'Thật lòng với dân và mình phải là dân'

Đó là trải lòng của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khi vừa tròn 1 năm 8 tháng ông nhận trọng trách ở Thủ đô. Tuy không coi là "dấu ấn nhiệm kỳ", nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đau đáu dự án Vành đai 4 từ khi về Hà Nội và ông cũng đau đáu với cái câu "Hà Nội không vội được đâu". Sau đây là cuộc phỏng vấn Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng.

* Phải đích thân vào cuộc

- Nhận nhiệm vụ về Hà Nội trên cương vị Bí thư Thành ủy đúng vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành và bầu cử Quốc hội, tôi vẫn phát động các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ cho Vành đai 4.

Tôi nhận nhiệm vụ đầu tháng 4/2021 thì đến tháng 7/2021 dự án đã trình được hồ sơ lên Chính phủ. Mặc dù một số bộ ngành vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng khi ra Bộ Chính trị tôi thuyết minh một hồi, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đề cập việc làm vành đai 3 TPHCM, Bộ Chính trị đã cơ bản đồng ý chủ trương.

Ngay sau khi Quốc hội quyết nghị vào tháng 6/2022, tôi về triển khai quyết liệt, thành lập ban chỉ đạo, báo cáo với Thủ tướng, bởi sau nghị quyết của Quốc hội là nghị quyết của Chính phủ, nêu rõ giao đồng chí trong Thường trực Thành ủy Hà Nội làm trưởng ban chỉ đạo. Tôi tự thấy phải đích thân vào cuộc.

*Nhưng dự án này đâu phải chỉ liên quan mình Hà Nội, thưa ông?

- Đúng vậy. Quan trọng là lợi ích mà dự án này đem lại không riêng Hà Nội, mà còn cho cả Vùng, khi "đến tai" Hưng Yên và Bắc Ninh thì anh em đều thuận, tôi hô hào là anh em vào cuộc ngay.

Tôi biết Hưng Yên khó, nên khi Quốc hội quyết nghị 14.200 tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2024, tôi bàn với anh em Hà Nội, từ cấp ủy đến HĐND, ưu tiên phần vốn giải phóng mặt bằng từ ngân sách trung ương cho Hưng Yên.

Bắc Ninh cũng bỏ ra khoảng 370 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng, bên cạnh ngân sách trung ương. Riêng Hà Nội cơ bản là tự túc, vì Hà Nội khá hơn một chút. Từ khâu đầu như vậy, tư tưởng của anh em các tỉnh cũng thoát, nhẹ nhàng hơn, công việc trôi thuận.

*Ông tự tin rằng việc giải phóng mặt bằng sẽ kịp tiến độ?

- Tôi xác định đây là khâu trọng điểm. Mục tiêu đặt ra đến 30/6/2023 cơ bản giải phóng được 70%, tôi tin là được, hết 2023 là xong. Hà Nội có hơn 14.000 ngôi mộ, 1.006 hộ dân phải tái định cư, 2 tỉnh kia ít hơn nhiều. 

Ngay từ đầu làm phải nghĩ cách, di dời mộ đến nơi quá xa nơi cũ là không được, xây (nghĩa trang) mới càng không xong, nên cần nới nghĩa trang cũ, chỉnh trang, cải tạo để di dời vào đó. Bà con rất phấn khởi vì đưa được các cụ vào chỗ đàng hoàng hơn, lại có dịp quy về cùng một chỗ ngay cạnh nhau.

*Dường như Bí thư xem việc xây đường Vành đai 4 là "dấu ấn nhiệm kỳ"?

- Tôi không dám nhận thế. Quan trọng nhất là sau khi dự án hoàn thành sẽ khai thông được cả vùng. Ví dụ Vĩnh Phúc, Chủ tịch tỉnh nói với tôi: Các anh làm Vành đai 4 xong, tỉnh tôi chỉ cần nối vào mấy cây số là có 1.000ha để làm đô thị và công nghiệp, không phải đầu tư quá nhiều. Hay Bắc Giang chỉ cần đấu cây cầu sang thì cũng thông luôn, từ đấy lan tỏa ra các tỉnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi khảo sát thực địa tại tỉnh Hưng Yên về công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 hồi tháng 11/2022

Tôi không nói "dấu ấn" là vì tôi nghĩ cho lợi ích của thủ đô thôi, để giải quyết những vấn đề đang rất bức xúc. Vành đai 4 làm xong thì 10-15 năm sau mới khai thác được nguồn lực hai bên đường, mình đâu có còn là Bí thư thời điểm đấy.

