Thế hệ đạo diễn mới của Việt Nam, họ là ai?
Trước đây, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh từng đưa điện ảnh Việt Nam bước ra thế giới với nhiều tác phẩm được xếp vào hàng “kinh điển” như “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi” và đặc biệt là “Bao giờ cho đến tháng 10” - tác phẩm được nhiều hãng thông tấn quốc tế đánh giá là một trong những phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Đến thập niên 2000 và đầu 2010, điện ảnh Việt Nam lần đầu góp mặt ở những liên hoan phim quốc tế hàng đầu như Cannes, Venice, Berlin, Busan, Locarno với những đạo diễn như Nguyễn Võ Nghiêm Minh (phim “Mùa len trâu”), Bùi Thạc Chuyên (phim “Chơi vơi”), Phan Đăng Di (phim “Bi, đừng sợ” và “Cha và con và…”) hay Nguyễn Hoàng Điệp (phim “Đập cánh giữa không trung”).
Tới nay, một thế hệ đạo diễn mới của Việt Nam đã được hình thành. Họ đều là những Millennials (Thế hệ Y) và liên tiếp tạo bất ngờ cho phim độc lập trong nước tại đấu trường quốc tế chỉ trong nửa thập kỷ qua.
Năm 2019, đạo diễn Trần Thanh Huy đưa bộ phim “Ròm” tới LHP Busan – một trong những LHP uy tín nhất của châu Á và thế giới – và chiến thắng giải New Currents cho “Phim hay nhất”.
Đây là một thành tích hoàn toàn bất ngờ và đã tạo làn sóng lớn trong điện ảnh Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trần Thanh Huy sinh năm 1990 tại TP HCM.
Cũng như nhiều nhà làm phim độc lập khác, anh bắt đầu sự nghiệp với những phim ngắn. Trong số đó, phim ngắn đầu tay "16:30" kể về cuộc sống của những đứa trẻ bụi đời đi bán vé số ở TP HCM đã được chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2013 và nhận được nhiều đánh giá tích cực.
“Ròm” là phim dài được phát triển lên từ “16:30”, kể về cuộc sống khắc nghiệt của một cậu bé cò đề ở TP HCM, lột tả hiện thực tàn khốc và đầy bi kịch. Phong cách của Trần Thanh Huy thể hiện trong tác phẩm đầu tay cho thấy anh thường tập trung vào các câu chuyện hiện thực, khai thác sâu vào cuộc sống và tâm lý của những nhân vật bị gạt ra bên lề xã hội.
Không chỉ chiến thắng tại LHP Busan, “Ròm” còn trở thành một “case-study” được mổ xẻ khi ra mắt trong nước bởi doanh thu lên đến 64,6 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam. Đây là một con số “không tưởng” với một tác phẩm thuộc dòng phim độc lập và phá vỡ định kiến “phim Việt được quốc tế thích chưa chắc đã ăn khách ở trong nước”.
Bấm máy năm 2017, hoàn thành cuối 2021 và ra mắt cuối 2022, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm có nội dung xoay quanh tập tục “bắt vợ” của cộng đồng người dân tộc H’Mông. Phim theo chân một cô bé 12 tuổi người H’Mông sống tại Sapa (tỉnh Lào Cai) tên Di, cùng em trải qua những ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, đến khoảnh khắc em trở thành thiếu nữ.
Sinh năm 1992 và lớn lên trong một gia đình người Tày ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, đạo diễn Hà Lệ Diễm theo đuổi đề tài trong “Những đứa trẻ trong sương” nhiều năm và cuối cùng hát “quả ngọt” khi phim được đánh giá cao và thậm chí còn vào vòng đề cử rút gọn 15 tác phẩm ở hạng mục “Phim truyện tài liệu hay nhất” ở Oscar 2023, giải thưởng điện ảnh được quan tâm nhất hành tinh.
