Thuận An doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận trăm triệu

Từ một công ty nhỏ, biến thành tập đoàn đa ngành, liên tiếp trúng nhiều dự án 'khủng', nhưng lợi nhuận lại quá ít, còn vốn thì tăng nhanh đến chóng mặt, gấp 200 lần chỉ trong một thời gian ngắn...đó là những 'câu chuyện khó hiểu' đầy 'nghịch lý', tiềm ẩn nhiều dấu hiệu 'bất an' xảy ra ở Tập đoàn Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch - người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

 Thuận An tiềm ẩn nghịch lý và dấu hiệu 'bất an'

Tập đoàn Thuận An (Tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An) ra đời từ tháng 8/2004 có địa chỉ tại số 141 đường Trường Chinh, tổ 20, phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngành nghề hoạt động chính là đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch với vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An.

Đến tháng 8/2020, vốn đăng ký của doanh nghiệp này lên đến 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần so với khi thành lập. Đến tháng 10/2021, doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không công bố. Chỉ hai tháng sau, vào tháng 12/2021, Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng, tức gấp khoảng 200 lần khi mới thành lập.

Dù thành lập từ 2004, nhưng phải đến năm 2019, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng mới bắt đầu có những dấu ấn trong ngành hạ tầng xây dựng. Từ sau quãng thời gian này, mỗi năm, Thuận An đều đặn ghi tên mình trong các liên danh trúng những gói thầu lớn với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Trong tay loạt dự án giao thông nghìn tỷ

Theo một số nguồn dữ liệu, riêng trong giai đoạn 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An từng tham gia khoảng 51 gói thầu (hình thức trực tuyến), trong đó trúng 39 gói thầu, trượt 8 gói và 4 gói vẫn chưa có kết quả.

Tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỉ đồng. Trong số này, đáng chú ý có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. 

Dữ liệu cũng cho thấy tổng giá trị trúng thầu độc lập chỉ hơn 144 tỉ đồng, còn lại đa phần Thuận An tham gia dưới hình thức liên danh trong tổng giá trị nêu trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đài Hà Nội, chỉ trong 4 năm, Tập đoàn Thuận An đã trúng 32 gói thầu tổng giá trị là gần 19.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính 7 gói thầu do các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư trị giá gần 8.600 tỷ đồng; 22 gói thầu có chủ đầu tư là các Ban quản lý dự án, đi qua 11 tỉnh thành gồm Quảng Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Hà Nội, TP.HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Phú Yên, Đắk Lắk, Nghệ An, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, ước tính trị giá gần 9.500 tỷ đồng.

Dự án cầu Đồng Việt tại Bắc Giang.

Tại Hà Nội, những gói thầu có tên Thuận An có thể kể đến là gói thầu số 5 thi công xây dựng dự án sửa chữa cầu Thăng Long, trúng thầu vào tháng 7/2020 với giá 242,846 tỷ đồng; gói thầu số hai của dự án cầu Vĩnh Tuy 2.

Tại TP.HCM, ngày 25/12/2023, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu XL5 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985). Giá trúng thầu là 2.303.529.602.150 đồng, giảm 1.976.170.967 đồng so với 2.305.505.773.117 đồng dự toán, tức chỉ số tiết kiệm chưa đầy 0,1%.

Gói thầu XL5, đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức.

Chỉ tính riêng tại Tuyên Quang, năm 2023, Thuận An trong vai trò liên danh đã trúng gói thầu số 26 tại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1). Đồng thời, trúng gói thầu 846,64 tỷ đồng thi công gần 7 km cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tại Lạng Sơn, liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Xuân Quang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG và Công ty Cổ phần Vinadelta cũng trúng thầu gói số 7 thi công xây dựng đoạn từ Km18 - Km43, dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km43, QL4B do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, giá trị gói thầu 878 tỷ đồng. Hay tại thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Thuận An cũng vượt qua nhiều thương hiệu có tiếng, được lựa chọn là nhà thầu chính thi công cầu dây văng Máy Chai nối từ mương Cầu Tre (Ngô Quyền) sang đảo Vũ Yên (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng.