Tôi không quan tâm tới "dấu ấn", tôi nói thật đấy. Bây giờ chỉ yêu cầu quản lý chặt hai bên đường, quy hoạch chi tiết, bao giờ đường xong thì đấu vào, có phải là hay không.

Cũng liên quan cơ sở hạ tầng, ngoài xây Vành đai 4, hiện trường học và bệnh viện ở Hà Nội đang thiếu đến mức báo động. Thời gian tới, ông có chỉ đạo, tầm nhìn và hành động gì để giải quyết vấn đề trên?

- Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, đưa vào nghị quyết riêng của Thành ủy, đưa ra HĐND quyết nghị, để đầu tư cho 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Tất cả được đưa vào kế hoạch đầu tư công từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, vốn dự kiến khoảng 49.200 tỉ đồng.

Hiện nay rất khó là cái gì cũng theo đơn vị hành chính (xã, phường; quận, huyện…), trường học hay bệnh viện cũng thế. Thực tế, một phường ở Hà Nội có đến 9 vạn rưỡi dân mà chỉ có một trạm y tế, biên chế tối thiểu 5 bác sĩ, tối đa chỉ 10 người, dịch dã tới làm sao gánh nổi. Nói y tế cơ sở, y tế dự phòng là quan trọng, đấy chính là cơ sở, là dự phòng chứ đâu nữa.

Nếu 5-10 bác sĩ ở xã 3.000-5.000 dân thì không vấn đề gì, nhưng ở một phường đông dân như vậy thì quá khác. Anh Bảy Nên (Bí thư Thành ủy TPHCM) còn nói với tôi ở TPHCM có phường lên tới 11 vạn dân mà cũng chỉ chừng ấy bác sĩ. Rất bất cập!

Với trường học thì quy định mỗi phường một trường cấp 2, một trường cấp 1. Nhưng 9-11 vạn dân thì phải có vài trường học, vài trạm y tế chứ. Phải tính theo số dân chứ không thể theo đơn vị hành chính.

Chủ trương của tôi là các xã, phường, quận huyện rà lại, chỉnh trang, nâng cấp cái hiện có, và xây thêm các bệnh viện lớn của TP. 11-12 năm nay Hà Nội không xây được bệnh viện nào mới cấp TP.

Tôi đặt đầu bài là xây ở các cửa ngõ thủ đô những bệnh viện tương đối lớn, chuyên môn cao. Dự kiến là ở Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Ứng Hòa, Gia Lâm.

Đây cũng là giải pháp kéo giãn mật độ dân cư nội đô. Bây giờ trong nội đô nếu chuyển được là sẽ chuyển ra, chứ không chuyển vào, không thì phải "đóng cứng", không cho xây thêm trong nội đô, thì mới giảm tải được.

*Nhưng thưa Bí thư, "Hà Nội không vội được đâu"…

- Anh lại đụng vào nỗi đau của tôi (cười). Chính vì cái câu "Hà Nội không vội được đâu" mà tôi mất một năm để xử lý được một bước. Tôi cũng từng nói với đồng chí Tổng Bí thư về suy nghĩ này.

Nó có cả 2 mặt, nghĩa đen có, nghĩa bóng có. Đúng là có những việc từ từ làm cho chắc. Nhưng mặt ngược của nó là quá nhiều thủ tục hành chính, rườm rà, phiền phức. Tôi về đây tháng 4/2021 thì đến tháng 7/2021, tôi yêu cầu phải xử lý ngay mà chưa làm được, đến tháng 7/2022 mới xử lý được một bước.