“Những đứa trẻ trong sương” trở thành cột mốc lớn cho điện ảnh Việt Nam trên quốc tế với thành tích này. Trước đó tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 ở Hà Lan – được coi là liên hoan phim lớn nhất thế giới của thể loại tài liệu, Hà Lệ Diễm xuất sắc giành tới 2 danh hiệu: “Đạo diễn xuất sắc nhất – Tranh giải quốc tế” và “Giải đặc biệt của ban giám khảo cho phim đầu tay” với “Những đứa trẻ trong sương”.
Hà Lệ Diễm được biết đến với phong cách làm phim chân thực, tiếp cận gần gũi và đầy cảm xúc. Cô thường tự mình tham gia vào cuộc sống của các nhân vật trong phim để ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sâu sắc nhất. Cô từng chia sẻ rằng mình giống như một con ốc sên, dù chậm nhưng không bao giờ từ bỏ, luôn kiên trì với con đường mình đã chọn.
Cũng trong năm 2023, điện ảnh Việt Nam một lần nữa chứng kiến một bất ngờ tại LHP Cannes – LHP uy tín nhất thế giới, khi phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Camera d’or cho “Phim đầu tay xuất sắc nhất”. Cách đây đúng 30 năm, đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng cũng từng chiến thắng danh hiệu này với bộ phim kinh điển “Mùi đu đủ xanh”.
Trước "Bên trong vỏ kén vàng", Phạm Thiên Ân đã gây ấn tượng với bộ phim ngắn "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng" (Stay Awake, Be Ready), bộ phim này đã giành giải Illy tại hạng mục phim ngắn thuộc chương trình "Tuần lễ đạo diễn" của Liên hoan phim Cannes 2019.
"Bên trong vỏ kén vàng" kể về nhân vật Thiện, một người đàn ông trẻ trở về quê nhà sau cái chết của anh trai, hành trình này dẫn anh ta vào những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống và mục đích sống.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân sinh năm 1988 và từng kiếm sống bằng nghề làm phim quảng cáo hay quay đám cưới. Với “Bên trong vỏ kén vàng”, anh thể hiện lối kể chuyện theo phong cách chậm rãi và sâu lắng, tập trung vào những chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Anh khai thác sâu vào tâm lý nhân vật và các mối quan hệ phức tạp, tạo nên những câu chuyện đậm tính triết học và giàu cảm xúc.
Mới đây nhất, chuyên trang điện ảnh uy tín quốc tế IndieWire còn đưa “Bên trong vỏ kén vàng” vào danh sách ứng viên Oscar 2025 ở hạng mục “Quay phim đẹp nhất”. Dường như sau Cannes 2023, hành trình rực rỡ của “kén vàng” và Phạm Thiên Ân vẫn chưa kết thúc.
LHP Berlin – một trong 3 LHP lớn nhất thế giới – thường là sự kiện điện ảnh bắt đầu trong một năm mới. Và đầu năm nay tại thủ đô nước Đức, bộ phim “Cu Li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân được chiếu tại hạng mục Panorama và bất ngờ giành giải “Phim đầu tay xuất sắc” với phần thưởng 50.000 euro.
Phạm Ngọc Lân sinh năm 1986 tại Hà Nội, từng có những phim ngắn như “Thành phố khác”, “Một khu đất tốt” đi Berlin các năm 2016 và 2019, “Giòng sông không nhìn thấy” đi Locarno năm 2020. “Cu Li không bao giờ khóc” được phát triển từ những phim ngắn này, mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc về quá khứ và tương lai, những chênh vênh thời đại.
Mới đây nhất, nữ đạo diễn sinh năm 1990, Dương Diệu Linh, nối dài chuỗi thành tích của điện ảnh độc lập Việt Nam khi phim dài đầu tay của cô mang tên “Mưa trên cánh bướm” (Don’t Cry, Butterfly) tham dự LHP Venice sắp diễn ra vào cuối tháng 8, là một trong 7 phim đầu tay được lựa chọn tranh giải ở hạng mục Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế.
Trước đó, phim ngắn “Mẹ, Con gái, Những giấc mơ” của Dương Diệu Linh từng tham dự cuộc thi phim ngắn trong khuôn khổ LHP Quốc Tế Busan 2018 và nhiều LHP khác trên thế giới. Nữ đạo diễn từng tham dự Asian Film Academy (Busan International Film Festival 2016), Locarno Summer Academy (Festival del film Locarno 2015) và Fantastic Film School (Bucheon International Fantastic Film Festival 2015).
