Ngọn lửa bài Do Thái đang lan rộng
Hàng loạt vụ việc chống lại người Do Thái và Hồi giáo
Kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra vào đầu tháng 10, đã có một loạt vụ việc chống người Do Thái. Hôm 18/10, cảnh sát Đức cho biết một số đối tượng đã ném 2 quả bom xăng vào một giáo đường Do Thái tại thủ đô Berlin. Trong khi lực lượng chức năng đang khám xét hiện trường, thì một người đàn ông 30 tuổi đi xe máy dừng bên ngoài giáo đường và hô to những khẩu hiệu phản đối Israel. Đối tượng này đã bị bắt và truy tố với tội danh kích động hận thù tôn giáo.
Cùng ngày, một trường học dành cho người Do Thái ở thủ đô Rome của Italy, đã phải sơ tán do bị đe dọa đánh bom. Vụ việc khiến cảnh sát Italy phải tăng cường an ninh xung quanh các địa điểm của người Do Thái ở Rome, đặc biệt là các giáo đường có đông người tập trung hành lễ.
Đáng chú ý, ngày 29/10, hàng trăm người đã xông vào bên trong sân bay Makhachkala ở Cộng hòa Dagestan thuộc Liên bang Nga, sau khi một chuyến bay từ Tel Aviv hạ cánh, nhằm phản đối Israel mở rộng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Hơn 20 người, bao gồm cả cảnh sát và dân thường, đã bị thương trong vụ việc. Bộ Nội vụ Nga cho biết, 60 người đã bị bắt giữ.
Điện Kremlin nhận định, vụ biểu tình quá khích trên là do "ảnh hưởng từ bên ngoài". Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết, một số đối tượng đã tuyên truyền những hình ảnh của dân thường ở Gaza để kích động khu vực có đông người Hồi giáo ở phía bắc Caucasus.
Trong khi đó, căng thẳng giữa các nhóm ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine đã nảy sinh tại một số trường đại học ở Mỹ, khiến ban quản lý các trường học phải thắt chặt an ninh. Kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas bùng phát ngày 07/10, nhiều sinh viên Do Thái tại đại học Columbia, thành phố New York, đã phải hứng chịu những vụ việc chống lại người Do Thái ngay trong khuôn viên trường.
Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) tuần trước đã báo cáo mức tăng đột biến gần 400% về các vụ việc bài Do Thái ở Mỹ nói chung. Trong số 312 sự việc diễn ra từ ngày 07 đến ngày 23/10, khoảng 190 sự việc có liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas.
Tại Vương quốc Anh, các vụ việc về chủ nghĩa bài Hồi giáo và chủ nghĩa bài Do Thái đã tăng vọt trong ba tuần qua. Ít nhất 805 vụ việc bài Do Thái được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 07 đến ngày 27/10; mức cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng thời gian 21 ngày, và nhiều hơn mức được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay. Tương tự, nhà chức trách cũng ghi nhận 291 vụ việc chống lại người Hồi giáo từ ngày 07 đến ngày 19/10, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng bài Do Thái và bài Hồi giáo đều đang gia tăng kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và Hamas. Thế nhưng, làn sóng bài Do Thái dường như mạnh mẽ hơn, lan rộng hơn, đặc biệt là tại các nước châu Âu. Một quan chức EU đã cảnh báo rằng, chủ nghĩa bài Do Thái là một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào xã hội châu Âu, gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với cộng đồng Do Thái trên lục địa này và các mục tiêu cơ bản của Liên minh châu Âu.
Tư tưởng bài Do Thái cấm rễ sâu ở châu Âu
Tư tưởng bài Do Thái ở châu Âu đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, bắt nguồn từ ý nghĩ rằng người Do Thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Jesus. Mãi đến năm 1965, nhà thờ Cơ đốc giáo mới chính thức bác bỏ quan niệm này. Tổ chức An ninh cộng đồng (CST) cho rằng, chủ nghĩa bài Do Thái luôn luôn tồn tại trong các xã hội ở châu Âu, nhưng nó được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhân quyền và các tổ chức vận động ủng hộ người Do Thái sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nhất là sau thảm họa diệt chủng Holocaust do phát xít Đức gây ra. Giới chuyên gia chỉ ra những ý tưởng tiêu cực sâu xa về người Do Thái, thường nổi lên vào những thời điểm xã hội căng thẳng.
