Tiếng kẻng chạy lũ
Có một thời, mọi người đã quen với tiếng kẻng. Kẻng trong đơn vị quân đội, công an, công trường, nhà máy, hợp tác xã, trường học… Kẻng báo thức, kẻng báo ngủ, kẻng báo giờ đi làm, giờ giải lao, hết giờ làm…Kẻng báo động khi có máy bay giặc, kẻng báo cháy nhà, kẻng báo vỡ đê…
Tiếng kẻng chạy lũ tại Làng Nủ
Người dân hô hoán, khua tay, cố gọi thật to báo cho các chiến sĩ "chạy đi, chạy nhanh đi", "lên bờ ngay đi". Chỉ huy các lực lượng cũng ngay lập tức ra lệnh "dừng tìm kiếm, di chuyển đến nơi an toàn". "Chạy đi, chạy nhanh đi". "Lên bờ ngay đi".
Những tiếng hô hoán thất thanh kèm tiếng kẻng báo động thúc giục các chiến sĩ đang tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ nhanh chóng rời hiện trường.
Rất lâu rồi mới nghe thấy âm thanh từ tiếng kẻng báo động giống thời chiến đến thế.
Sáng 10/9, 35 mái nhà của người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, bị nhấn chìm sau trận cuồng lũ bất ngờ. Chỉ còn một vệt nâu vàng của bùn đất. Và ở dưới đó, có thể là hơn 60 thi thể bị vùi lấp, có nhiều trẻ nhỏ chưa đầy 6 tuổi.
Chiều ngày 11/9, trong lúc gần 300 người thuộc các lực lượng đang tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân thì trên đỉnh núi Con Voi đất đá lại tiếp tục đổ xuống. Lực lượng chức năng kịp thời dùng hiệu lệnh kẻng để thông báo cho người dân và các cán bộ, chiến sĩ sơ tán ngay lập tức. Tiếng kẻng cấp báo vang lên dồn dập giữa núi rừng, trong những ngày tang thương, có lẽ sẽ trở thành nỗi ám ảnh của không ít người.
Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy Lào Cai đã đưa ra phương án để tái thiết làng Nủ, xây dựng khu tạm cư cho 40 hộ dân bị lũ quét vùi lấp và những nhà ở vị trí thấp, không an toàn, theo lối nhà sàn của người Tày. Đề án do Hội kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, được toàn dân tán thành 100% và bắt đầu triển khai xây dựng từ ngày 16/9, đến ngày 31/12 sẽ hoàn thành.
Ngoài ra, trong khu tái định cư, nhà văn hóa, trường học, các công trình hạ tầng (đường, điện, nước…) cũng sẽ được xây dựng để đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, các hộ dân hiện đang sinh sống ở các khu vực thấp trong vùng cũng có thể chuyển tới sống tại khu tái định cư chứ không chỉ riêng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét.
Nước lũ đang rút dần. Thiên tai rồi cũng qua, nhưng với người dân Làng Nủ, mất mát là quá lớn và nỗi đau sẽ khó có thể nguôi ngoai. Trong đề án tái sinh Làng Nủ, có lẽ nên dành một không gian thích hợp, ở một vị trí phù hợp, nơi đó treo một chiếc kẻng. Chiếc kẻng báo lũ. Chiếc kẻng báo bình yên.
Ký ức về tiếng kẻng
Thỉnh thoảng lục lại kí ức, có biết bao kỉ niệm của một thời xa xôi khiến lòng rộn lên những xúc cảm miên man. Nhớ lại thuở ấu thơ, tiếng kẻng và tiếng trống thu không nơi quê nhà là một kỉ niệm đẹp, cũng là di sản của một thời xa vắng.
Ngày nay, cái kẻng không còn nữa. Tiếng kẻng và tiếng trống thu không gọi giờ cũng đã lặng lẽ rời xa chúng ta. Ruộng đồng cũng ngày một thu hẹp, dần vắng bóng người. Nhưng trong lòng bao nhiêu lớp người cũ đã từng đi qua một thời gian khổ đói nghèo, chật vật lam lũ với ruộng đồng, chắc sẽ không bao giờ quên được âm vang keng keng của tiếng kẻng.
Qua thời gian, chiếc kẻng vẫn làm tròn chức năng của mình, là phương tiện phát đi tín hiệu, thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết cộng đồng…
Tại nhiều địa phương, mô hình Tiếng kẻng an ninh đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống yên bình. Tại một địa phương của tỉnh Thanh Hóa, mô hình này được xây dựng dựa trên tinh thần cố kết tình làng nghĩa xóm và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự.
Ở những khu vực nóng về tội phạm, khu vực đông dân cư, những chiếc kẻng được sử dụng để truyền mệnh lệnh nhanh hơn, kịp thời hơn khi xảy ra tình huống mất an ninh trật tự. Và từ đó, tiếng kẻng đã dần trở thành tín hiệu âm thanh quen thuộc vì sự bình yên của người dân.
Việc thực hiện mô hình Tiếng kẻng an ninh tại nhiều địa không chỉ góp phần xây dựng nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư mà còn phát huy tốt vai trò của của người dân trong việc tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Trước đó, mô hình tiếng kẻng học bài đã ra đời và trở thành nguồn lực, tiếp sức cho nhiều em học sinh trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19. Tại huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An, khi các em nghe tiếng kẻng sẽ tự giác dừng các hoạt động vui chơi, giải trí… để ngồi vào bàn học. Kế đó, các bậc phụ huynh sẽ nhắc nhở con em tự giác học tập. Thành quy ước, sau tiếng kẻng báo giờ học buổi tối, bậc phụ huynh tắt tivi, loa đài để có không gian yên tĩnh cho con em tập trung học bài.
