Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Cựu PGĐ Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị phạt 12 năm tù

Chiều 27/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 về các tội: "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Che giấu tội phạm".

Theo đó, bị cáo Trần Tùng (sinh năm 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị Tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Tùng là 12 năm tù.

Năm bị cáo: Trần Thị Quyên (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (sinh năm 1969, cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Văn (sinh năm 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (sinh năm 1979, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) đều bị phạt 2 năm tù; Nguyễn Mạnh Trường (sinh năm 1980, cựu Chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Nhận hối lộ”.

Mười bị cáo: Vũ Hồng Quang (sinh năm 1977, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) bị phạt 3 năm 6 tháng tù, tổng hợp với hình phạt 4 năm tù của bản án trước đó tuyên tháng 7/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, hình phạt chung đối với bị cáo Quang là 7 năm 6 tháng tù; Trần Thanh Nhã (sinh năm 1991, trú tại phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), Đặng Nhật Đức (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Top Agent Japan) đều bị phạt 3 năm tù; Vũ Hoàng Dũng (sinh năm 1987, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cương (sinh năm 1977, Trưởng phòng Thương mại Điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du ngoạn thế giới), Phạm Quốc Thắng (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PNR), Trương Thị Mỹ Dung (sinh năm 1972, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên) đều bị phạt 2 năm tù; Trần Thị Ngân (sinh năm 1984, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Minh Phụng (sinh năm 1970, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thông (sinh năm 1975, cựu cán bộ Công an) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử sáng 24/12. Ảnh: TTXVN

Bản án sơ thẩm nêu rõ, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Các bị cáo đã trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa và nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuật, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Ngoài ra, có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.

Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Trần Tùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là đầu mối tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép công dân từ Nhật Bản về nước được cách ly tại Thái Nguyên, với sự giúp sức của Trần Thị Quyên thông qua việc ký kết hợp đồng trọn gói dịch vụ cách ly y tế cho công dân từ Nhật Bản nhập cảnh về cách ly tại Thái Nguyên, Trần Tùng đã có hành vi nhận hối lộ 3 lần của ông Lê Văn Nghĩa (bị cáo tại giai đoạn 1 của vụ án, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh) với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản), hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Tùng (sinh năm 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) được dẫn giải đến phiên Toà sáng 24/12.

Tòa xác định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, cần cách ly các bị cáo một thời gian dài để cảnh cáo, giáo dục, phòng ngừa chung.

Các bị cáo đã thực hiện hành vi nhận và đưa hối lộ một cách độc lập, chỉ bị cáo Quyên đóng vai trò phạm tội giúp sức cho bị cáo Trần Tùng. Trong nhóm các bị cáo đưa hối lộ, bị cáo Quang đưa nhiều lần với số lượng tiền lớn nên phải chịu mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác tương ứng với số tiền mà bị cáo Quang đã đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, có thái độ tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ việc, nhân thân các bị cáo chưa tiền án tiền sự, một số bị cáo có thành tích tốt trong công tác… và quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Theo TTXVN.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Gần 5 năm gắn bó với nghề cùng với đồng đội, Thượng úy Bùi Viết Kết - Tổ trưởng Tổ chữa cháy cứu hộ - Đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an quận Hà Đông nhiều lần đối mặt, vượt qua nguy hiểm để kịp thời dập lửa, cứu người trong những tình huống hoả hoạn bất ngờ, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân.

Tối 27/12, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa đã tổ chức lễ khai mạc chương trình “Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô” tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa.

Chiều 27/12, dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tăng tốc, bứt phá, với mục tiêu nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn; nông thôn hiện đại hơn; nông nghiệp tiên tiến hơn; cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phấn đấu trồng mới hơn 700.000 cây xanh các loại.

Chiều 27/12, Công an huyện Ứng Hoà đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về công tác cán bộ khi sáp nhập địa giới hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa phát hiện ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất với số lượng lớn. Lần theo dấu vết, các trinh sát đã thu giữ hàng trăm nghìn bao thuốc lá điếu.