Có ai đó đã 'thắng', phải chăng người hâm mộ đang 'thua'?
Được nhận mức lương cao nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, thế nhưng thành tích của ông Troussier với những trận ra quân của các "chiến binh sao vàng" lại trái ngược hoàn toàn. Vị chiến lược gia người Pháp ngoài tạo ra hàng loạt cột mốc đáng thất vọng, ông còn có những phát ngôn gây tranh cãi dữ dội trong thời gian dẫn dắt đội tuyển. HLV Troussier không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Nhưng liệu VFF có vô can? Chấm dứt hợp đồng với HLV liệu có phải là cách để VFF chứng minh rằng mình đã làm hết trách nhiệm khi đội tuyển liên tiếp gặp thất bại?
I.Vì sao HLV Troussier thất bại với bóng đá Việt Nam?
Ông Troussier sinh năm 1955 tại Paris, Pháp, từng đá hậu vệ cho các CLB trong nước từ 1976 đến 1983. Ông chuyển qua công tác huấn luyện ngay sau khi giải nghệ. Troussier được mệnh danh là "Phù thủy Trắng" khi đưa các đội tuyển châu Phi như Nam Phi, Bờ Biển Ngà hay Nigeria đến vòng chung kết World Cup. Ông còn giúp U20 Nhật Bản giành vị trí á quân U20 World Cup 1999, tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 rồi vào vòng 1/8 World Cup 2002. Với những thành tích đáng nể như vậy thì Troussier chưa bao giờ là một huấn luyện viên "tồi", như cái cách mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang nghĩ!
Troussier từng làm Giám đốc Kỹ thuật của Trung tâm đào tạo bóng đá PVF từ tháng 3/2018. Trong giai đoạn 2019-2021, ông dẫn dắt thêm U19 Việt Nam, giành vé dự VCK U19 châu Á 2020. Nhưng vì Covid-19, giải đấu này bị hủy. Đến tháng 6/2021, ông hết hợp đồng với PVF nên kết thúc luôn việc kiêm nhiệm ở các đội tuyển trẻ Việt Nam.
Troussier sau đó được VFF lựa chọn để kế nhiệm di sản của Park Hang Seo - người đã tạo ra thời kỳ vàng son cho bóng đá Việt Nam với một loạt chiến tích như Á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, hai lần giành huy chương Vàng liên tiếp ở SEA Games 30, 31 và vào vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Có thể nói ông Troussier là vị HLV danh tiếng của nhiều đội bóng lớn mang tâm quốc tế nhưng ông lại không thể gây dựng được thành công cùng bóng đá Việt Nam.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến HLV Troussier thất bại tại Việt Nam, trong đó có không ít lý do.
1.Nỗi ám ảnh thành công từ HLV Park Hang Seo
Khi tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng từ ông Park Hang Seo, nhiều người đã tiên liệu rằng ông Troussier sẽ gặp khó vì phải kế thừa di sản đồ sộ từ người tiền nhiệm. Không ít HLV trên thế giới đã phải chôn vùi tên tuổi chỉ vì đến một đội bóng vừa chạm tới những cột mốc thành công chưa tùng có. Và ông Troussier cũng không ngoại lệ.
Bị ám ảnh bởi thành công của ông Park nên HLV Troussier đã cố gắng chứng tỏ bản thân một cách cực đoan. Trên truyền thông đã từng có rất nhiều phát ngôn mang sắc thái cứng cỏi của ông Troussier, nhưng khi nghe kỹ lại hàm chứa nhiều vấn đề.
Ông Troussier là người phương Tây, từng được làm việc ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Những tưởng điều đó sẽ giúp ông giải quyết tốt câu chuyện hậu thành công của ông Park. Nhưng mọi thứ lại đi ngược lại với sự chờ đợi của người hâm mộ. Trong mọi phát ngôn và hành động, HLV Troussier tìm cách phủ nhận ông Park thật nhanh. Và từ đây, chiến lược gia người Pháp liên tục rơi vào thế khó, cả với "nhân tâm" và "chiến lược".
2.Triết lý không phù hợp
Mô hình phù hợp với các HLV tân nhiệm là kế thừa, phát huy, rồi mới dần dần đổi mới. Nhưng HLV Troussier đã gấp rút đốt cháy giai đoạn.
HLV Troussier cố gắng làm phai mờ di sản của ông Park bằng cách sử dụng rất ít nhân tố của thời kỳ "vàng son" và trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Điều này xét về lý thì không sai, nhưng đã khiến nhiều ngôi sao không khỏi cảm thấy thất vọng, còn người hâm mộ thì vô cùng khó hiểu.
