Cái giá cho những kẻ thao túng, 'phá' đấu giá đất
Cố tình “phá” đấu giá đất khi không đạt mục đích
Theo chứng cứ thu thập được của cơ quan điều tra, tháng 11 năm 2024, Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1991, HKTT: thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức) nên đã nhờ Ngô Văn Dương (sinh năm 1994, HKTT: xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân (địa chỉ: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) - đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá phát hành.
Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Phạm Ngọc Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981, HKTT: xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992, HKTT: Khu Lãm Làng, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994; HKTT: xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994; HKTT: xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và Ngô Văn Dương (sinh năm 1994, HKTT: xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.
Cụ thể, Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m², ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất. Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.
Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. Khi đó các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.
Để thực hiện ý đồ, các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn. Sau đó, Tuấn chuyển khoản tổng số tiền 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất. Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11/2024, ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước; tại vòng đấu giá thứ 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm. Thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ/m² (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm) dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.
Trước các dấu hiệu bất thường của cuộc đấu giá, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng chính sách pháp luật để hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trên địa bàn thành phố. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.
Lũng đoạn đấu giá đất khi trả giá cao, tạo sốt ảo
Cách đây gần một năm, ngày 30/12/2023, tại cuộc đấu giá 46 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh cũng gây xôn xao dư luận khi ghi nhận một trường hợp khách hàng trả tiền tỷ cho 1 m² đất. Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/1 m², cao hơn 142 lần giá khởi điểm cho thửa đất có diện tích 102 m².
Ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức về việc "ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng”. Ông Tùng cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận. Thời điểm đó, giá khởi điểm được áp ở mức khá cao từ 23,2 triệu đồng/m² đến 31,9 triệu đồng/m². Các phiên đấu giá cũng không nóng như những tháng gần đây.
Bắt đầu từ thời điểm ngày 10/8/2024, phiên đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai với nhiều kỷ lục được thiết lập.
1.500 người tham dự với 4.200 hồ sơ. Giá trúng cao nhất được đẩy lên mức 103,3 triệu đồng/1 m². Nhiều thửa đất cũng thiết lập mức giá từ 70 đến gần 100 triệu đồng. Rà soát cho thấy, chỉ có hai người dân ở huyện Thanh Oai trúng đấu giá, còn lại đến từ nhiều địa bàn khác của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đáng nói là đến hạn nộp tiền, có đến 55 trường hợp đã bỏ cọc (Chiếm 80% số lượng người trúng đấu giá).
Tiếp đến ngày 19/8, cuộc đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng gây sốc dư luận khi đấu xuyên đêm với dòng dã 18 tiếng. Hơn chục thửa đất đã trúng với mức trên 100 triệu đồng/1 m², trong đó lô cao nhất là 133,3 triệu/ 1 m². Liên tục các huyện ngoại thành đấu giá đều ghi nhận mức cao phi lý.
Cuộc đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ được tổ chức vào ngày 16/9, thửa đất cao nhất được trả lên tới 75 triệu đồng/m². Phiên đấu giá đất ngày 19/10/2024 tại quận Hà Đông kết thúc sau 15 giờ đồng hồ với lô đất trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m². Ngày 16/11/2024, 20 thửa đất tại thôn Yên Quán, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai được đấu giá thành công với mức cao nhất là 94,7 triệu đồng/m². Điều phi lý là hầu hết các thửa đất dù được trả giá rất cao đều được rao bán chênh cả trăm triệu đồng. Đất nền xung quanh khu vực đấu giá cũng được kích nóng, tăng phi mã tiệm cận với mức đấu giá.
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi đấu giá đất
Với hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, được quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015, 5 đối tượng “phá” đấu giá đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn có thể đối mặt với án tù từ 01 năm đến 05 năm. Đây là hình phạt nghiêm khắc dành cho hành vi coi thường pháp luật, cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người đang lợi dụng đấu giá đất để trục lợi.
Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn, thậm chí còn phức tạp hơn. Từ trả giá cao rồi bỏ cọc nay còn ngang nhiên “phá” đấu giá đất.
Quan sát những cuộc đấu giá bất thường thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Giá nhà, đất nhảy múa. Tôi dùng từ gọi là nhảy múa khiến cho xã hội bất an và người dân cũng bất an. Một số địa phương tổ chức đấu giá đất, như huyện Hoài Đức giá 133 triệu/m², huyện Thanh Oai hơn 100 triệu/m², khủng khiếp quá. Việc trả đất đấu giá cao dẫn đến kích sóng đất nền khu vực thiết lập một mặt bằng giá mới. Điều này làm cho chúng ta bất an và gây hệ lụy tiêu cực của xã hội. Câu chuyện này chúng ta không vội vàng khẳng định là có đầu cơ thổi giá hay không, nhưng chắc chắn là có dấu hiệu về câu chuyện như vậy. Cho nên rất cần các cơ quan công luận, các nhà làm hoạch định chính sách cũng như các cái cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền địa phương phải can thiệp.”
Tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” được Đài Hà Nội chủ trì tổ chức ngày 16/11, Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể chấp nhận trở thành con tin của những kẻ lũng đoạn và thổi giá. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể coi hành vi thổi giá, lũng đoạn thị trường là hoạt động kinh tế mà có thể nhìn nhận đó là tội phạm kinh tế”.
Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm coi hành vi thao túng thị trường bất động sản sẽ coi là tội phạm kinh tế, tương tự như hành vi lũng đoạn trong thị trường chứng khoán. Bởi chúng ta thấy mức độ tương đồng cũng như sự nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế, tới thị trường. Điều này sẽ giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, đảm bảo lợi ích của người dân.
Ông Lê Văn Long - Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán VPS cho biết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Nguyên trưởng Khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính thì phân tích: “Trước hết chúng ta thấy rằng cái hành vi thao túng thị trường, làm giá, thổi giá bong bóng của bất cứ thị trường nào cũng đều là tội phạm kinh tế. Và đã có các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, cho đến xử lý hình sự. Vấn đề quan trọng là cái hành vi thao túng này rất tinh vi và phong phú đa dạng. Vấn đề là làm sao để có thể chứng minh được đó là hành vi thao túng, thổi giá, làm giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Và theo quan điểm của chúng tôi thì cần phải làm điểm, đối với một số trường hợp”.
Cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt nửa năm qua đã đẩy mặt bằng giá đất, giá nhà, giá chung cư ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có. Ở Hà Nội những tháng cuối năm 2024, nguồn cung căn hộ, nhà liền kề cũng như đất nền đã tăng mạnh. Tổng nguồn cung đã bằng cả năm trước đó cộng lại. Nhưng giá nhà, đặc biệt là chung cư vẫn tiếp tục bị giữ ở mức cao.
Cơ quan chức năng đã chỉ ra tình trạng đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá áo nhằm trục lợi, thao túng thị trường, định hướng thị trường theo những mục tiêu không lành mạnh.
Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để dập tắt những cơn sốt ảo đẩy bất động sản thì hệ lụy đối với nền kinh tế, đối với sự phát triển kinh tế xã hội là khôn lường. Nhìn từ góc độ kinh tế nếu tiền chỉ được chôn vào bất động sản thì triệt tiêu đáng kể nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Ở nhiều địa phương, khi mặt bằng giá được đẩy lên cao một cách vô lý còn là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng để triển khai những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự khi xảy ra khiếu kiện về đền bù đất đai. Dưới góc độ xã hội, nếu không kiểm soát đươc tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng chỉ trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực.
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, huyện Đông Anh có 4 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 179ha.
Nhà máy, trường học được di dời sẽ giải phóng một nguồn lực lớn về đất đai, tăng quỹ đất nội đô, vừa giúp giãn dân, giảm áp lực dân số, đặc biệt khi quỹ đất nội đô hiện ngày càng hạn hẹp. Nhưng để thực hiện điều này, vẫn còn một số thách thức đang được đặt ra.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ ký ban hành. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị, nông thôn theo hướng phát triển bền vững có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và môi trường sống lành mạnh.
Trong tháng 1 này, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá 82 lô đất. Đáng chú ý, đất huyện Ba Vì chỉ có giá khởi điểm từ gần 1 triệu đồng/m2.
Với những dự án đã khởi công và chuẩn bị triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự kiến trong năm 2025, thành phố sẽ có khoảng 15 nghìn căn hộ nhà ở xã hội được bán ra thị trường.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1668 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
0