Đài Hà Nội – Nơi tình yêu bắt đầu

"Hà Nội vào thu. Thu luôn gợi nhớ những kỷ niệm đã qua. Tôi yêu Hà Nội, yêu mùa thu Hà Nội, không chỉ bởi Hà Nội vào thu đẹp nhất, mà còn vì thu Hà Nội đã mang tới và nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu lớn - Tình yêu dành cho Đài Hà Nội" - Phát thanh viên Lưu Hường.

Là một sinh viên Văn khoa – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi dự định sau khi tốt nghiệp, mình sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn, hoặc một biên tập viên trong một nhà xuất bản nào đó ở Thủ đô. Nhưng cuối cùng, năm 2002, tôi lại bén duyên với truyền hình, trở thành một phát thanh viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây. Và rồi 5 năm sau đó, năm 2008, tôi trở thành một phóng viên, biên tập viên của Đài Hà Nội, gắn bó với phát thanh của Đài Hà Nội cho tới tận bây giờ.

Người đứng sau các chương trình phát thanh podcast Lưu Hường Blog chiều trên sóng FM, phát thanh viên Lưu Hường.

Còn nhớ ngày tôi đến Đài Hà Tây thi tuyển, hoa sữa nở thơm nồng từng góc phố, từng con đường tôi qua. Hội đồng giám khảo chấm thi hôm đó có phát thanh viên Minh Trí của Đài Truyền hình Việt Nam, Nghệ sĩ - Biên tập viên Thu Cúc và các cô chú gạo cội trong nghề. Một cô bé từ quê ra Hà Nội học, tóc còn dài quá eo, cổ đeo kiềng bạc, trải qua 5 vòng thi với đầy những hồi hộp, lúng túng, hy vọng. Cho tới khi kết thúc vòng thi cuối cùng, Giám đốc Đài Hà Tây, cô Đỗ Minh Ngọc hỏi tôi một câu: "Nếu được chọn vào Đài, cháu có dám cắt bớt mái tóc dài của mình không?".

Tôi không hề ngần ngại trả lời ngay: "Dạ, nếu được nhận vào Đài, cháu sẵn sàng cắt tóc ạ!". 

Tôi đã bắt đầu tình yêu của mình như vậy đó!

Ngày ấy, tôi được trải nghiệm và học nghề, rèn luyện ở nhiều công việc, từ phát thanh viên truyền hình, thư ký phòng biên tập chương trình, đến phóng viên phát thanh. Ngay từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, lịch lên hình của tôi đã dày đặc các khung giờ hằng ngày sáng, trưa, chiều, tối. Ngày làm việc thường bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 22h đêm. Tôi say nghề quên cả thời gian…

Ngày Đài Hà Tây và Đài Hà Nội về chung “một nhà” đó là thời điểm năm 2008, một môi trường làm việc mới với không ít điều mới mẻ. Với công việc của một phóng viên phát thanh, tôi bắt đầu hành trình học lại từ đầu, làm quen với trạm Dalet và tất bật với những tin bài mảng nội chính.

Có trong nghề mới thật sự hiểu, dù làm phóng viên phát thanh hay truyền hình đều vô cùng vất vả và phải biết hy sinh. Bằng tình yêu lớn đối với nghề, tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách.

Đài Hà Nội - Nơi tôi bắt đầu một tình yêu, vun đắp tình yêu đó suốt hơn 20 năm qua đã mang đến cho tôi và những đồng nghiệp rất nhiều niềm vinh dự với nghề qua mỗi mùa giải. Riêng với tôi, giải B Giải Báo Quốc gia năm 2012 với tác phẩm "Hà Nội với biển đảo quê hương" luôn làm tôi nhớ mãi lần làm chương trình về những người lính đảo. Tôi không bao giờ quên cảm xúc của mùa thu năm ấy, khi tôi và đồng nghiệp nối cầu phát thanh từ Hà Nội ra Đảo Trường Sa lớn, Đảo Song Tử Tây để thực hiện chương trình này. Tín hiệu sóng lúc đó khi rõ khi mờ, nghe giọng các anh truyền về từ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Rồi những lần tác nghiệp, về với hậu phương của những người lính đảo, tôi mới có cơ hội thấu hiểu những gian khó mà hậu phương những người lính đã và đang phải vượt qua. 

