Vì đâu hoa sữa nở giữa mùa hè?

Giữa mùa hè, nhiều người Hà Nội bất ngờ thấy hoa sữa nở trái mùa, hương phảng phất trên phố. Không chỉ một loài hoa sữa, hiện tượng hoa nở hoa sớm những năm gần đây là minh chứng rõ ràng cho tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh.

Nhiều người bất ngờ thấy hoa sữa nở mùa hè

Dù không nở rộ mà chỉ điểm xuyết một vài cây nhưng những chùm hoa sữa nhỏ xinh đã thể hiện sự thay đổi của thiên nhiên trong giai đoạn thời tiết nhiều sự biến động.

Theo nhiều người dân, họ cũng từng thấy một số cây hoa sữa trên phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Du, Trung Hòa có hoa nở vào giữa tháng 5. Phải chăng những cây hoa sữa này đã nhận nhầm mùa thu khi thời tiết Hà Nội đột ngột mát mẻ dài ngày sau chuỗi ngày nắng nóng.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, hoa sữa ở Hà Nội và miền Bắc thường nở vào giữa mùa thu (tầm tháng 10 hoặc 11 trở đi) khi thời tiết se lạnh. Điểm tương đồng của thời tiết trong 2 tháng qua là sau tháng 4 nóng bỏng thì lại là tháng 5 dịu mát. Có lẽ bởi vậy đã kích thích hoa sữa bung nở sớm.

Một cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh nở hoa vào giữa tháng 5 năm nay.

Lý giải của chuyên gia

Theo số liệu quan trắc thực tế, nhiệt độ Hà Nội từ đầu tháng 5 cho đến nay chưa có ngày nào xảy ra nắng nóng. Trong tháng, chỉ có 2 ngày có mức nhiệt độ 34 độ là ngày 11/5 và 21/5; các ngày còn lại đều dưới 34 độ. Thậm chí những ngày đầu tháng, nhiệt độ còn dưới 29 độ C, thời tiết mát mẻ, dễ chịu như mùa thu.

Nếu chỉ so sánh nhiệt độ tháng 5 trong vòng 10 năm qua thì chỉ có hai năm không xảy ra nắng nóng là năm 2022 và năm nay.

Tiến sỹ Đinh Văn Đức, nguyên Trưởng phòng Quản lý Sinh vật hại - Cục Bảo vệ Thực vật, lý giải: đợt lạnh hồi đầu tháng 5 đã khiến cây hoa sữa lầm tưởng mùa thu đã đến, dẫn đến việc cây ra hoa để kết trái bảo vệ nòi giống. Đây là phản xạ bình thường và là bản năng tự nhiên của loài cây này. Mặc dù đang vào mùa hè, nhưng nhiệt độ chỉ khoảng 19-22 độ C đã khiến cây đơm hoa. Đây là sự phản ứng của cây đối với hiện tượng biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết bất thường.

Chị Phạm Kim Thu, chuyên gia của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, cho biết: các loài cây hoa cỡ lớn như phượng, bằng lăng, hoa sữa đã được trồng phổ biến tại Hà Nội từ đầu thế kỷ 20. Sau hơn một thế kỷ, cây đã sinh trưởng và ra hoa thích ứng theo các đặc tính thời tiết bốn mùa của miền Bắc. Tuy nhiên, việc nở hoa bất thường không xảy ra với tất cả cây hoa sữa, mà chỉ xảy ra với một số cây bị ảnh hưởng bởi biến động thời tiết.

Hoa sữa là một loài cây bản địa của Việt Nam, được trồng nhiều ở Tây Bắc và Tây Nguyên, thường nở vào khoảng đầu tháng 8 đến tháng 11, khi thời tiết se lạnh.

Nhiều cây ăn quả mất mùa

Việc cây cối nở hoa trái mùa không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh thái mà còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương vùng chuyên trồng vải, sản lượng vải năm nay đạt khoảng 200.000 tấn, giảm khoảng 50% so năm ngoái. Trong đó, Bắc Giang đạt khoảng 100.000 tấn (bằng 50% so năm trước); Hải Dương đạt khoảng 45.000 tấn (bằng 77% so năm trước). Người trồng vải đứng trước nguy cơ thất thu trong vụ vải năm nay.