Một nghiên cứu gần đây của Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) cho thấy, xu hướng bài Do Thái vẫn tồn tại ở nhiều nước châu Âu. Trong số 6 quốc gia được thăm dò ở Tây Âu, Tây Ban Nha là nơi có tư tưởng chống Do Thái cao nhất, với 26% dân số không thích người Do Thái, tiếp theo là Bỉ (24%), Pháp (17%), Đức (12%) và Anh (10%). Ở Đông Âu, tư tưởng bài Do Thái phổ biến hơn, như ở Hungary (37%) và Ba Lan (35%). Michael O'Flaherty, giám đốc cơ quan về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu cho biết, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào xã hội châu Âu, và điều đáng lo ngại là chỉ 1/3 dân số lục địa này coi bài Do Thái là một vấn đề lớn.
Xung đột ở Dải Gaza đang thổi bùng ngọn lửa bài Do Thái lan rộng khắp châu Âu. Số lượng lớn dân thường Palestine thương vong trong chiến dịch chống lại Hamas của Israel, đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy về các vụ việc chống Do Thái.
Tại Đức, tổ chức giám sát chủ nghĩa bài Do Thái RIAS đã báo cáo các vụ việc chống Do Thái tăng 240% kể từ ngày 07/10, đồng thời cảnh báo chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức có nguy cơ trở lại “thời kỳ khủng khiếp nhất trong lịch sử”. Trong 3 tuần qua, đã có tới hơn 1.800 vụ bạo lực nhằm vào người Do Thái ở Đức. Một chính trị gia cực hữu người Đức ở Bavaria đã bị bắt vì trưng bày các biểu tượng của Đức Quốc xã. Một số người Israel sống ở Berlin cho biết, họ cảm thấy không an toàn kể từ khi xung đột leo thang. Có người thậm chí phải hạn chế nói tiếng Do Thái ở nơi công cộng.
Cũng trong 3 tuần qua, Bộ Nội vụ Pháp ghi nhận 719 hành vi chống Do Thái, gần gấp đôi so với 436 hành vi trong cả năm 2022. Cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 400 người vì các hành vi lăng mạ, xúc phạm cá nhân, đánh dấu nhà của các gia đình Do Thái, cho đến cầm dao, rình rập cạnh giáo đường Do Thái. Các nhóm Do Thái ở Pháp cho biết, một đường dây hỗ trợ những người trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến mới nhất giữa Israel và Hamas đang nhận được hàng chục cuộc gọi yêu cầu trợ giúp mỗi ngày.
Cảnh sát thủ đô London, Anh cho biết, họ đã ghi nhận số tội phạm chống Do Thái tăng 1.353% trong tháng này so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tội phạm bài Hồi giáo tăng 140%. Một số trường học Do Thái ở London đã phải tạm thời đóng cửa trong vài ngày vì sự an toàn của trẻ em. Những người Do Thái ở Anh đang lo sợ cho sự an toàn của họ hơn bao giờ hết kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.
“Trường học phải là nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em. Ba trường học của chúng ta đã phải đóng cửa vì các hiệu trưởng lo lắng cho sự an toàn của con em họ. Lịch sử cho thấy, bất cứ khi nào có sự xáo trộn ở Trung Đông, tỷ lệ hành vi tội phạm sắc tộc đều gia tăng ở nước Anh. Thật không may, Ủy ban An ninh Cộng đồng đã xác nhận rằng, chủ nghĩa bài Do Thái đã gia tăng hơn 300% trong thời gian gần đây.”, Thị trưởng thủ đô London, Vương quốc Anh, cho biết
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Do Thái cho biết, ngày càng nhiều người Do Thái cân nhắc việc rời khỏi châu Âu do thành kiến và phân biệt đối xử. Các chuyên gia ước tính, dân số Do Thái “cốt lõi” hiện nay ở EU là 781.200 người, tức những người có cả cha và mẹ là người Do Thái. Con số này ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và thảm họa Holocaust, vốn giết chết ít nhất 6 triệu người Do Thái ở châu Âu, là khoảng 3,8 triệu người.
