Ảnh hưởng của Triều Tiên đến cuộc xung đột Nga - Ukraine

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc - bà Sabrina Singh, ngày 28/10 cho rằng khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được gửi tới Nga, một động thái mà Tổng thư ký NATO gọi là "sự leo thang lớn" trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Lầu Năm Góc cho biết họ "ngày càng lo ngại về việc Nga sử dụng những binh sĩ Triều Tiên để chiến đấu ở Kursk, khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, nơi lực lượng Ukraine đã đột phá vào tháng 8".

Tổng thư ký NATO ông Mark Rutte nói rằng: "tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên đặt ra mối đe dọa không chỉ đối với an ninh của Ấn Độ - Thái Bình Dương mà còn ảnh hưởng cả đến châu Âu và Đại Tây Dương”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, Ukraine được sự hỗ trợ vũ khí của phương Tây để chống lại lực lượng Nga. Nhưng Nga đã dần kiểm soát các khu vực ở miền đông, miền nam Ukraine và ngày càng đạt được tiến triển quân sự hơn trong những tháng gần đây.

Vậy, sự hiện diện của quân đội Triều Tiên ở Nga sẽ có tác động gì đến cuộc xung đột ở Ukraine?

Những lời cáo buộc

Lầu Năm Góc và NATO không phải là những cơ quan đầu tiên khẳng định rằng quân đội Triều Tiên đang đóng quân ở Nga. Vài ngày trước, tình báo Ukraine báo cáo về sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên ở khu vực Kursk.

Ba tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Yong-hyun cho biết 6 sĩ quan Triều Tiên đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine gần Donetsk ở miền đông nước này vào ngày 3/10.

Ngày 18/10, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết, các tàu Nga đã chuyển 1.500 binh sĩ Triều Tiên sang Nga trong tuần thứ hai của tháng 10.

Ngày 13/10, Tổng thống Ukraine ông Volodymyr Zelensky tuyên bố trong một bài phát biểu qua video rằng, Triều Tiên đã chuyển quân tới Nga. Trong cùng một video, ông cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế cấm Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

Ảnh Thanh niên Triều Tiên nộp đơn xin gia nhập quân đội.

Ukraine, Hàn Quốc và Mỹ chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho tuyên bố của họ về việc triển khai quân của Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng không thể loại trừ khả năng như vậy, vì Nga và Triều Tiên đã hợp tác quân sự gần ba năm.

Nga và Triều Tiên đã ký thỏa thuận phòng thủ chung vào tháng 6, khi Tổng thống Nga Putin thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới đất nước Triều Tiên sau 24 năm. Văn bản của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, nhưng nó bao gồm một điều khoản về việc hỗ trợ nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công.

Thỏa thuận này đã làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh của Mỹ ở Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Hơn 50.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân tại Nhật Bản và gần 25.000 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc.

Người ta tin rằng Nga có thể sẽ lấy cuộc xung đột với Ukraine ở khu vực Kursk để viện dẫn điều khoản hỗ trợ lẫn nhau trong thỏa thuận.

Phía Nga và Triều Tiên đã nói gì?

Nga đã phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ nước Nga. Điện Kremlin khẳng định rằng thông tin binh sĩ Triều Tiên được triển khai trên chiến trường là tin giả.

Tuy nhiên, trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 24/10, một nhà báo đã hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin về hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Triều Tiên đóng quân ở Nga. Về vấn đề này, ông Putin trả lời: "Hình ảnh vệ tinh là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu hình ảnh tồn tại, thì chúng chắc chắn phản ánh một số sự kiện”.

Phía Triều Tiên chưa công khai phản hồi về việc liệu quân đội nước này có đóng quân ở Nga hay không.

Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine cũng cáo buộc Triều Tiên chuyển giao vũ khí cho Nga, nhưng Triều Tiên và Nga bác bỏ cáo buộc này.

Ngoại trưởng Triều Tiên bà Choe Son Hui

Theo truyền thông Nga, Ngoại trưởng Triều Tiên bà Choe Son Hui đã đến Nga hôm thứ Ba (29/10). Hiện chưa rõ chương trình nghị sự chuyến đi của bà Choi Sun Hui sẽ là như thế nào.

Nếu việc Triều Tiên đưa quân đến Nga được xác nhận, thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc xung đột ở Ukraine?

Nếu việc quân đội Triều Tiên đóng quân ở Nga được xác nhận chính thức, thì Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đưa binh sĩ đến mặt trận Nga-Ukraine.

Cho đến nay, chỉ có binh sĩ Nga và Ukraine tham gia vào cuộc xung đột này. Lính đánh thuê từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước Nam Á đã tham chiến, nhưng không phải do các nước điều đến.

Ông Howell, giảng viên Khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford, chuyên nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Đông Á cho biết: "Trên thực tế, Triều Tiên hiện là nước tham gia chính thức vào cuộc xung đột ở Ukraine và không chỉ hỗ trợ Nga bằng cách cung cấp đạn pháo để tránh liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột".

Tuy nhiên, ông Howell tin rằng điều này có thể không thay đổi chiến lược tổng thể của Nga trong cuộc xung đột này. "Đặc biệt là trong bối cảnh Triều Tiên dường như sẽ lập doanh trại của riêng họ và dùng thông dịch viên riêng", ông Howell chia sẻ.

Trong cuộc xung đột kéo dài, việc triển khai quân đội Triều Tiên đến Nga có thể sẽ làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường.

Những diễn biến này ở Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 15/10, Triều Tiên đã cho nổ tung con đường nối giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Chỉ vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Triều Tiên đã phát hiện một số máy bay không người lái trên bầu trời Bình Nhưỡng và đổ lỗi cho Hàn Quốc đã làm việc đó. "Mối quan tâm là liệu Nga có cung cấp cho Triều Tiên bất kỳ công nghệ quân sự nào mà Triều Tiên có thể sử dụng để khiêu khích Hàn Quốc để đổi lấy việc gửi quân sang Nga hay không".

Liệu phương Tây có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga?

Tổng thống Nga Ông Putin cảnh báo phương Tây không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga. Tại một cuộc họp báo được tổ chức ngày 28/10, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh đã được các phóng viên hỏi: Có những hạn chế nào đối với việc sử dụng vũ khí của Mỹ chống lại binh sĩ Triều Tiên không?

Bà Singh đã nói "không". "Chúng tôi đã hứa với Ukraine rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ bằng mọi giá", bà Singh nói.

Ông Howell cũng lưu ý rằng: "khi ngày càng có nhiều người tham gia vào cuộc xung đột này, nhu cầu làm suy yếu chiến thuật của Nga đã trở nên cấp bách, vì vậy có khả năng các nước phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa tầm xa”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết nước này tin rằng Triều Tiên đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Đây là động thái được cho có thể làm leo thang hơn nữa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyết rơi đầu mùa tại nhiều nước châu Âu đã khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng triệu người dân.

Theo Reuters, một nguồn tin cấp cao từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết nước này đã mất khoảng 40% diện tích lãnh thổ chiếm được tại tỉnh Kursk (Nga) sau các đợt phản công của Moskva.

Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như vật giá tăng cao, thiếu hụt nhân lực, lạm phát… Chính phủ nước này đang tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp mạnh để vực dậy nền kinh tế.

Ngày 23/11, quân đội Israel đã thực hiện cuộc không kích vào trung tâm Thủ đô Beirut của Liban, làm sập một tòa nhà chung cư, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người dân hoảng loạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.