Dưới đáy hồ Tây có gì?

Khi nhắc đến hồ Tây, trong lòng mỗi người con Hà Nội hẳn sẽ có những cảm xúc rất riêng. Du khách thăm Hà Nội hẳn đã có dịp ngắm cảnh hoàng hôn đầy lãng mạn hay ghé những đầm sen ven hồ Tây. Nhưng, có những giai thoại, truyền thuyết gắn liền với địa danh quen thuộc này mà chúng ta có thể chưa từng biết đến.

Lịch sử hồ Tây

Về địa lý, hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ được tạo thành chủ yếu do tác động xâm thực của sông Hồng. Tuy nhiên, sự hình thành của hồ là câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều tư liệu lịch sử cho thấy, cách đây hàng nghìn năm, hồ Tây là đoạn còn sót lại do sông Hồng chuyển dòng mà thành.

Hồ Tây có rất nhiều tên. Cái tên đầm Xác Cáo được cho là tên cổ nhất. Về tên Lãng Bạc, theo Tây Hồ chí, tướng nhà Hán là Mã Viện đã gọi hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ.

Một tên khác là hồ Kim Ngưu. Trong sách Hồn sử Việt, vua Lý Công Uẩn thấy hồ Kim Ngưu cảnh đẹp nên thường xuyên ngồi thuyền rồng du ngoạn. Không ít lần, mặt hồ tỏa sương mờ mịt, tạo ra cảnh tượng vô cùng huyền ảo, vì thế, hồ được đổi tên là Dâm Đàm, nghĩa là hồ mù sương.

Về cái tên Tây Hồ, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1573, vua Lê Thế Tông lên ngôi, tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ”.

Đến đời chúa Trịnh Tạc, năm 1657, vì kiêng chữ Tây nên Tây Hồ bị đổi thành Đoài Hồ, là hồ phía tây. Mỗi tên gọi của hồ đều gắn với một giai đoạn lịch sử, đều gợi những câu chuyện có phần huyền bí.

Thời vua Tự Đức, chu vi hồ là 21 dặm. Sở dĩ chu vi hồ nhỏ hơn so với ngày nay vì đất các làng quanh hồ ăn ra sát mặt nước. Theo cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, hồ Tây rộng 538ha. Tác giả Nguyễn Văn Uẩn hoàn thành bộ sách này năm 1983-1984 nên diện tích hồ Tây trong sách là số liệu trước khi bộ sách hoàn thành. Còn theo bản đồ do Liên Xô chụp tháng 12-1981 qua vệ tinh, hồ Tây rộng 526,16ha.

Song số liệu của Công ty Đầu tư và khai thác thủy sản Hồ Tây cho biết, năm 1987, hồ rộng 516ha. Hiện nay, diện tích hồ được xác định là hơn 500ha với chu vi khoảng gần 15km, riêng chiều dài đường ven hồ khoảng 17km. Đây là hồ nước tự nhiên lớn nhất thủ đô Hà Nội.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: “Hồ Tây là khu vực cảnh quan thiên nhiên đặc biệt có quy mô lớn, trước đây diện tích là hơn 500ha nhưng sau khi kè rồi thì còn hơn 460ha. Theo khoa học, gần như đây là nơi tích hợp của các dòng sông cũ, và trước đây hồ này là 1 phân đoạn của sông Hồng và sau một thời gian, trải qua các hình thái biến đổi mà trở thành hồ Tây như hiện nay. Ngoài ra hồ Tây còn có các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống. Hiện nay, chúng ta đã kiểm kê được khoảng gần 70 di tích lịch sử, trong đó có gần 20 di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Những di tích này nằm ở ven hồ, bên trong các khu dân cư".

Nhìn từ trên cao, hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua với góc phía đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, phần còn lại được bao quanh bởi làng mạc phố phường.

Nằm ven hồ Tây có các làng cổ như làng hoa Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, làng nghề giấy dó Yên Thái, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã...; cùng hệ thống đậm đặc di tích lịch sử văn hóa như chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, đền Quán Thánh, chùa Bà Đanh...

Hồ Tây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Nghĩa địa dưới đáy hồ liệu có thật?

Dưới mặt hồ Tây, một màu xanh thăm thẳm bao trùm mọi thứ, Ánh sáng le lói chỉ đủ để tạo ra những đường vân nhòe nhạt, không thể nhìn thấy bất kỳ hình ảnh nào khác. Chỉ có sự tĩnh mịch và màu xanh huyền ảo, như một bí mật không bao giờ được khám phá.

Anh Đức Soạn đã làm việc hơn chục năm tại Xí nghiệp hồ Tây và gần như gắn bó với mặt hồ mỗi ngày. Với biệt danh “người nhái”, anh là người am tường từng ngóc ngách, từng chỗ nông sâu của hồ.