Không thể chê triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier vì điều đó chẳng có gì xấu. Tuy nhiên, nhân sự của tuyển Việt Nam liệu có thực sự phù hợp với lối chơi này? Các cầu thủ Việt Nam không đủ kỹ năng, kỹ thuật lẫn thể lực và chưa thể sẵn sàng theo đuổi thứ bóng đá tấn công theo lối "bóp nghẹt" đối thủ.
Đó là chưa kể các CLB tại V-League cũng không chơi kiểm soát bóng. Hầu hết các đội đều chơi bóng dài và dựa vào thế mạnh của các tiền đạo ngoại. Ngay từ đầu, tuyển Việt Nam hoàn toàn không có nền tảng để chơi kiểm soát bóng. Vì vậy, đòi hỏi của HLV Troussier có vẻ sẽ là một loại "nhiệm vụ bất khả thi".
Biểu hiện của việc cố gắng gò ép tuyển Việt Nam chơi kiểm soát bóng là việc các cầu thủ chuyền qua chuyền lại bên phần sân nhà. Nhưng khi qua đến sân của đối thủ thì lại không thể tiếp tục duy trì lối chơi này.
Dưới thời HLV Troussier, chẳng ai còn lạ gì nếu Quả bóng Vàng Hoàng Đức ngồi ghế dự bị, Hùng Dũng, Quang Hải, Tấn Tài, Văn Thanh không được sử dụng. Và cũng chẳng có gì lạ lẫm khi các cầu thủ trẻ Đình Bắc, Minh Trọng, Văn Khang, Tuấn Tài... chiếm suất đá chính nhăm kiến tạo một "di sản mới" thế chỗ cho những người hùng của chiến lược gia tiền nhiệm.
Trả lời về việc không sử dụng Quang Hải, ông Troussier cho biết "tôi dùng ai thì tùy vào thế trận và tính chất từng trận". Điều đó không sai. Ông có quyền làm việc đó, vì ông là huấn luyện viên trưởng mà!
Từ khi được khoác áo tuyển Việt Nam, chưa bao giờ Quang Hải phải dự bị liền hai trận chính thức khi tham gia các giải lớn. Điều đáng nói, anh là cầu thủ nội đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại V-League 2023/24, với 5 bàn thắng. Pha ghi bàn của Quang Hải cho tuyển Việt Nam ở trận thua Iraq 2-3 tại Asian Cup 2023 cũng là bàn thắng cuối cùng của "di sản" Troussier.
3.Nhân sự đội tuyển thiếu ổn định
Nói đi cũng phải nói lại, dưới thời của HLV Troussier, nhân sự của đội tuyển Việt Nam quá thiếu ổn định. Các cầu thủ liên tục dính chấn thương, đợt tập trung này luôn có sự biến động nhân sự so với đợt tập trung trước. Vì lẽ đó, đến khi thua Indonesia ở sân Mỹ Đình tối 26/3, cũng không ai rõ bộ khung mà ông Troussier muốn xây dựng gồm những ai.
Không có bộ khung đội hình hoàn chỉnh là điều đại kỵ với các HLV. Và ông Troussier đã vấp phải điểm yếu cốt tử này. Và mọi thứ đã diễn ra tồi tệ, như cách mà người hâm mộ đã chứng kiến.
I.Vì sao HLV Troussier thất bại với bóng đá Việt Nam?
Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã tạo ra hàng loạt cột mốc đáng thất vọng cùng những phát ngôn gây tranh cãi dữ dội.
1.Những cột mốc thất vọng của HLV Troussier
Thất bại muối mặt trước Indonesia, HLV Philippe Troussier lập nhiều cột mốc tệ hại khi ngồi ghế "thuyền trưởng" ở tuyển Việt Nam. Theo đó, "Các chiến binh Sao Vàng" lần đầu thua Indonesia tại Mỹ Đình sau 20 năm, và gần như hết cơ hội đi tiếp tại vòng loại World Cup 2026 dù còn 2 trận chưa đá ở bảng F.
Ngoài ra, tuyển Việt Nam có tới 10 trận thua trong 11 trận đấu chính thức. Đây là tỷ lệ thất bại cao nhất trong số các HLV từng dẫn dắt tuyển Việt Nam.
Chỉ trong vòng hai tháng, tuyển Việt Nam thua Indonesia liên tiếp 3 trận, để thủng lưới 5 bàn thắng mà không một lần ghi bàn. Các trận thua của tuyển Việt Nam trước Indonesia đều ở những giải đấu quan trọng như Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup. Cần phải nhắc lại rằng trước khi đánh bại tuyển Việt Nam, Indonesia trải qua 7 năm không biết thắng.
