Đài Hà Nội - Cuộc đời của tôi

"Đài Hà Nội là thanh xuân của tôi, là tình yêu của tôi, nơi tôi đã phấn đấu và trưởng thành. Hơn tất cả, Đài Hà Nội là cuộc đời của tôi" là lời chia sẻ của nhà báo Hoàng Mạnh, Trưởng Ban biên tập Hộp thư.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi vô cùng may mắn được nhận vào làm việc tại Đài Hà Nội. Tôi được phân công về làm phóng viên Ban biên tập Kinh tế.

Không thể diễn tả hết niềm vui ngày được về ban. Vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng về công việc, mặc dù từ hồi sinh viên năm cuối tôi đã tham gia cộng tác, viết khá nhiều cho các số Hà Nội mới cuối tuần của Báo Hà Nội mới và cũng có thời gian tập sự tại Đài. Trước năm 1995, trụ sở Đài còn ở 26 và 47 Hàng Dầu. 

Nhà báo Hoàng Mạnh, Trưởng Ban biên tập Hộp thư.

Trưởng Ban biên tập Kinh tế hồi đó là cô Trần Thị Trâm, một người vô cùng khắt khe trong công việc. Cô rèn tôi từng câu, từng chữ, không bao giờ được phép sai chính tả, sai ngữ pháp. Tin, bài viết không đạt là cô khá gay gắt. Tôi rất sợ, nhưng chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Đâu đó, khoảng một năm sau thì cô nghỉ hưu. Rồi những trưởng ban kế tiếp như chú Hồ Ngọc Xuân, chú Viêm Hoàng, cô Đỗ Thanh cũng là những người vô cùng kỹ lưỡng, rất khắt khe, nhưng cũng rất gần gũi. Đặc biệt, chú Viêm Hoàng không chỉ dạy tôi làm nghề mà dạy tôi cả lời ăn tiếng nói thường ngày.

Hồi đó, tôi được giao phụ trách lĩnh vực công nghiệp. Thời điểm này, thời lượng phát sóng truyền hình chưa nhiều, nhưng mỗi tuần tôi phải đảm nhận một chuyên đề kinh tế. Trên chiếc xe máy, tôi dọc ngang khắp nội ngoại thành, từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác. 

Hồi đó, nếu thuận tiện thì phóng viên chủ động quay bằng máy quay VHS tự trang bị. Phóng viên nào thuộc “gia đình khá giả” mới đủ tiền mua máy quay loại Panasonic M3000, sau này có M9000 chất lượng tốt hơn. May mắn tôi mượn được đồng nghiệp máy để tự đi quay. Ngày đó, Đài Hà Nội có chương trình ai cũng biết tên, đó là “Dạo quanh thị trường, dạo qua phố phường”. Ban biên tập Kinh tế đảm nhận mục “Dạo quanh thị trường”. Đó là những ngày đáng nhớ, khi dường như ngày nào mấy phóng viên trẻ chúng tôi cũng tự vác máy lên đường khắp các phố phường, chợ nội thành. 

Mấy năm sau, công nghệ được chuyển đổi từ băng VHS sang Betacam. Hạnh phúc dạt dào của phóng viên chúng tôi là mỗi lần được phát băng Betacam 30 phút để quay và 60 phút để dựng. Chúng tôi giữ băng Betacam như giữ báu vật.

Nhà báo Hoàng Mạnh cùng các đồng nghiệp tại phòng làm việc.

Thời điểm những năm 1995 - 2000, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Nhuận bút của phóng viên rất thấp, có thời kỳ tôi chỉ có lương khoán 600 nghìn đồng/tháng. Nhưng niềm đam mê với nghề, tình yêu đối với Đài, những phóng viên trẻ chúng tôi vẫn miệt mài, quên đi những khó khăn vất vả. Không biết bao đêm chúng tôi ngủ lại cơ quan để xem băng, viết bài. Nhưng đó cũng là những ngày lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng đồng nghiệp. 

Nhưng những khó khăn vất vả và sức bền của lớp phóng viên trẻ chúng tôi không thể sánh với thế hệ những phóng viên đi trước. Tôi vẫn nhớ, từ rất sớm các cô chú, anh chị phóng viên trong ban đều đã có mặt, rồi tỏa đi khắp nội ngoại thành. Vất vả nhất là những phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp, nắng hay mưa, bão hay lũ, lúc nào cũng bươn bả ngoài ruộng đồng, tại các công trình thủy lợi. Một sự tận tụy đến lạ thường. Chính sự hy sinh với nghề của thế hệ cán bộ, phóng viên đi trước đã khiến chúng tôi thấy cần cố gắng hơn, trách nhiệm hơn với công việc.

Giai đoạn những năm 2000, Đài có chủ trương nâng cao chất lượng nội dung bằng việc khuyến khích sản xuất phim tài liệu và phóng sự chất lượng cao. Mỗi tác phẩm khi được phát sóng phải qua Hội đồng duyệt. Tác phẩm được duyệt vô cùng khắt khe, từ hình ảnh tới nội dung. Đây là giai đoạn lớp phóng viên trẻ chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các cô chú, anh chị đồng nghiệp. Không ít phim tài liệu, phóng sự tài liệu tôi đã làm, đó là những dấu ấn không thể quên trong những năm làm tại Đài Hà Nội.

Và thật hạnh phúc, tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 26, tổ chức tháng 1/2007 tại TP.HCM, phim tài liệu do tôi viết kịch bản và đạo diễn, quay phim chính là anh Trung Hưng, kỹ thuật dựng Nguyễn Tuân, đã được trao huy chương Vàng. Niềm vui của tôi và vinh dự gọi tên Đài Hà Nội. Ở cuộc thi nghề như thế này, giành được giải cao là vô cùng khó, đặc biệt ở thể loại Phim tài liệu.

Ngay sau khi bộ phim giành giải, tôi đã cảm ơn Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Trần Gia Thái, chính ông đã quyết định đưa tác phẩm của chúng tôi đi dự thi. Bộ phim có tên “Con đường ánh sáng” lấy ý tưởng từ cuốn tự truyện “Tôi mù” của cô gái khiếm thị Nguyễn Thanh Tú. Bộ phim là bức thông điệp dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng cần có niềm tin. Niềm tin và ước mơ sẽ giúp những người số phận thiệt thòi có nghị lực vượt lên đón nhận cuộc sống.

"Không chỉ là tình yêu, Đài Hà Nội là cuộc đời của tôi" - Nhà báo Hoàng Mạnh, Trưởng Ban biên tập Hộp thư.

30 năm gắn bó với Đài Hà Nội, trải qua nhiều vị trí công tác, những công việc mới, thử thách mới, có rất nhiều niềm vui và những suy tư trăn trở. Có thời kỳ Đài phát triển thịnh vượng, nhưng cũng có những giai đoạn khó khăn. Nhưng chưa bao giờ tôi hết đam mê với công việc. Đài Hà Nội là thanh xuân của tôi, là tình yêu của tôi, nơi tôi đã phấn đấu và trưởng thành. Hơn tất cả, Đài Hà Nội là cuộc đời của tôi.

Rất nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên đã đóng góp công sức, trí tuệ, họ cũng dành tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời cho Đài Hà Nội. Trong đó có rất nhiều người tôi trân trọng, yêu mến, có những người thầy đã dìu dắt tôi từng bước trưởng thành. 

Để hôm nay, mùa thu của 70 năm, truyền thống được khơi dậy, trí tuệ và sức trẻ được phát huy, Đài Hà Nội đang vươn lên tầm cao mới.

Nhà báo Hoàng Mạnh cũng các đồng nghiệp thực hiện một chương trình tại trường quay S1.

Nhà báo Hoàng Mạnh

Trưởng Ban biên tập Hộp thư

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, hơn ai hết, những cựu chiến binh hiểu rõ giá trị của hòa bình cho Tổ quốc và giá trị của yên bình với mỗi người. Bình yên của người cựu chiến binh, chẳng cần to tát hay xa vời, chỉ là những buổi chiều đi bộ trên phố phường tấp nập, nhìn nắng nhạt xuyên qua những tán cây.

Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.

Giáng Sinh đang đến gần, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy, thu hút du người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức không khí đặc biệt mùa lễ hội.

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.

Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…