'Deal hời' lúc nửa đêm, bẫy tâm lý cần cảnh giác

Mua sắm online vào lúc nửa đêm thường khiến người tiêu dùng thiếu tỉnh táo, dễ bốc đồng, dẫn đến nhiều quyết định chi tiêu không hợp lý. Thường xuyên mua sắm, canh sale, đợi chốt "deal hời" vào thời điểm này, lâu ngày có thể trở thành thói quen xấu, gây thiệt hại không nhỏ cho bản thân.

Nhiều người “nghiện” chốt đơn vào ban đêm

Theo lý giải của nhiều bạn trẻ, do ban ngày họ bận công việc, không có thời gian để đi mua sắm trực tiếp hoặc lướt mạng mua sắm online, bởi vậy, vào ban đêm, khi rảnh rỗi, họ sẽ vào các trang thương mại điện tử để tìm kiếm những món đồ cần mua.

0 - 2 giờ sáng thường được coi là khung giờ vàng để nhiều bạn trẻ mua sắm, bởi đây là khoảng thời gian mà các sàn thương mại điện tử hay các nhà bán lẻ online tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn nhất. Để có thể canh được deal hời, nhiều bạn trẻ sẵn sàng thức thâu đêm, cho dù hôm sau vẫn phải đi làm, đi học.

Những lời thúc giục, những mã giảm giá siêu hời hấp dẫn đã khiến cho không ít bạn trẻ bị cuốn theo và liên tục chốt đơn vào mỗi buổi đêm. Nhưng khi nhận được đơn hàng thì nhiều người lại hối hận vì quyết định mua sắm của mình.

Chị Phan Ngọc Mai (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ chị đã chốt đơn mua những chiếc cặp tóc với giá 1K, nhưng từ khi nhận đồ, chị chưa sử dụng bao giờ vì sản phẩm nhận được không giống như chị tưởng tượng.

Dù biết là đây là những mánh khóe của các nhãn hàng khi tung deal ra vào lúc nửa đêm nhưng mình vẫn không thể nào kiềm chế được, một bạn trẻ cho biết. 

Khi bị cuốn vào những phiên livestream buổi đêm, nhiều người sẽ liên tục bấm chọn thêm vào giỏ hàng, xác nhận đơn hàng, thanh toán qua thẻ.

“Bẫy” tâm lý mua sắm ban đêm

Khi mua sắm online vào ban đêm, người mua nếu không có đủ độ tỉnh táo sẽ rất dễ bị cuốn theo những lời quảng cáo, chào mời của người bán hàng livestream và dễ có những  quyết định mua sắm thiếu kiểm soát. Những món đồ không dùng đến ngày càng nhiều từ những khoảnh khắc bốc đồng lúc nửa đêm nhưng nhiều người vẫn không thể thay đổi thói quen này. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào cảnh bội chi.

Không mua thì tiếc, mua thì không mặc được, cho cũng không ai thèm mặc… là tình huống nhiều người gặp phải khi mua sắm thời trang online. Đã có trường hợp nhận gần chục cái váy mà không mặc được cái nào, bởi cái thì màu không giống như khi xem livestream; cái thì rộng; cái thì chẳng hợp với mình. 

Người tiêu dùng dù đã nhận ra rất nhiều mánh khóe trong quy trình tiếp thị và quảng cáo của các nhà bán hàng và đã tự nhủ rằng không được mua thêm nữa, nhưng khi bị cuốn vào những phiên livestream buổi đêm, lý trí họ lại không điều khiển được đôi bàn tay, và rồi liên tục bấm chọn thêm vào giỏ hàng, xác nhận đơn hàng, thanh toán qua thẻ.

Theo các nhà nghiên cứu, hiệu ứng Dunning-Kruger, còn được gọi là hiệu ứng D-K, đề cập đến thực tế là một người bình thường tự tin quá mức vào thông tin và những thứ quen thuộc hơn với mình, điều này ảnh hưởng đến hành vi ra quyết định hàng ngày. Đối với người tiêu dùng, tâm lý này sẽ khiến họ đặt nhiều kỳ vọng vào mình, nghĩ rằng mình sẽ không bị lừa bởi những chiêu trò của nhà bán hàng. Nhưng thực tế sẽ ngược lại, bạn sẽ dễ dàng bị các chiến lược tiếp thị thao túng hơn.

Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng các thương hiệu thường tung nhiều ưu đãi vào nửa đêm vì đây là thời gian mà tâm trí con người kém minh mẫn nhất, hành vi mua sắm vì thế cũng dễ bốc đồng hơn. 

PGS.TS. Phạm Thị Thu Hoa, chuyên gia tâm lý cho rằng, thời điểm vào ban đêm, ý thức kiểm soát của con người sẽ bị giảm xuống, bởi vậy, khi mua sắm vào ban đêm, người ta dễ bốc đồng mua sắm nhiều mặt hàng khác nhau. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân bán hàng online thường tung nhiều chiêu tác động kích thích người mua hàng chốt đơn vào ban đêm.