Theo kinh nghiệm của những người trồng vải, nguyên nhân khiến vải thiều mất mùa là do cây vải chịu ảnh hưởng chặt chẽ bởi thời tiết, phải rét sớm, đúng thời điểm mới trổ hoa. Từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa kéo dài, độ ẩm cao đã kích thích lộc, triệt tiêu hoa. Thời tiết phức tạp nên cùng một giống vải, có gia đình xử lý sớm hơn hoặc muộn hơn một vài ngày đã dẫn đến nhà được nhà mất.

Vụ vải 2024, nền nhiệt độ trong những tháng cuối năm 2023 cao hơn 1,5 độ C so bình quân nhiều năm; các đợt rét đến muộn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài, độ ẩm đất, độ ẩm không khí cao làm cho tỷ lệ ra hoa của vải thiều thấp.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương vùng chuyên trồng vải, sản lượng vải năm nay giảm khoảng 50% so năm ngoái.

Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra với trái măng cụt ở Cần Thơ. Mặc dù đang vào mùa măng cụt, nhưng sản lượng năm nay giảm nhiều. Trước đây, mỗi năm được 30 - 40 kg tùy theo cây, nhưng năm nay, có cây 10kg, cây 20kg, có cây không có trái nào.

Hiện tượng cây cối nở hoa trái mùa là dấu hiệu rõ rệt của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cả sinh thái và kinh tế.

Biến đổi khí hậu, nhiều loài hoa trên thế giới nở sớm

Trong năm 2024, nhiều khu vực và hệ sinh thái khác nhau trên thế giới đang chứng kiến các loài cây ra hoa sớm hơn bình thường. Hoa anh đào ở Nhật Bản, hoa phượng tím nổi tiếng ở thành phố Mexico, hay hoa hồng tại Bulgaria đều đang nở sớm hơn dự kiến.

Giáo sư, Tiến sĩ Valentin Kazandjiev, nhà khí tượng nông nghiệp tại Viện Khí tượng Thủy văn quốc gia Bulgaria cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu lưu trữ của mình từ năm 1987 và phát hiện ra hoa hồng bắt đầu nở hoa hàng loạt trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 20/6. Trong năm nay, hoa hồng đã bắt đầu nở sớm hơn một tháng so với dự kiến".

Ông Kazandjiev khuyến cáo nông dân đang đối mặt với biến đổi khí hậu nên tập trung vào các công nghệ giảm tác động của nó. Trong khi đó, cứ mỗi thập kỷ, các nhà khoa học cần đề xuất các vùng địa lý khác nhau cho các loại cây trồng khác nhau.

Trong năm 2024, nhiều khu vực và hệ sinh thái khác nhau trên thế giới đang chứng kiến các loài cây ra hoa sớm hơn bình thường.

Các nhà khoa học cho rằng nhiều loại cây đang ra hoa với tốc độ nhanh hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. Điều này có thể gây ra nhiều tác động xấu về kinh tế và nông nghiệp, phá vỡ các phương thức canh tác truyền thống và thách thức an ninh lương thực.

Khi cây nở hoa sớm hơn dự kiến có thể tạo ra những bất thường trong chu kỳ thụ phấn, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của cây trồng và làm giảm năng suất nông nghiệp. Sự thay đổi này có thể làm giảm năng suất và tăng chi phí sản xuất, đồng thời ảnh hưởng đến giá thực phẩm và chuỗi cung ứng.

Hiện tượng nở hoa sớm toàn cầu trong năm 2024 và những năm gần đây là minh chứng rõ ràng cho những tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh chúng ta. Tác động kinh tế và nông nghiệp của việc ra hoa sớm đang cho thấy nhu cầu cấp thiết về một chiến lược thích ứng và các biện pháp xây dựng khả năng phục hồi nhằm giảm những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra đối với cộng đồng nông nghiệp và hệ thống lương thực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

“Chấm dứt bạo lực - Vun đắp yêu thường" là chủ đề của Tháng Gia đình tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Sở Công thương thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc nâng cấp, xây mới hệ thống chợ truyền thống. Mục tiêu, sẽ nâng cao số lượng các chợ truyền thống được cải tạo, nâng cấp và xây mới.

Sáng 25/6, HĐND huyện Sóc Sơn khoá 20 nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp lần thứ 18.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây là những đồi chè xanh mướt, yên bình giữa thiên nhiên mát mẻ và trong lành.

Đền Và là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), chính thức được ra mắt vào ngày 28/6 tới đây, sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp và mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống.