Trẻ uống trà, già tập thể thao

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc - UNFPA công bố, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Trong khi đó, một con số nghiên cứu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. "Trẻ uống trà, già thể dục" là một cụm từ được dùng để ám chỉ tình trạng ít tập thể dục hay lười vận động ở giới trẻ hiện nay.

Người già tập khiêu vũ để khỏe hơn

Trong thời đại hiện nay, lý do thường xuyên được đưa ra để né tránh việc tập thể dục chính là sự bận rộn và quỹ thời gian eo hẹp. Nhưng ít ai biết rằng việc lười vận động là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Lối sống không lành mạnh như dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy vi tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong đại bộ phận người Việt Nam. Hoạt động thể lực ngày ít đi kèm theo vô số hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên thực tế, người trẻ nghĩ rằng mình khỏe rồi nên chẳng cần tốn thời gian tập luyện làm gì. Trong khi đó, người già nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian nên cần tập thể dục để sống lâu hơn.

Cứ đúng 6 giờ sáng hàng ngày, tiếng nhạc sôi động lại cất lên ở một góc phố nhỏ gần khu vực phố đi bộ Hồ Gươm. Những động tác khiêu vũ uyển chuyển, dẻo dai, những bước chân điêu luyện không phải đến từ những cô cậu thanh niên trẻ tuổi mà lại đến từ những người phụ nữ ở tuổi xế chiều.

Những người phụ nữ của câu lạc bộ khiêu vũ quận Hoàn Kiếm chăm chỉ luyện tập hàng ngày với mục đích cải thiện sức khỏe

Đều đặn 12 năm liên tục, những người phụ nữ của câu lạc bộ khiêu vũ quận Hoàn Kiếm vẫn chăm chỉ luyện tập hàng ngày với mục đích cải thiện sức khỏe, đặc biệt là khi cơ thể đã dần lão hóa và tìm kiếm những niềm vui sống mới.

Bà Nguyễn Thị Vân - thành viên CLB khiêu vũ quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Đối với những người có tuổi thể thao rất quan trọng. Và lứa tuổi xế chiều đòi hỏi mình phải rèn luyện thể thao để cho cơ thể mình khỏe mạnh và dẻo dai hơn".

Bà Nguyễn Thị Vân - Thành viên CLB Kiêu vũ quận Hoàn Kiếm

Bên cạnh việc rèn luyện và nâng cao sức khỏe, việc tới câu lạc bộ hàng ngày cũng tạo cơ hội cho những hội viên ở đây được làm quen với những người bạn mới, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, tiếp thêm năng lượng để bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi.

Bà Nguyễn Thị Vân chia sẻ thêm: "Môn khiêu vũ thể thao rất mềm deo, nhẹ nhàng và đồng thời để chị em giao lưu gặp gỡ nhau để gắn kết tình cảm hơn".

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - cô giáo dạy khiêu vũ CLB quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Khiêu vũ là một bộ môn rất hiệu quả đối với người cao tuổi. Trong bộ môn này kết hợp được các động tác rõ ràng và nó còn có âm nhạc vậy nên nó khiến cho mọi người tham gia cảm thấy vui và phấn chấn".

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Cô giáo dạy khiêu vũ CLB quận Hoàn Kiếm

Có nhiều lí do để người cao tuổi tìm đến các câu lạc bộ, nhất là các câu lạc bộ về sức khỏe. Đó là nơi họ duy trì được thói quen vận động hàng ngày, cùng là nơi để họ tìm kiếm những niềm vui sống mới, được trò chuyện, giao lưu với những người cùng độ tuổi, cùng thế hệ. Nhưng cũng có một số người muốn tham gia rèn luyện sức khỏe như một cách nêu gương cho con cháu. Dù là lí do gì thì điều dễ nhận thấy nhất chính là thái độ tích cực, năng nổ và chăm chỉ của những người cao tuổi, điều đáng tiếc lại không được nhìn thấy ở một bộ phận những người trẻ tuổi hơn. 

