Hiện tượng Minh Tuệ và hội chứng đám đông

Hành giả Minh Tuệ - một người đang tự tu theo lối khổ hạnh, xưng “con” trong giao tiếp, không nhận là Thầy chùa, ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường... đang trở thành tâm điểm chú ý của mạng xã hội và nhận những luồng ý kiến trái chiều.

Vị tu hành này được cho là đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Ba lần trước, không ai biết và bàn tán về những chuyến đi bộ mà ông thực hiện. Nhưng đến lần thứ 4 này, hành giả Minh Tuệ trở thành nạn nhân của mạng xã hội khi đi đến đâu, các YouTuber, Facebooker, TikToker và dân chúng cũng ồ ạt kéo theo đến đó. Khi xem những thước phim quay cảnh các đám đông này, nhiều người không khỏi lo lắng cho các hoạt động tưởng chừng như thuộc về những điều rất cá nhân của ông.

Độc hành với đôi chân trần, với tấm y chắp nối từ vải vụn nhặt được, cái lõi nồi cơm điện thay cho bình bát khất thực, không nhận cúng dường bất cứ thứ gì ngoài phần thức ăn cho bữa duy nhất trong ngày, hành giả Minh Tuệ sống đời không nhà cửa, để rèn luyện việc bỏ đi “cái ngã” - tức là cái tôi của bản thân và những lòng ham về lối sống vật chất.

Tuy nhiên điều gây tranh cãi nhất không phải là cách mà người đàn ông này tu hành mà là hình ảnh của đám đông ồn ào, hiếu kỳ đi theo ông trên mỗi bước đường mà ông khất thực.

Hình ảnh của đám đông ồn ào, hiếu kỳ đi theo hành giả Thích Minh Tuệ trên mỗi bước đường mà ông khất thực.

Người tu hành tự do

Mạng xã hội gọi hành giả Minh Tuệ là sư, một tu sĩ, một khất sĩ, tuy nhiên, chính ông luôn chỉ nhận mình là một người dân thường đang tập học theo giáo lý của đức Phật, đi khất thực để rèn luyện, đạo đức, sức khỏe.

Hành giả Thích Minh Tuệ tên thật Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê gốc ở tỉnh Hà Tĩnh, thường trú tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ông từng là nhân viên đo đạc địa chính và có thời gian tham gia quân ngũ. Ông là một công dân bình thường và chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh). Rất nhiều nhà tu hành cũng đang thực hành theo pháp tu này. Hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh có từ thời đức Phật, trong đó, tiêu biểu nhất là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp - vị “Thánh Tăng đệ nhất đầu đà”. Pháp tu này được quy định cụ thể với 13 điều sau đây:

1. Y phục làm bằng những mảnh vải rách.

2. Chỉ dùng ba y.

3. Khất thực mà ăn.

4. Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa.

5. Không ăn quá no.

6. Không giữ tiền bạc.

7. Sống độc cư.

8. Sống trong nghĩa địa.

9. Sống dưới gốc cây.

10. Sống ngoài trời.

11. Không ở cố định, thường du hành.

12. Ngồi ngủ, không nằm ngủ.

13. Chỉ dùng bình bát.

Hành giả Minh Tuệ đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và có 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Mọi việc chỉ trở nên ồn ào từ khi hình ảnh của ông được đưa lên các trang mạng xã hội. Vị hành giả đi đến đâu, dân chúng ồ ạt kéo theo đến đó, trong đó, có nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker.

Vị hành giả đi đến đâu, dân chúng ồ ạt kéo theo đến đó, trong đó, có nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker.

Những "bữa tiệc" view trên mạng xã hội đến từ đám đông

Như đã nói, hành trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ sẽ diễn ra lặng lẽ và bình an nếu như thời gian gần đây không có những người lan truyền hình ảnh về ông trên các trang mạng xã hội. Cho dù phần lớn trong hàng nghìn người vây quanh ông Minh Tuệ là người yêu mến, tôn kính ông, nhưng phải nhìn nhận một sự thật rằng, đám đông tự phát luôn rất dễ kéo theo những ồn ào, hỗn loạn, ẩn chứa nguy cơ xung đột… Ngay cả đám đông trên mạng xã hội những ngày qua cũng không ngớt chia phe tranh cãi, không ít người buông lời quá khích. Trong đám đông ấy có những người hiếu kỳ, có những người hành đạo và có cả những trục lợi của các YouTuber, TikToker.

