'Đi bão' - chưa thành người đã thành tội phạm
Chân dung những "quái" xế
Nguyễn Hồng Nhung, SN 2005, trú tại quận Tây Hồ, là người cầm lái chiếc xe đã đâm thẳng vào xe của một phụ nữ SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng vào khoảng 0 giờ ngày 03/11. Cú đâm mạnh và nhanh khiến nạn nhân tử vong, còn Nhung thì ngất tại chỗ.
Điều khiến nhiều người bức xúc là trước khi tai nạn xảy ra, xe của Nhung và các thành viên trong đoàn đang di chuyển ở tốc độ cao, từ 80 đến 90 km/giờ, lạng lách, đánh võng, còn nạn nhân lại đang đứng chờ đèn đỏ.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các lực lượng có mặt tại hiện trường điều tra, xác minh. Đến tối 3/11, 10 đối tượng liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ, trong đó có Nhung cùng 9 đồng phạm khác.
Các đối tượng tuổi đời còn khá trẻ nhưng có biểu hiện hư hỏng, chơi bời, lêu lổng, thích tụ tập bạn bè vào ban đêm. Họ thiếu sự quan tâm quản lý từ gia đình. Đa số nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng ở khu vực ngoại thành hoặc từ các tỉnh ngoài di chuyển vào trung tâm thành phố.
Vào tối cuối tuần, các đối tượng di chuyển theo từng đoàn "đi bão": phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí để khuếch trương thanh thế, mục đích quay clip đăng lên các nền tảng mạng xã hội hoặc đi giải quyết mâu thuẫn vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Cơ quan Công an nhận định, đây là các nhóm chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hầu hết đều chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, học theo các trào lưu tiêu cực, cực đoan trên mạng xã hội, bị kích động bởi các trò chơi điện tử bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật mà không nghĩ rằng mình sẽ trở thành đối tượng bị pháp luật xử lý.
Điều đáng nói, việc vi phạm không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của chính bản thân đối tượng mà còn đem đến những hệ lụy, hậu quả đau lòng cho người tham gia giao thông.
Khó khăn trong xử lý tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Không chỉ phóng nhanh, đánh võng, lạng lánh, gây khiếp sợ cho người tham gia giao thông mà các đối tượng còn sẵn sàng cầm theo vũ khí nóng để tổ chức hỗn chiến. Nguyên nhân rất đơn giản, chỉ xuất phát từ một cái nhìn lạ khi tham gia giao thông hay chỉ một câu nói đùa bâng quơ trên mạng xã hội, vậy là mâu thuẫn xảy ra, sau đó rủ rê, lôi kéo bạn bè đi tìm đánh nhau để trả thù. Sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ khiến nhiều thanh thiếu niên vướng vào vòng lao lý, đến lúc ân hận thì đã quá muộn màng.
Đi tụ tập thành đoàn, phóng nhanh, hò hét, chửi bới, cầm theo dao phóng lợn diễu hành qua nhiều tuyến phố trung tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội khiến người đi đường khiếp sợ - đó là những hình ảnh được công an quận Đống Đa trích xuất từ chính điện thoại của hơn 30 thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn thành phố. Hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa hai nhóm thanh thiếu niên.
Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ một nhóm thanh thiếu niên cầm hung khí, đánh nhau. Điều đáng nói, nguyên nhân của vụ ẩu đả chỉ bắt nguồn từ một cái nhìn được gọi là "nhìn đểu" trên đường giữa hai nhóm thanh thiếu niên.
Thông qua mạng xã hội, Trần Duy Tiến đã rủ các thành viên trong nhóm của mình đi chơi, trong quá trình di chuyển, cả nhóm cầm theo một cây kiếm với mục đích để phòng thân. Khi đi đến cầu Nhật Tân hướng đi Đông Anh, nhóm của Tiến phát hiện hai thiếu niên đi xe máy, cầm theo dao phóng, có biểu hiện "nhìn đểu" nên cả nhóm đã đuổi theo để đánh nhau. Quá trình đuổi theo, nhóm của Tiến đã điều khiển xe với tốc độ cao, ném mũ bảo hiểm về hướng hai thành niên kia nhưng không trúng. Khi đến khu vực soát vé nhà ga T2 sân bay Nội Bài, nhóm của Tiến chặn được xe của hai thiếu niên và đánh một người bị thương tích.
Theo Công an thành phố, trong thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý, nhưng tình trạng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối tượng vi phạm chủ yếu đều còn ít tuổi, hoặc chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Điều đó khiến các đối tượng nhờn luật, hoặc không biết sợ. Có đối tượng bị bắt vài lần nhưng sau đó đâu vẫn vào đấy, dù bậc làm cha làm mẹ ký đủ loại cam kết.
