Liban trải qua 'ngày chết chóc'
Một ngày đẫm máu ở Liban
Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, tuyên bố quân đội sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đẩy Hezbollah ra khỏi biên giới giữa Liban với Israel. Các cuộc không kích rộng khắp hôm thứ Hai đã gây thiệt hại nặng nề cho Hezbollah. Nhưng ông Daniel Hagari không nêu rõ chiến dịch này khi nào sẽ kết thúc. Điều đáng chú ý là Israel đã sẵn sàng đưa bộ binh vào Liban nếu cần. Dư luận đang lo ngại Liban đang sắp trở thành một Gaza thứ 2, tan hoang và đẫm máu.
Theo thông tin của Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công 1.300 vị trí của Hezbollah trong ngày hôm qua, phá hủy tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tầm ngắn và máy bay không người lái tấn công.
Người phát ngôn của quân đội Israel biện hộ rằng nhiều tên lửa được giấu trong các khu dân cư.
“Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh. Chúng tôi tìm cách hạ gục các mối đe dọa. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ này”.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - Người phát ngôn quân đội Israel.
Ông Hagari cho rằng Hezbollah đã phóng khoảng 9.000 tên lửa và máy bay không người lái vào Israel kể từ tháng 10 năm ngoái, bao gồm 250 tên lửa chỉ riêng hôm thứ Hai. Israel ước tính Hezbollah hiện có khoảng 100.000 binh sỹ, sở hữu khoảng 150.000 tên lửa, bao gồm tên lửa dẫn đường và đạn tầm xa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Israel.
Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad cho biết các cuộc không kích trước đó đã tấn công vào các bệnh viện, trung tâm y tế và xe cứu thương. Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các trường học và trường đại học trên khắp cả nước và bắt đầu chuẩn bị nơi trú ẩn cho những người phải di dời.
Một số cuộc không kích đã tấn công vào các khu dân cư ở phía nam và phía đông thung lũng Bekaa. Một cuộc không kích đã nhằm vào một khu vực rừng rậm xa tận Byblos, cách biên giới phía bắc Beirut hơn 130 km.
Số người chết vào thứ Hai vượt xa số người chết trong vụ nổ cảng tàn khốc ở Beirut năm 2020, khi hàng trăm tấn amoni nitrat được lưu trữ trong một nhà kho phát nổ, giết chết ít nhất 218 người và làm bị thương hơn 6.000 người. Bộ Y tế Liban đã yêu cầu các bệnh viện ở miền Nam và thung lũng Bekaa phía Đông hoãn các ca phẫu thuật không khẩn cấp để điều trị cho những người bị thương do "hành động xâm lược ngày càng mở rộng của Israel đối với Liban".
“Thủ tướng Najib Mikati đang làm việc với chính phủ và các nhóm chính phủ để giải quyết hậu quả của cuộc xâm lược mà chúng tôi là nạn nhân ở mọi cấp độ: ngoại giao, nhân đạo, y tế, an ninh và cả về mặt sinh kế của người dân. Chúng tôi đang chứng kiến một làn sóng di cư và cuộc thảm sát khiến hơn 3.000 người thương vong tại cảng Beirut và ở phía nam và tại Bekaa."
Bà Bahia El Hariri- Đại biểu Quốc hội Liban.
Israel cho biết họ đang mở rộng phạm vi không kích đến các thung lũng dọc theo biên giới phía đông của Liban với Syria. Lực lượng Hezbollah hiện diện tại thung lũng này từ khi được thành lập vào năm 1982.
"Tôi muốn làm rõ chính sách của Israel. Chúng tôi loại bỏ các quan chức cấp cao, chúng tôi loại bỏ những kẻ khủng bố, chúng tôi loại bỏ tên lửa - và còn nhiều điều nữa sắp xảy ra. Bất kỳ ai cố gắng làm tổn thương chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tổn thương họ nhiều hơn nữa. Tôi đã hứa rằng chúng tôi sẽ thay đổi cán cân an ninh, cán cân quyền lực ở phía bắc - đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Pháo kích dữ dội của Israel gây ra cảnh hỗn loạn chưa từng có ở Liban. Người dân miền Nam Liban hoảng hốt thu dọn đồ đạc đi lánh nạn, làm tắc nghẽn đường giao thông. Các cảnh báo sơ tán lần đầu tiên được đưa ra trong gần một năm xung đột leo thang liên tục và cao trào là một cuộc giao tranh đặc biệt dữ dội vào Chủ nhật. Hezbollah đã phóng khoảng 150 tên lửa, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào miền Bắc Israel để trả đũa các cuộc tấn công đã giết chết một chỉ huy cấp cao và hàng chục chiến binh Hezbollah.
