Hà Nội phục dựng Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên là điện quan trọng nhất, nằm tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long, là biểu tượng của một nền văn minh rực rỡ kéo dài qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Qua bao biến cố thời gian, Điện Kính Thiên ngày nay chỉ còn lại dấu tích.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration -:-
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -:-
1x

Những phát hiện khảo cổ học năm 2024

Thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO và tiếp tục hành trình khám phá, đi tìm lời giải cho ngôi Điện Kính Thiên đầy bí ẩn, năm 2024, các nhà khảo cổ học đã khám phá thêm 4 hố khai quật trong Hoàng thành Thăng Long. Đáng chú ý, đã lộ diện thêm nhiều dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, Lê Trung Hưng và Lê sơ.

Tại những hố khai quật khác xuất hiện dấu tích sân Đan Trì là nơi vua tổ chức các sự kiện trọng đại và đường ngự đạo - đường dành riêng cho vua đi. Các nhà khoa học đã đi đến nhiều kết luận quan trọng, thêm nhận diện chính thức về chính điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16) và Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 - 18). Kết quả khai quật cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong cấm thành Thăng Long.

Đây là phần việc quan trọng mà Việt Nam đã cam kết trước với UNESCO khi trình hồ sơ đề nghị Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa Thế giới. Những phát hiện mới cũng là minh chứng hùng hồn về sự hưng thịnh của nghệ thuật và nền văn minh từ thời Lê sơ qua kiến trúc Điện Kính Thiên. So sánh với các nước Đông Á, Điện Kính Thiên đã đạt trình độ đáng kể.

Điện Kính Thiên sau khi phục dựng sẽ như thế nào?

Điện Kính Thiên là tòa điện để thiết triều, nằm chính giữa trung tâm cấm thành của kinh đô Thăng Long, khởi dựng từ thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như lễ đăng quang, lễ đại triều và lễ đón tiếp sứ thần.

Tòa Điện Kính Thiên được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại nhiều lần dưới triều Mạc và triều Lê Trung Hưng. Năm 1816, vua Gia Long cho xây dựng cung điện mới tại nền Điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1841, thời vua Thiệu Trị cho đổi tên thành Điện Long Thiên. Năm 1886, sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp phá hủy Điện Long Thiên để xây tòa nhà cho quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại ký ức vàng son của Điện Kính Thiên trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng, trở thành bảo vật quốc gia.

Trong hàng triệu di vật khảo cổ được tìm thấy, đặc biệt các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 50 cấu kiện gỗ. Dù bị cháy và không mấy nguyên vẹn nhưng vẫn hiển hiện các lớp sơn son thếp vàng. Và khi lắp ghép các thanh gỗ này, điều kỳ diệu đã hiện lên: Một kiểu kết cấu kiến trúc điển hình của các cung điện ở Đông Á. Đó là bộ giá đỡ khung mái bằng gỗ, lắp ghép cầu kỳ, rất đẹp và chuẩn xác, có sự tính toán rất cao về khoa học, chứng tỏ trình độ khoa học và thẩm mỹ của ông cha ta sánh ngang hàng các vương quốc Đông Á thời đó, được gọi là kiến trúc "Đấu cùng". Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên.

Từ phát hiện cấu trúc "Đấu cùng", so sánh với cung điện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nhà khoa học đã tìm ra kích thước của Điện Kính Thiên. Kết hợp cùng thềm rồng đá, các dữ liệu dần khớp nối. Chiều rộng của Điện là 4,8m, gian hai bên rộng 4,2m. Điện có 7 gian 2 chái, chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m². Tổng cộng, công trình có 60 cột gỗ. Lối đi chính giữa của thềm rồng dành cho nhà vua, hai bên dành cho quan đại thần.

Một bí mật nữa tiếp tục được giải mã, đó là những di vật khảo cổ ngói ống men vàng và men xanh hình rồng. Nếu như trước đây chỉ là phỏng đoán, thì nay, đã khẳng định ngói rồng men vàng là loại cao cấp nhất, được sử dụng để lợp trên mái cung điện quan trọng nhất trong cấm thành Thăng Long, đó là tòa Điện Kính Thiên. Đặc biệt thú vị là con rồng được tạo hình có vẩy nón liên tiếp chứ không thẳng như ngói hình rồng ở các nước khác.

Sự cần thiết phục dựng Điện Kính Thiên

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã chứng minh đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son. Về mỹ thuật, không hề thua kém các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở khu vực Đông Á.

Từ những phát hiện này, Hà Nội càng quyết tâm hơn trong việc phục dựng Điện Kính Thiên tại Trung tâm Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - nơi hiện nay được bạn bè quốc tế bình chọn là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Việt Nam và Hà Nội, để người dân và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa dân tộc, để giá trị của Hoàng thành Thăng Long lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Hà Nội đã không ngừng nỗ lực trong hơn 20 năm qua, từ việc bảo tồn, nghiên cứu đến phục dựng. Và giờ đây, chúng ta có đủ niềm tin và cơ sở khoa học để tiếp tục hành trình này giúp công chúng hiểu rõ hơn vị thế văn hóa của dân tộc, dể chúng ta thêm tự hào và tự tin vào hành trình hiện đại hóa và hội nhập.

Trong một tương lai rất gần, Hà Nội sẽ phục dựng Điện Kính Thiên, công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất trong quần thể kiến trúc Hoàng thành, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Các thành quả nghiên cứu là một bước tiến dài trong lịch sử sau hơn 20 năm khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.

Hoàng Thành Thăng Long không là của riêng người Hà Nội, mà là của cả nước, của cộng đồng quốc tế. Hà Nội đã xác định phục dựng thành công Điện Kính Thiên là trách nhiệm với cả nước và với cộng đồng thế giới, tiếp tục minh chứng thực hiện tốt các cam kết với UNESCO. Từ đây, Hà Nội phát huy tối đa giá trị văn hóa của di sản, để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong bản đồ Di sản Thế giới, xứng đáng là quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Những bản sắc của Tết cổ truyền sẽ được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long, thể hiện một Hà Nội cổ kính, truyền thống và thanh lịch.

Trước thềm xuân mới Ất Tỵ 2025, dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh di tích Quốc gia Đền Bà Kiệu đã kịp thời hoàn thành.

Xin chữ đầu năm là truyền thống, nét văn hóa lâu đời của dân tộc. Trong ngày này, hình ảnh những ông đồ với áo the, khăn xếp di chuyển ngọn bút lông trên nền giấy đỏ đã trở thành hình ảnh in đậm trong văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nét đẹp ấy đang dần trở lại trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Chào xuân Ất Tỵ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Đường Lâm, Sơn Tây, đã chế tác bộ tác phẩm "Thạch ong xà" gồm 45 bức tượng về rắn – linh vật năm 2025, kết hợp giữa điêu khắc gỗ, đá và nghệ thuật sơn mài.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều di tích của Hà Nội mở cửa miễn phí, tạo cơ hội cho người dân, du khách thập phương tham quan và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Đường hoa Nguyễn Huệ phục vụ người dân và du khách tại TP.HCM dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã hoàn thành, sẵn sàng khoe hương sắc đón mừng năm mới.