Người cao tuổi tìm đến các câu lạc bộ về sức khỏe để duy trì được thói quen vận động hàng ngày

Bộ Y tế cũng đưa ra những khuyến cáo đổi với người cao tuổi khi luyện tập, vận động như: không phải là tập nhiều, tập hết sức mà là phải tập thường xuyên, có hệ thống, phù hợp với bản thân, kiên trì, liên tục. Sinh hoạt điều độ, tăng cường vận động thân thể nhẹ nhàng, hạn chế ngồi một chỗ, tranh thủ các yếu tố thiên nhiên tạo cuộc sống hài hòa. Thanh thản tinh thần, làm chủ bản thân, giữ tâm lý ổn định trước các stress trong gia đình và xã hội. Hiểu đúng tình hình sức khỏe bệnh tật của bản thân để có thể chủ động khám chữa bệnh kịp thời lúc ốm đau. Thận trọng khi phải uống thuốc và có chế độ ăn uống hợp lý.

Tập thể dục ở công sở

Bên cạnh nhóm người trẻ và người cao tuổi, còn một nhóm đối tượng nữa rất đáng chú ý, đó là giới công chức, dân văn phòng. Liên quan đến nhóm đối tượng này, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có một thống kê chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước. Số bước đi bộ mỗi ngày của người dân Việt Nam so với khu vực thì chỉ cao hơn Indonesia và thấp hơn khá nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 

Số bước đi bộ trung bình cùa người Việt Nam so với một số nước trông khu vực

Stress, mệt mỏi và không có người trông con là những lý do phổ biến khiến dân văn phòng lười biếng không muốn tập thể dục. Do chây ỳ, những việc thường ngày trở thành khó khăn đối với dân văn phòng. Nhiều người cảm thấy hụt hơi khi mang những túi đồ mua từ siêu thị, một số khác thừa nhận đi bộ một quãng ngắn tới cửa hàng cũng khiến họ đuối sức. Một số ít thì thẳng thắn thừa nhận, chỉ việc thở thôi cũng khiến họ cảm thấy mệt. 

Cải thiện sức khỏe, nâng cao tinh thần từ đó tăng năng suất lao động cho nhân viên. Đó là lí do vì sao mà ngày càng có nhiều công ty tổ chức các hoạt động thể chất và biến nó thành một thứ văn hóa công sở, đặc biệt chỉ có ở các đô thị như Hà Nội. 

Các hoạt động thể chất ở công ty trở thành văn hóa công sở đặc biệt chỉ có ở các đô thị như Hà Nội

Bắt đầu công việc lúc 5 giờ sáng từ 10 năm nay, với công việc phải ngồi máy tính và áp lực từ nghề luật sư khiến anh Tưởng Hữu Long không ít lần mất ngủ bởi đau cổ vai gáy, ảnh hưởng không nhỏ tới việc dậy sớm và hiệu suất công việc trong ngày. Nhưng từ khi tích cực tham gia vào phong trào rèn luyện thể thao do công ty tổ chức, thì giờ đây, những sự khó chịu nói trên đã được giải quyết. 

Anh Tưởng Hữu Long - Nhân viên văn phòng

Tập thể dục ngay lại chỗ ngồi. Đó là cách mà một số công ty duy trì từ vài năm nay để các cán bộ nhân viên dù bận rộn đến mấy, cũng không có lí do để quên chăm sóc bản thân mình. Các cuộc thi về thể thao tại chỗ như plank, cũng thường xuyên được tổ chức, vừa để rèn luyện sức khỏe cho người tham gia, vừa nâng cao tinh thần, hiệu suất công việc và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Tập thể dục ngay lại chỗ ngồi để cải thiện sức khỏe

Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc căng thẳng khiến cho nhiều người không có thời gian vận động, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt là những người làm công việc văn phòng, bàn giấy. Ngồi lâu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính và giảm tuổi thọ. Nghiên cứu y khoa cho thấy những người ngồi trên 4 tiếng mỗi ngày có khả năng mắc bệnh mãn tính và giảm tuổi thọ cao hơn 40% so với người ngồi dưới 4 tiếng. 