Dự án cầu dây văng Máy Chai.

Còn tại thành phố Đà nẵng, Thuận An trong vai trò liên danh cũng là nhà thầu thực dự án với giá trị hợp đồng gần 120 tỷ đồng để xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Ở Phú Yên, doanh nghiệp này đã từng trúng gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam thành phố; dự án đường Nguyễn Văn Linh, trúng thầu tháng 3/2019 với giá 496,034 tỷ đồng. Ở Nghệ An, doanh nghiệp này trúng gói thầu số 14 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301+500 - Km333+200, với giá trúng thầu là 60,006 tỷ đồng.

Trong dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Tập đoàn Thuận An đã trúng gói thầu XL10 vào tháng 12/2019 với giá 639,407 tỷ đồng. Cũng trong vai trò liên danh, Thuận An nhiều lần tham gia sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc - Nam như dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Gói thầu XL10 cao tốc Bắc - Nam.

Doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận trăm triệu

Thực hiện và nắm giữ nhiều dự án lớn, nhưng tình hình kinh doanh của Thuận An thời gian gần đây khá trồi sụt. Trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An luôn ở mức vài trăm tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của Thuận An ở mức 301 tỷ đồng, rồi giảm xuống còn 258 tỷ đồng vào năm 2018 và đạt 288 tỷ đồng vào năm 2019. Dù có doanh thu khá ấn tượng, nhưng do giá vốn hàng bán quá cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Thuận An trong giai đoạn này chỉ dao động trong khoảng từ 6 đến 17 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của Thuận An có lúc chỉ còn gần một tỷ đồng, thậm chí trong các năm 2018 và 2019, lợi nhuận thuần của Thuận An từ mức âm 38 triệu đã lên tới âm 214 triệu đồng. Chốt năm, lãi sau thuế của Thuận An vào năm 2017 là 116 triệu đồng, năm 2018 là 85,7 triệu đồng và năm 2019 là 125 triệu đồng.

Theo một số chuyên gia, mức lợi nhuận trên là khá "đáng buồn" với một doanh nghiệp có quy mô vốn như của Thuận An.

Tổng tài sản của Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2019 cũng trồi sụt từ mức 612,2 tỷ đồng (năm 2017), giảm xuống còn 564,7 tỷ đồng (năm 2018), rồi tăng vọt lên 710,6 tỷ đồng (năm 2019).

Nợ phải trả của Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2018 giảm từ 311,7 tỷ đồng xuống còn 266,7 tỷ đồng, rồi lại tăng vọt lên 412,5 tỷ đồng vào năm 2019 (chiếm khoảng 48 - 58% tổng tài sản). 

Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời, cơ quan công an cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 6 người trong vụ án này.

Theo quyết định, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ"; ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An tội "Đưa hối lộ". Ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An bị C03 khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam hai cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, gồm: Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc ban và Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban. Cả hai bị can bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh, C03 đã tống đạt các quyết định tố tụng, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét những người này để phục vụ điều tra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công an huyện Thanh Oai vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng tự chế và sử dụng pháo nổ.

Từ ngày 1/1/2025, Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Thời gian này lực lượng Công an đã và đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Tình hình tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là trên các tuyến trọng điểm như: tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam - thông tin được đưa ra trong buổi họp báo về kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2024.

Theo báo cáo của Công an Thành phố, trong ngày 20/12, các Tổ công tác 141 đã kiểm tra, phát hiện 7 vụ, 10 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, bàn giao cho đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Công an phường Nam Đồng, quận Đống Đa vừa hỗ trợ, giúp đỡ cụ ông ở quận Hà Đông tìm lại tài sản để quên trên xe taxi.

Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến sẽ xét xử phúc thẩm đối với Trịnh Văn Quyết và 25 bị cáo trong vụ "đại án" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.