Anh Lò Đức Soạn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ): "Tôi bơi ở hồ Tây cũng phải từ tháng 8/2001 rồi. Ở đây thì người ta hay phân biệt ra hồ trên với hồ dưới, hồ dưới tính từ mé Thiên Phủ đến chỗ khu vực công viên nước, còn hồ trên là từ Phủ Tây Hồ đi lên tới đường Thanh niên. Chỗ sâu nhất thì có 3 điểm, như khu vực đối diện chỗ đua thuyền, chỗ đối diện trường Chu Văn An, đằng sau khách sạn Thắng lợi. Có chỗ có mồ mả ở dưới lòng hồ, đặc biệt là khu vực Trích Sài, có rất nhiều ngôi mộ cổ ngày xưa. Ở dưới hồ cũng có nhiều loại sinh vật, trong đó cá bè như cá trê, cá trê phi lai là nhiều nhất. Bởi vì người ta cứ bắt cá nhỏ đi nên cá to không kịp lớn, cá trê phi thì hay ăn các loại cá khác nên nó mới nhiều hơn. Dưới hồ thì tối đen không nhìn thấy gì cả, chỉ có tôm, cua, cá, bùn, phạm vi nhìn thấy cũng chỉ 30cm thôi. Để mà trả lời được câu hỏi dưới lòng Hồ Tây có gì thì cũng khó lắm, cũng còn nhiều điều bí ẩn".

Nước hồ luôn có màu xanh ngọc, nhưng khi ở dưới mặt nước lại là màu xanh lục. TS khoa học Đỗ Văn Tứ - Phòng sinh thái môi trường nước - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, lý giải: "Vì màu sắc của vạn vật là do sự khúc xạ của ánh sáng mặt trời phản chiếu chính nó đến với mắt chúng ta. Do đó, ở 2 vị trí khác nhau là bề mặt nước và bên dưới mặt nước sẽ có màu sắc khác nhau, đồng thời dưới mặt nước có nhiều vi sinh vật và thực vật nổi có mật độ lớn và đặc trưng của nhóm này có màu xanh lục, đặc biệt là tảo lục. Do đó, trong môi trường nước có nhiều vi sinh vật và tảo, chúng ta cũng khó có thể quan sát các sinh vật khác".

Kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Viết Bân, nguyên Trưởng phòng khoa học kỹ thuật – Công ty đầu tư khai thác hồ Tây, cho biết: "Khu nghĩa trang địa phương ở đây lớn khoảng 3ha, thì qua thời gian, sóng nước hồ Tây phát triển, quét tan khu vực này, chỉ còn trơ lại nền móng của một số mả xây của người xưa. Đương nhiên nước hồ dâng lên nhưng không có nghĩa những ngôi mộ bị phá hủy, gần như theo chúng tôi khám phá 3, 4 nghĩa trang xung quanh đây thì mồ mả của họ vẫn còn nguyên, chỉ là chìm dưới đáy hồ mà thôi. Ngoài ra, người dân ven hồ có người nhà ở nghĩa trang này thì cũng tận dụng gỗ từ khu nghĩa trang, ví dụ như đóng bàn ghế hoặc xẻ ra mang về kè cạp trước cửa nhà mình. Vì khu nghĩa trang cũng bị sóng đánh vỡ hết, gần như không còn gì cả".

Ông Nguyễn Viết Bân đã đi lặn từ năm 18 tuổi, đến bây giờ ông đã 80. Ông kể lại mình từng phát hiện cá trắm 90kg, vì thời đó oxy ở hồ nhiều hơn bây giờ nên cá ngoài tự nhiên ở hồ có thể phát triển rất nhanh.

Cá khủng hồ Tây

Kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Viết Bân kể lại: "Ở hồ Tây này cá khủng có, trước đây, thời tôi còn tại chức chúng tôi đã thuê những đoàn khai thác cá từ Thanh Hóa, trong 2 năm người ta thu được 45 tấn cá. Gọi là cá khủng nhưng thực ra nó là cá ben, bọn này ăn ốc là chính. Nhưng vì thế mà nó phát triển rất tốt và rất nhanh trong phạm vi hồ. Khi phát triển đủ, cũng phải nặng 5-7 cân. Thậm chí, tôi nghe có những con 40-90 cân cũng từng được bắt lên, đặc biệt là các tầng đáy. Trước đây, chúng tôi thuê đoàn Sơn La để khai thác ốc, hồi đó người ta có thể khai thác vài tấn ốc một ngày. Chúng tôi cũng mang giống trai cánh, trai cấy ngọc để nuôi vùng này. Nhưng bây giờ thì không còn nữa".

Tất cả những truyền thuyết, huyền thoại đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, từ những yêu cầu tâm linh. Chúng ta phải có trách nhiệm giải mã, chỉ có như vậy mới hiểu được cuộc sống của cha ông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 10/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức buổi truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2024.

Trên nền nhiệt độ giảm sâu do đợt gió mùa Đông Bắc này, từ ngày 11 đến 13/12, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm. Khoảng ngày 14-15/12, khu vực vùng núi Trung du Bắc Bộ có khả năng xảy ra tình trạng rét đậm, có nơi rét hại, nhiệt độ trung bình giảm xuống dưới 15 độ C.

Thông tư 35 của Bộ Giao thông Vận tải quy định người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng một ngày cũng phải thi lại lý thuyết. Quy định có hiệu lực từ 1/1/2025.

Năm 2024, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn Hà Nội là gần 71.000, trong đó, hơn 3.000 cơ sở bị xử phạt.

Hiện nay, các chợ truyền thống tại Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), hạ tầng xuống cấp.

Sáng nay, 10/12, HĐND Thành phố bước vào ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.