Nhiều quốc gia tăng cường bảo vệ người Do Thái
Tại Mỹ, cảnh sát tại 2 thành phố đông dân nhất cả nước là New York và Los Angeles đã tăng cường tuần tra, đặc biệt xung quanh các giáo đường và các cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo. Các cơ quan thực thi pháp luật liên bang cũng đã được đặt trong tình trạng báo động. Cục Điều tra Liên bang (FBI) khuyến cáo người dân nên thận trọng trong thời gian này, khi các cuộc biểu tình ủng hộ người Israel hoặc Palesinte diễn ra tại nhiều thành phố.
Trong một nỗ lực ngăn ngừa các mối nguy hiểm từ chủ nghĩa bài Do Thái tại trường đại học trên khắp đất nước, chính quyền của tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp mới. Nhà Trắng cho biết, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục sẽ phối hợp trong nhiều hoạt động, đồng thời lực lượng thực thi pháp luật sẽ có mặt trong khuôn viên trường để tăng cường giám sát an ninh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre nhấn mạnh: “Chính quyền của tổng thống Biden đang thực hiện nhiều hành động để giải quyết sự gia tăng đáng báo động về các vụ việc chống Do Thái. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn sự thù hận. Chúng ta phải quyết liệt bài trừ chủ nghĩa bài Do Thái. Chúng ta cũng phải quyết liệt bài trừ tư tưởng chống Hồi giáo.”
Tại Anh, Văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak cho biết, sẽ cung cấp gói hỗ trợ bổ sung trị giá 3 triệu bảng Anh (3,7 triệu USD) để bảo vệ cộng đồng người Do Thái khỏi các cuộc tấn công. Số tiền trên sẽ được đưa tới Tổ chức An ninh cộng đồng (CST) – một tổ chức được thành lập để bảo vệ người Do Thái tại Anh khỏi các vụ tấn công cũng như mối đe dọa liên quan, để tăng cường biện pháp an ninh tại trường học và giáo đường.
Pháp, quốc gia có cộng đồng Do Thái và Hồi giáo lớn nhất châu Âu, đã triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ và tăng cường an ninh tại hàng trăm trường học, giáo đường Do Thái và những nơi khác trên khắp đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Còn tại Đức, các nhà lãnh đạo nước này khẳng định, chính phủ Đức có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ mạng sống của người Do Thái.
Tổng thống Đức Steinmeier nói: “Nền dân chủ của chúng ta không phân biệt nguồn gốc và tôn giáo. Mọi người sống ở đây đều phải biết đến thảm họa diệt chủng người Do Thái, và hiểu trách nhiệm của đất nước này. Mỗi cuộc tấn công nhằm vào người Do Thái đều là một nỗi ô nhục đối với nước Đức.”
Cảnh sát thủ đô Berlin đã tăng cường bảo vệ tại các cơ sở của người gốc Do Thái nói chung và Israel nói riêng. Chính quyền các địa phương cũng giữ liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng người Do Thái. Các biện pháp bảo vệ tương tự đối với cộng đồng người Do Thái cũng được áp dụng tại Tây Ban Nha và Italia.
Bà Shada Islam, một nhà phân tích và bình luận tại Brussels cho rằng, những gì đang xảy ra không chỉ đơn giản là sự gia tăng toàn cầu của chủ nghĩa bài Do Thái mà là sự rạn nứt của nền văn minh. Cuộc xung đột ở Trung Đông đang dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc dai dẳng, và các nhà lãnh đạo thế giới nên cẩn trọng để không làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0