Nỗi xót xa đằng sau những tội lỗi
Nạn nhân bị thiệt mạng, tội lỗi của các đối tượng cũng sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Sau tất cả, chỉ có những người mẹ người cha ngậm đắng nuốt cay gánh chịu mọi hậu quả mà những đứa con của họ đã gây ra.
Đứng chờ hàng tiếng đồng hồ bên ngoài cửa Công an quận Hoàn Kiếm, cuối cùng, người phụ nữ cũng đã được nhìn thấy con trai của mình khi cậu ta được dẫn giải để thực hiện ghi hình. Con trai chị chính là Nguyễn Tá Minh Khang, người đã đâm xe trực diện khiến một cô gái tử vong tại chỗ. Chị không ngờ rằng việc giao xe máy cho con khi con chị mới đang học lớp 10 lại khiến cả gia đình rơi vào cảnh bi đát như thế này.
Phụ huynh gần như bất lực trong việc quản lý con cái, để rồi những thanh thiếu niên cứ tự do hành xử trong thế giới mới lớn của mình. Không ít thanh thiếu niên bị bắt giữ về hành vi tụ tập điều khiển xe máy tốc độ cao hoặc dùng hung khí đánh nhau trên đường. Hành vi của các đối tượng sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Thế nhưng sau tất cả, người đau lòng nhất là những người mẹ, người cha.
Hầu hết các em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, chưa nhận thức được về pháp luật, học theo các trào lưu trên mạng xã hội, bị kích động bởi các trò chơi điện tử bạo lực. Những suy nghĩ tiêu cực ăn sâu vào tiềm thức, châm ngòi cho hành vi vi phạm pháp luật của những đứa trẻ.
Đừng buông lỏng giáo dục từ gia đình
Xã hội chứng kiến xu hướng trẻ hóa tội phạm ở mức độ ngày càng rõ rệt, đồng thời cũng nhận ra vấn đề giáo dục từ gia đình đang bị buông lỏng. Gia đình đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ, đó là môi trường đầu tiên và cũng là môi trường trực tiếp, thường xuyên mà trẻ tiếp cận. Những đứa trẻ thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc từ tổ ấm gia đình, từ bậc làm cha làm mẹ khiến cho tâm lý dễ bị tác động bởi môi trường xấu, bạn bè xấu và đặc biệt là từ luồng thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Khi cha mẹ không làm gương, không có sự mẫu mực trong hành xử đã vô tình tạo nên những vết xước trong tâm hồn, những nhận thức lệch chuẩn trong con trẻ.
Có thể thấy, phương pháp giáo dục của cha mẹ, môi trường gia đình lành mạnh tạo nên một nhận thức vững chắc cho trẻ. Một số gia đình vẫn tồn tại cách giáo dục con cái bằng đòn roi, bằng bạo lực khiến trẻ em bị tổn thương, hình thành tâm lý bị dồn nén, kìm hãm khi ở nhà và bộc phát ra ngoài xã hội.
Từ những nhận thức lệch lạc qua lời nói, hành động và cách dạy dỗ thô bạo của phụ huynh, nhiều trẻ sẽ hướng đến lựa chọn cách phô diễn vai trò cá nhân cực đoan, phi nhân tính, thể hiện chính xu hướng lệch lạc ấy ra ngoài xã hội, gây nên những hậu quả có thể trả giá bằng cả cuộc đời.
Quản lý trẻ vị thành niên tham gia đua xe trái phép đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa giáo dục, giám sát, pháp lý và các giải pháp cộng đồng. Để tránh những tai nạn nghiêm trọng như đã xảy ra, việc nâng cao nhận thức, giáo dục và tạo ra các giải pháp thay thế cho đam mê tốc độ của giới trẻ là rất cần thiết.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD.
Năm 2025 sẽ giữ nguyên mức tiền lương như năm 2024. Lương viên chức vẫn được tính theo mức lương cơ sở x hệ số lương.
Sáng sớm 23/12, nhiệt độ tại đỉnh Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai xuống -1 độ C, khiến băng giá tiếp tục xuất hiện tại nơi đây.
TP. HCM đang là 1/21 địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, khoảng 1,32 con/phụ nữ.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết sẽ tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo kết quả một cuộc điều tra từ các độc giả do tạp chí Mỹ US News & World Report công bố mới đây, Việt Nam vinh dự góp mặt trong danh sách 40 quốc gia đẹp nhất thế giới năm 2024.
0