Mà được một bước là cũng là một cuộc vật lộn. Trước tiên là phân cấp, ủy quyền lại sau khi rà soát hơn 1.900 thủ tục hành chính, từ HĐND sang UBND, thủ tục thuộc thẩm quyền Chủ tịch, sở ngành, quận huyện, đến cấp xã phường. Trong đó, riêng sở, ngành có 1.154 thủ tục, tôi chỉ đạo phải xử lý triệt để. 

Kê lên rồi, bảo phân cấp đi không phân được, ra UBND TP, ra tới Thường trực Thành ủy không làm được. Tôi nói là nếu để từ dưới tự giác mà không nghe, tôi sẽ làm từ trên xuống, thành lập Ban chỉ đạo "bổ" xuống. Ra đến nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ TP, ra đến HĐND TP quyết được 700 thủ tục phân cấp, phân quyền. Trước đó thực sự là rất nhiều vướng mắc, cản trở, làm khó lẫn nhau.

Các anh nghĩ xem như thế này có chịu được không: Một huyện xin bỏ tiền ra xây một trường cấp 3 mà 3 năm không xong được chủ trương đồng ý hay không. Anh em giải thích là theo quy định của Luật Giáo dục, trường THPT do cấp tỉnh, thành quản lý (không phải cấp huyện). Tôi bảo thế thì chẳng khác gì tự làm khổ, tại sao tư nhân xây được mà cứ phải thành phố làm?

Thành phố, tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông, còn cơ sở vật chất và giáo viên hoàn toàn có thể xã hội hóa. Cho nên trường cấp 3 ở quận nọ, quận kia hỏng một tí là TP cũng đi sửa, nên cứ vứt ở đấy là vì thế.

Tôi cho phân xuống, trường cấp 3 là quận, huyện làm, cứ có tiền là cho làm và còn khuyến khích làm; trường hợp không có tiền TP cũng bỏ tiền giao cho làm, không can thiệp như trước. Huyện Đông Anh trước đứng thứ 30 của TP, từ khi phân quyền, năm 2022 lên đứng thứ nhất TP về các trường đạt trường chuẩn.

Đây mới là bước đầu, vì nó đã ăn sâu từ trước tới nay. Cái đấy là tiêu cực và là đùn đẩy trách nhiệm. Tôi làm được một bước rồi, để cho vào cuộc sống làm thêm một bước nữa.

* Bí thư đã bao giờ không "tiền hô, hậu ủng" mà tự "vi hành"?

- Tôi đi nhiều chứ. Chẳng hạn chỗ du thuyền bỏ hoang trên hồ Tây mấy năm trời, mấy chục cái mà giờ đã xử lý sắp hết. Hôm đó trời nắng lúc 2h chiều, tôi đi qua thấy một đống thuyền nằm không giữa hồ. Tôi gọi điện cho anh Dương Đức Tuấn là Phó chủ tịch TP và anh Nguyễn Đình Khuyến là chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đề nghị ra tận nơi kiểm tra thực tế. 

Tôi bảo bằng mọi cách phải cắt tất cả các thuyền nổi đưa đi nơi khác, làm hỏng hết hồ Tây tới nơi rồi. Đến nay, đã gần xử lý xong, chỉ còn 2-3 cái và sẽ làm tiếp, làm hết.

Ngoài ra, một loạt địa điểm xây dựng trái phép xung quanh hồ Tây như Thung lũng Hoa, tôi chỉ đạo luôn: Chủ tịch quận không xử lý được, tôi sẽ xử lý ông. Bây giờ đã xử sạch rồi.

* Thưa Bí thư, điều ông muốn nói với người dân Hà Nội là gì?

- Tôi về nhận công tác hơn 1 năm 8 tháng. Về Hà Nội mới thấy hết tầm quan trọng của Hà Nội. Có tình yêu với Hà Nội mới càng thấy tiềm năng, lợi thế của Hà Nội rất lớn và càng thấy có nhiều việc phải làm.

Nói thật người dân Hà Nội rất hay. Chiều sâu của văn hóa, của lịch sử Hà Nội thì đúng rồi, là trung tâm hội tụ, kết tinh thì đúng rồi, nhưng đa dạng hơn nữa là vào tới Hà Tây (cũ) còn có các làng nghề, đều gắn vào văn hóa lâu đời.