Ngoài ra, U23 Việt Nam cũng thua U23 Indonesia ở trận bán kết SEA Games 32. Trước đó, HLV Park Hang Seo từng giúp bóng đá Việt Nam có hai kỳ SEA Games liên tiếp giành huy chương vàng.
Sau 14 trận dẫn dắt "Các chiến binh Sao Vàng", HLV Philippe Troussier chỉ có 4 trận thắng (3 trong số đó đến từ các trận giao hữu) trước những đối thủ yếu hơn như Hong Kong (Trung Quốc), Syria, Palestine và Philippines.
Còn lại, tuyển Việt Nam để thua 10 trận. Trong đó, có 3 thất bại liên tiếp trước Indonesia chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, điều mà người hâm mộ bóng đá nước nhà chưa từng chứng kiến trước đây.
Tuyển Việt Nam chỉ ghi được 11 bàn thắng, để thủng lưới 25 lần dưới thời chiến lược gia người Pháp. Tỷ lệ thắng của ông Troussier cùng tuyển Việt Nam chỉ ở mức 28,5%, thấp nhất lịch sử.
Ngay cả HLV Edson Tavares, người cũng bị sa thải ngay sau trận thua Indonesia 0-3 tại AFF Cup 2004, cũng có tỷ lệ thắng lên tới 41,6%. Ông Tavares được nhiều chuyên gia và người hâm mộ xem như một trong những HLV tệ nhất từng dẫn dắt tuyển Việt Nam.
Thậm chí tỷ lệ thắng của ông Troussier còn thua cả HLV Henrique Calisto. Cựu chiến lược gia người Bồ Đào Nha có tỷ lệ thắng 30,1% khi dẫn đội tuyển Quốc gia Việt Nam với 52 trận (16 thắng, 14 hòa và 22 thua).
Trước khi ông Troussier tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, tuyển Việt Nam đang đứng hạng 94 thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau 14 trận cầm quân, tuyển Việt Nam đã rơi xuống hạng 120 thế giới. Như vậy, chỉ sau khoảng hơn 1 năm dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier, đội bóng có biệt danh là "Các chiến binh Sao Vàng" tụt khoảng 20 bậc trên BXH FIFA.
2. Những phát ngôn gây tranh cãi
Sau trận thua Indonesia, trong phòng họp báo, thay vì đứng ra nhận trách nhiệm HLV Troussier liên tục trả lời vòng vo và không thừa nhận phương pháp của mình trong huấn luyện là không hiệu quả. Điều này, khiến nhiều người nhớ đến những phát ngôn có phần gây sốc của ông trước đó, khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. HLV Troussier từng hai lần nói 80% người hâm mộ muốn VFF sa thảỉ ông.
Phát ngôn này vẻ bề ngoài cho thấy ông thầy người Pháp đang can đảm đi con đường riêng và "chống lại tất cả". Hoặc cao hơn thế, ông đang rất tự tin rằng mình sẽ lập thành tích với đội tuyển để ghi những bàn thắng quyết định vào những người hâm mộ trong các giải đấu lớn sẽ diễn ra trong tương lai!
Nếu ông thắng trong các trận đấu lớn, lời nói đó sẽ có giá trị gấp trăm ngàn lần. Nhưng khi thua, HLV người Pháp sẽ không được ai thông cảm. Y như rằng vế thứ hai đã xảy ra. Chưa có HLV nào của tuyển Việt Nam bị CĐV phản đối nhiều như vậy.
Trước đó, HLV Troussier từng phát biểu sau trận thua của tuyển Việt Nam trước Indonesia trên sân khách: "Đội tuyển Việt Nam vẫn còn một trận sân nhà với Indonesia. Chúng tôi buộc phải thắng nếu muốn đi tiếp. Trận này mang đến cho chúng tôi những dấu hiệu lạc quan. Chúng tôi có thể rút ra những chi tiết để làm tốt hơn ở trận tới". Tuy nhiên, trên thực tế đội hình và các hướng tấn công của tuyển Việt Nam không có quá nhiều sự rõ ràng, lối đá kiểm soát bóng ông từng hướng tới gần như không xảy ra.
Ngoài ra, HLV Troussier còn chê thể lực cầu thủ với phát ngôn: "Toàn đội mới chỉ duy trì thể lực tốt trong 60-70 phút, thường đuối về cuối trận. Lối chơi của tôi yêu cầu cường độ cao, phải di chuyển dù không có bóng. Mỗi trận, cầu thủ phải chạy trung bình từ 8-10 km. Để cầu thủ tốt hơn, giải quốc nội cũng phải cải thiện".