Sau khi trở thành hiện tượng của những nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội, hành trình của vị tu hành này luôn kéo theo hàng nghìn người muốn bày tỏ tôn sùng có, muốn đi theo học đạo có, vì tò mò, nghi ngờ hay tìm cách “bóc phốt” cũng có. Và không thể không kể đến một lực lượng “hùng hậu” những người đi theo ông chỉ mới mục đích duy nhất là lợi dụng vị tu hành để làm nội dung câu like, câu view trên mạng xã hội.

Tuy nói những lời ca tụng, thực chất họ chỉ coi ông là đối tượng để khai thác, lợi dụng như vẫn làm thế với mọi nhân vật “hot” trên mạng. Những “nhà sản xuất nội dung” kiểu này bao vây ông Minh Tuệ một cách thô lỗ và hung hãn. Xem những video livestream được đăng tải, nhiều người thấy cám cảnh, thương cho hành giả bị quây bởi những chiếc điện thoại có tay cầm nối dài lăm lăm giơ lên xung quanh ông, muốn đi cũng không đi nổi một bước.

Nhiều người trong số đó vì muốn lôi kéo người dùng mạng nhằm mục đích bán hàng, muốn được chú ý hay do bị chi phối bởi động cơ nào đó, một số YouTuber, TikToker, Facebooker đã làm quá lên về Thích Minh Tuệ, kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ. Hùa theo đám đông, chạy theo trào lưu, nhiều người đón lõng “sư thầy đi bộ”, rồng rắn đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim… Cảnh tượng lộn xộn đó gây phản cảm và phản tác dụng đối với mong muốn của chính Thích Minh Tuệ. Không bỏ lỡ cơ hội, những thế lực thù địch đã lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội.

Hùa theo đám đông, chạy theo trào lưu, nhiều người đón lõng “sư thầy đi bộ”, rồng rắn đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim…

Đoàn người rậm rập kéo đi, bất kể trời mưa hay nắng.

Camera, máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm, bất kể thứ máy móc gì cũng có thể được sử dụng để đăng tải thông tin trên mạng xã hội.

Hình ảnh của vị người đàn ông tu hành này xuất hiện kín trên các nền tảng số.

Trên nền tảng YouTube, có cả trăm tài khoản mang tên Thích Minh Tuệ.

Thậm chí hình ảnh của ông đã bị lợi dụng để bình luận xuyên tạc về đời sống tu hành của nhiều tăng ni, phật tử khác…

Tâm lý đám đông với việc cả nghìn người đi theo, vây quanh, tìm cách tiếp cận, quay chụp, livestream, hát hò, tụng niệm… chính là sự quấy quả, làm nhiễu loạn quá trình tu tập của ông. Chẳng những mất đi sự riêng tư, bị chiếm lấy không gian và thời gian dành cho việc thanh tu, đoàn người đông đúc còn có thể mang đến cho ông nhiều rắc rối cùng những phiền toái.

Đám đông tràn kín con đường hành giả này đi qua còn có thể gây mất an toàn giao thông, an toàn sức khỏe và những xích mích dễ nảy sinh trong chốn đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Theo giáo lý nhà Phật, việc gây cản trở quá trình tu tập của người xuất gia vì những dục vọng, lợi ích cá nhân của mình sẽ tạo nghiệp rất nặng. Còn nhìn từ góc độ thế tục, đó là hành động phản cảm, xấu xí, đáng lên án.

Đám đông tràn kín con đường hành giả này đi qua còn có thể gây mất an toàn giao thông, an toàn sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Vẫn biết tâm lý con người vốn thích tò mò, hiếu kỳ, thích được chú ý hoặc muốn mình hiện diện bên những "người nổi tiếng",  nhưng điều đó chỉ tạo thành một đám đông hỗn loạn, ồn ào, thiếu sự trang nghiêm cần thiết dành cho một người tu hành.