Phát thanh viên Lưu Hường cùng khách mời trong phòng thu kênh FM96.

Còn nhiều những giải Vàng, giải Bạc cho chúng tôi tâm thế tự tin, bước tiếp hành trình nghề làm báo phát thanh. Năm nay, khi Thủ đô bước vào kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, Đài Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, tôi cùng các đồng nghiệp của Đài đã kịp mang về một huy chương Bạc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2024.

Đài Hà Nội đã đi qua bao thăng trầm, có những lúc khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng hôm nay, Đài Hà Nội đang vươn mình đổi khác, khang trang hơn, hiện đại hơn. Chương trình của chúng tôi từ phát thanh đến truyền hình, hay trên các nền tảng số được nhiều người yêu thích đón đợi. 

Những bữa ăn trưa miễn phí ở căng - tin, không gian ấm áp, lãng mạn cùng ly cà phê nơi Vườn Sung. Khu vườn giữa lòng Đài Hà Nội trở thành chốn gặp gỡ, trò chuyện cởi mở thân tình của người nhà Đài Thủ đô ta sau những giờ làm việc.

Và tôi, sau khi kết thúc các bản tin thời sự trên kênh FM96, lại được ôm chiếc guitar bên Vườn Sung đầy lãng mạn, vừa thả hồn qua từng nốt nhạc, phiêu du cùng mùa thu Hà Nội, vừa chuẩn bị cho số podcast Lưu Hường Blog chiều ngày mai. 

Gần 500 số podcast Lưu Hường Blog chiều trên sóng FM mà tôi có được cho đến giờ phút này cùng những ca khúc tôi hát với guitar trong mỗi chương trình, cất giấu trong đó tình yêu sâu đậm của tôi dành cho Hà Nội, cho Đài Hà Nội, và cho những người tôi yêu thương. 

Đài Hà Nội, nơi tôi bắt đầu một tình yêu, và tôi tin rằng tình yêu đó sẽ còn theo mãi…

Lưu Hường

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Phở không chỉ là một món ăn mà là một thói quen, một phần không thể thiếu trong nhịp sống hàng ngày của nhiều người đang sinh sống tại Hà Nội, họ ra phố ăn phở chẳng kể sáng, trưa hay chiều, tối.

Lễ hội kéo co ngồi được tổ chức hàng năm ở đền Trấn Vũ vào ngày 3/3 âm lịch – một lễ hội truyền thống đã được UNESCO phong tặng danh hiệu di sản phi vật thể, được bà con phường Thạch Bàn, quận Long Biên gìn giữ suốt hàng trăm năm qua.

Giữa nhịp sống nhộn nhịp của thành phố, vẫn có giờ phút quý giá để những người trẻ dành sự quan tâm của mình cho những điều ý nghĩa, thông qua suất cơm chỉ 5.000 đồng.

Nhiều người Hà Nội chọn ăn sáng bún riêu cua đồng như một thói quen hàng ngày bởi yêu thích hương vị chua thanh dịu nhẹ, dễ ăn.

Để nâng cao đời sống bà con ngoại thành, không thể thiếu vai trò của những người thợ sửa chữa, lắp đặt điện nước. Họ góp phần xây dựng cuộc sống tiện nghi hơn.

Những chiếc xe bán hàng ăn lưu động hàng đêm đều có mặt trên nhiều góc phố, con đường, đem theo những món ăn nóng hổi phục vụ mọi người, góp phần vào nhịp sống đêm vừa quen, vừa lạ của Hà Nội.