Bên cạnh, chê cầu thủ và bảo thủ, ông Troussier còn gây bất ngờ cho cổ động viên khi chê người tiền nhiệm - HLV Park Hang Seo: "Những gì tôi muốn là cầu thủ tuân thủ nhất định làm thế nào để chơi, triển khai với những bài khuôn mẫu từng ngày tập. Trước đây, các bàn thắng của Việt Nam thường là các tình huống ngẫu nhiên hay may mắn. Hiện tại, có những khoảnh khắc vẫn đến từ may mắn, nhưng tôi muốn lối chơi của đội hiện đại hơn".
Ông cũng từng đối đầu với truyền thông ở Asian Cup 2023 khi nói: “Truyền thông Việt Nam thiên về cảm xúc hơn, có phần giống khán giả. Họ không ghi nhận những gì chúng tôi đã làm trong 8 tháng qua”.
Chuỗi trận thất vọng, cùng lối chơi thiếu bản sắc, những bất thường trong việc sử dụng nhân sự và cách hành xử trịch thượng đối với truyền thông khiến HLV Troussier bị chỉ trích ngày càng dữ dội. Ông cũng là vị HLV nhận làn sóng phản đối từ rất nhiều CĐV khi ở trận đấu với Indonesia tối 26/3, hàng nghìn người mang băng rôn với khẩu hiệu "Sa thải Troussier", "Troussier out" đến sân Mỹ Đình. Giữa và sau trận đấu, họ còn đồng thanh hô vang, yêu cầu nhà cầm quân người Pháp từ chức. Đây là điều chưa từng có đối với một HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
I.Vì sao HLV Troussier thất bại với bóng đá Việt Nam?
Việc ông Troussier rời ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam phần nào giải tỏa được áp lực từ người hâm mộ. Tuy nhiên, VFF liệu có vô can?
Sau thất bại thảm hại trước tuyển Indonesia với 3 bàn không gỡ, rất nhiều bạn đọc đã nêu ra vấn đề này và chờ đợi câu trả lời từ tổ chức quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam.
Một bạn đọc bình luận trên bài viết của HANOIONLINE cho biết: “VFF cũng nên xem lại trách nhiệm. Bóng đá ngày một đi xuống thì lỗi không phải hoàn toàn do HLV. Nếu chấm dứt hợp đồng với ông Troussier sớm hơn thì tình cảnh của tuyển Việt Nam liệu có tồi tệ như hiện nay? Trách nhiệm không chỉ thuộc về một mình HLV trưởng".
Một bạn đọc khác thì cho rằng: "Đội tuyển là hình ảnh và niềm tự hào của cả dân tộc. Không ai quay lưng với đội tuyển. Người hâm mộ chỉ thất vọng với cách chỉ đạo của HLV trưởng và sự thờ ơ của VFF khi đội tuyển ngày càng tụt dốc không phanh".
VFF đã làm người hâm mộ thất vọng trong việc lựa chọn một vị "thuyền trưởng" không thực sự phù hợp để dẫn dắt đội tuyển. Và hậu quả không phải là một chuỗi thất bại trên sân cỏ, mà còn làm mờ đi trong lòng người hâm mộ hình ảnh về di sản cuả một đội tuyển đã được xây dựng bài bản, chuyên nghiệp và máu lửa. Thêm vào đó, sau một loạt điểm rơi không có dấu hiệu dừng lại, VFF vẫn chần chừ trong việc giải quyết hậu quả, cho đến tận tối qua với những ánh mắt bất lực của các cầu thủ và người hâm mộ trên sân Mỹ Đình.
I.Vì sao HLV Troussier thất bại với bóng đá Việt Nam?
Bóng đá Việt Nam lại bắt tay vào hành trình tìm kiếm HLV trưởng mới cho đội tuyển quốc gia và U23. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam không chỉ cần giỏi mà còn phải phù hợp. Trong khi đó thành tích của đội tuyển Việt Nam đang đi xuống và thiếu vắng những ngôi sao.
Có thể thấy dưới thời ông Park Hang Seo, điều làm nên thành công của đội tuyển Việt Nam chính là sự gắn kết đội hình, văn hoá ứng xử của các chiến binh, sự am hiểu lẫn nhau giữa các cầu thủ khi họ ra sân... do họ chơi bóng cùng nhau suốt thời gian dài.
Mặc dù không có các cá nhân quá xuất sắc (không có cầu thủ nào chơi bóng thành công ở nước ngoài) nhưng họ đã làm nên những kỳ tích - kỳ tích của sự đoàn kết, thấu hiểu và quyết tâm.