Nhiều người coi trọng cá nhân và pháp tu của hành giả Minh Tuệ nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất khi mà Đức Phật có tới 8 vạn 4 ngàn pháp môn cho tăng ni phù hợp với căn cơ từng người. Cho nên không thể chỉ coi trọng hình ảnh của hành giả Minh Tuệ mà coi thường các vị đang tu hành chân chính tại các chùa, tịnh xá và tu viện.

Trước hiện tượng “Thích Minh Tuệ”, ngày hôm qua 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ đã lên tiếng về hiện tượng "Sư Minh Tuệ," khuyến cáo người dân thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật.

Việc ra văn bản từ phía cơ quan quản lý là việc làm cần thiết - nhất là những thông tin chính thống, phòng trường hợp các cá nhân mượn danh các tổ chức tôn giáo để truyền bá hoặc thực hành các nghi lễ đông người. Đó cũng là cơ sở ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, mượn hình ảnh hành giả Minh Tuệ để có những quan điểm chia rẽ tôn giáo, làm ảnh hưởng đến sự đóng góp của tăng đoàn và Giáo hội.

Một người đã lựa chọn cho mình hình thức buông xả, nỗ lực để đi tìm những giá trị tốt đẹp cốt lõi bên trong thì không mưu cầu những sự nổi tiếng, ồn ào như những gì đám đông đang dành cho họ.

Mỗi người dân, nếu vì sự ngưỡng mộ một người tu hành nào đó, nên tôn trọng sự riêng tư, an tịnh của họ, tránh quấy rầy và làm ảnh hưởng xấu đến sự thực hành giáo lý.

Một người đã lựa chọn cho mình hình thức buông xả, nỗ lực để đi tìm những giá trị tốt đẹp cốt lõi bên trong thì không mưu cầu những sự nổi tiếng, ồn ào như những gì đám đông đang dành cho họ. Và như chính vị tu hành này nói - chỉ mong mọi người cùng học tập và thực hành theo lời Phật dạy.

Mỗi người nếu vì lòng kính trọng đối với một người đang thực hành theo giá trị tốt đẹp của đạo Phật thì điều ý nghĩa nhất là sửa đổi bản thân trong mỗi lời nói, hành động và ý nghĩ, hướng tới những điều tốt đẹp cho xã hội, tùy theo khả năng của mình để làm - dù là những điều nhỏ nhất.

Có lẽ sau những ồn ào này, hành giả Minh Tuệ cũng sẽ hạn chế những tiếp xúc của mình với “những nhà sáng tạo nội dung” trên mạng xã hội, bởi khi mọi thứ được lợi dụng để đẩy lên đỉnh điểm, thì những giá trị ông đang tìm kiếm sẽ khó mà đạt được giữa những thị phi và ồn ào như vậy.

Xin được thay lời kết bằng hai câu thơ rất phù hợp với chủ đề này:

“Tìm gì giữa chốn trần gian

Dạ không, hai chữ bình an, đủ rồi!"

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Xe ô tô chở khách theo hợp đồng loại 29 chỗ sắp đến hạn đăng kiểm nhưng thiết bị giám sát hành trình trên xe bị hỏng, không đăng nhập được, liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả đăng kiểm xe?

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng vừa có đề xuất gia cố nhiều đoạn taluy có nguy cơ sạt lở của tuyến đèo Prenn - cửa ngõ của thành phố Đà Lạt.

Bộ GTVT yêu cầu Công ty CP Phúc Thành Hưng, doanh nghiệp dự án Diễn Châu – Bãi Vọt khắc phục ngay vị trí đảo thu phí để hoàn thành toàn bộ dự án trước 30/9/2024 theo đúng hợp đồng đã ký.

Trong ngày 26/7 từ 0-24 giờ các đơn vị được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông tạm dừng hoạt động trông giữ phương tiện dưới lòng đường trên các tuyến phố Lê Thánh Tông, Lê Đức Thọ.

Để đảm bảo ANTT, ATGT phục vụ lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội cùng công an các địa phương đã triển khai phương án phân luồng giao thông, ứng trực giữ gìn an ninh trật tự trên suốt lộ trình đoàn tang lễ.

Lúc sinh thời, trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ba lần ghé thăm tỉnh Đắk Lắk. Những chuyến đến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với phong thái giản dị, thân tình, gần gũi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân.