Ấm nồng vị gừng ngày xuân

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, giữa vô vàn tiếng ồn của động cơ, khói bụi phố phường và muôn ngàn hương vị của cuộc sống hiện đại, có một người vẫn mãi thương nhớ về cái cay nồng của vị gừng ngày xuân và những kỷ niệm không thể mờ phai.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration -:-
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -:-
1x

Tôi bước ra khỏi nhà. Mưa xuân lất phất bay. Thầy tôi gọi giật lại. Tôi chưa kịp quay trở lại thì thầy tôi đã kịp chạy theo tôi ra ngõ. Thầy dúi vào bao áo tôi một vật gì cưng cứng bằng ngón tay. Tôi vừa đi vừa mừng thầm, móc túi ra xem vật gì. Một cái kẹo chăng? Trời ạ! Tưởng gì, là một ánh gừng! Tôi quay lại, thầy tôi vội vã bước vào nhà để tránh những hạt mưa xuân mỏng manh trong cơn gió mùa đông bấc còn vương lại.

Ngồi trên lưng trâu, tôi mơ màng nhìn theo những lớp sóng được đan dệt bằng vô số những hạt mưa li ti trôi về phương trời xa. Xuân đã sang. Nền trời đã sáng hơn. Cánh đồng cỏ ven sông, nơi những con trâu miệt mài gặm cỏ đã bắt đầu biêng biếng những chồi non. Những đợt gió từ bên kia sông vẫn thổi về làm cho những sợi mưa xiêu bạt, líu ríu vào nhau, không rơi xuống cỏ mà cuộn lên, bay bay trên không gian bàng bạc.

Tôi chợt rùng mình. Cái lành lạnh của tiết trời đầu xuân ngấm sâu vào tận cơ thể. Bờ vai ướt sũng lúc nào không biết. Tôi áp má vào lớp da khen khét đầy trứng rận của con trâu già để tìm kiếm chút hơi ấm. Hình ảnh thầy lập cập bước vào nhà tránh rét hiện lên trong tôi. À đây rồi, tốt quá! Củ gừng! Nó còn quý hơn cả cái kẹo lúc này. Vị cay nồng tỏa ra khắp khoang miệng. Rồi như có một luồng điện tê tê, nóng ran truyền đi khắp cơ thể tôi, mọi tế bào cùng hân hoan nhảy múa. Đất trời bừng sáng hơn. Những hạt mưa xuân líu díu dạt về phương trời xa.

Một lần đi học về, chả hiểu sao, bụng tôi đau quằn quại, trộn trực, những dòng nước miếng cứ trào ra mà không nôn nổi. Mẹ tôi vội vàng ra góc vườn đào lấy một củ gừng rồi rửa sạch. Thầy tôi giã nát, hòa với nước sôi rồi giục: Uống đi con, uống vào là khỏi ngay. Tôi lên gân, uống một mạch, cạn hết bát nước gừng rồi nhăn mặt nằm vật ra giường. Lạ thay, như một liều thuốc tiên, tôi đang cố gắng chịu đựng cái vị cay nồng từ bát nước gừng thì nhận ra cơn đau bụng đã dịu dần rồi khỏi hẳn.

Ngồi trên lưng trâu, tôi nuốt nước miếng ừng ực khi nhớ đến vị gừng mặn nồng, thơm phức trong miếng bánh chưng ngày tết, cái cay nồng hòa vào vị ngọt đậm thắc của miếng bánh dầy ngày chạp họ,... Gừng đã tham gia vào từng chuyển động của mạch máu trong cơ thể tôi từ những ngày thơ ấu như vậy!

Không giống như những củ gừng bày bán trên các sạp hàng gia vị ở phố: to, vàng, óng mượt; củ gừng được trồng ở quê nhỏ nhắn hơn, chỉ bằng những ngón tay em bé đan xếp lại, nhưng vị cay và hương thơm thì thôi rồi, củ gừng trên phố còn thua xa.

Ở quê, nhà ai cũng trồng một khóm gừng ở góc vườn. Thân cây gừng chỉ to hơn chiếc đũa, cao chừng đến năm, bảy mươi phân. Thân giả mọc từ các cuống lá, quấn chặt vào nhau. Lá gừng hình mác, thon, nhọn dần, xếp so le với nhau. Được cái, nó không cần phải nhận nhiều ánh nắng, không cần đất trồng màu mỡ, chỉ cần lớp cát sỏi ở tầng lá dưới hoặc sát tường nhà thôi, lá gừng vẫn xanh tươi mườn mượt. Mà cũng lạ, gừng là một loài cây được trồng từ mùa xuân, được cất ủ qua bốn mùa trong năm, để rồi chính cây gừng lại tham gia vào các món ăn, các vị thuốc chủ yếu trong khí tiết đông xuân, khi trời đất giao hòa.

Trong ký ức xa xăm, thầy tôi hiện lên là một thầy giáo, một ông đồ xưa, lại vừa như một nghệ nhân biến những tờ giấy phế liệu thành những bông hoa lung linh đủ màu sắc. Trong đống đồ nghề làm hoa xếp ngăn nắp, bao giờ tôi cũng thấy có một ánh gừng, có khi là để từ lâu, khô quắp, cuộn trong tờ giấy bao bạc thuốc lá. Thầy tôi xem gừng như là một phương thuốc bách bệnh. Trong tiết trời giá lạnh, hễ thấy trong người bất an, thầy tôi bảo: "Cứ ngậm một chút gừng cho ấm nóng, rồi tính tiếp".

Một ngày định mệnh, thầy tôi ra đi đột ngột sau một vụ tai nạn giao thông. Lúc chuẩn bị khâm liệm, tôi ngỡ ngàng lấy trong túi áo thầy tôi một vật cưng cứng chỉ bằng cái ngón tay. Trời ơi! Một củ gừng! Nó vẫn còn đây hơi ấm nóng, mà cơ thể thầy tôi thì đã lạnh ngắt! Ánh nắng nhạt nhòa trong tiết trời lành lạnh. Tôi lắng nghe rất rõ hương vị của đất trời. Vòng tuần hoàn sinh tử!

Hòa vào dòng chảy mưu sinh. Nơi đâu cũng khen khét mùi của động cơ, mùi của khói bụi phố phường, hương cà phê đợi bạn, hương nước hoa quyến rũ,… Tất cả hương vị thân quen ấy cũng không thể làm phai nhạt trong tôi cái cay cay, nồng nồng của hương vị gừng ngày xuân.

Về thăm nhà, tôi bần thần nhìn vào góc vườn, nơi xơ xác những thân bẹ gừng héo úa là những chồi non được mọc lên từ những củ gừng tóp teo, nhỏ xíu. Gừng ở góc vườn vẫn xanh non mơn mởn như mùa xuân năm nào. Chỉ có mẹ tôi già đi, cha tôi đã về miền mây trắng.

Phạm Thắng

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Hoạt động của Chủ tịch nước Lương Cường tại Lào; Sẵn sàng cho diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4; Hà Nội thông qua Đề án thành lập mới 126 xã, phường; Tướng Nga thiệt mạng trong vụ nổ gần Moscow;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.

Tác giả tiếp tục khắc họa sâu sắc nội tâm và những trải nghiệm chiến trường của Lữ. Anh gặp lại Hiền, cô gái từng quen biết thời học sinh nay là nữ văn công nhưng lại bối rối, ngượng ngùng, không dám bắt chuyện. Suốt bữa cơm chung và những ngày sau, anh bị chi phối bởi sự tự ái kỳ lạ, không thể vượt qua rào cản quá khứ. Trên đường hành quân, Lữ cảm nhận sự thay đổi trong tâm hồn mình, từ một chiến sĩ xốc nổi thành người trầm lặng, chín chắn hơn. Sau những chiến trận sinh tử, anh cũng dần hiểu và quý mến những người đồng hành.

Sơn mài khắc là một loại hình nghệ thuật mới, kết hợp giữa tranh sơn mài và sơn khắc, để tạo nên một sản phẩm hội họa riêng có, mang đậm nét văn hóa Việt. Không chỉ thu hút những họa sĩ chuyên nghiệp quốc tế, sơn mài khắc đang lan tỏa đến các em học sinh Hà Nội, đưa kiến thức về sơn mài khắc và chất liệu hội họa dân gian vào trường học, làm giàu thêm cho đời sống văn hóa du lịch của Thủ đô.

Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa ven đô; Vì sao Công viên Thống Nhất hạ rào nhưng chưa đồng bộ?; Không gian đẹp hồ Hoàn Kiếm chào đón du khách;... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Mỹ đánh giá cao cuộc điện đàm thuế quan với Việt Nam; Sẵn sàng vận hành hệ thống KRX từ 5/5; Trung Quốc bác tin đàm phán thuế quan với Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hai căn hầm D67 và hầm Cục tác chiến T1 ở khu Hoàng thành Thăng Long là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và một số cơ quan của Bộ Quốc phòng từng làm việc trong thời kỳ kháng chiến, đưa ra những quyết định quan trọng trong chiến dịch mùa Xuân 1975 để đi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.