Ở thời điểm hiện tại các cầu thủ chơi bóng rời rạc, mạnh ai nấy đá do cách mà HLV lựa chọn đội hình và đấu pháp. Lỗi không chỉ ở HLV mà còn ở cầu thủ chúng ta có trình độ còn thấp so với các nền bóng đá phát triển, theo cách nói của ông Troussier.
Thiết nghĩ, trong việc lựa chọn tân huấn luyện viên trưởng và thực hiện các mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới, VFF cũng đừng thử thách lòng kiên nhân của người hâm mộ nữa. Có lẽ trong trận đấu kéo dài suốt một năm qua, người hâm mộ đã thua rồi!
Sau một năm gắn bó, HLV Troussier cũng đã chính thức chia tay đội tuyển Việt Nam nhưng di sản ông để lại là những niềm đau. Mất mát lớn nhất là lãng phí thế hệ vàng trong một năm đặc biệt quan trọng như lứa Quang Hải, Công Phượng. Những thất bại ê chề của bóng đá Việt Nam là minh chứng nói lên hợp đồng với HLV Troussier là sai lầm quá lớn. HLV Troussier nhận mức lương cao ngất ngưởng nhưng gần 20 năm không dẫn dắt một ĐTQG, có nhiều nơi sa thải ông chỉ sau vài tháng làm việc. Thật tiếc vì VFF đã chọn ký hợp đồng dài đến 3,5 năm. Bóng đá Việt Nam bị mất niềm tin từ người hâm mộ. Sự phản ứng dành cho HLV Troussier diễn ra rất nhiều nhưng VFF chậm thay đổi.
Từ điểm tựa thành công kéo dài 5 năm, bóng đá Việt Nam phải làm lại từ đầu. Phía trước là những thách thức thực sự lớn khi không biết bao nhiêu năm để có một lúc hai lứa cầu thủ giỏi. Hình như có ai đó đã thắng ngoài HLV Troussier trong trận đấu kéo dài một năm qua. Còn người hâm mộ thì đang thua. Thua vì họ đã không chỉ nổi cơn giận dữ tập thể suốt một thời gian dài với vị huấn luyện viên vừa bỏ ghế mà còn giảm đi niềm tin với những người có quyền lựa chọn huấn luyện viên cho các "chiến binh sao vàng".
Thực hiện: Minh Anh
Đồ họa: Thanh Nga
- HLV Philippe Troussier: 'Việt Nam vẫn nắm trong tay quyền tự quyết'
- HLV Troussier nói gì sau thất bại cay đắng trên sân Mỹ Đình?
- HLV Troussier chính thức chia tay đội tuyển Việt Nam
- VFF hỗ trợ hơn 3 tháng lương cho HLV Phillippe Troussier
- Tại sao HLV Philippe Troussier thất bại với bóng đá Việt Nam?
Sáng 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và công bố vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Một tin vui bất ngờ đến với người hâm mộ Manchester City khi HLV Pep Guardiola quyết định gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ. Tin tức này có thể không mang lại cảm giác dễ chịu trong các phòng họp tại Old Trafford, Stamford Bridge, Anfield hay Emirates, nhưng đây là tin tuyệt vời cho Premier League và bóng đá Anh.
World Cup 2034 sẽ được diễn ra tại Ả Rập Xê Út. Mới đây, ban tổ chức đã công bố thiết kế sân vận động Nhà vua Salman tại thành phố Riyadh, nơi sẽ diễn ra các trận đấu World Cup 2034.
Chủ tịch đương nhiệm Liên đoàn bóng đá Brazil sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2026, do đó quá trình bầu chủ tịch nhiệm kỳ mới sẽ được bắt đầu vào tháng 3/2025. Cựu tiền đạo ĐT Brazil Ronaldo De Lima sẽ tham gia vào cuộc tranh cử này với mong muốn trao ghế HLV trưởng cho người đồng đội cũ Pep Guardiola.
Tại lượt trận thứ 11 vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ, hai ông lớn là Argentina và Brazil đều có những cú sẩy chân bất ngờ trước các đội bóng bị đánh giá yếu hơn là Paraguay và Venezuela. Chính vì vậy, hai đội bóng này đều đang tỏ ra quyết tâm để tìm lại niềm vui ở loạt trận vào sáng mai dù những đối thủ của họ sẽ không hề đơn giản.
Sau loạt trận đêm 18/11 của hai bảng A1 và A4, những cái tên còn lại góp mặt tại tứ kết UEFA Nations League đã được xác định.
0