Cho nên trong điều chỉnh quy hoạch thủ đô phải giữ được làng nông thôn ở Hà Nội, tôi chỉ đạo không được đô thị hóa hết, phải giữ được cốt cách của Hà Nội.

Tôi tin rằng người dân Hà Nội rất tốt, rất tin chính quyền. Tôi rất vui. Nói thật qua dịch dã mới biết chính quyền nói gì dân đều nghe, nhưng mình phải đúng, và phải lăn lộn cùng dân.

Ông Đinh Tiến Dũng (trái) nhận hoa chúc mừng từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày 3/4/2021

Trong thời gian chống dịch, chỗ nào dịch căng là tôi tới kiểm tra, không cần nói nhiều. Chỗ khu Văn Chương, Khâm Thiên, Văn Miếu (quận Đống Đa) đợt bùng dịch, tôi tới, anh em báo cáo đã bố trí 300 công an, 100 quân đội canh bên ngoài. 

Tôi hỏi: "Thế bên trong người dân thì sao?". Anh em báo: "Bên trong để dân tự canh anh ạ". Tôi bảo: "Như thế thì chết rồi, đi vào trong với tôi".

Đi sâu vào ngõ vào ngách thì đúng là dân đang đi lại, phòng dịch còn lơ là, sao cách ly được. Tôi yêu cầu anh em ở ngoài rất ít thôi, thậm chí gắn camera, bên trong phải bố trí tự quản. Chứ 4-5 điểm như thế này lấy đâu ra 300 công an, 100 quân đội để bố trí? 

Ý tôi muốn nói là khi đi tận nơi, vào sâu sát như vậy thì nói dân rất nghe, càng sâu, càng sát, dân càng nghe. 

Tôi đến chỗ khu tập thể của Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) ở Xuân La (quận Bắc Từ Liêm) thấy toàn cán bộ nghỉ hưu canh chốt chống dịch, trong đó có 3 bác đại tá. Các bác bảo: "Báo cáo Bí thư chúng tôi có 3 đại tá gác ở đây, mấy ông tướng cho ở nhà chỉ huy". Ai cũng biết các bác nói đùa, nhưng ý nói là các cụ tham gia cả đấy, rất sâu sát, nhiệt tình, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền; nên mình thấy rất vui.

* Tức là muốn dân tin mình, mình phải tin dân?

- Mình phải tin dân, phải thật sự thật lòng với dân và mình phải là dân luôn. Không phải văn hoa đâu, mà là thật lòng.

Các anh điều tra, kiểm tra lại mà xem, mười mấy năm trước khi tôi còn đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, làm tái định cư thủy điện Sơn La liên quan tới chỗ Mường Lay, tuần nào tôi cũng lên đấy, cứ sáng ăn cơm sớm, chạy 2 tiếng lên tới nơi. Trời mưa, đi ủng, đầu cắt cua đội mũ cối, đi hết mọi điểm, trưa về ăn với anh em, chiều họp, 17h xong tối lên xe về ăn cơm ở TP Điện Biên. 

Có nhiều người hỏi tôi tại sao tôi làm được thế, hơn 4.000 hộ dân mà không có 1 đơn thư nào kiện tụng. Tôi trả lời là vì dân tin Đảng, tin Nhà nước, tin chính quyền. Muốn được như vậy là phải sâu sát từng xóm, từng nơi, từng bản. Kinh nghiệm này áp dụng tốt với chống dịch, làm Vành đai 4…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng nay (26/4), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta, đã làm sụp đổ ý chí thực dân Pháp, từ đó xoay chuyển cục diện chiến tranh, đồng thời tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve năm 1954.

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024). Tham dự sự kiện có các Lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, mặt trận Tổ quốc, Đại sứ, đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội.

Ngày 25/4, hai đoàn giám sát của HĐND thành phố đã làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Thạch Thất về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan Nhà nước tại thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã chủ trì tiếp đoàn đại biểu Thủ đô Vientiane, do Phó Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn Phouvong Vongkhamsao, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu, thăm và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, phát triển du lịch.