Viễn cảnh một cuộc chiến toàn diện
Câu hỏi đặt ra lúc này là Hezbollah sẽ phản ứng như thế nào trước sự leo thang của Israel và những đòn tàn phá mới đây nhằm vào tổ chức này?
Hezbollah chắc chắn chưa sẵn sàng thu hẹp quy mô, ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới và rút lui khỏi biên giới Israel, hoặc từ bỏ cam kết hỗ trợ Hamas ở Gaza. Thế nhưng, việc lựa chọn một cuộc chiến tranh toàn diện sau một năm cố gắng tránh không để điều đó xảy ra sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tổng thư ký, lãnh đạo tinh thần của Hezbollah Nasrallah và những người bảo trợ đều hiểu rõ cái giá phải trả cho một cuộc chiến như vậy đối với Hezbollah, Liban và có khả năng là cả Iran.
Trước đó, Israel và Hezbollah bắn phá mục tiêu của nhau một cách hạn chế, tránh vượt qua lằn ranh đỏ và hạn chế thương vong cho dân thường. Nhưng các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Liban hôm qua có thể đã lật ngược tình hình, biến cuộc chiến tranh tiêu hao này thành một tình huống mới và nghiêm trọng hơn nhiều, đẩy khu vực này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Một cuộc chiến như vậy sẽ tàn phá Liban và Israel, và cũng có thể kéo Iran và Mỹ vào cuộc đối đầu trực tiếp.
"Một lần nữa, Pháp kêu gọi các bên và những bên ủng hộ hạ nhiệt và tránh một cuộc xung đột khu vực có thể tàn phá tất cả các bên, trước hết là dân thường. Vì lý do đó, tôi đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp về Liban trong tuần này".
Ông Jean Noel Barrot - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp.
Tổng thư ký Hezbollah, Hassan Nasrallah, đã nhấn mạnh trong suốt gần một năm giao tranh rằng tổ chức này sẽ chỉ ngừng bắn nếu có một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
"Sự hỗ trợ cho Gaza sẽ tiếp tục cho đến khi chiến tranh ở Gaza kết thúc, cho dù kéo dài bao nhiêu lâu. Giải pháp quân sự của Israel chỉ làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan của Israel và người dân phía bắc mà không giải quyết được vấn đề của họ. Vì vậy, hãy chấm dứt chiến tranh ở Gaza".
Ông Naim Qassem - Phó Tổng thư ký Hezbollah.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Israel đã đẩy cuộc xung đột theo hướng ngược lại. Cuộc tấn công vào hệ thống liên lạc của Hezbollah nhưng lại làm nhiều thường dân chết và bị thương, khiến người dân Liban bàng hoàng, phẫn nộ và tuyệt vọng. Nó chứng minh lợi thế quân sự chiến thuật của Israel so với Hezbollah. Israel đủ khả năng xâm nhập vào trung tâm chỉ huy và các cấu trúc cấp cơ sở của tổ chức này.
Tiếp theo là vụ ám sát Ibrahim Aqil, một thủ lĩnh chủ chốt của Hezbolla. Cuộc không kích giết chết các chỉ huy cấp cao khác của nhóm chiến binh này, cũng như một số thường dân. Hezbollah đã đáp trả bằng cách mở rộng phạm vi mục tiêu lửa bắn vào Israel, nhắm vào cả các cơ sở quân sự và khu dân cư trên khắp miền Bắc Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant mô tả các cuộc tấn công phối hợp vào các mục tiêu của Hezbollah là một "giai đoạn mới", đồng thời nói thêm rằng trọng tâm của cuộc chiến đang di chuyển về phía bắc vào Liban. Israel có vẻ ít thận trọng hơn. Sau gần một năm giao tranh có kiềm chế với Hezbollah, các nhà lãnh đạo Israel dường như sẵn sàng mạo hiểm để mức độ leo thang có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia G7 ra tuyên bố chung kêu gọi "chấm dứt chu kỳ hủy diệt hiện tại", cảnh báo rằng "không quốc gia nào được hưởng lợi từ việc leo thang hơn nữa ở Trung Đông".
