho nhà quản lý khi sẽ phải tổ chức đấu giá lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định giá khởi điểm của đất đấu giá đang quá thấp so với thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Và nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì khó có thể hạn chế nguy cơ “thổi giá”, bỏ cọc như đã từng xảy ra.

Cuộc đấu giá đất ở tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai diễn ra ngày 10/8, chỉ có 13/68 thửa đất trúng đấu giá được nộp tiền, còn lại đều bỏ cọc. Cuộc đấu giá tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức ngày 19/8, đến nay cũng mới có 11/19 trường hợp nộp tiền. Điểm chung hai cuộc đấu này là nhiều thửa đất đã bị đẩy giá lên rất cao. Hiệu ứng thổi đất đấu giá tiếp tục lan truyền.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9, đất đấu giá tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ lô trúng cao nhất 75 triệu đồng/m². Đầu tháng 10, quận Hà Đông, huyện Thường Tín cũng đã tổ chức đấu giá đất. Giá trúng cao nhất lần lượt là hơn 262 triệu đồng/m² và hơn 52 triệu đồng/m². Đây đều là mức giá quá cao so với mặt bằng chung khu vực.

Anh Hoàng Tuyển Hùng, xã Chu Minh, huyện Ba Vì cho hay: "Theo tôi nhận định, với các nhà đầu tư giá đó thì chắc không ai dám lấy, bởi vì sẽ không thể giao dịch mua bán các lô đất được trả giá cao. Tôi cảm nhận nó sẽ gây kích thích thị trường và đẩy giá xung quanh lên một mức giá mới nhất định."

Có tình trạng bỏ cọc hay không tại ba cuộc đấu giá ở Phúc Thọ, Hà Đông và Thường Tín phải đợi hết hạn nộp tiền sau 3 tháng kể từ ngày có thông báo thuế. Tuy nhiên, nguy cơ không nhỏ khi điểm chung là giá trúng nhiều lô ở các cuộc đấu này cao hơn nhiều so với thực tế thị trường đang giao dịch. Căn nguyên của tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc được chỉ ra là tiền đặt cọc quá thấp do giá khởi điểm thấp. Nhiều đối tượng rất dễ dàng lợi dụng “thổi giá” đất để trục lợi, sau đó thì bỏ cọc.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Tiền đặt cọc quá thấp khiến những người không có tiềm lực tài chính cũng tham gia đấu giá. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các đội làm giá, vì nếu có bỏ cọc thì chi phí cũng không lớn. Với giá khởi điểm và tiền cọc thấp như thế sẽ không xử lý được vấn đề bỏ cọc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế để xử lý các trường hợp kích giá, làm giá đất. Cần theo dõi chặt chẽ và đưa ra chế tài xử phạt nặng với hành vi này để tránh đầu tư, thổi giá đất lên cao.”

Trước thời điểm ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, giá khởi điểm đất đấu giá tại Hà Nội được xác định bằng cách lấy giá trong bảng giá đất hiện hành (ban hành năm 2019) nhân với hệ số điều chỉnh (Thành phố ủy quyền cho các quận, huyện thuê tư vấn xác định) nên giá đất ở mức tương đối sát với thị trường. Từ đó, tiền đặt cọc cũng ở mức cao, các cuộc đấu giá đất đã diễn ra trật tự, thị trường ổn định.

Tuy nhiên, từ khi Luật Đất đai mới có hiệu lực quy định, giá khởi điểm đất đấu giá chính là giá trong bảng giá đất hiện hành, dù bảng giá này đã không còn phù hợp. Nên mới có chuyện giá khởi điểm thấp, nhiều địa phương phải áp dụng phương án đấu giá nhiều vòng bắt buộc mất rất nhiều thời gian. Tiền đặt cọc thấp cũng thu hút lượng lớn người tham gia dẫn đến trả giá cao, rồi bỏ cọc gây nhiễu loạn thị trường. Đây cũng là những bất cập được đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận về thị trường bất động sản.

Ông Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: “Cần phải quy định bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng năng lực về tài chính là có thể mua được tài sản đó. Sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn. Như vậy, chúng ta sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi, bán lại. Đặc biệt là loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc.”

Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) thông qua hồi tháng 6 bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người trúng đấu giá vi phạm sẽ bị cấm tham gia đấu giá với loại tài sản đó trong 6 tháng đến 5 năm. Quy định này nếu thực hiện nghiêm túc sẽ ngăn chặn hiệu quả hành vi bỏ cọc, lũng đoạn thị trường, bảo đảm tính minh bạch, an toàn trong hoạt động đấu giá.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

UBND Thành phố vừa ban hành quyết định giao 19.727,5 m2 đất tại xã Hà Hồi cho UBND huyện Thường Tín thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở.

Bảng giá đất điều chỉnh vừa được UBND Thành phố ban hành có hiệu lực từ 20/12/2024 đến hết năm 2025, trong đó, giá đất ở có mức cao nhất là hơn 695,3 triệu đồng/m² với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm. Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Ba Đình.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố được áp dụng từ nay đến hết năm 2025.

Sau những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương đã yêu cầu người dân phá dỡ chuồng cọp, song sắt. Lối thoát nạn an toàn có vai trò như thế nào khi chẳng may xảy ra cháy nổ?

Trong phiên họp giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.