Trong một số trường hợp cấp thiết, tiếng kẻng lại có chức năng đặc biệt. Đó là tiếng kẻng báo lũ chồng lũ. Như tiếng kẻng ở Làng Nủ trong ngày các lực lượng căng sức tìm kiếm nạn nhân mất tích sau lũ. Tiếng kẻng bất chợt vang lên, cùng đó là những tiếng hô hoán, thúc giục mọi người khẩn trương rời hiện trường, vì dòng lũ mới xuất hiện.
Người giữ kẻng
Chiếc kẻng đã gắn bó với người dân thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hơn nửa thế kỷ. Kẻng được tận dụng từ một la - zăng của chiếc xe tải đã hỏng do Liên Xô cũ sản xuất từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Lưu Công Mạnh cho biết: “Ký ức đầu tiên của tôi về chiếc kẻng là tiếng báo của hợp tác xã đi làm, sau đó đến thời chiến tranh thì có tiếng kẻng báo động máy bay của Mỹ, sau đó kẻng được dùng để báo hiệu cho những sự việc khẩn cấp ở địa phương".
Chiếc kẻng độc đáo này không chỉ có nhiệm vụ cảnh bão lũ. Mà cứ khi có sự việc trọng đại là kẻng lại vang dội khắp thôn làng. Nếu có lũ, có cháy thì đánh kẻng 3 liên hồi, đánh to và gấp gáp.
Xưa, nếu có máy bay địch thì đánh thúc giục gấp hơn nữa. Thời bao cấp, khi có thông báo vào ca, tan ca nhà máy thì đánh kẻng hồi ngắn, rộn ràng. Nếu có cụ già cao niên vừa quy tiên thì 3 hồi 9 tiếng chậm rãi. Cứ như vậy, người dân thôn Trung Hoàng đã thuộc nằm lòng từng âm tiết, giai điệu của kẻng.
Bà Lưu Thị Sứ cho biết: “Kẻng từ trận lụt năm 71 là lúc mà nước ngập lên cao lắm, nghe tiếng kẻng là người già chúng tôi lại động viên con cháu ra giúp sức chống lũ, giúp dân, giúp quê hương. Mà nghe tiếng kẻng thì con cháu cũng rất hăng hái giúp đỡ”.
Mặc dù hiếm khi dùng, nhưng không thể thiếu và vô cùng quan trọng, chiếc kẻng được treo ở cổng Đền thờ Đức Đại vương, thôn Trung Hoàng, tại nơi cao ráo nhất và sát bờ đê Bùi.
Còn có chuyện trước kia, những năm 1960, cũng tại đây, dân treo chiếc kẻng được tận dụng từ vỏ quả bom Mỹ ném xuống miền Bắc nước ta. Nhưng trận lụt lịch sử năm 1971, nước ngập lên đền thờ, trôi mất kẻng. Từ đó người dân dùng la - zăng của xe tải Liên Xô làm kẻng. Phế liệu từ bom Mỹ rồi đến xe tải Liên Xô, làm nên những câu chuyện nhân văn cứu người, cứu làng ở Bắc Bộ Việt Nam.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết: “Hôm đó nhận lệnh của chính quyền địa phương báo hiệu cho người dân về cơn bão số 3, tôi trực tiếp ra gõ kẻng báo động lụt bão, đồng thời hiệu cho người dân ra chống tràn đê, tôi đồng thời cũng là người phụ trách loa đài ở đây".
Chiếc kẻng báo động vẫn còn nguyên tác dụng cho đến tận thời đại 4.0.
Ông Lưu Công Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho biết: “Tối 9/9, nhận công điện chống bão lũ, lúc đó thì không có điện, sóng điện thoại, không liên lạc được nên hôm đó tôi đi xe máy xuống, kiểm tra nước lên rồi cho gõ kẻng luôn, bà con kịp thời cùng lực lượng chức năng, cán bộ và chính quyền địa phương đã ra ứng cứu kịp thời cơn bão số 3".
Âm thanh tiếng kẻng có sức mạnh thật sự, với tác dụng truyền tin, tập hợp và định hướng. Tưởng chỉ còn là kí ức một thời đã qua, nhưng chính tiếng kẻng đó đã vang lên khi người dân cùng các chiến sĩ ứng phó với bão số 3, và đã dẫn dắt cộng đồng ứng phó với mưa lũ, vượt qua thảm họa an toàn.
Mới đây, một người phụ nữ tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa đã gom và bán hết số tiền vàng trị giá 300 triệu đồng đi chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo.
Sáng 19/11, tại Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đã diễn ra lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Việt Nam) - Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Đêm qua, 18/11, kho đồ chơi trẻ em bằng nhựa rộng hàng trăm mét vuông tại phố Định Công, quận Hoàng Mai đã bị lửa thiêu rụi, toàn bộ mái tôn đổ sập, biến dạng, một số nhà xưởng xung quanh bị lửa bén vào...
Ngay sau khi xảy ra vụ đuối nước khiến 5 học sinh mất tích tại khu vực sông Hồng thuộc xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ đã thiết lập Sở chỉ huy dã chiến để chỉ huy lực lượng quân sự phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Sáng 19/11, Toà án nhân dân quận Long Biên (TP. Hà Nội) đưa ra xét xử vụ án Cố ý gây thương tích liên quan đến việc nam sinh lớp 8 bị đánh chết não (sau đó đã tử vong). Tuy nhiên, phiên tòa bị hoãn do bị cáo vắng mặt.
Từ tháng 12/2024, không khí lạnh được dự báo hoạt động mạnh, gây ra các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ. Đồng thời, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, triều cường, và sạt lở sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các vùng miền khác trên cả nước.
0