"Các hành động và phản ứng đối phó có nguy cơ làm trầm trọng thêm vòng xoáy bạo lực nguy hiểm này và kéo toàn bộ Trung Đông vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với hậu quả không thể tưởng tượng được".
Tuyên bố chung của G7.
Thật khó để xác định chiến lược đằng sau các hành động của Israel là gì. Kể từ ngày 7 tháng 10, như chính quyền Biden đã nhận định, Israel đã không thể hiện một chiến lược mạch lạc với các mục tiêu chính trị rõ ràng. Còn những người chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng ông chủ yếu bị thúc đẩy bởi vận mệnh chính trị của chính mình và ông đang cố giữ lấy ghế Thủ tướng.
Hồi tháng 5, Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì những tội ác mà họ đã gây ra ở dải Gaza. Dư luận quốc tế cho rằng, giờ đây, khi cuộc chiến lan sang Liban, với hàng trăm người vô tội thiệt mạng, thì danh sách những tội ác do phía Israel gây ra đang ngày một kéo dài.
Israel vẫn khẳng định đã đưa ra cảnh báo trước các cuộc tấn công, nhưng rõ ràng số dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công là không nhỏ.
Cuộc đối đầu bất phân thắng bại
Các cuộc tấn công và phản công ngày càng tăng đã làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh toàn diện, ngay cả khi Israel đang giao tranh với Hamas ở Gaza và cố gắng đàm phán để giải thoát hàng chục con tin bị bắt trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas.
Chắc chắn tất cả các bên đều biết những hậu quả tàn khốc nếu xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa hai bên. Israel có sức mạnh quân sự để tàn phá Beirut và các khu vực khác của Liban như đã làm ở Gaza, còn lực lượng Hezbollah dù đã suy yếu cũng có thể bắn hàng nghìn tên lửa vào các địa điểm chiến lược của Israel, từ sân bay đến trung tâm Tel Aviv, đường ống cung cấp nước và trung tâm điện, cũng như giàn khoan khí đốt ngoài khơi.
Hezbollah được coi là nhóm phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới. Được cho là có sự hậu thuẫn của Iran và có trụ sở tại Liban ở phía đông Địa Trung Hải, nhóm Hồi giáo Shia này đã tham gia vào các cuộc đối đầu với lực lượng Israel tại biên giới phía nam của Liban kể từ ngày 8 tháng 10. Mặc dù không thể sánh với sức mạnh quân sự của Israel, nhưng kho vũ khí ngày càng tinh vi của Hezbollah có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho Israel.
Israel có quân đội vượt trội hơn hẳn Hezbollah, nhưng nhóm được cho là do Iran hậu thuẫn này tự hào có tên lửa có tầm bắn lên tới 500km. Số lượng tên lửa và rốc két của nhóm này là 120.000 đến 200.000. Hezbollah vẫn tiếp tục tích trữ tên lửa và rốc két kể từ cuộc xung đột gần nhất với Israel vào năm 2006. Các máy bay không người lái của Hezbollah hầu như đều do Iran cung cấp và được sử dụng cho mục đích giám sát và tấn công mục tiêu.
Trong suốt nhiều thập kỷ xung đột với Israel, Hezbollah đã tham gia vào cuộc chiến tranh không cân sức. Họ đã tìm cách gia tăng sức mạnh chính trị và quân sự, đồng thời tìm cách thiết lập sự răn đe bất chấp ưu thế quân sự của Israel. Nhưng Hezbollah vẫn luôn thận trọng. Nếu Israel tung hết hỏa lực tiêu diệt Hezbollah, thì nhóm này có thể mất mát đáng kể, thụt lùi nhiều năm - nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ - và phá hủy phần lớn đất nước Liban, nơi đã sụp đổ dưới sức tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài.
Theo tuyên bố của Hezbollah và thống kê của CNN, nhóm này đã mất hơn 500 chiến binh, bao gồm cả chỉ huy, trong các cuộc đối đầu ở biên giới với Israel kể từ tháng 10.