Theo ThS. Nguyễn Bình Minh, Giảng viên khoa Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại, hoạt động thương mại điện tử, nhất là các hoạt động livestream sẽ tạo ra một hiệu ứng đám đông khiến nhiều người bị cuốn theo các voucher, mã giảm giá, phần thưởng… và cảm thấy thích thú trong việc mua sắm, thậm chí là gây nghiện.

Với những phiên livestream liên tục vào đêm muộn, khi mà người mua không có đủ độ tỉnh táo, thì việc rơi vào cảnh mua sắm thiếu kiểm soát là điều khó tránh khỏi.

Những món đồ không dùng đến ngày càng nhiều từ những khoảnh khắc bốc đồng lúc nửa đêm .

Kiểm soát mua sắm theo cảm xúc

Kết quả khảo sát của một sàn thương mại điện tử đầu năm nay cho thấy 81% người Việt được hỏi cho biết mua sắm online đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chiếm tỷ trọng lớn trong các đơn hàng là sản phẩm tiêu dùng nhanh, quần áo và giày dép.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử sinh căn bệnh "nghiện" mua sắm online. Và nửa đêm đang trở thành một thời điểm vàng cho nhu cầu này.

Tôi rất hay đặt hàng buổi tối trên Shopee vì rất nhiều mã giảm giá. Nhiều khi tôi phải thức đến 1-2 giờ để canh giảm giá. Cũng có những món đồ tôi mua về rất thừa thãi, tôi cũng nghĩ tại sao tôi lại dành nhiều thời gian để săn sale vào buổi tối như thế?!".

Anh Lê Tuấn Hưng (phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội).

Tôi mua đồ theo cảm hứng, buổi tối thì ít nghĩ, thấy hình ảnh đẹp là mình thấy hấp dẫn. Nghĩ kỹ thì món đồ mình mua tính thích thú nhiều hơn hữu dụng".

Chị Trần Phương Mỹ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội).
Có những món đồ mình không có nhu cầu mua, nhưng theo cảm xúc thời điểm đó, mình rất dễ mua quá tay. Dịp Tết vừa rồi tôi cũng mua túi, ví nhưng bây giờ tôi vẫn chưa dùng".
Chị Dương Thanh Hương (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)

Để tránh tình trạng mua sắm bốc đồng, chi tiêu mất kiểm soát khi mua hàng online lúc đêm muộn, ThS. Nguyễn Bình Minh, Giảng viên khoa Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại, khuyên rằng người trẻ nên chi tiêu có kế hoạch, cân nhắc trước 1-2 ngày để xem mình có thật sự cần sản phẩm đó hay không; không nên ham rẻ, mua những sản phẩm kém chất lượng, gây lãng phí.

Có nhiều cách để thoát khỏi thói quen chi tiêu bốc đồng khi mệt mỏi. Theo các chuyên gia, nếu thấy mệt mỏi lúc về nhà và muốn mua sắm vài thứ trên mạng, trước lúc bấm "thanh toán" hãy chờ đợi một chút.

Cứ để món đó trong giỏ hàng khoảng 24 tiếng và suy nghĩ xem bạn có thực sự cần mua nó hay không.Trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ trải qua "giai đoạn hạ nhiệt", giúp bạn cân bằng lại cảm xúc và thể trạng của bản thân. Khi quay lại giỏ hàng vào lúc tỉnh táo, năng lượng nhận thức ở mức cao, quyết định bạn đưa ra sẽ chính xác hơn.

Người thích mua sắm lúc đêm muộn cũng nên cân nhắc các bước để kiểm soát tình trạng căng thẳng hay kiệt sức của mình. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đi ngủ đúng giờ và đủ 7 tiếng mỗi ngày,... góp phần hạn chế tình trạng áp lực và mệt mỏi sau ngày dài làm việc.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất để tránh mua sắm online vào đêm muộn chính là cố gắng tránh xa điện thoại và các ứng dụng mua hàng trước giờ đi ngủ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dù lực lượng chức năng trên các tuyến đường, toàn bộ hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn được ghi lại và xử lý nghiêm minh.

Theo Nghị quyết 01/2024 của Tòa án Nhân dân Tối cao có hiệu lực từ 1/7 tới đây, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 6 triệu cuộc gọi trong 20 năm qua.

Trong thời gian thí điểm thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, việc thí điểm không chỉ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương mà còn tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến, chiếm khoảng 71% tổng số thủ tục hành chính trong hơn một năm qua.

Tại hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra khuyến khích, thúc đẩy giao dịch không tiền mặt an toàn, hiệu quả.