Phong cách điện ảnh của Dương Diệu Linh là khám phá các chủ đề về tính nữ, mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa, được kể qua ngôn ngữ điện ảnh hài hước, tâm lý và có yếu tố huyền ảo. “Mưa trên cánh bướm” lấy bối cảnh ở Hà Nội, kể về một người phụ nữ trung niên (diễn viên Tú Oanh đóng) tìm đến thầy bùa online với mong muốn khiến người chồng ngoại tình hồi tâm chuyển ý, nhưng vô tình đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn trong chính căn nhà của mình.
Trần Thanh Huy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân và Dương Diệu Linh đã và vẫn đang tiếp tục hành trình đưa những đứa con tinh thần của họ đi khắp thế giới, tạo nên một thế hệ mới các đạo diễn đương đại mang câu chuyện hiện đại của Việt Nam ra quốc tế. Ngoài 5 đạo diễn này, những cái tên có thể kể đến như Lê Hoàng, Lê Quỳnh Anh, Đỗ Quốc Trung cũng được hứa hẹn sẽ gia nhập làn sóng thế hệ đạo diễn mới của Việt Nam.
Đường đua phim Việt 2025 hứa hẹn sẽ vô cùng sôi động khi ngay từ đầu năm, đã có nhiều dự án điện ảnh được công bố. Trong đó, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Namcito “tái xuất” bằng một dự án về đề tài livestream mang tên “Chốt đơn!”, gây chú ý với cặp diễn viên chính trong phim là Hoa hậu Thùy Tiên và nghệ sĩ Quyền Linh.
Năm 2024 được đánh giá là một năm bùng nổ của điện ảnh Việt khi có nhiều bộ phim cán mốc doanh thu trăm tỷ. Theo thống kê, thị trường điện ảnh Việt năm qua có tổng doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồn, với 28 phim chiếu rạp. Dù vậy, bên cạnh những thành công nổi bật, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức cần được cải thiện.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức Liên hoan Phim Ấn Độ, trình chiếu bốn bộ phim Ấn Độ nổi tiếng với phụ đề tiếng Việt, đại diện cho nhiều thể loại điện ảnh Ấn Độ. Liên hoan phim sẽ diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, số 87 Láng Hạ, Hà Nội, vào các ngày 5, 9, 10 và 11/1/ 2025.
Cứ mỗi dịp năm mới, thị trường điện ảnh sẽ nhộn nhịp với rất nhiều bộ phim, từ điện ảnh, truyền hình đến web drama để khán giả thỏa sức lựa chọn. Bên cạnh các bộ phim hot nhất hiện nay, những tác phẩm kinh điển vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả. Từ những câu chuyện tình yêu lãng mạn, hài hước, cho đến những bộ phim hành động kịch tính, hay những thước phim hoạt hình đầy màu sắc, mỗi bộ phim đều mang đến những thông điệp ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc. Hãy cùng Đài Hà Nội điểm lại những bộ phim kinh điển đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đêm giao thừa và dịp đầu năm mới.
Năm 2024, đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới, 9/10 phim doanh thu cao nhất toàn cầu đều là các phần phim hậu truyện (sequel). Điều này có thể làm thay đổi xu hướng phát hành trong những năm tới.
Một bộ phim của Thái Lan đang gây nhiều chú ý tới khán giả bởi cái tên “độc lạ” - “Trẻ trâu không đùa được đâu”, cùng sự góp giọng lồng tiếng của nghệ sĩ Khánh Ái, diễn viên Lê Lộc, diễn viên Tuấn Dũng… Với cốt truyện hài hước xoay quanh một ban nhạc trẻ đầy nhiệt huyết, bộ phim sẽ mang đến những tiếng cười sảng khoái cho khán giả mọi lứa tuổi. Đây cũng là dự án điện ảnh “xông đất” rạp Việt vào đầu năm 2025.
0