Các nhà phân tích quân sự ước tính Hezbollah có 30.000-50.000 quân, nhưng đầu năm nay, thủ lĩnh Hassan Nasrallah tuyên bố nhóm của ông có hơn 100 nghìn chiến binh và quân dự bị. Trong khi đó, ước tính Israel có 170 nghìn quân chính quy và 465 nghìn quân dự bị.
Phòng thủ trước tên lửa của Hezbollah, Israel có Hệ thống phòng không di động Mái vòm sắt, bao gồm 10 khẩu đội, mỗi khẩu đội mang theo ba đến bốn bệ phóng tên lửa cơ động, với mỗi tên lửa có giá ước tính từ 40.000 đến 50.000 đô la. Ngoài ra, nước này còn có hệ thống David Sling và Arrow, phòng thủ tên lửa ở tầm cao hơn. Về mặt chiến lược, chúng tạo ra một rào cản phòng thủ chống lại tên lửa, súng cối và máy bay không người lái tấn công các khu vực đông dân cư và Israel trước đây đã tuyên bố tỷ lệ thành công trên 90%.
Israel cũng sẽ phải đối mặt với chiều sâu chiến lược của Hezbollah. Nhóm này là một phần của trục kháng chiến trải dài khắp Yemen, Syria, Gaza và Iraq. Trục này được Israel gọi là "vành đai lửa".
Trong gần một năm, các đối tác của Hezbollah trong khu vực đã tham gia vào một cuộc xung đột âm ỉ với Israel và các đồng minh của nước này. Người Houthis của Yemen đã thỉnh thoảng bắn vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ, một tuyến đường thương mại toàn cầu, cũng như vào Israel. Phong trào Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, một nhóm chung của các phe phái Shia theo đường lối cứng rắn, cũng đã phát động các cuộc tấn công vào các vị trí của Mỹ tại Iraq.
Hezbollah liên minh mạnh mẽ với trục các nhóm chiến đấu do Iran lãnh đạo trải dài từ Gaza, Yemen, Syria và Iraq, trong đó Iran được cho là cung cấp vũ khí và đào tạo cho Hezbollah. Các nhóm đã tăng cường phối hợp kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.
Những cuộc tấn công mới đây có thể là thắng lợi đối với Israel nhưng đó chỉ là tạm thời. Quân đội Israel mạnh nhưng mệt mỏi, chia rẽ và bắt đầu vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ chính các đồng minh phương Tây vì những hành động tàn bạo vượt quá giới hạn của mình. Còn Hezbollah tuy có phần yếu thế nhưng lại là lực lượng dày dạn kinh nghiệm, có những đồng minh thiện chiến, khi nổi giận có thể sẽ là thảm họa đối với Israel.
Dư luận quốc tế lo ngại một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra giữa Israel và Liban sẽ đẩy Trung Đông vào những tình huống bất định mới. Nỗ lực ngoại giao từ các nhà trung gian cần phải được đẩy nhanh để ngăn chặn thảm họa không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình chung tại khu vực mà cả thế giới.
Chính quyền Croatia cho biết có kế hoạch tổ chức quốc tang vào hôm nay (21/12) cho các nạn nhân của vụ tấn công bằng dao chưa từng có tại một trường học ở thủ đô Zagreb.
Chính phủ Nhật Bản cho hay, nước này sẽ cung cấp vaccine đậu mùa khỉ cho Cộng hòa dân chủ Congo và đã cử một đoàn chuyên gia y tế đến thực địa để khảo sát cách tiến hành tiêm chủng. Động thái này nhận được sự hoan nghênh từ Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế.
Một đoàn gồm 120 binh sĩ Pháp đã rời Chad vào ngày 20/12, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc rút quân của Pháp khỏi một trong những thuộc địa cuối cùng mà Pháp vẫn duy trì sự hiện diện quân sự.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, vào ngày 27/12 tới, ông sẽ ra quyết định liệu có giải tán quốc hội hay không.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã chia sẻ những nội dung trên mạng xã hội nhằm gửi lời chia buồn về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại chợ Giáng sinh ở thành phố Madeburg của Đức, khiến hơn 60 người thương vong.
Ngày 20/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố 12 thay đổi trong Nội các, theo đó đưa vào 8 bộ trưởng mới và chuyển đổi vị trí của 4 bộ trưởng cũ. Đây được coi là một trong những đợt cải tổ Nội các lớn nhất kể từ khi ông Trudeau lên nắm quyền cách đây 9 năm.
0