Các chuyên gia khuyến cáo người làm văn phòng, công việc ngồi nhiều thì khoảng 30 phút, tối đa là một tiếng nên thay đổi tư thế, đứng dậy vươn vai, đi lại, vận động các khớp.

Ngoài ra, những người nhà gần cơ quan thì nên đi bộ, đi xe đạp. Nếu không bị đau khớp ở chân thì có thể đi bộ thay vì thang máy trong văn phòng.

Với những người bận rộn, không khó để có thể tìm kiếm được các bài tập phù hợp với bản thân mình trên môi trường internet, chỉ bằng vài cái click chuột. Cũng có một cách khác là tìm kiếm các bài tập từ các huấn luyện viên về thể dục, thể hình để rèn luyện sức khỏe. 

Không khó để có thể tìm kiếm được các bài tập phù hợp với bản thân mình trên môi trường internet

Cách người Nhật cải thiện tầm vóc

Đối với người Nhật, chiều cao không chỉ phục vụ việc có hình dáng đẹp, mà nó đại diện cho cả tinh thần, thể diện của quốc gia. Chỉ trong vòng 40 năm, Chính phủ Nhật Bản đã nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ. 

Chính phủ Nhật Bản coi yếu tố con người là trung tâm, đề cao giáo dục. Chính phủ đã tuyên truyền và làm cho người dân nhận ra việc chiều cao không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là vấn đề liên quan đến tự tôn của cả dân tộc. Mặc dù nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng để thực hiện mục tiêu nâng cao tầm vóc con người, Nhật Bản đã áp dụng chế độ dinh dưỡng của phương Tây bổ sung sữa vào khẩu phần ăn của học sinh.

Mỗi học sinh tiểu học ở Nhật Bản mỗi ngày được cung cấp 200 ml sữa vào khẩu phần ăn

Năm 1964, Bộ Giáo dục và Khoa học và Bộ Nông lâm Nhật Bản đã phối hợp xây dựng Sách lược cung cấp sữa trong trường học. Theo đó, mỗi học sinh tiểu học mỗi ngày được cung cấp 200 ml sữa, học sinh trung học mỗi ngày 300 ml, trong thời gian 195 ngày. Hiệu quả của việc cải hiện dinh dưỡng được thể hiện rõ rệt qua sự thay đổi về chiều cao của người Nhật. Đến năm 1985, chiều cao trung bình của nam, nữ sinh 17 tuổi đã đạt 170,2 cm và 157,6 cm. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng tốt, các phong trào thể thao cũng được đẩy mạnh ở quốc gia này.

Các phong trào thể thao được đẩy mạnh ở Nhật Bản để thúc đẩy phát triển chiều cao

Nhật Bản chú trọng đẩy mạnh phổ cập thể dục thể thao trong cộng đồng, tiêu biểu là việc đẩy mạnh xây dựng các công trình thể thao công cộng. Từ năm 1969 đến 1985, số lượng các công trình thể thao công cộng ở Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, bình quân 2000 người/nhà thể chất, 70% người trưởng thành tham gia hoạt động thể thao ít nhất mỗi tuần một lần. Nhờ những chính sách này mà chiều cao và thể chất của người Nhật Bản đã tăng rõ rệt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng nay, ngày 21/11/, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

Quốc Oai là địa bàn trung chuyển các mặt hàng vật liệu xây dựng như đất, đá từ Hòa Bình vào trung tâm thành phố và các quận, huyện lân cận. Do vậy, địa phương này gặp nhiều áp lực về tình trạng xe qua khổ, quá tải hoạt động.

Từ ngày 1/1/2025 việc sử dụng, quản lý thiết bị giám sát hành trình với các ô tô sẽ có nhiều quy định mới.

Liên quan đến việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi vào hôm qua (20/11), chiều nay 21/11, cơ quan chức năng đã làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2024 quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương, chốt thời gian triển khai đầu tư xây dựng 03 cầu lớn bắc qua sông Hồng trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030 là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.